Kỳ 2: Mặt trái của nghề người mẫu: Đường lên sàn diễn…?

Thứ Bảy, 07/02/2009, 14:30
Cùng một lúc, đại gia C, trùm mua bán đất đai cặp với cả hai "mẫu" là T. và H, mỗi "mẫu" đều được C. tặng cho một lô đất 200m2 và một xe Dyland. Cứ mỗi cuộc mây mưa, đại gia C. lại dùng máy quay video, quay lại. Mặc dù những thước phim ấy vẫn còn nằm trong vòng bí mật nhưng ai biết ngày sau sẽ ra sao nên dù muốn dù không, "mẫu" T, "mẫu" H. nhất mực đều nghe lời C. răm rắp.

>>Mặt trái của nghề người mẫu: Đường lên sàn diễn…?

Những ngả đường lên “mẫu”

Như chúng tôi đã nói trong bài trước, khá nhiều người tin rằng nghề "mẫu" là một nghề chẳng cần phải lao tâm khổ trí mà vẫn được trọng vọng, săn đón và nhất là hái ra tiền nên chả trách lắm cô gái đã quan niệm chỉ cần có "ngoại hình, chân dài" thì sẽ một bước lên sàn catwalk trong lúc thực tế, với hơn 3 nghìn người mẫu như hiện nay, số vừa có "nghề", vừa có "sắc", lại có thêm "bài bản" chính quy, mỗi show diễn được trả thù lao bạc triệu  thì rất ít.

P. là một trong những trường hợp như thế. Xuất thân từ một gia đình buôn bán nhỏ, chỉ vừa đủ ăn, học chưa hết lớp 10 thì nghỉ nhưng được trời ban cho chút nhan sắc, rồi được một tạp chí về quần áo, mỹ phẩm đưa hình lên trang bìa - mà thực chất chỉ để câu khách, đồng thời săn tìm nguồn hàng cung cấp cho các bầu show chuyên tổ chức "biểu diễn thời trang" -  sau khi P. đạt danh hiệu "hoa hậu... nước hoa" trong một cuộc thi dưới hình thức gửi thư trả lời cho ban giám khảo, rằng "bạn hay xài nước hoa loại gì", P. đã mơ thấy cái ngày mà hàng trăm con mắt sẽ phải đổ dồn vào cô khi cô bước trên sàn catwalk.

Để chuẩn bị cho cái ngày đó, P. xin tiền gia đình, vay mượn bạn bè, sắm xe SH, mua điện thoại di động iPhone 3G - nhưng chỉ để nhắn tin hoặc "nhá" máy cho người khác gọi lại - cùng năm bảy bộ váy cánh rồi chiều chiều, P. ra một quán cà phê  "deluxe" ở góc hồ Con Rùa, ngồi tán gẫu với một số bạn sắp sửa... lên "mẫu" như cô. Mà đã là "mẫu" thì phải có đẳng cấp. Trước khi đến quán, cô nhắn tin dặn người phục vụ để sẵn lên bàn tấm giấy có ghi dòng chữ: "Bàn đã đặt - Người mẫu P".

Rồi cái ngày đó cũng đến, nhưng không phải đến từ sàn catwalk, mà đến từ một nhà hàng ăn. Số là gần đây, để chứng tỏ mình cũng biết chơi như ai, vài doanh nghiệp khi khai trương hoặc kỷ niệm chi đó, ngoài phần ăn nhậu, họ còn thuê một bầu show tổ chức trình diễn thời trang trong khoảng 20-30 phút để chiêu đãi khách và những show này, càng có sự xuất hiện của nhiều em "chân dài" thì cuộc vui càng thêm xôm tụ.

