Khi tín ngưỡng bị biến tướng

Thứ Bảy, 24/08/2019, 07:50
Bi hài từ việc cúng tiền thật khiến những ngày tháng 7 âm lịch có những đạo quân "cô hồn sống" hoạt động khiến cho phong tục đặc trưng của vùng đất Nam Bộ bị biến tướng.


Theo quan niệm dân gian, tháng 7 âm lịch là tháng vu lan báo hiếu và xá tội vong nhân. Người dân truyền tụng qua nhiều đời rằng, tháng xá tội vong nhân là thời điểm Diêm Vương mở cửa quỷ môn để cô hồn được trở về dương thế. Vì thế trong những ngày tháng 7 âm lịch, nhiều nhà bày biện mâm cúng như cháo, gạo, muối, vàng mã để quỷ đói có cái ăn, có cái tiêu xài mà không quậy phá. 

Quan niệm càng nhiều người giành giật đồ cúng thì gia chủ càng làm ăn phát đạt, may mắn. cho nên để thu hút người giật các mâm cúng, giờ đây có cúng thêm tiền thật. Bi hài từ việc cúng tiền thật khiến những ngày tháng 7 âm lịch có những đạo quân "cô hồn sống" hoạt động khiến cho phong tục đặc trưng của vùng đất Nam Bộ bị biến tướng. 

Vì là tín ngưỡng dân gian nên chính quyền địa phương chỉ vận động người dân hạn chế việc rải tiền thật khi cúng là chính chứ không thể cấm đoán…

Đội quân "cô hồn" sống

Vào những ngày tháng 7 Âm lịch, tại các khu vực có đông người hoạt động kinh doanh buôn bán tại TP Hồ Chí Minh, người ta lại bày biện các mâm cúng thịnh soạn để "cúng cô hồn" hòng xua đi ma quỷ quậy phá, để họ yên ổn làm ăn. Rầm rộ nhất là vào những ngày 15 và 16 tháng 7 Âm lịch, tại khu vực Chợ Lớn, quận 5, quận 6, quận 11, Tân Bình, Phú Nhuận… các công ty, điểm kinh doanh đều tổ chức cúng cô hồn nên tại các khu vực này thường túc trực đội quân "cô hồn sống" tụ tập.

Tiền lẻ được rải trong các buổi cúng cô hồn khiến sự tranh giành của các nhóm "cô hồn sống" càng quyết liệt.

Rút kinh nghiệm những năm về trước khi chưa kịp cúng đã bị "cô hồn sống" giật sập mâm cúng, gia chủ đã đóng kín cửa cúng bái xong mới mở cửa để nhóm cô hồn xông vào giành giật hoặc rải tiền từ trên cao xuống. Cảnh tượng xô đẩy, chen lấn, giương những chiếc vợt tự chế lên trời hứng tiền và cảnh đánh nhau mẻ đầu sứt trán đã xảy ra khiến nhiều người ngao ngán.

Chiều ngày 15-8 (rằm tháng 7 Âm lịch), nhân viên một doanh nghiệp tư nhân người Hoa ở khu Chợ Lớn (quận 5) bày biện lễ vật tổ chức lễ cúng cô hồn. Bên trong chưa chuẩn bị xong mâm cúng thì phía ngoài hàng rào cả trăm người với các loại vợt tự chế loại lớn đã tập trung gây náo loạn cả tuyến đường.

Tay cầm vợt hò hét, thanh niên tên Tiến 18 tuổi, nhà quận 7 cho hay, vào thời điểm này doanh nghiệp này năm nào cũng tổ chức cúng, rải tiền nhiều lắm nên cả nhóm canh đúng giờ là ra ngồi chờ sẵn. "Có mấy nhóm khác từ quận 8, quận 11 đang kéo sang nên tụi tui phải rủ thêm người chứ một mình không làm lại tụi chúng!" - Tiến hào hứng.

Hình ảnh "cô hồn sống" dùng đồ tự chế để vợt tiền cúng trong tháng 7 âm lịch

Để tránh rắc rối ảnh hưởng đến việc cúng bái, khi thấy quá đông "cô hồn sống" tập trung bên ngoài, nhân viên của doanh nghiệp đã kéo cửa rào lại. Nhóm "cô hồn sống" nhao nhao, có người còn cố tình leo rào vào bên trong để giật đồ cúng. Nhìn cảnh tượng này nhiều người lắc đầu ngao ngán.

