Hun hút Mường Tè

Thứ Bảy, 11/07/2020, 10:35
Một ngày cuối tháng 6, chúng tôi lên Mường Tè. Thời tiết ở Hà Nội là 39 độ C nhưng chỉ vừa tới thành phố Lai Châu thôi đã thấy dịu đi nắng nóng. Chừng như biết chúng tôi muốn đi “tránh nóng” hay sao mà các anh ở Phòng Chính trị bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu chỉ định luôn “Mời các nhà báo Thủ đô sớm mai lên Mường Tè. Các nhà báo sẽ có những trải nghiệm ở xã Mù Cả và xã Thu Lũm”.

Mường Tè! Mường Tè! Địa danh thoạt nghe ai nấy đều đã thấy hun hút, đã thấy vời xa. Chiếc xe 16 chỗ ngồi theo quốc lộ 12 lao đi đến ngã ba cầu Pa Tẩn bắc qua sông Nậm Na thì bắt vào quốc lộ 4H để lên Mường Tè (quốc lộ 4H đã được nối thông sang huyện Mường Nhé của tỉnh Điện Biên).

Phong cảnh xã Mù Cả.

Xôn xao Mù Cả

Chiều muộn chúng tôi mới tới được xã Mù Cả. Ở ngay đầu xã đã thấy những chiếc ô tô tải nặng nề chạy lên chạy xuống. Cơn mưa đã làm đoạn đường ở đây đã nhão bởi những bánh xe lăn giờ lại thêm nhão nhoét. Anh Thanh Tùng, cán bộ biên phòng tỉnh đi cùng đoàn, cho biết “Đây là công trường xây dựng nhà máy thủy điện Pắc Ma. Nhà máy nằm trên địa bàn xã Mù Cả và là nhà máy thủy điện ở đầu nguồn sông Đà. Khi nhà máy hoạt động thì xã Mù Cả sẽ “tự túc” được về điện”. Tôi nhìn bao quát công trường, đúng là một không khí lao động khẩn trương, xôn xao cả cánh rừng biên cương.

Đêm Mù Cả, chúng tôi được bố trí ngủ tại bản Xi Nế. Trưởng bản Lỳ Tiến Dũng đã nhường cho đoàn công tác căn nhà mới cất của mình. Nhìn căn nhà lợp mái ngói đỏ tươi, tường bao đều bằng gỗ còn thơm mùi nhựa khiến chúng tôi vô cùng cảm kích. Mà cái nhà anh trưởng bản tuổi bốn mươi này cũng lắm thành tích. Treo khắp tường là rất nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành tặng. Bố thì về thành tích xây dựng thôn bản, con thì về thành tích học tập. Tôi nói đùa “Thế thì bao nhiêu thành tích về nhà Dũng hết còn gì”. Trưởng bản Lỳ Tiến Dũng cười ngượng “Trong bản còn có nhiều nhà như thế lắm”.

Tôi lại đùa “Nhà toàn bằng gỗ thế này...”. Chưa đợi tôi nói hết câu thì trưởng bản Dũng xua tay “Ô cái đồng bào ở đây không chặt cây phá rừng đâu. Gỗ này được khai thác từ việc cắt bỏ những cây gọi là thừa ra thôi. Đồng bào giờ đây quý rừng và biết bảo vệ rừng lắm”. Nghe anh Dũng nói, tôi thấy cũng có lý hơn khi chợt nhớ từ lúc đi vào địa phận huyện Mường Tè đã thấy bên đường là những tấm bảng sơn xanh với dòng chữ trắng “Điểm chi trả tiền bảo vệ rừng”.

Bà con Bản Xi Nế chăn nuôi lợn.

Thì ra, sau khi Nhà nước có chủ trương xây dựng thủy điện Lai Châu thì tỉnh Lai Châu đã có ngay chương trình trồng cây và bảo vệ rừng đầu nguồn sông Đà. Người dân các huyện thuộc phạm vi thủy điện Lai Châu đã được tuyên truyền về ích lợi của cây rừng đối với đảm bảo nguồn nước cho nhà máy. Việc giao rừng tới từng hộ gia đình đã được tiến hành.

Anh Tùng ghé tai tôi nói nhỏ “Bà con bây giờ đã có tiền từ việc trồng rừng và bảo vệ rừng. Nhà ít thì cũng đôi triệu một tháng. Nhà nhiều thì khá hơn. Tiền từ nguồn này đã tạo cho bà con phấn khởi, yên tâm gắn bó với rừng và hưởng lợi từ rừng. Chả ai dại gì mà đi phá rừng đâu”. Được biết ở xã Mù Cả diện tích che phủ của rừng đã đạt gần 80%, cao nhất tỉnh Lai Châu.

