Kiếm sống ở… bờ kè

Thứ Sáu, 22/09/2017, 06:57
Bờ kè Nhiêu Lộc - Thị Nghè len lỏi và chảy xuyên qua TP HCM. Nếu mà sạch đẹp, thì cũng chẳng kém gì dòng sông Seine qua Paris tráng lệ chưa biết chừng. Ở những nơi nó đi qua, khi những giọt nắng cuối chiều lịm tắt, bên cạnh những quán xá cụng ly rôm rả thì còn đó biết bao phận người lấy bờ kè làm sân khấu hành nghề và kiếm sống.

Mồ hôi và nước mắt

Trên những dãy vỉa hè vừa được chính quyền phường 8, Q3 giành lại trên bờ kè dưới chân cầu Kiệu, người ta chú ý đến 2 chàng thanh niên trẻ, biểu diễn ảo thuật. Họ nổi bật giữa những người lao động lam lũ đến từ miền Trung với cái rổ cóc, ổi, xoài, me luôn nặng trĩu nỗi lo. Sự duyên dáng trong biểu diễn của chàng trai trẻ làm người ta thán phục.

Đó là Huỳnh Phi Hải (26 tuổi, quê ở huyện Giá Rai, Bạc Liêu). Mượn một cái khăn lạnh của các thực khách, cậu ta hô biến trong vài phút và xuất hiện trên... cổ của người ngồi cuối bàn. Sau đó, Hải biểu diễn đôi chân ma thuật trên hè phố như Micheal Jackson.

Vuốt vội mồ hôi trên mặt, Hải kể em lên Sài Gòn năm 2005, ở nhà cô ruột làm công nhân và làm nghề giữ xe cho khách. Cuộc sống quá túng thiếu, em nghe được lời hướng dẫn đi học lò ảo thuật tại đường Lũy Bán Bích (quận Tân Phú) nên gọi điện về nhà xin 10 triệu đóng tiền học. Sau vài tháng học việc, cộng với việc khổ luyện của bản thân, Hải có thể tự đi diễn xuất để mưu sinh. Đây cũng là lò nổi tiếng đào tạo các ảo thuật đường phố và bán kẹo kéo tại TP HCM.

“Những trò diễn xuất bằng chim bồ câu thì quá tầm thường, nhàm chán. Nhờ học thầy, em còn sáng tạo ra các món “hô biến” nồi lẩu, bếp ga hoặc làm chai bia, chiếc bàn của khách... bay được” - Hải tỏ bày.

Hát ở bờ kè Hoàng Sa, quận 1.

Để chứng minh điều mình nói, Hải xoắn tay vào thực hiện việc làm biến mất nồi lẩu đang bốc khói trên bàn trong sự ngạc nhiên của thực khách và những tràng vỗ tay không ngớt của những vị khách bên cạnh. Họ rút tiền thưởng cho chàng trai trẻ.

Năm 2006, Hải từng tham gia các gameshow “Tiếu lâm bách nghệ” trên HTV7 rồi “Vietnam’s got talent” của VTV3 nhưng do yếu nghề nên Hải không đạt giải. Sau đó, Hải đi diễn trên hè phố, thậm chí đi các tỉnh, thành khác như: Hà Nội, Quảng Nam, Lâm Đồng, các tỉnh miền Tây... để kiếm cơm. Dù biết ảo thuật là nhanh tay, lẹ mắt nhưng nhìn cách biểu diễn linh hoạt của Hải, người ta nghĩ nhiều đến sự phát triển của “cây” ảo thuật vỉa hè này.

Ở bờ kè, chúng tôi cũng chú ý đến nhiều số phận bán vé số, thường là hai mẹ con cùng đi bán. Nhưng trên mạng xã hội vừa qua đăng tải về việc thuê các bé để đi bán, người mẹ đó không phải là mẹ thật còn các bé thì ngủ li bì. Thế nhưng, có một cặp mẹ con mà từ cái nhìn đầu tiên thì giống nhau y đúc. Bởi vậy mà khi chúng tôi chụp ảnh, họ không hề giấu giếm hay ngoảnh mặt làm ngơ như những người đồng nghiệp dối trá khác.

Người mẹ ấy tên Cao Thị Trang (28 tuổi, quê ở huyện Yên Thành, Nghệ An) cùng cậu con trai út là Đinh Sơn Tài mới 7 tháng tuổi. Trang kể, gia đình em có hai cháu trai, chồng là anh Đinh Trọng Lộc làm phụ hồ bữa có bữa không. Đứa lớn là Đinh Sơn Anh (5 tuổi) đã đi học mẫu giáo. Cháu nhỏ thì suốt ngày theo mẹ đi bán vé số vì ở nhà không ai giữ. Đôi vợ chồng này thuê trọ ở dưới cầu Bến Phân, đường Thống Nhất (Q Gò Vấp).

Từ sáng sớm, hai mẹ con đi xe buýt số 32 lên Q1, mất 12 nghìn đồng hai chặng để đi bán vé số. “Dẫn cháu nhỏ theo, bữa đi được bữa không anh à, vì cháu hay nóng sốt lắm!” - Trang tâm sự.

