Kỹ năng phòng, chống cướp ngân hàng

Thứ Năm, 24/01/2019, 12:30
Vụ cướp ngân hàng táo tợn xảy ra ngày 18-1-2019 tại tỉnh Quảng Ninh, có lẽ đã không kết thúc chóng vánh và "có hậu" như vậy, nếu không có sự bình tĩnh, chuyên nghiệp trong xử lý tình huống của nhân viên ngân hàng, cùng kỹ năng tác chiến thành thục của lực lượng Công an địa phương.

Danh sách những vụ cướp "nhà băng" không giảm trong những năm gần đây. Trong tháng "củ mật" này, sự cẩn trọng càng phải được tăng cường, bởi đây là lúc nhu cầu chi tiêu tăng cao.

Bắt cướp tại trận

Đầu giờ làm việc chiều 18-1, trong phòng giao dịch của Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Hạ Long tại số 74, phường Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh có đông nhân viên đang làm việc cùng khách hàng. Trong số đó có 1 vị khách nam giới viết 5 phiếu chuyển tiền vào 5 tài khoản khác nhau, với tổng số tiền (ghi trên phiếu) là 376 triệu đồng nhưng không lấy tiền ra nộp. Khi nhân viên ngân hàng mời nộp tiền, người khách bất ngờ rút ra một khẩu súng tự chế chĩa vào họ, yêu cầu chuyển số tiền nói trên vào tài khoản và bắt thủ quỹ lấy tiền trong két xếp vào chiếc túi cầm theo, nếu không nghe sẽ bắn.

Hình ảnh vụ cướp Ngân hàng tại Hòa Thắng, Thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk ngày 29-11-2017. (Ảnh trích xuất từ camera an ninh).

Tình huống cướp xảy ra hết sức đột ngột. Mặc dù rất sợ hãi, nhưng các nhân viên giao dịch đã cố gắng trấn tĩnh, tỏ ra chấp thuận mọi yêu cầu của tên cướp. Trong lúc thủ quỹ mở két lấy 720 triệu đồng cho vào túi cho tên cướp, thì thủ kho và nhân viên bảo vệ phòng giao dịch đã nhanh chóng, bí mật báo tin cho cơ quan Công an.

Nhận tin cấp báo, chỉ 7 phút sau, lực lượng Cảnh sát hình sự Công an TP Hạ Long và Công an phường Trần Hưng Đạo đã có mặt tại hiện trường, trong lúc tên cướp vẫn đang dùng súng uy hiếp mọi người. Bằng chiến thuật hợp lý, các trinh sát đã nhanh chóng áp sát và đánh bắt, tước vũ khí trong tay tên cướp, đảm bảo an toàn cho những người có mặt tại đó. Tại hiện trường, Công an TP Hạ Long đã thu giữ 1 khẩu súng tự chế, 5 phiếu chuyển tiền và 720 triệu đồng tiền mặt. Kết quả điều tra xác định tên cướp là Trần Thế Khương, 40 tuổi, trú tại tổ 18A, khu 3, phường Hà Khánh, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. 

Nhận xét về sự việc, Đại tá Nguyễn Hải Phong, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Quảng Ninh nói: "Vụ án được xử lý nhanh chóng, an toàn, thu hồi được tài sản, là kết quả từ sự phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng BIDV Hạ Long và Công an tỉnh Quảng Ninh. Điều đáng nói là nhân viên ngân hàng đã xử lý tình huống khá chuyên nghiệp. Một mặt, họ đã không làm gì để kích động đối tượng, tỏ ra ngoan ngoãn thực hiện yêu sách của tên cướp để kéo dài thời gian chờ ứng cứu. Trong lúc đó, các nhân viên không bị khống chế đã nhanh chóng, bí mật báo tin cho Cảnh sát".

Giải mã tội phạm

Cướp ngân hàng không còn là chuyện mới ở Việt Nam. Mặc dù chiếm tỷ lệ không lớn trong tổng số tội phạm cướp tài sản đã xảy ra, nhưng các vụ cướp ngân hàng đang có những diễn biến phức tạp, gia tăng về số vụ và tính chất, mức độ nghiêm trọng, xảy ra tại nhiều địa phương trong cả nước.

