Huyền thoại trên cao nguyên đá

Thứ Ba, 22/02/2011, 10:15
Ngày 3/10/2010, tại Lesvos (Hy Lạp), cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) đã chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu GGN (Global Geoparks Network). Đây là nơi duy nhất trên toàn thế giới có quần thể dân cư sinh sống lâu đời ngay trong khu vực công viên địa chất.

Đáng tiếc, hầu hết các dân tộc sống trong lòng di sản thiên nhiên rộng lớn ấy (ngoại trừ người Dao) đều không có chữ viết nên không có nền văn hiến, thư tịch lưu truyền. Lịch sử, văn hóa của hàng chục dân tộc anh em trên một vùng thiên nhiên kỳ vĩ chỉ được khám phá như những huyền thoại, ẩn hiện như khói sương lan tỏa trên các triền dốc dựng đứng của nơi  từng được mệnh danh  là "xứ sở của những cổng trời".

KỲ I: NHỮNG CUỘC THIÊN DI

Chúng tôi có mặt tại Đồng Văn vào cận tết Tân Mão, đúng vào những ngày đầu tiên của đợt rét đậm, rét hại kéo dài cả tháng. Buổi sáng sớm, nhiệt độ vào khoảng 7-80C. Rét buốt, dường như không chỉ du khách lười ra đường mà ngay cả đến đá bản địa cũng chẳng muốn cựa mình. Núi đá trập trùng với những triền dốc hình thành nên những cổng trời nổi tiếng Quản Bạ, Cắn Tỷ, Mã Pí Lèng,... cũng im phăng phắc như đang vùi trong giấc ngủ đông dằng dặc. Sâu hun hút dưới chân Mã Pí Lèng (nghĩa là đèo “pín” ngựa), đoạn từ Đồng Văn xuyên sang Mèo Vạc, sông Nho Quế cũng bất động một vệt sáng bạc, chỉ hiện ra mờ  mờ sau lớp sương dày vừa bị những tia  nắng hiếm hoi cuối mùa đông xé rách.

Tuy đã là di sản, là thành viên của mạng lưới công viên địa chất toàn cầu, miền đá Đồng Văn vẫn "ngủ yên", theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Chưa có thêm bất kỳ một hoạt động xây dựng, khai thác nào xứng tầm và song hành cùng danh hiệu "di sản địa chất thế giới". Ngay cả cổng chào hay panô, bảng hiệu cũng chỉ mới được dựng thêm dè dặt vài  ba cái ở đầu mỗi huyện lị. Vật liệu xây dựng thô sơ, không giấu giếm ý nghĩa tạm bợ, tượng trưng, sẵn sàng để được tháo dỡ, thay thế  bất kỳ  lúc nào...

Thật may mắn, chuyến ngược Hà Giang tôi được đồng hành cùng ông Mã Ngọc Giang, Giám đốc Ban quản lý dự án Công viên Địa chất cao nguyên đá Đồng Văn và Tiến sĩ Mai Thanh Sơn của Viện Phát triển bền vững vùng Trung Bộ, thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Là nhà quản lý, ông Giang nắm số liệu dân cư, địa hình, loại hình di sản và chủ trương bảo tồn, khai thác Công viên Địa chất cao nguyên đá Đồng Văn trong lòng bàn tay.

Tiến sĩ Mai Thanh Sơn, nickname "sonhmong" thì lại là người đã có nhiều công trình nhân học - dân tộc học nghiên cứu về lịch sử, văn hóa của một số dân tộc vùng Bắc và Tây Bắc, nhất là với người Mông, quần thể chủ nhân đông đảo nhất của vùng cao nguyên đá. Những thắc mắc của tôi vì thế đã không mất nhiều thời gian để tìm câu trả lời.

Ông Mã Ngọc Giang cho biết, từ nay đến hết tháng 6/2011, nhiệm vụ của BQL Dự án là  hoàn tất hồ sơ để phục vụ cho công tác thẩm định theo yêu cầu của GGN. Có tất cả hơn 100 di sản, trong đó có trên 10 di sản quốc tế cực kỳ quý hiếm như hẻm núi Mã Pí Lèng, núi đồi Quản Bạ, hóa thạch cổ sinh, voọc mũi hếch, cây thông đỏ, cây 7 lá 1 hoa... cần được nghiên cứu, đánh giá, thẩm định tỉ mỉ trước khi "chạm tay" vào. Sớm nhất cũng phải đến đầu năm 2012, những dự án tác động đầu tiên, cả vật chất lẫn tinh thần vào cao nguyên đá mới bắt đầu, tránh kiểu can thiệp "xây không bằng phá" đã từng xảy ra một cách đáng tiếc đối với không ít miền di sản khác.

