Kinh hoàng bệnh ung thư

Thứ Ba, 28/08/2007, 17:00
Mới đây, Hội Ung thư Việt Nam đã công bố những con số về bệnh ung thư ở nước ta khiến không ít người có trách nhiệm phải giật mình: Mỗi năm nước ta có hơn 200 ngàn người mắc bệnh và 150 ngàn người chết vì ung thư.

Như vậy, số người chết vì ung thư gấp nhiều lần số người chết vì tai nạn giao thông. Cũng với con số này, mỗi năm nước ta mất số dân bằng một huyện lớn vì bệnh ung thư.

Giáo sư Phạm Thụy Liên, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam khẳng định, nếu các cơ quan chức năng cứ thờ ơ như hiện nay, đến năm 2015, số người mắc bệnh ung thư mỗi năm ở nước ta sẽ lên đến con số 400.000 người. Một con số thật khủng khiếp!

Tôi đến Bệnh viện K (Hà Nội) vào sáng sớm. Những con phố vẫn còn vắng người qua lại, nhưng trước cửa Bệnh viện K đã có hàng trăm người ngồi vạ vật bên hè phố, nằm còng queo trên mấy tờ báo mà ngủ. Họ đến sớm để xếp hàng vào khám bệnh.

Bác sĩ Hoàng Văn Thi, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Bệnh viện K cho biết, mỗi ngày có khoảng 800 đến 1.000 bệnh nhân đến khám. Mỗi bệnh nhân có ít nhất 2-3 người "phụ tá" khiến bệnh viện lúc nào cũng như vỡ ra. Bệnh viện K khá nhỏ mà mỗi ngày phải đón tiếp tới mấy ngàn người nên quanh năm suốt tháng trong tình trạng quá tải.

6h 30’, bệnh viện bắt đầu làm việc, cảnh tượng như vỡ chợ. Người ta chen lấn xô đẩy để được xếp hàng nộp sổ khám bệnh trước. Người khỏe thì chen lấn, người yếu và người bệnh thì ngồi ở gốc cây, vỉa hè chờ. Trông cảnh tượng cả ngàn người xếp hàng chờ được khám bệnh thật tủi cực.

Tôi trộm nghĩ, nếu đông người đến nộp sổ khám bệnh như vậy, sao bệnh viện không bố trí thêm chục nhân viên nữa nhận sổ cho nhanh, rồi hẹn giờ đến khám, cớ sao cứ bắt người ta xếp hàng chen lấn từ sáng sớm như vậy?

Phần đông số bệnh nhân là ở quê ra. Họ mang theo đủ thứ xoong nồi, xô chậu lỉnh kỉnh để chuẩn bị cho cuộc “chiến đấu” trường kỳ với căn bệnh ung thư quái ác. Người ở quê ra phố chữa bệnh thật tội nghiệp. Sơ đồ hướng dẫn từng bước để được khám bệnh ghi rõ trên những tấm bảng, nhưng xem cũng khó tưởng tượng ra.

Người nông dân nhìn sơ đồ cứ loằng ngà loằng ngoằng như ruộng rau muống. Không hiểu nên họ phải hỏi. Nhưng y tá, bác sĩ đã bận rộn lại phải trả lời những câu hỏi mà theo họ, chả ra đâu vào đâu của bệnh nhân nên rất dễ nổi cáu.

Bà con nghĩ mình lên đây phải nhờ bác sĩ, tính mạng phụ thuộc cả vào họ nên khi bị nghe những lời nói không được ngọt ngào, nhiều bà, nhiều chị, nghĩ phận quê mùa, lại bệnh tật sắp chết, tủi thân cứ khóc. Cứ hỏi chuyện là họ khóc, nhất là những người đàn bà quê vốn đã mau nước mắt.

Bác sĩ Hoàng Văn Thi cho biết, 6 tháng đầu năm 2007 đã có 49.073 lượt bệnh nhân ung thư đến khám. Con số bệnh nhân đến khám trong năm 2006 là 118.000 bệnh nhân. Số bệnh nhân điều trị nội trú 7.395 bệnh nhân. Các con số khám ngoại trú, điều trị đều vượt trên 100% đến hơn 200%.