Nhà hàng ăn làm gì có sẵn sàn catwalk nên nhân viên phục vụ đã dọn một lối đi giữa các bàn. Thế là trong tiếng nhạc chát chúa, giữa những bộ mặt đỏ gay vì bia rượu cùng những lời bình phẩm mà lắm khi rất thô tục, P. cùng các "mẫu" lần lượt xuất hiện với lời giới thiệu của tay MC nổ như pháo: "Đây, siêu mẫu P. với bộ áo dạ hội của nhà thiết kế thời trang B"; "Đây, K, người mẫu số một trong trang phục công sở do họa sĩ C. thiết kế"; "Đây,  người mẫu Q...".

Chân phải bước chéo trái, chân trái bước chéo phải, các "mẫu" mặt hếch lên, đi như rôbốt. Kết thúc show diễn, P. nhận thù lao... 300 nghìn đồng, chưa đủ để mua một hộp phấn nhưng nhằm nhò gì vì anh A. bầu show đã nói, đây chỉ là diễn tập để chuẩn bị cho một show hoành tráng sẽ được anh tổ chức vào dịp đầu năm mới đó sao!

Có thể nói, đa số các "mẫu" như P. đều thuộc dạng gia đình có mức sống trung bình hoặc nghèo, và bước vào thế giới người mẫu chỉ bởi sự kích thích của các show diễn chiếu trên truyền hình, hoặc sách báo. Để trở thành những giai nhân ngúng nguẩy dưới ánh đèn chớp nháy, nhiều "mẫu" ngoài việc xin tiền nhà, vay mượn người thân, bạn bè hoặc vay nóng để sắm sửa bộ cánh mà kết cục, không ít "mẫu" trở thành gái gọi, hoặc nằm trong những đường dây mại dâm hạng sang.

Còn nhớ trước đây, khi đường dây mại dâm của tú bà Q. bị phát giác, thì trong danh sách của nhân vật "tuổi trẻ tài cao" này, có không ít tên là tên các "người mẫu". Khi bị mời lên Cơ quan công an làm việc, có "mẫu" đã hồn nhiên trả lời: "Theo em, cái đẹp không phải của riêng ai, mà là của chung!". Lại có "mẫu" giả vờ “ngây thơ cụ”: "Em cứ tưởng ra Vũng Tàu với mấy ảnh là để bàn về chương trình biểu diễn thời trang biển, còn 200USD là tình cảm mấy ảnh... cho em".

B, là một trong số những "mẫu" loại ấy, nhưng đời cô đã trở thành bi kịch khi cô bước vào thế giới người mẫu. Không xin được tiền bạc từ gia đình, vay mượn cũng chẳng biết mượn ai nên cô đành... vay nóng với hy vọng khi đã nổi tiếng như  "mẫu" H. - chỉ một sớm một chiều đã vẫy tay chào vĩnh biệt căn nhà trong một khu ổ chuột quận 3, để dọn về ở bên làng biệt thự Phú Mỹ Hưng, quận 7,  ngày ngày ngồi sau tay lái chiếc Lexus, thì vài chục triệu tiền vay nóng có nhằm nhò gì.

Tuy nhiên, lăn lộn hết sàn catwalk này qua sàn catwalk nọ, mà B. vẫn chỉ là người mẫu hạng C, thù lao mỗi buổi diễn chưa bao giờ quá 500 nghìn đồng trong lúc tiền vay nóng lãi mẹ đẻ lãi con, từ vài chục triệu biến thành gần 100 triệu. Đã thế, ngày nào B. cũng nhận được vài ba cuộc điện thoại của chủ nợ: "Khi nào mày trả cho tao đây", hoặc: "Cuối tháng này mà mày không thanh toán hết tiền lãi thì đừng có trách".

Đường cùng, B. đành nhắm mắt đưa chân làm gái bao cho một đại gia chuyên ngành kinh doanh bất động sản.  Khi đã chán chê, đại gia này sang tay cho một đại gia khác. Giàu lên một cách nhanh chóng nhờ vào những phi vụ đất đai, chứng khoán, nhiều đại gia giờ đây có một "mốt" mới: Đó là cặp với "mẫu" rồi trong những buổi thù tạc, chén chú chén anh, các đại gia tự hào vì mình đã "xơi" được "mẫu" này, "hậu" nọ.