Ôm hết mỏm cực Bắc Việt Nam, miền đất di sản Cao nguyên đá Đồng Văn trải rộng trên một khu vực 2.352km2 gồm 4 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ. Trước khi chia tách vào năm 1962, cả 4 huyện này được gọi chung là cao nguyên Đồng Văn. Dân số hiện tại của vùng công viên địa chất vào khoảng 250.000 người, trong đó người Mông đông nhất, chiếm khoảng 77%. Văn hóa Mông, tập quán người Mông... do đó cũng in dấu đậm nét nhất trên vùng đất này. Ngoài ra còn có thêm 16 dân tộc khác như Tày, Dao, Nùng, Lô Lô, Giáy, La Chí, Pà Thẻn, Cờ Lao, Kinh... quần tụ hợp thành một đại gia đình các dân tộc sống rải rác trong 224 làng bản khắp cao nguyên đầy những triền đá.

Cột cờ Lũng Cú nằm trên đỉnh núi Rồng, có độ cao trên 1.700m so với mực nước biển. Cách đó chỉ chừng 200m đường chim bay là điểm cực Bắc của đất Việt, nằm giữa lòng sông Nho Quế, ranh giới tự nhiên phân chia cương thổ 2 nước Việt - Trung. Ngay tên gọi của điểm địa đầu cũng đã chứng tỏ  mảnh đất này là nơi sinh sống từ rất lâu đời của nhiều dân tộc khác nhau. Chữ Lũng Cú được giải thích là từ đọc trại của nhiều âm Hán Việt khác nhau, gồm Lùng Cư, Long Cổ, Long Cư, Long Cú... với nhiều ý nghĩa khác nhau như Đất Trồng Ngô, Sừng Rồng, Trống Rồng, Mắt Rồng, hay vùng Đất Rồng, tùy theo quan niệm và cách phát âm của các dân tộc sống quanh đó. Cột cờ đầu tiên được Lý Thường Kiệt dựng nên bằng nguyên một gốc samu lớn đem về từ Quảng Tây (Trung Quốc) sau khi hạ thành Ung Châu trên đất Tống, năm 1076.

Dưới chân cột cờ có một bản người Lô Lô lâu đời, tiếng địa phương gọi là Lô Lô Chải (bản người Lô Lô). Đến giữa tháng 1/2011, Lô Lô Chải vẫn chỉ có 96 nóc nhà, 492 nhân khẩu. Ít ỏi, nhưng những người Lô Lô này cùng với một bản người Pu Péo nhỏ khác bên kia núi Rồng lại là những chủ nhân đầu tiên của cao nguyên đá, tổ tiên họ là những người có mặt sớm nhất và có công khai phá đầu tiên miền đất Đồng Văn, trước cả thời điểm Lý Thường Kiệt dựng cột cờ Lũng Cú.

Bản Lô Lô này còn giữ 2 báu vật là cặp "khà dừ" (trống đồng), một trống đực, 1 trống mái có niên đại từ thế kỷ XIV. Ngày thường, trống được chôn xuống đất, khi có tang ma hay lễ lạt lớn mới được đào lên, chọn đàn ông đã yên bề gia thất, hội đủ tiêu chuẩn thủ trống. Từ cặp trống đồng này, người Lô Lô Chải có thêm một cách giải thích, rằng Lũng Cú là cách đọc âm của từ Long Cổ, nghĩa là Trống Rồng!

