Khi “thần chết” thích đùa

Thứ Bảy, 13/08/2011, 19:40

Ở xứ ta, nhất là các vùng nông thôn hẻo lánh, khi có người bệnh vừa tắt thở, người thân liền nghĩ ngay rằng họ đã chết, không cần ý kiến giám định của bác sĩ đã báo tử rồi chôn cất. Liệu đã có trường hợp nào, sau khi mồ yên mả đẹp, người chết bừng thức giấc rồi… chết tiếp vì ngộp thở?

Một trường hợp kỳ quặc

Chuyện xảy ra từ năm 2002 nhưng đến tận bây giờ, người dân ở khu Miễu, hẻm 45, đường Huỳnh Thúc Kháng, phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ vẫn còn bàng hoàng khi nhớ lại cái chết lạ kỳ của anh Võ Thanh Tòng ngụ ở nhà số 53/68.

Võ Thanh Tòng sinh năm 1969, là một thanh niên hiền lành, khỏe mạnh. Anh có 5 anh chị em gồm 4 trai, 1 gái. Tất cả đều có gia đình riêng. Hầu hết anh chị em của anh đều sống bằng nghề thợ hồ, thợ bê (thợ quét vôi, sơn nội ngoại thất). Anh Tòng là một thợ bê giỏi và siêng năng nên việc làm luôn luôn ổn định. Những người hàng xóm đều nhận định anh là người lành tính. Ngoài chuyện uống rượu nhiều sau những buổi làm việc cực nhọc, anh Tòng không có thói hư tật xấu nào nữa. Năm 24 tuổi, anh cưới vợ và sinh được một cô con gái xinh xắn.

Khoảng giữa năm 2001, anh thường bị đau bụng âm ỉ. Khi đi khám ở Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ, các bác sĩ phát hiện anh bị viêm gan thời kỳ cuối. Do phát hiện muộn nên việc chữa trị rất khó khăn. Anh được các bác sĩ điều trị ngoại trú suốt 9 tháng ròng nhưng bệnh tình không thuyên giảm mà ngày càng trầm trọng. Đến tháng 3/2002, thấy tình trạng sức khỏe của anh có vẻ nguy kịch nên các bác sĩ quyết định cho anh điều trị nội trú.

Bà Nguyễn Thị Bảy - mẹ ruột anh Tòng - kể: "Đó là buổi chiều ngày 20 tháng 2 âm lịch tức ngày 2/4/2002, bác sĩ đang vô nước biển (truyền dịch, đạm) thì nó vật vã rồi tắt thở, chết".

Các bác sĩ đã hết lòng cấp cứu anh Tòng nhưng cũng đành lắc đầu bất lực. Anh được xác định chết lâm sàng bởi tim ngừng đập, mạch bằng không, não đồ ngưng hoạt động. Bà mẹ chứng kiến cái chết của con trai đã gào khóc thảm thiết. Tất cả những người bệnh nằm cùng phòng với anh đều đến chia buồn với bà. Các bác sĩ làm thủ tục cho bà Bảy đem thi thể con trai về nhà mai táng. Bà Bảy giãi bày: "Tôi rất đau buồn. Lúc đó, nó mới 33 tuổi. Đứa con gái của nó còn quá nhỏ đã phải mồ côi cha".

Bà Bảy cầm giấy y chứng của bệnh viện rồi cùng với anh chị của Tòng gọi xe lôi chở thi thể anh về nhà làm đám tang (Thời điểm đó xe lôi chưa bị cấm hoạt động). Thi thể anh Tòng được quấn tạm trong tấm mền đặt nằm ngửa trên thùng xe lôi. Bà Bảy và các anh em trai của Tòng ngồi xung quanh giữ cho xác không rung lắc theo nhịp xe chạy. Đoạn đường từ bệnh viện về nhà chỉ khoảng 5 km.

Khi xe lôi chạy gần đến nhà, đột nhiên anh Tòng ngồi bật dậy gào lớn liên tục: "Bà con ơi ra đón xác Võ Thanh Tòng về nè!". Mọi người chứng kiến đều thất kinh hồn vía. ông tài xế xe lôi suýt buông xe bỏ chạy.

Nghe tin anh Tòng đã chết rồi sống lại, hàng ngàn người hiếu kỳ từ các nơi kéo đến xem chật cả hẻm nhà.