Xã Mù Cả giáp với huyện Mường Nhé của tỉnh Điện Biên và có 5,663 km đường biên giáp với Trung Quốc. Toàn xã có 9 bản và bản xa nhất cách trung tâm xã những 60 cây số, xã có gần 2.200 nhân khẩu, trong đó người Hà Nhì chiếm số đông với 98%. Có thể nói. Mù Cả là xã của người Hà Nhì.

Thật tình cờ, ngay buổi sáng hôm sau chúng tôi đã được “dự” buổi xuống bản của cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng 315 (Đồn biên phòng Mù Cả). Đó là một trong những buổi làm việc thường xuyên giữa đồn với bà con. Trước khi buổi làm việc bắt đầu, Trung tá Phạm Văn Hóa, đồn trưởng, đã giới thiệu luôn để chúng tôi mừng “Trước tiên xin giới thiệu với đoàn là chỗ cột mốc số 18 chính là nơi dòng sông Đà huyền thoại đổ vào đất Việt. Mù Cả là xã đầu nguồn của sông Đà”.

Rồi Trung tá Hóa nói tiếp “Đồn với bà con rất gắn bó. Bà con đều nghe lời bộ đội nên việc bảo vệ đường biên khá tốt. Những cuộc tuần tra chung giữa bộ đội biên phòng và dân quân diễn ra hết sức đoàn kết và có trách nhiệm. Hiện trong các thôn bản đều không có gia đình nào chăn nuôi thả rông cả. Toàn bộ gia súc, gia cầm đều được nuôi nhốt đảm bảo vệ sinh”. Trước lời khen đó, trưởng bản Lỳ Tiến Dũng cười “Học theo bộ đội thôi. Chăn nuôi theo kiểu bộ đội thôi. Sạch sẽ và gia súc mau lớn lắm”.

Buổi làm việc hôm nay còn có thêm các thành phần khác như chi hội phụ nữ và chi đoàn thanh niên. Tôi thực sự ấn tượng khi Lỳ Cà Sứ, chi hội trưởng phụ nữ bản phát biểu. Ơ mà cô chi hội trưởng phụ nữ đẹp người, nói giỏi này có chồng cũng là cán bộ bản. Chồng của Lỳ Cà Sứ là phó bí thư chi bộ nên hai vợ chồng “bận bịu” việc bản việc xã suốt. Tôi hỏi “Cả hai cứ đi họp rồi đi sản xuất nhiều như thế này thì con cái ai chăm?”.

Trường Mầm non xã Thu Lũm mới xây dựng.

Lỳ Cà Sứ nghiêng nghiêng mái đầu cười rất vui, nụ cười của cô làm đong đưa những quả bông màu đỏ được mắc quanh chiếc khăn quấn đầu. “Xinh quá đi mất”, cậu Chiến Sơn, phóng viên quay phim của đoàn phải vội rời mắt khỏi ống kính máy quay để nói một câu cho “đỡ” phải nín trong bụng. Lỳ Cà Sứ lại cười phô hàm răng trắng muốt. Được đà nên phóng viên Chiến Sơn “lấn tới”. Cậu ta đùa, đề nghị được thơm vào má của Lỳ Cà Sứ. Lỳ Cà Sử đỏ mặt lên nhưng cô vẫn nói được “Không cho nhà báo Hà Nội thơm lên má đâu. Chỉ cho chụp ảnh cùng thôi”.

Phóng viên Chiến Sơn tuy “tẽn tò” nhưng cũng gặng hỏi “Sao không cho nhà báo Hà Nội thơm?”. “Vì nhà báo thơm xong lại về Hà Nội. Chỉ cho bộ đội biên phòng thơm vào má thôi vì bộ đội dạy dân chăn nuôi cày cấy và bộ đội ở lại đây với bản”. Vui thế đấy, mọi người đều cười vui vì câu trả lời “hay nhất trong năm” của Lỳ Cà Sứ.

Rồi trưởng bản Lỳ Tiến Dũng cho biết “Bản mình có 87 hộ, bà con ngoài chăn nuôi bò, trâu và dê ra thì bà con tích cực trồng ngô, trồng lúa. Cây lạc, cây đỗ cũng đã được bà con trồng nhiều. Đời sống khấm khá nhiều và cuộc sống không đơn điệu nữa”.