Một công ty ở quận Phú Nhuận hằng năm thường tổ chức cúng bái xong thì nhân viên của công ty này đem các thùng tiền lẻ lên tận tầng cao nhất của công ty rải xuống. Bên dưới hàng trăm "cô hồn sống" giẫm đạp lên nhau để nhặt số tiền rơi "từ trên trời" xuống khiến một đoạn đường bị ùn ứ. Đám "cô hồn sống" hả hê cầm trên tay cả bụm tiền leo lên xe chạy vội đi tìm điểm cúng mới.

Những đoạn video clip được đăng tải trên mạng xã hội những ngày qua cho thấy có gia chủ khốn đốn như thế nào khi bị những nhóm "cô hồn sống" quấy nhiễu. 

Một đoạn clip ghi lại cảnh gia chủ vừa bày biện mâm cúng, trong đó có gà, bánh kẹo lên bàn chưa kịp thắp nhang thì một nhóm "cô hồn" lao xe máy tới giật mất. Chưa đã, một đối tượng trong nhóm còn hất tung mâm cúng chỉ cốt yếu giật luôn chiếc bàn cúng bằng inox. Một nhóm thanh niên chỉ vì tranh giành tờ 100 ngàn đồng khi gia chủ rải xuống đã dùng mũ bảo hiểm xông vào đánh nhau. 

Có thêm đoạn clip hài hước khi nhóm thanh niên xông vào giật mâm cỗ của gia chủ khi gia chủ chưa kịp thắp nhang đã nhiệt tình giúp đỡ gia chủ rải muối gạo rồi đem chiến lợi phẩm đi.

Tại góc đường Trần Hưng Đạo, quận 5 chúng tôi bắt gặp nhóm "cô hồn sống" ý ới "chia tài sản" sau một buổi sáng quần thảo tại khu Chợ Lớn. Mấy con gà luộc bỏ trong giỏ không kịp bán nên cả nhóm chia nhau tiêu thụ tại chỗ. 

Lấy mớ tiền trong người ra với nhiều mệnh giá, trong đó có vài tờ 50 ngàn, Thảo (17 tuổi) đếm cũng được gần 2 triệu đồng. Cả nhóm quyết định để số tiền này lại không chia, đến tối sẽ làm một bữa hoành tráng. "Bên quận 8 cúng cũng dữ nhưng là địa bàn của mấy nhóm khác, tụi tôi không dám qua! 

này giật chủ yếu là vui, có thì gom lại đi nhậu chứ bên quận 8 chúng nó chia ra từng phe một, có thằng xách theo cả mã tấu đi giật cô hồn, nhìn sợ thấy bà! Bên đó nổi tiếng nhất là thằng con trai ông Mười Hơn, chỗ nào bày cỗ cúng mà có cúng tiền là nó cầm mã tấu đứng chặn phía trước, chả ai dám xông vào! Mấy đứa này cướp mâm cúng nếu có gà luộc, heo quay thì bưng đi bán cho mấy quán cơm quán phở, cũng bộn tiền" - Thảo cho hay.

Đâu còn là nét đẹp ngày Lễ Vu Lan

Tin vào việc cúng bái, nhất là cúng cô hồn mà không có "cô hồn" giành giật thì báo hiệu một năm làm ăn không tốt, bởi vậy khi được hỏi đến nhiều gia chủ cho hay, phải có tiền thì mới thu hút được người đến giật đồ cô hồn. "Ảm đạm quá thì cũng không tốt, cúng xong chẳng ma nào đến giành giật thì cúng làm gì!" - Cô Triển, một người buôn bán tại quận 5 cho hay. 

Nhìn những nhóm "cô hồn sống" tay cầm vợt tự chế để hứng tiền cúng cô hồn chạy xe bạt mạng trên đường, hò hét khi đồng bọn báo có điểm mới chuẩn bị cúng, chuẩn bị rải tiền khiến nhiều người ngao ngán. Đa phần những nhóm "cô hồn sống" này bỏ học, sống bụi đời. Bởi vậy việc tranh giành đồ cúng, giành tiền nhiều lúc biến thành cảnh đánh nhau, giành giật, đổ máu.

Các nhóm "cô hồn sống" gây náo loạn đường phố.