Mới thoạt nhìn, đứa con trai theo mẹ có dáng dấp giống bé gái. Thỉnh thoảng, đến giữa trưa cháu lại cất tiếng khóc vì thiếu sữa. Mỗi tờ vé số lời 1,1 nghìn đồng, cả ngày bán được 100 tờ, sau khi trừ tiền xe buýt thì lãi chưa tới 100 nghìn đồng. Nói xong, có vài người đàn ông thương tình mua giúp cho hai mẹ con mấy tờ có số cuối là 52, Trang lại nhanh nhẹn đưa “thần tài” đến cho khách. Với Trang, cuộc sống là sự tiếp diễn với chuỗi ngày đi bán vé số kiếm lời của hai mẹ con.

Vậy đó, phía sau những quán xá ồn ào, náo nhiệt, những bảng hiệu sáng đèn là biết bao cuộc đời lầm lũi đi từ lúc nắng nhạt đến nửa đêm. Bước chân của họ in hằn bao lo toan thường nhật.

“Du ca” đệm đàn cho thực khách.

Kiếm tiền bằng giọng ca

Màn đêm dần buông xuống thì dọc bờ kè đi qua các quận: Q1, Q3, Tân Bình, Bình Thạnh chộn rộn những tiếng cụng ly của thực khách trong các quán xá. Mọi người chú ý đến các giọng ca bất chợt xuất hiện của những chàng trai rong ca.

Thời hát rong ở bờ kè Sài Gòn rồi đi mời khách mua kẹo kéo đã không còn thịnh hành. “Những ca sĩ miệt vườn” thời đó ăn mặc lòe loẹt, hát toàn bài nhạc có nội dung sáo rỗng, hét càng to càng tốt giờ dạt trôi về các tỉnh thành. Rồi đó là những ông già mù đi bán vé số, cất lên những bản nhạc vàng não nề, chất chứa bao tâm trạng.

Còn bây giờ, những chàng đẹp trai, bảnh bao, tướng tá ngon lành, hát nhạc đỏ, tình ca, có kiến thức mới là mốt. Họ phải biết đệm đàn, những cánh tay vuốt nhẹ vào cây guitar điêu luyện, chất giọng phải trầm bổng, biết đệm bất kì bài nhạc nào của thực khách thì mới được các “khán giả” khó tính chọn lựa. Họ đem tiếng nhạc dâng đời êm ái, văn minh hơn trước rất nhiều.

7 giờ tối, trước quán ốc cạnh bờ kè đường Hoàng Sa (Q1) có một chàng trai như thế. Anh tên là Nguyễn Văn Trung (30 tuổi, quê Ninh Thuận) đi cùng một đồng nghiệp trên một chiếc xe máy chở theo dàn âm thanh và đồ nghề. Khi thực khách đang “đánh chén” say sưa thì Trung không nói gì, anh lịch lãm cầm micro cất giọng: “Nhớ tới năm xưa bên nhau bước trong chiều mưa phím ru nhẹ đưa. Bến cũ đam mê say sưa lá thu còn rơi, người xa vắng rồi...” (bài hát “Mắt biếc”, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên sáng tác). Giọng hát ấm nồng bên cây đàn dịu êm làm ai cũng trố mắt nhìn chàng ca sĩ “từ trên trời rơi xuống”.

Ca sĩ “hút hồn” mọi người bằng một cách thức tiếp cận rất tình cờ. Sau bài hát này, Trung độc diễn với ca khúc thứ hai “Chiếc lá thu phai” (nhạc sĩ Trịnh Công Sơn): “Về đây đứng ngồi, đường xa quá ngại, để lòng theo chút nắng bên ngoài. Mùa xuân quá vội. Mười năm tắm gội. Giật mình ôi chiếc lá thu phai...”. Đến lúc này thì thực khách vỗ tay rần rần vì giọng ca quá hay, không thua gì những danh ca từng thể hiện.

Vừa hát, Trung ngắm nghiền đôi mắt, thả hồn mơ màng để buông ra từng lời ca đi vào lòng người. Sau khi trình bày xong, người đi cùng Trung đến từng bàn mời mua kẹo cao su và một số vật phẩm khác như một cách ủng hộ chàng ca sĩ. Nhiều người vui vẻ rút tiền mua hàng mà không chút đắn đo.

Sau hai bài hát phiêu linh này, nhiều thực khách mê ngón đàn của Trung mà bước ra trước quán, dạn dĩ xin được hát bài ca mình yêu thích. Thu Hằng (25 tuổi, nhân viên văn phòng ở Hà Nội vào TP HCM du lịch) đăng kí hát bài: “Cho một tình yêu”. Trung dạo nhạc, từng phím đàn ngân vang để giọng ca nghiệp dư thể hiện. Tiếng đàn réo rắt làm không khí của quán thêm sôi động.

Thực khách nở nụ cười mãn nguyện vì bất ngờ thưởng thức tiếng đàn, tiếng hát hòa nhịp bên bờ kênh hồi sinh. Vài giọng ca nam khác cũng được khích lệ mà “nhào” lên để đăng ký hát. Có người không thuộc lời thì chỉ cần mở 3G, lấy lời bài hát và cứ thế say sưa hát để “giã rượu bia”.