Tại bệnh viện, số bệnh nhân nội trú thường trên 2.000 bệnh nhân, trong khi đó, cả Bệnh viện K chỉ có 10 buồng khám bệnh với 570 giường bệnh. Từ con số này thấy rằng, trung bình cứ 3,5 bệnh nhân nằm chung một giường!

Thạc sĩ Đỗ Hùng Kiên, Phó phòng Kế hoạch – Tổng hợp nói như đùa: Có bác sĩ mỗi ngày phải khám tới 70 bệnh nhân. GS Phạm Thụy Liên thừa nhận: Khám ung thư mà khám nhiều như vậy khó đạt chất lượng cao?

Câu chuyện này kể ra chắc khó ai có thể tin được: Tại khoa Ung bướu đầu - mặt - cổ, phòng nào cũng chật như nêm. Mỗi phòng có 5 giường, giường nào ít nhất có 4 bệnh nhân, còn trung bình là 6 bệnh nhân. Có giường lên đến 8 bệnh nhân.

Tình trạng này cũng xảy ra ở khoa Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai. Chiếc giường nhỏ như vậy thì nằm kiểu gì? Các bệnh nhân ở đây đều biết một quy định bất thành văn: ai vừa mổ thì được nằm giường, còn đợi mổ hoặc mổ xong, sức khỏe phục hồi thì nằm ở gầm giường, hành lang.

Cảnh tượng đông đúc, ngột ngạt như vậy, lại không có điều hòa, không có quạt điện, không hiểu họ phải chịu đựng như thế nào trong cái nóng 37-380C. Với cả ngàn bệnh nhân đến khám mỗi ngày nên đa phần bệnh nhân không có cơ hội điều trị nội trú.

Chỉ có bệnh nhân nhà giàu, có thẻ BHYT hoặc bệnh trầm trọng phải phẫu thuật gấp thì mới có cơ hội kiếm được 1/3 chiếc giường vốn thiết kế chỉ đủ cho một người nằm. Số còn lại, họ thuê nhà bên ngoài bệnh viện để được điều trị. Nhiều bệnh nhân không có tiền thì họ ngủ vỉa hè, nằm vạ vật trong hành lang bệnh viện, thậm chí nằm ngay cửa các khu vệ sinh và... ngáy ngon lành.

Không có tiền nằm giường với giá 70 ng àn đồng/ngày, chị Phạm Thị Sang (Khu 12, Xuân Hòa, Lập Thạch, Vĩnh Phúc) phải lấy góc hành lang trước cửa khu vệ sinh để làm chỗ ngủ. Kiếm được chỗ ngủ trong hành lang bệnh viện cũng phải xí chỗ từ chiều, bởi trong bệnh viện không có muỗi vì nhân viên bệnh viện ngày nào cũng phun hóa chất diệt côn trùng.

Không kiếm được chỗ ngủ trong hành lang bệnh viện, phải nằm vạ vật gốc cây, vỉa hè, không thêm bệnh vì sương gió thì cũng khốn khổ với muỗi. Do vậy, kiếm được chỗ qua đêm dù trước khu vệ sinh cũng là tốt lắm.

Gia đình chị Sang vốn nghèo nhất xã Xuân Hòa. Ruộng nương chỉ có vài sào lúa, lại cấy cày trên đất đá sỏi gan trâu nên để đủ ăn đã phải nhọc nhằn lắm. Cách đây mấy năm, thấy có khối u ở vú, rồi người cứ suy kiệt đi, nhưng không có tiền nên chị nhất định không đi viện.

Đêm nằm đau nhức không ngủ được, nhưng cũng không dám kêu ca. Năm ngoái, thấy người tóp đi như khúc củi khô, vác cái cuốc không nổi, mấy lần ngã quị ngoài ruộng rau nên chồng con khiêng đến bệnh viện huyện.

Bác sĩ nghi ngờ có khối u ác ở vú nên chuyển xuống Bệnh viện K. Lúc này, bệnh của chị Sang đã chuyển di căn, cần phải mổ gấp. Nghe tin phải mổ, nửa đêm về sáng, chị cuốn gói trốn bệnh viện rồi đi bộ ra tận chân cầu Thăng Long bắt xe khách về Xuân Hòa.