Chuyện thấy được ở Thu Lũm

Kết thúc hơn 2 giờ đồng hồ chuyện trò với bà con bản Xi Nế thì đoàn chúng tôi xin tạm biệt để tranh thủ lên xã Thu Lũm. Theo giới thiệu của anh Tùng thì đường lên Thu Lũm chỉ toàn leo dốc bởi xã Thu Lũm nằm ở độ cao từ 1.500 đến 1.800 mét.

Quả tình đường lên Thu Lũm cứ thấy ngược lên. Chiếc xe ậm à leo dốc nhưng để bù lại là một không khí vô cùng thoáng đãng. Hai bên đường chốc chốc lại hiện ra những khung cảnh tuyệt đẹp. Về chiều, trời quang mây tạnh. Vòm trời như khoáng đạt hơn và cao xanh hơn. Qua ô cửa xe, chúng tôi thấy nếu không là những thửa ruộng bậc thang óng ánh dưới nắng thì là những nương ngô và đặc biệt là những nương sả. Kể từ khi đưa cây sả vào sản xuất thì đời sống bà con xã Thu Lũm khấm khá lên rõ rệt. Tuy nhiên, việc sản xuất sả còn dừng lại ở xuất khẩu tinh dầu sả chứ chưa sản xuất và xuất khẩu những sản phẩm sả có giá trị cao hơn.

Tác giả phỏng vấn Lỳ Cà Sứ.

Chúng tôi dừng lại bên đường, đúng chỗ bà con đang làm nương trồng ngô. Có thể nói Thu Lũm rất khó khăn về đất canh tác. Để có được những thửa ruộng bậc thang đẹp hút mắt, để có được những nương ngô bắp to mẩy hạt, để có được những nương sả thơm đậm thơm cay là công sức của biết bao thế hệ. Điều nhận định đó được nhận biết qua những bức tường che chắn các nương ngô nương sả. Bà con ở đây đời này qua đời khác đã chắt chiu công sức nhặt nhạnh từng viên đá để tìm cho mình chút đất trồng cây. Đá ở Thu Lũm mà bà con đào bới nhặt nhạnh thu dọn là thứ đá dăm. Từng viên đá dăm nhỏ như ba ngón tay được xếp chặt chẽ thành những bờ tường rào quanh nương.

Đá dăm nhỏ như vậy còn được bà con đem về kỳ công xếp thành những bức tường nhà. Nhà xếp đá tuy không mới lạ với bà con miền núi nhưng ở Thu Lũm cái khác và cái khó chính là đá dăm quá nhỏ. Tôi chợt so sánh với những bức tường rào, với những bức tường nhà của bà con người Mông ở Hà Giang chẳng hạn. Đá xây dựng nhà ở Hà Giang là những viên đá to, dễ vận chuyển, dễ xếp và lại xếp nhanh. Chứ xếp đá dăm ở Thu Lũm thấy kỳ công, mất nhiều thời gian lắm.

Tôi giơ vội máy ảnh để kịp thu vào ống kính bản Thu Lũm đẹp dịu dàng với những ngôi nhà tường xếp bằng đá dăm. Những bức tường chặt tràng và kín kẽ đến mức có độ bền vững hàng chục năm.

Đón chúng tôi ở ngay cổng trụ sở xã, ông Chu Xé Lù, Bí thư Đảng ủy xã Thu Lũm tay bắt mặt mừng. Ông Lù cho hay “Xã có 9 bản với 2.500 nhân khẩu. Người Hà Nhì chiếm 82%. Còn lại là người Dao, người La Hủ. Bà con đoàn kết và chung tay cùng nhau”. Nói rồi ông sốt sắng theo xe dẫn chúng tôi đi thăm khu trường học và nhà văn hóa xã đang xây dựng.

Bà con nghỉ ngơi bên nương ngô ven đường.

Tôi hơi ngỡ ngàng. Một xã vùng cao ấy vậy mà trung tâm xã giống như một thị tứ. Những cửa hàng bán quần áo hay mua bán điện thoại di động, những gian hàng bán nhu yếu phẩm và cả những cây xăng nho nhỏ. Vụt qua chúng tôi mà mấy cô mấy cậu quần jean, áo phông, tóc đỏ tóc vàng, vèo vèo xe máy, trên tay là những chiếc smartphone mới toe. Tôi nghĩ “Ai dám bảo đây là nơi xa xôi và hun hút nhỉ?”.

Nguyễn Trọng Văn
.
.