Làm ăn lớn nên anh Công (nhà ở quận 6, TP Hồ Chí Minh) vào những ngày này cũng tổ chức cúng lớn, anh chia sẻ: "Đọc báo thấy thông tin vì cúng cô hồn mà một thanh niên bị đâm chết khi ngăn cản đám cô hồn sống lao vào mâm cúng, hay giành giật con gà rồi lao qua đường bị xe tông khiến tôi cảm thấy ớn lạnh nên năm nay, dù cúng như mọi năm nhưng tôi không rải tiền thật nữa để tránh phiền phức". 

Anh Công so sánh, so với những năm trước thì những ngày tháng 7 âm lịch của những năm gần đây việc giật cô hồn đã khác trước rất nhiều: "Bây giờ không phải giật nữa mà là cướp cô hồn thì đúng hơn. Nhiều nhóm sẵn sàng lao vào nhau ẩu đả chỉ vì mớ tiền lẻ, trong người thì thủ sẵn hung khí. 

Cúng cô hồn là phong tục tập quán của những người làm ăn kinh doanh, việc giật cô hồn không phải là nghề, không thể sống bằng việc giật cô hồn. Nên giảm bớt việc cúng tiền thật, cúng đồ có giá trị để không xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự" - Anh Công nói.

Những ngày theo dõi nhóm "cô hồn sống" tung hoành tại các tuyến đường chúng tôi ghi nhận nhiều hình ảnh phản cảm. Ngoài việc tranh giành đồ cúng, tiền bạc tạo ra cảnh hỗn loạn thì việc những người cúng bái sử dụng tiền thật trong các mâm cúng cũng là điều đáng quan tâm. Việc những tờ tiền lẻ có mệnh giá thấp được tung rải ra đường, bay trong gió rồi người khác giẫm đạp lên tạo ra hình ảnh không đẹp. Hình ảnh nhân viên của những công ty đem từng thùng giấy đựng tiền lẻ lên sân thượng rải xuống, người phía dưới tranh nhau lượm, cướp gây ra náo loạn cả khu phố, rõ ràng là xấu xí, phản cảm.

Ông Nguyễn Thành Kỷ (nhà quận 5) nói, ngày xưa cúng cô hồn chỉ cháo trắng, bánh kẹo, mía, cóc ổi, cúng xong để ngoài đường cho trẻ nhỏ tranh nhau hay để những người cơ nhỡ qua đường lót dạ. Nay, các mâm cúng có tiền khiến phong tục cúng trong tháng xá tội vong nhân bị biến tướng. 

Đã là phong tục hàng trăm năm thì không thể cấm đoán nhưng cũng mong những người tổ chức cúng bái nên giảm thiểu việc cúng tiền để tránh gây ảnh hưởng đến trật tự chung của thành phố. Việc rải tiền với số lượng lớn như vậy giống như là họ đang hủy hoại tiền.

Một "cô hồn sống" và chiến lợi phẩm trong một lần giành giật.


Thật vậy, khi kinh tế phát triển, các gia đình kinh doanh khấm khá thì mâm cỗ cúng cũng thay đổi theo. Gà, vịt, heo quay chất đầy trên mâm, tiền mệnh giá từ 5 ngàn trở lên được chất đầy thùng giấy thì đối tượng giật cô hồn thời nay không chỉ là trẻ nhỏ mà có cả người lớn, có cả những băng nhóm hoạt động. 

Tại các điểm cúng cô hồn lớn chính quyền địa phương phải cắt cử bảo vệ dân phố và cả lực lượng Công an xuống hiện trường để vãn hồi trật tự, tránh các vụ tranh giành nhau quá mức dẫn đến ẩu đả. Thực tế có nhiều gia chủ tổ chức cúng cô hồn trong tháng 7 đã gặp cảnh dở khóc dở cười khi các đối tượng lợi dụng trà trộn vào trộm, thậm chí cướp tài sản.

Cúng cô hồn là văn hóa từ xưa của người dân Nam Bộ, nhất là các hộ kinh doanh người Hoa, nhưng trước những biến tướng của tục cúng cô hồn khiến những "cô hồn sống" có đất quậy phá thì cần xem xét lại. Không thể cấm việc cúng kiếng trong tháng cô hồn nhưng cần có những quy định cụ thể để không gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự chung. 

Có nhiều cách để tránh biến tướng từ tục cúng cô hồn, những gia chủ cần thực hiện những mâm cúng đơn giản, địa phương cũng cần có những biện pháp tuyên truyền, vận động người dân không cúng tiền mỗi dịp xá tội vong nhân.

Mạnh Đức
.
.