Về nhà được mấy ngày, chị nằm liệt luôn. Chồng con thương chị, lại khiêng xuống Bệnh viện K để phẫu thuật. Trong nhà có gì đem bán sạch, rồi vay mượn khắp xóm mới cứu được mạng sống cho chị. Tuy nhiên, phẫu thuật được một thời gian, bệnh lại phát mạnh. Để tiếp tục giữ được mạng sống phải thường xuyên truyền hóa chất và tiếp bạch cầu. Mà cách chữa này thì vô cùng tốn kém, không biết bao nhiêu cho đủ.

Trông cảnh chị Sang đau đớn gia đình lại bắt chị đi viện. Mấy hôm trước, bán con lợn nái gầy giơ xương được 500 ngàn đồng, cùng với đàn con của nó được 2 triệu nữa, tổng cộng có 2,5 triệu đồng.

Cầm 2,5 triệu vào Bệnh viện K không khác nào đem nắm muối thả xuống biển. Vào viện  khám, tiêm vài mũi đã sạch trơn túi, trong khi chưa được truyền hóa chất, tiếp bạch cầu. Tôi hỏi: “Vậy phải làm thế nào?”. Chị nước mắt giàn giụa: “Chị không còn tiền đi xe về nữa. Lát nữa chị đi bộ về, chỉ mong được chết để đỡ khổ chồng, khổ con”.--PageBreak--

Một người cũng có số phận xót xa như chị Sang ở Bệnh viện K, đó là chị Đào Thị Chấu. Chị Chấu nhà ở khu Long Sơn, thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa). Nói là ở thị xã chứ thực ra chị sống trong căn lều lá rộng 9m2, trong một con ngõ nhỏ đến nỗi xe máy đi không tránh nhau được.

Nhưng căn nhà đó chị cũng đem cầm cố lấy 5 triệu đồng rồi. Người cho vay đến xem ngôi nhà và “phán” giá chỉ đến thế. Tuy nhiên, thương chị túng khó nên chỉ lấy lãi 2% một tháng. Chị cũng xác định, không bao giờ trả nợ được, nên khi nào chị chết thì họ tự đến lấy nhà chị thôi.

Cuộc đời chị Chấu không bị bệnh đã bi kịch lắm rồi. Không chồng, không con, không còn cha mẹ. 52 tuổi, chị vẫn phải xách vôi, xách vữa làm phu hồ kiếm sống. Làm việc trong môi trường độc hại, vất vả, lại sống cuộc đời cô độc như vậy mà không bị bệnh đã mừng. Nào ngờ căn bệnh quái ác nhất - ung thư vú đã đổ lên chị.

Không có người thân thích, chị đóng cửa nằm chờ chết. Người hàng xóm phát hiện ra đã dựng chị dậy rồi dìu chị ra đường bắt xe khách đi Hà Nội. Từ tháng 3 đến giờ, chị sống vất vưởng ở Hà Nội để chống chọi với căn bệnh ung thư.

Dù đã phẫu thuật cắt một bên vú, nhưng căn bệnh đã di căn ra toàn cơ thể nên chỉ có truyền hóa chất mới cứu được tính mạng. Từ ngày ra Hà Nội đến nay, chị không dám tiêu một đồng bạc lẻ nào cho việc ăn uống.

Bệnh viện ai cũng biết hoàn cảnh của chị nên đến bữa, mỗi người san sẻ cho chị một hai thìa cơm. Ở đây lâu, quen phố xá, chị theo những người “chiến đấu” trường kỳ với ung thư, đi xin cơm, canh thừa ở các quán cơm ngoài phố nên không sợ chết đói.

Tôi cũng đã vài lần ăn cơm bụi ở phố Tràng Thi, Hai Bà Trưng, Quang Trung... thấy có mấy người đàn bà đầu trọc lốc đứng chầu chực. Hễ ai ăn còn thừa thứ gì họ đều vét vào túi nilon. Giờ tôi mới biết đấy chính là những người mắc bệnh ung thư.

Nhưng không hiểu chị Chấu còn trụ được ở bệnh viện này bao lâu nữa, khi mà tổng tài sản chị huy động được là 12 triệu đã tiêu hết từ mấy ngày nay. Người ta truyền hóa chất và bạch cầu mỗi đợt tốn kém cả chục triệu bạc, mà chị chỉ dám dùng loại rẻ nhất 1,2 triệu đồng.