Chả thế mà trong các cuộc thi "người đẹp", có khá nhiều giai nhân được các đại gia đứng ở sau lưng, vung tiền vận động hành lang mà chỉ để sau đó, giai nhân sẽ thuộc về đại gia trong một khoảng thời gian nào đó.

Trong giới người mẫu vẫn truyền tụng cho nhau nghe câu chuyện về đại gia C, trùm mua bán đất đai. Cùng một lúc, C. cặp với cả hai "mẫu" là T. và H, mỗi "mẫu" đều được C. tặng cho một lô đất 200m2 và một xe Dyland. Cứ mỗi cuộc mây mưa, đại gia C. lại dùng máy quay video, quay lại. Mặc dù những thước phim ấy vẫn còn nằm trong vòng bí mật nhưng ai biết ngày sau sẽ ra sao nên dù muốn dù không, "mẫu" T, "mẫu" H. nhất mực đều nghe lời C. răm rắp.

M, một "mẫu" vừa bước chân lên sàn diễn nhưng vội rút ra ngay, kể cho tôi nghe: "Chỉ sau show đầu tiên, đã có một ông - đáng tuổi bố em, gặp em rồi đề nghị sẽ lo cho em từ A đến Z với điều kiện em phải thuộc về ông. Để chứng minh, ổng hỏi mượn điện thoại di động Motorola của em, tháo simcard ra rồi thả chiếc điện thoại vào ly soda pha cognac. Sau đó, ông gọi tài xế nói chi đó. Chừng nửa tiếng, tài xế mang vào đặt trước mặt em chiếc Nokia N95 mới tinh". 

Và những phong cách chẳng giống ai của “mẫu” nữ…

Công bằng mà nói, hai chữ "người mẫu" thực sự trở nên sôi động từ năm 2003 đến nay, lúc Thanh Long cùng Tạ Nguyên Phúc lập nên Công ty người mẫu PL, và các người mẫu như Võ Hoàng Y,  Dương Mỹ L, Ngọc B, Phùng Ngọc Y, Chung Thục Q. lần lượt tỏa sáng trên sàn diễn, trong các cuộc thi hoa hậu.

Ngay như cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ diễn ra ở thành phố biển Nha Trang vừa rồi, Công ty PL đưa 11 thí sinh ra dự thi, thì 5 người lọt vào vòng chung kết. Trước sự thành công ấy, nhiều trường đào tạo người mẫu nối tiếp nhau xuất hiện như Venus Fashion, Viet Model, Á Đông, La La... --PageBreak--

Ở những nơi này, tiêu chuẩn để trở thành "mẫu" khá gắt gao: Nam phải cao từ 1,75 mét, nữ từ 1,68 mét trở lên, không dị tật, độ tuổi từ 14 đến 21, trình độ văn hóa tối thiểu phải hết trung học và học phí khá cao nhưng dạy có bài bản, có đầu tư chiều sâu và nhất là khi học xong, "mẫu" có đất để diễn. Có nơi không lấy học phí mà sau khi ra nghề, trường sẽ thu lại 30% tiền cátsê của mỗi show diễn.

Nhưng bên cạnh đó, vẫn tồn tại những lò luyện "mẫu" hoạt động tạp nham mà lò của bầu T. là một điển hình. Có mặt tại đây trong một buổi sáng, chúng tôi thấy khoảng 15 cô, tuổi đời chưa quá 20, đang từng bước uốn éo dưới sự chỉ dẫn  của thầy. Mà thầy chỉ dẫn những gì? Xin thưa: "Lắc mông cho mạnh vào, lắc sao cho thật...  dâm. Phải dâm thì người ta mới chú ý chứ".  Hoặc: "Bước ra sàn diễn, cái gây sự hấp dẫn nhất là dáng đi. Phải đi như thế này nè...".