Suốt đêm đầu tiên, anh Tòng không ngủ mà cứ múa máy tay chân la hét: "Võ Thanh Tòng chết rồi bà con ơi!". Cả gia đình phải thức suốt đêm canh giữ. Đến sáng, khi mọi người mỏi mệt ngủ quên, anh Tòng rời nhà đi mất. Mọi người túa nhau đi tìm. Thì ra, anh Tòng tự đón xe honda ôm trở lại bệnh viện.

Bà Xuân, cư ngụ tại Thới Long, Ô Môn, TP Cần Thơ là một bệnh nhân nằm cùng phòng và gần giường của Võ Thanh Tòng, đã chứng kiến sự việc kể: "Hôm trước tui thấy thằng út (tức anh Tòng) đã chết, gia đình đưa xác về nhà. Sáng hôm sau, tui còn đang mê ngủ bỗng nghe tiếng Tòng nói sang sảng: "Hôm qua bác sĩ mới vô nước biển cho tui có nửa chai, bây giờ vô nước biển tiếp cho tui đi". Tưởng mình nằm mơ thấy hồn thằng út về, tui sợ quíu cẳng. Còn đang kinh hoàng thì lại nghe nó nói tiếp: "Tui chưa chết. Tui còn sống mà". Tui mở mắt ra thì thấy nó đang ngồi ngay trên cái giường nó nằm chết hôm qua. Hoảng vía, tui bỏ chạy. Một số người nằm cùng phòng cũng bỏ chạy. Nó cứ nói chuyện leo lẻo như chưa hề chết".

Theo lời của bà Bảy, khi gia đình đến thì các bác sĩ đã xin lại các giấy tờ, y chứng rồi động viên gia đình đem anh Tòng về nhà vì không thể cứu chữa được nữa. Gia đình lại đưa anh Tòng về nhà. Kể từ hôm đó, cả con hẻm không thể ngủ yên giấc. Ban ngày anh nằm dưới đất, mắt mở thao láo, im lặng nhìn lên trần nhà. Ban đêm, anh nói leo lẻo đủ thứ trên đời. Khi cao hứng, anh còn hát nghêu ngao. Ai hỏi anh cũng khẳng định mình đã chết rồi. Các linh mục, các nhà sư hay tin đã đến tận nơi tụng kinh cho anh.

Chị Cẩm Thy là cháu họ của anh Tòng kể: "Cha linh mục nhà thờ Bảo Lộc (quận Ninh Kiều) đến cầu kinh cho ổng. Vừa gặp cha, ổng đòi cha rửa tội và xin vào đạo. Gia đình bên nội tôi đều theo đạo Phật, đâu có ai theo đạo Thiên Chúa".

Suốt 13 ngày đêm sống lại, anh Tòng không chịu ăn uống gì cả, mặc dù gia đình ép rất nhiều. Anh cứ bảo, chết rồi còn ăn uống làm gì. Đến ngày thứ 13, anh chịu ăn vài muỗng cháo rồi gọi vợ vào bảo viết giấy cam kết: "Nếu tôi sống thì cứ để bé Vy bên ngoại (Mấy ngày đó, chị Thảo vợ anh Tòng đã đem con gái sang ở tạm bên ngoại để tránh cháu bé chứng kiến chuyện hãi hùng). Khi tôi chết thật thì nhớ đem bé Vy về chịu tang tôi". Anh Tòng tự tay viết bản cam kết, bắt vợ ký tên vào rồi anh cũng ký tên.

Tiếp đó anh Tòng nói: "Bây giờ tôi đi đây". Anh nằm im nhắm mắt suốt mấy giờ rồi… chết hẳn. Đám tang của anh được tiến hành theo cả hai nghi lễ: Thiên Chúa giáo lẫn Phật giáo. Khi đưa linh cữu anh ra nghĩa địa, đoàn sư Phật giáo đi trước tụng kinh, đoàn Thiên Chúa giáo đi sau hát thánh ca, thân nhân, bạn hữu đi cạnh quan tài, người hiếu kỳ nối đuôi thành đoàn dài.

Bàn thờ anh Võ Thanh Tòng.

“Thế giới bên kia” ra sao?