Huỳnh Phi Hải đang biểu diễn một tiết mục (ảnh trái) và mẹ con chị Cao Thị Trang.

Có giọng ca trong trẻo, có giọng ca khàn đục rất riêng, tạo nên một bữa tối rộn ràng, vui vẻ sau những giờ học tập, làm việc căng thẳng. Khi không còn khách có nhu cầu hát, Trung lại đến với quán khác.

Ngồi cạnh tôi, Thu Hằng - cô gái đến từ Thủ đô nhỏ nhẹ: “Ở Hà Nội cũng có mô hình này nhưng ca sĩ trong nam hát điệu nghệ hơn nhiều. Thực khách giờ không còn phải lo đi tăng 2, tăng 3 trong các tiệm karaoke mà cứ ra đây để hát cho nhau nghe, vừa vui vừa có không khí, nhất là phía dưới có cả trăm người nghe được giọng hát của mình. Tại sao mình lại không thể hiện?”.

Trong nhiều đêm la cà ở phố nhậu dọc bờ kè, chúng tôi phát hiện ra nhiều chàng trai thích hoan ca. Nếu như Trung (đã nói ở trên) hát vì mưu sinh thì có một số ca sĩ nghiệp dư hát dạo để thỏa niềm đam mê.

Những thực khách mê nhạc đêm ở bờ kè đều biết đến Thanh Cường. Anh chàng “ca sĩ” này sáng làm việc ở văn phòng nhưng tối đến lại sắm đồ nghề ra bờ kè để hát. Chàng trai đến từ Quảng Ngãi kể: “Lúc đầu biết ý định của em, anh trai em phản đối rất nhiều nhưng vì đam mê nên em vẫn quyết tâm làm tới, phần thì kiếm thêm thu nhập, phần thì hát để giải trí sau giờ làm việc”.

So với thời hát kẹo kéo “dội bom” với dàn âm thanh khủng, hiện nay các ca sĩ có giọng ca tốt, biết lấy hơi dài, quãng hát rộng được khán giả chấp nhận nhiều hơn. Mỗi đêm, các em có thể kiếm được 200-300 nghìn đồng nếu thực khách mua ủng hộ, còn những đêm mưa thì đành thất thểu về nhà trọ với bộ đồ sũng nước và giọng ca khàn đặc vì không kịp phục hồi.

“Bên cạnh những vị khách văn minh, yêu ca hát, thích cộng hưởng với mình thì có vài người khó chịu, không thích ồn ào. Gặp các quán có khách ăn mặc bảnh bao, nét văn hóa thể hiện trên khuôn mặt thì tụi em dừng xe lại, lấy bộ đồ nghề ra để hát. Còn đến những quán mà khách chủ yếu là dân lao động thì mình rút ngay kẻo bị nghe chửi” - Cường, chàng ca sĩ bờ kè mà tôi gặp tỏ bày kinh nghiệm khi chọn quán để hát.

Theo Cường, các quán dọc bờ kè chủ yếu là dân công chức, khối văn phòng nên họ hưởng ứng rất nhiệt tình nhưng khi dạt lên bờ kè các quận ven thì phải “trông mặt mà bắt hình dong”, kẻo bị đuổi đi vì gây ra gián đoạn trong cuộc nói chuyện của thực khách. Cường còn kể rằng, nghề này cũng lắm đoạn trường mà chưa ai biết nhiều. Có hôm vì mê giọng hát hay mà nhiều bà sồn sồn đang ăn trong quán cố tình xin điện thoại của “ca sĩ nghiệp dư”.

Lúc đầu chỉ có vài tin nhắn qua lại nhưng cuối cùng thì Cường biết rằng, đã có những tin nhắn gạ tình. Những lúc như vậy, Cường phải bản lĩnh và từ chối nếu không muốn sống kiếp tầm gửi đớn hèn. Cường kể, đã có người bạn của anh ta nhờ giọng ca lạ mà cặp kè với một phụ nữ mới ly thân. Anh này bỏ nghề sau đó vì được hậu thuẫn tài chính từ người đàn bà mới quen.

Cho đến một ngày, anh ta bị đánh ghen thì nỗi ê chề mới xuất hiện. Đi hát dạo hay bán vé số, tuy có vất vả cực nhọc nhưng dù sao vẫn là công sức lao động chính đáng của mình bỏ ra. Cứ chỉ chăm chăm tìm cách sống dựa vào người khác, sớm muộn rồi cũng phải trả giá.

Đêm đến, dọc bờ kè Sài Gòn lộng lẫy ánh đèn nhiều sắc màu. Vẫn có nhiều mảnh đời neo mình tại các quán xá để cất cao tiếng hát và đổi lại là từng đồng tiền lời trong việc bán kẹo cao su, bút bi... Họ đã mang đến sắc màu âm nhạc rộn rã, dâng tiếng hát cho người đời bằng sự đam mê và nhiệt huyết, bằng chính sức lao động của mình.

Hà Tiên
.
.