Rồi thầy T. lấy chính thân mình ra làm đạo cụ trực quan. Thầy bước tới, ngực thầy hất ra phía trước, bụng cũng hất theo. Khổ nỗi, thầy thuộc dạng “bụng ỏng đít beo” nên khi thấy thầy hất bụng ra trước, các cô "mẫu" phải cắn chặt môi để nín cười. Chả thế mà các "mẫu" xuất thân từ lò này đểu có phong cách biểu diễn rất gợi dục, chưa kể có "mẫu" còn cố tình tạo ra những scandal mà mục đích không ngoài việc nhanh chóng... nổi tiếng.

Người mẫu K. chẳng hạn, trên sàn catwalk cô liên tục tróc lưỡi ra vẻ mời gọi, thỉnh thoảng cô còn chu môi như gởi đi những nụ hôn. Người mẫu M. bạo hơn: Trong trang phục áo tắm, M. luôn tay xoa lên bộ ngực căng tròn vì đã được bơm mỗi bên 100cc silicon.

Nói của đáng tội, những kiểu quần áo do nhà thiết kế nào đó, tạo mẫu cho lò thầy T. cũng chỉ nhằm mục đích khoe ra những chỗ... đáng khoe trên thân thể, chứ không hẳn chỉ thiên về khía cạnh thẩm mỹ. Những bộ "thời trang" ấy đều có chung một đặc điểm là ôm sát, mỏng dính, hở rốn, lòi nửa mông, trễ ngang ngực và điều đặc biệt là các "mẫu" khi tròng vào người những bộ quần áo này, đều không được phép mặc... áo ngực.

Dĩ nhiên chẳng phải "mẫu" nào cũng đồng tình với cái quy định ấy nhưng không ai dám phản đối bởi lẽ các "mẫu" đều rất sợ bị mang tiếng là "chảnh". Mà đã "chảnh" thì hỡi ơi, sàn catwalk sẽ chỉ còn là một kỷ niệm xa vời. Người mẫu L. tâm sự: "Đến lúc tập trung vào hậu trường để chuẩn bị ra sàn diễn, em mới biết mình sẽ phải mặc bộ đồ nào nên có những bộ đồ mặc vào rất mắc cỡ, nhưng vẫn phải mặc vì không mặc là coi như ra rìa luôn".

Đến những mặt tối của “mẫu” nam

Chẳng  ồn ào như các "mẫu" nữ, giới "mẫu" nam xem ra ít thấy tai tiếng hơn nhưng không phải là không có chuyện. Ngoại trừ những người đã tốt nghiệp - rồi thành danh từ những trường lớp bài bản mà chúng tôi vừa nêu ở trên, còn thì nhiều "mẫu" chỉ học qua một khóa căn bản 3 tháng, sau đó bắt mối với bầu show, hoặc nhà thiết kế rồi một bước thành... "mẫu".

Khác với một số "mẫu" nữ đã nổi tiếng, mỗi show diễn có thể kiếm 6, 7 triệu thậm chí chục triệu đồng, "mẫu" nam đắt giá lắm cũng chỉ khoảng 4 hay 5 triệu là cùng nên một số "mẫu" hạng B, hạng C, tranh thủ sử dụng hai chữ "người mẫu" để làm ăn.

D. chẳng hạn, người mẫu nam này có nguyên cả một tập album với đủ các kiểu hình, kể cả hình... khỏa thân để tiếp thị với các bà sồn sồn, thừa tiền nhưng thiếu tình. Chỉ cần một cú điện thoại, D. sẽ đến đúng hẹn với giá 300USD nếu qua đêm. Hiện tại, giới "mẫu" nam kháo nhau, rằng D. đang là "trai bao" cho một bà chủ tiệm vàng góa chồng ở quận 11 nên chả thế mà D. hầu như bặt hẳn trên sàn catwalk.