Chẳng ai dám cho chị vay nữa, bởi chị chết thì ai trả cho họ? Hiện tại, chị sống được là nhờ lòng hảo tâm của người đời, sự trợ giúp của bệnh viện. Nhưng bệnh viện sao cáng đáng nổi khi còn rất nhiều hoàn cảnh nữa cũng rơi vào thảm kịch như chị?

Những trường hợp bi thương như cả hai vợ chồng, cả bố mẹ lẫn con cái đều nằm viện K vì ung thư cũng không hiếm. Họ là những người chủ yếu là sống trong môi trường ô nhiễm ở những “làng ung thư” xuất hiện rất nhiều ở nước ta.

Hôm tôi đến bệnh viện đã gặp vợ chồng anh Vũ Văn Thẩm và chị Hoàng Thị Sách, quê ở xã Mỹ Đồng (Thủy Nguyên, Hải Phòng). Thấy chị Sách ngày một tiều tụy, anh Thẩm đưa chị đi khám. Rồi chị phải vào viện K vì bị ung thư phổi.

Chị nằm viện K chưa đầy một tháng mà tiêu hết veo 20 triệu đồng, mặc dù chị có thẻ bảo hiểm y tế hẳn hoi. Lúc ở bệnh viện chăm sóc vợ, anh Thẩm mới lờ mờ hiểu được những triệu chứng của bệnh ung thư. Và anh thấy mình cũng có những triệu chứng đó.

Anh thử làm xét nghiệm, thế rồi như đất sụt dưới chân: anh cũng bị ung thư phổi như vợ. Giờ chồng nằm khoa nội để truyền hóa chất, vợ nằm khoa tia xạ, không chăm sóc cho nhau được nữa.

Anh Thẩm bảo, làng anh có nghề đúc gang, ô nhiễm khủng khiếp. Trong làng, năm nào cũng có cả chục người chết vì ung thư. Con số chết và hiện đang mắc ung thư phải lên đến cả trăm người. Có lẽ lại thêm một “làng ung thư” nữa xuất hiện ở nước ta.

Buổi chiều hôm đó, tôi còn gặp vợ chồng anh Chúc, chị Thu, là đồng hương Thái Bình với tôi. Anh Chúc vốn bị liệt nửa người, cánh tay trái teo chỉ còn da bọc xương. Chân lại bị thọt nên đi lại vô cùng khó khăn. Nghề chính của anh là bán thuốc diệt ruồi, diệt chuột, bơm ga ở chợ quê.

Nuôi hai đứa con ăn học đã toát mồ hôi, giờ chị lại đổ bệnh khiến gia cảnh càng khó khăn. Từ ngày bị bệnh đến nay, cứ 20 ngày, vợ chồng anh lại dìu nhau lên Hà Nội “chiến đấu” với tử thần. Chị Thu đã 7 lần truyền hóa chất, tóc rụng không còn một sợi. Mấy hôm trước, vì cảm động trước cảnh chồng tật nguyền chăm vợ ung thư, một người lạ mặt đã tặng anh chị 4 triệu đồng. Vợ chồng xúc động không nói lên lời, nước mắt cứ ứa ra.

Có được số tiền đó, vợ chồng anh không phải nằm hành lang bệnh viện mà thuê nhà trọ ở “xóm ung thư” cạnh bệnh viện K. “Xóm ung thư” ở đây có hàng trăm gian nhà được cơi nới, nhỏ bé và kín mít. Căn phòng vợ chồng anh ở xập xệ đến độ vừa bước chân vào đã muốn chạy ra.

Người bệnh và người nhà nằm la liệt khắp nơi. Trong căn phòng độ 10m2 đó, tôi đếm thấy có tới 20 người nằm ngủ trưa. Nóng bức, ngột ngạt đến khó thở. Sống cảnh chật chội thế này chỉ tổ bệnh nặng thêm. Vậy nhưng, giá mỗi tối ngủ là 15 đến 20 ngàn/người. Họ phải sống như thế suốt cả tuần mới đến lượt được chiếu chụp, phẫu thuật hoặc truyền hóa chất...

Rời Bệnh viện K, tôi cứ lan man với câu hỏi: vì sao bệnh ung thư lại nhiều đến thế? Mới chỉ có 10% số bệnh nhân ung thư được điều trị mà đã quá tải khủng khiếp như vậy. Vậy còn số phận của 90% bệnh nhân mắc ung thư sẽ như thế nào?

Phạm Ngọc Dương
.
.