Trường hợp chết của anh Võ Thanh Tòng không cá biệt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Đặng Văn Phương sinh năm 1936, cư ngụ ở ấp Long Định, Thới Long, Ô Môn, TP Cần Thơ là nhân chứng của trận dịch tả khủng khiếp ở vùng này năm 1945 - 1946 kể: "Chuyện năm đó, người ta chết nhiều và nhanh đến nỗi chính quyền ra lệnh ai vừa chết phải chôn liền tay. Chị thứ Tư của tôi còn đang khỏe mạnh, đột ngột tả lị mấy tiếng đồng hồ rồi chết. Gia đình nhanh chóng chôn cất. Chôn chị Tư xong, đến xẩm tối tới phiên chị Sáu tôi. Cũng chỉ vài giờ tả lị, chị tắt thở. Mẹ tôi gào khóc thảm thiết. Gia đình lại chuẩn bị nhang đèn, quan tài.

Bỗng dưng nửa đêm, chị Sáu tôi ngồi bật dậy nói tỉnh bơ: "Người ta đi rồi mà cứ kêu tên réo tuổi, làm sao người ta đi được". Mọi người hoảng vía ù té chạy, riêng mẹ tôi vì thương con nên ôm chị Sáu tôi vô lòng. Chị vùng ra bảo: "Để yên cho người ta đi". Dứt lời chị Sáu tôi nằm xuống và chết... thật (?).

Những người lớn tuổi cư ngụ ở gần nhà ông Phương cùng khẳng định có chứng kiến chuyện lạ đó.

Ở thị xã Tân An, tỉnh Long An cũng có trường hợp một bà hơn 50 tuổi đã chết 2 ngày nhưng chưa tẩm liệm vì chờ con cái ở xa về đủ mặt. Đến chiều ngày thứ ba, khi mọi người đang cầu kinh chuẩn bị tẩm liệm, bất ngờ bà ngồi dậy đòi uống nước. Thế là bà sống tiếp đến hơn 70 tuổi mới chết thật vào năm 1991. Suốt 20 năm sống lại, bà hoàn toàn tỉnh táo và rất ít bệnh tật. Hàng ngày bà vẫn trồng rau nhổ cỏ quanh nhà. Cái quan tài dành cho bà trong lần chết đầu tiên được con cái giữ và sử dụng cho lần chết cuối cùng của bà. Điều đáng buồn cười là, khi chết lần đầu, con bà đã vội ra chính quyền khai tử cho bà. Thế là 20 năm sống lại, trong hồ sơ tư pháp, bà vẫn là người "đã chết".

Những lúc vui bà thường kể cho con cháu nghe chuyện “chết” của bà: "Tao đi xuồng qua một con sông. Chèo hoài mà không tới bờ. Tự dưng xuồng bị lắc mạnh, tao rơi ùm xuống sông, chìm nghỉm. Nước lạnh thấu xương. Tao vùng vẫy bơi. Lúc trừng được lên mặt nước, tao mở mắt ra thì thấy xung quanh con cháu đang để tang kêu khóc. Vậy là tao trở về" (?).

Những người chứng kiến việc anh Tòng sống lại (từ trái qua): bà Nguyễn Thị Bảy, chị Cẩm Thy, ông Ba - anh ruột của Tòng.

Bà Hai Trà, cư ngụ tại Tân Lộc, Thốt Nốt, Cần Thơ kể: Cách nay 50 năm, mẹ kế của bà cũng đã chết 2 ngày vì chứng bệnh đau tim, sau đó sống lại khỏe mạnh thêm chục năm nữa. Trong thời gian sống lại bà không còn bị bệnh tim nữa. Bà thường kể rằng: Khi chết thấy lội qua một con sông lạnh buốt có nhiều hoa sen. Đang lội giữa dòng chợt từ đâu ếch nhái xuất hiện đen kịt dòng nước. Hoảng sợ, bà lội trở lại bờ bên này. Chân vừa chạm bờ, bà giật mình sống dậỵ. Hơn 10 năm sau bà mới qua đời vì một cơn cảm mạo.

Năm 2004, báo Gia đình - Xã hội có tường thuật một trường hợp bà cụ 70 tuổi ở Thanh Hóa cũng sống lại sau 1 ngày đã chết. Khi sống lại, bà cho biết, bà được hai người mặc toàn đồ đen đưa qua sông bằng xuồng. Giữa dòng sông hai người đàn ông xô bà té xuống sông lạnh buốt. Giật mình bà tỉnh dậy và sống tiếp.