 Một bữa, trong một quán ăn nằm trên đường Sư Vạn Hạnh, quận 10, khi D. cùng bà chủ tiệm vàng đang vai bên vai, đầu sát bên đầu thì bất ngờ cậu con trai lớn của bà chủ xuất hiện. Chẳng nói chẳng rằng, cậu ta đưa tay xáng cho "mẫu" D. một cái tát nảy lửa, kèm theo câu miệt thị "thằng đĩ đực". Cũng may là mấy nhân viên bảo vệ nhà hàng đã kịp thời nhào vô ngăn cản chứ nếu không, D. sẽ còn phải lãnh nguyên chai bia lên đầu trong lúc bà chủ tiệm vàng ngồi chết sững như trời trồng, miệng chỉ còn biết rên rỉ: "Ối giời ơi".

N. thì khác hơn, vốn là dân thuộc hệ "xăng pha nhớt", N. đi vào con đường người mẫu mà ngoài việc mong muốn sẽ trở thành... siêu mẫu, N. còn tìm cho mình một bạn tình. Thoạt đầu, N. cặp với một "nhà thiết kế thời trang" cũng cùng "hệ" như N. Được vài tháng, N. chia tay vì nhà thiết kế này không đủ khả năng biến N. thành sao trên sàn diễn.

Kế tiếp, N. làm "vợ" một bạn diễn, cả hai thuê nhà sống chung. Ít lâu sau, N. lọt vào mắt xanh của một đại gia cũng là dân "xăng pha nhớt". Bỏ hẳn ông "chồng" bạn diễn thì N. không dám vì "chồng" N. ghen thấy bà cố, còn dứt khoát hẳn với đại gia, N. lại tiếc... tiền.

Xem N. đi trên sàn catwalk - nhất là những show diễn có quay phim truyền hình mới thấy "mẫu" này thuộc dạng láu cá vặt. Bằng nhiều thủ pháp, N. luôn luôn là người bước ra đầu tiên, hoặc là người đi cuối cùng vì khi phát sóng, khá nhiều nhà đài luôn nhấn mạnh vào phần mở màn và phần bế mạc.

Chấn chỉnh nghề “mẫu”, có được không?

Cuối năm 2006, Hội Người mẫu Việt Nam (VMA) đã chính thức ra mắt và đi vào hoạt động với ban chấp hành nhiệm kỳ 2006 - 2010 gồm 17 thành viên mà trong đó, 11 vị là giám đốc các hãng thời trang, 3 là cán bộ quản lý và 3 công tác trong những cơ quan có liên quan đến lĩnh vực văn hóa.

Theo quy định, một công ty nếu được phép chuyên doanh trong lĩnh vực nào thì có quyền đào tạo nhân lực để phục vụ cho lĩnh vực  đó, và giấy phép do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cấp - tùy theo ngành nghề. 

Nếu công ty trong quá trình đào tạo, rồi cấp chứng chỉ tốt nghiệp cho học viên, thì cũng phải đăng ký ở Sở Lao động - Thương binh và Xã hội  nhưng nhiều lò đào đạo người mẫu đã lập lờ trong khoản này bởi lẽ giấy phép chỉ có chức năng tổ chức biểu diễn, trình diễn thời trang nhưng họ vẫn vô tư chiêu sinh, dẫn đến những thế hệ "người" chẳng ra "người", "mẫu" không ra "mẫu".

Vì vậy, để trả lại cho các người mẫu sự trong sáng bởi lẽ nghề người mẫu cũng là một nghề bình thường như bao nghề khác, các ngành chức năng cần có những biện pháp thích đáng như chế tài đến mức tối đa các lò luyện "mẫu" chui, những show diễn với trang phục phản cảm. Riêng với các người mẫu, có lẽ cũng không thừa khi nhắc lại một câu nói của siêu mẫu Naomi: "Để đến được  sàn catwalk, đường sẽ rất dài nhưng những bước đi trên đó lại vô cùng ngắn ngủi"

V.C.
.
.