Đồng chủ nhân của cao nguyên đá Đồng Văn, người Tày là dân tộc có kho tàng phonklore (văn hóa dân gian) rất phong phú. Bên cạnh những nét tương đồng trong quan niệm, tín ngưỡng... với các dân tộc  láng giềng, kho tàng sử thi, thần thoại, truyện cổ tích, dân ca, tục ngữ Tày còn hàm chứa rất nhiều nét tương đồng văn hóa lúa nước với các tác phẩm truyền miệng cùng thể loại của người Kinh ở miền xuôi. Tuy nhiên, chỉ có người Dao là sắc dân cổ ở Đồng Văn có văn tự riêng, một kiểu chữ Nôm Dao dùng ký tự chữ Hán ghi cách đọc âm tiếng Dao như kiểu chữ Nôm của người Việt miền xuôi.

Người Mông được ghi nhận đến muộn hơn, mãi cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII mới có mặt tại Đồng Văn. Về nguồn gốc, tuy còn rất nhiều tranh cãi, song các nhà dân tộc học hầu như đều đồng ý rằng, người Mông Việt Nam nói chung và người Mông cao nguyên Đồng Văn (Hà Giang) nói riêng là một đại tộc tách ra từ liên minh bộ lạc Cửu Lê sinh sống tập trung ở vùng Kinh Châu - Giang Hoài (nay thuộc tỉnh Hồ Nam và một phần tỉnh Quý Châu, Trung Quốc). Liên minh bộ lạc này hình thành trên cơ sở sự thống nhất các bộ lạc Miêu - Dao cổ có lịch sử khoảng 5.000 năm.

Cột cờ Lũng Cú nhìn từ Lô Lô Chải.
Đèo Mã Pí Lèng từ Đồng Văn qua Mèo Vạc.

Suốt một tiến trình lịch sử dài dằng dặc, trong sự giao thoa, khi tương tác, khi chống đối với đại tộc Hán, liên minh bộ lạc Miêu - Dao đã có những biến động chia tách lớn cả về hai mặt địa lý và xã hội. Sau hàng thiên niên kỷ, địa bàn sinh sống của người Cửu Lê đã ngày một bị dồn sâu xuống phía tây nam khu vực địa bàn của người Hán, tập trung chủ yếu ở vùng Cao nguyên Vân - Quý (Vân Nam - Quý Châu). Trong quá trình thiên di, xã hội Cửu Lê cũng biến động dữ dội nhiều đợt, vừa phân rã, vừa phát triển thành các tộc Tam Miêu, Kinh Man, Kinh Sở, Vũ Lăng Man và cuối cùng phân hóa thành các tộc Miêu - Dao như ngày nay.

Tiến sĩ Mai Thanh Sơn cho rằng: "Cho đến nay, chưa ai có thể đưa ra một giả định có tính thuyết phục về thời gian cũng như trình tự phân hóa của các hệ phái Miêu". Kết quả của chuỗi phân hóa này lại tiếp tục hình thành nên hàng loạt sắc dân Mông mang các đặc điểm vừa mang nét tương đồng, vừa có sự khu biệt, gọi bằng những cái tên Mông Đỏ, Mông Đen, Mông Xanh, Mông Hoa, Mông Trắng... Quá trình phân tách diễn ra chủ yếu trong thời Minh - Thanh. Như vậy, về nguồn gốc, trước khi xuất hiện và cùng chung sống trên cao nguyên Đồng Văn, hai dân tộc Mông và Dao đã có quan hệ rất gần về nguồn cội.

Để lý giải nguyên nhân thiên di của người Mông vào Việt Nam, hầu hết các nhà nghiên cứu đều dựa vào những biến động xã hội ở khu vực Nam và Tây Nam Trung Quốc giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVII trở về sau. Tuy nhiên, về mốc thời gian lẫn nguyên nhân lịch sử, các giả thiết đều mang những điểm "chỏi" nhau cơ bản và gay gắt. Giả thiết được xem là hợp lý nhất, được nhiều nhà nghiên cứu cả Trung lẫn Việt đồng tình nhất có khuynh hướng gom quá trình thiên di này thành 4 đợt có quy mô lớn.

Đợt thứ nhất diễn ra vào mạt kỳ nhà Minh, giữa thế kỷ XVII. Trong hai năm 1658-1659, quân Thanh lần lượt đánh chiếm Quý Dương (Quý Châu) và Côn Minh (Vân Nam), đuổi Vua Minh Vĩnh Lịch chạy sang Myanmar. Hơn 2.000 người Mông thuộc 4 dòng họ là Vù, Hạng, Lý, Giàng - vì tránh loạn lạc - đã từ Quý Châu, Tứ Xuyên, Quảng Tây, Vân Nam di cư đến vùng núi Việt Nam, gần biên giới Việt - Trung.