Theo một tài liệu y khoa của Pháp công bố năm 2000, vào thế kỷ XIX có 2 bác sĩ người Pháp đã cất công nghiên cứu về cái chết. Hai ông đã tìm gặp các tử tù để "phỏng vấn" họ ngay sau khi họ bị xử tử bằng cách chém đầu. Hai ông muốn biết sau khi bị chặt đầu, não bộ con người còn hoạt động hay không. Tài liệu không nói rõ lý do vì sao sau này một trong hai ông bị kết án tử hình. Hai ông thỏa thuận với nhau rằng, ngay sau khi bị chém, người sống hỏi, người chết trả lời bằng cách nheo mắt, nhướn mày. Tiếc rằng, ngay sau khi bị chém, người được hỏi chỉ lườm mắt một cái nhẹ rồi trơ như… chết rồi.

Một bác sĩ khoa cấp cứu ở một bệnh viện lớn tại TP HCM (xin giấu tên vì nhiều lý do tế nhị) cho biết: "Tôi đã từng chứng kiến rất nhiều trường hợp đã chết lâm sàng nhưng sau đó sống lại vài giờ rồi mới chết thật. Hiện tượng sống lại như vậy gọi là hồi sinh". Vị bác sĩ này phân tích: Chết lâm sàng có nghĩa là tim, phổi, não bộ ngừng hoạt động. Khi làm thủ tục "chết", bác sĩ căn cứ vào mạch, vạch mí mắt xem đáy đồng tử, kiểm tra hoạt động của phổi, kiểm tra điện tâm đồ, não đồ. Đồng thời còn căn cứ vào hiện trạng sinh học rồi mới kết luận bệnh nhân đã tử vong.

Hiện trạng sinh học là những yếu tố như, bệnh nhân đã vỡ nát tim hoặc vỡ nát hộp sọ. Những cái đó thì xem như chết chắc. Có những trường hợp tim phổi vẫn hoạt động nhưng não bộ không chịu làm việc hoặc làm việc xìu xìu. Đây là trường hợp sống trạng thái thực vật. Trường hợp này, các bác sĩ phải nuôi sống bệnh nhân để chờ sự tiến bộ của y học. Cũng có trường hợp tim, phổi ngưng hoạt động nhưng não bộ vẫn hoạt động. Trường hợp này được xem là còn sống vì có thể cứu bằng cách thay tim nhân tạo.

Có thể những trường hợp chết đi rồi sống lại một thời gian khá lâu nằm trong trường hợp này. Khi xảy ra hiện tượng chết, thấy tim, phổi bệnh nhân ngưng hoạt động, người thân nghĩ rằng đã chết, vội mai táng. Thực ra, lúc ấy não chỉ tạm ngừng hoạt động trong trạng thái nghỉ ngơi, tức là ngủ. Mà đã ngủ thì có quyền… nằm mơ. Mơ thấy bay, thấy đi, thấy lướt sóng là chuyện bình thường. Nhiều người không chết vẫn thấy mình qua sông chứ hà tất chỉ có người chết tạm. Nói tóm lại, trường hợp chết tạm là do nhận định sai lầm từ trường hợp ngủ sâu. Bình thường, một số người khỏe mạnh, khi ngủ say cũng xảy ra trường hợp ngưng thở, mạch lặn mất nhưng thời gian rất ngắn. Tốt nhất là, trước khi báo tử hãy yêu cầu bác sĩ kết luận".

ở nước ngoài, đã từng có những trường hợp người chết sống dậy sau khi chôn. Khi cải táng những người chết, người ta phát hiện hai bên trong vách quan tài có rất nhiếu dấu móng tay cào cấu. Từ đó, một số nghĩa trang thực hiện dịch vụ cầu cứu dành cho người đã chết. Trong quan tài, bên cạnh bàn tay của người chết, người ta lắp một thiết bị báo động. Khi người chết sống dậy, bàn tay cử động sẽ chạm vào thiết bị tạo ra tiếng chuông. Tiếng chuông sẽ báo cho người quản trang biết để phá mồ cứu "người chết" ra

Nông Huyền Sơn
.
.