Đợt thứ hai diễn ra vào nửa sau thế kỷ XVIII, theo Tiến sĩ Mai Thanh Sơn thì có thể sau thất bại của cuộc "khởi nghĩa Càn Gia" (1795 - 1796), đi thẳng từ Từ Quý Châu, xuống cao nguyên Đồng Văn. Đợt thứ ba vào nửa cuối thế kỷ XIX, thời các triều vua Hàm Phong, Đồng Trị nhà Thanh, thủ lĩnh của các dòng họ Lý, Dương, Vù và Vàng dẫn đầu các đoàn người Mông từ Quý Châu, Tứ Xuyên, Quảng Tây, Vân Nam chia làm 3 đường trong vòng 5 năm (một đường qua Quảng Tây, hai đường qua Vân Nam) tiến xuống vùng núi rộng lớn thuộc cả Đông và Tây Bắc Việt Nam.

Đợt di cư thứ tư - đợt lớn nhất - diễn ra sau cuộc chiến tranh Nha phiến của Trung Quốc (cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX). Hơn 1 vạn người Mông chia làm nhiều đoàn theo nhiều con đường khác nhau tiến vào khu vực miền núi ở cả phía Đông và phía Tây Bắc Việt Nam, trong đó có các huyện vùng cao nguyên Đồng Văn. Một bộ trong họ chỉ lấy Bắc và Tây Bắc nước ta làm điểm dừng chân, rồi tiếp tục di cư sang Đông và và Đông Bắc Lào, sau đó sang Đông Bắc Thái Lan.

Còn có một nguyên nhân xã hội khác bắt nguồn từ tập quán canh tác "đao canh hỏa chủng" (tức phát - đốt - chọc - trỉa). Đất đai canh tác bị thu hẹp và giảm độ phì, tình trạng "nhân mãn" xảy ra, người Mông từ phương Bắc lại di cư thành từng đợt lẻ tẻ theo từng nhóm nhỏ lùi dần về phương Nam. Tiến trình này xảy ra liên tục trong nhiều thế kỷ.

Bất đồng trong cách kiến giải về nguyên nhân và mốc thời gian, nhưng hầu hết các kết quả nghiên cứu lẫn tài liệu điền giả đều có xu hướng thống nhất rằng nguồn gốc người Mông cao nguyên Đồng Văn khởi phát từ cao nguyên Vân - Quý, đông nhất là từ Quý Châu. Nhiều bản làng Mông Hà Giang vẫn còn truyền tụng câu hát: "Quý Châu là quê hương yêu dấu của đồng bào Mông ta. Vì người Mông ta đói rách, vì dân Mông ta không có chữ, thua kiện người Hán nên phải mất nương, vì người Mông ta không có chữ nên phải dời quê".

Gia phả chép bằng chữ Hán của Giàng, họ Vàng ở Đồng Văn, Mèo Vạc cũng khẳng định tổ tiên họ sang Việt Nam đã được 16-17 đời, khoảng trên dưới 300 năm. Nơi đến đầu tiên được xác định là các xã thuộc huyện Mèo Vạc hiện nay. Trong dân ca được lưu truyền trong cộng đồng Mông nhiều nơi trên thế giới, kể cả ở Pháp, Mỹ, Thái Lan có một đoạn rất phổ biến kể về nơi phát tích: "Con cá ở dưới nước/ Chim bay ở trên trời/ Chúng ta sống ở vùng cao/ Con chim có tổ, Người Mông ta cũng có quê hương/ Quê hương ta là Mèo Vạc...".

Không nghi ngờ gì nữa, Mèo Vạc, rồi toàn vùng cao nguyên đá Đồng Văn, ngoài di sản địa chất tự nhiên còn  mang trong lòng nó cả một di sản nhân học - dân tộc học đồ sộ. Đó sẽ là một di sản điểm nhấn, một mục tiêu nghiên cứu quan trọng và hấp dẫn đối với giới khoa học và những người  thích khám phá trên toàn trái đất

(Còn nữa)

N.H.L.
.
.