Đối tượng Trần Thế Khương, thủ phạm vụ cướp Ngân hàng tại Hạ Long ngày 18-1-2019 tại cơ quan công an.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát hình sự, trong giai đoạn từ năm 2012 đến 2016, trong cả nước chỉ xảy ra 3 vụ cướp ngân hàng, 2 vụ cướp quỹ tín dụng, thì đến năm 2017, đã xảy ra 9 vụ cướp ngân hàng. Năm 2018 diễn biến tội phạm cướp ngân hàng rất phức tạp, xuất hiện rất nhiều các vụ cướp táo tợn, manh động ở khắp cả nước như: TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bắc Giang... Chỉ tính riêng trong 9 tháng đã xảy ra 6 vụ, trong tháng 9-2018 xảy ra 2 vụ cướp dùng vũ khí nóng.

Phân tích các vụ cướp ngân hàng mới xảy ra trong thời gian gần đây, Thiếu tá Lê Minh Hải, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội nói: "Các phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng được mặc định là nơi cất chứa nhiều tiền mặt, nên đây là mục tiêu tội phạm cướp hướng tới. Tính chất đặc biệt nguy hiểm của loại tội phạm này không chỉ ở việc chiếm đoạt tài sản, mà còn trực tiếp đe dọa, uy hiếp tính mạng của các nhân viên ngân hàng và người đến giao dịch. Những kẻ đã dám vào cướp ngân hàng, thường rất liều lĩnh, hung hãn, quyết tâm thực hiện hành vi đến cùng. Chính vì vậy, chúng luôn trang bị vũ khí nguy hiểm có độ sát thương cao như súng, dao… và sẵn sàng chống trả hoặc bắn, giết nạn nhân nhằm mục đích chiếm đoạt được tài sản và tẩu thoát. Số lượng tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ cướp cũng thường rất lớn. Vì thế một vụ cướp ngân hàng xảy ra, luôn là tâm điểm của dư luận, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động bình thường của các ngân hàng. Thời gian gần đây, loại tội phạm này có chiều hướng gia tăng, với tính chất ngày càng manh động, liều lĩnh, thủ đoạn tinh vi và số tiền chiếm đoạt lớn hơn so với trước". 

Khẩu súng tự chế mà Trần Thế Khương sử dụng trong vụ cướp.

Vẫn theo Thiếu tá Lê Minh Hải, thủ phạm những vụ cướp ngân hàng vừa qua hoạt động đơn lẻ, không có đồng phạm. Nhiều đối tượng không có việc làm ổn định, mắc vào túng thiếu hay nợ nần, thua lỗ trong làm ăn, cần một khoản tiền lớn để trả nợ và trang trải cuộc sống. Để đi đến quyết định gây án, thủ phạm thường bị thúc ép bởi nhu cầu về tài chính. Trước khi gây án, thủ phạm thường có bước thăm dò khá kỹ lưỡng mục tiêu, tìm hiểu địa hình địa vật, đường đi lối lại, quy luật hoạt động của cơ sở ngân hàng, quan sát hệ thống an ninh để phát hiện sơ hở của công tác bảo vệ, lựa chọn thời gian, chuẩn bị vũ khí, tính toán phương án tiếp cận, cách thực hiện hành vi cướp và tẩu thoát khỏi hiện trường…

Khi gây án, thủ phạm thường tiếp cận mục tiêu bằng cách đóng giả khách hàng vào giao dịch, sau khi quan sát tình hình nếu thấy thuận lợi (vắng người, bảo vệ lơ đễnh), chúng sẽ bất ngờ rút vũ khí (thật hoặc giả) để uy hiếp tinh thần nhân viên với cường độ rất cao, quyết liệt trong từng cử chỉ, hành động nhằm tạo ra sự sợ hãi, gây áp lực đủ lớn để nhân viên ngân hàng sợ hãi mà đưa tài sản theo yêu cầu. Sau khi chiếm đoạt được tài sản, chúng sẽ nhanh chóng tẩu thoát, cất giấu hoặc tiêu huỷ chứng cứ để che giấu tội phạm.

Về thời gian gây án, tội phạm thường chọn lúc phòng giao dịch vắng người, chủ yếu vào chiều tối hoặc buổi trưa. "Gần tết Nguyên đán là lúc các loại tội phạm, trong đó có tội phạm cướp ngân hàng sẽ hoạt động rất mạnh. Vì thế, đây là thời điểm các cơ sở ngân hàng phải hết sức chú ý, đề cao cảnh giác và gia tăng cảnh giác" - Thiếu tá Hải khuyến cáo.

Nâng cao sức "đề kháng"

Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm cướp ngân hàng, Thiếu tá Lê Minh Hải cho rằng trước tiên, lãnh đạo và nhân viên ngân hàng phải thường xuyên cập nhật tình hình, nắm được những phương thức, thủ đoạn của tội phạm cướp ngân hàng, phải xác định tội phạm có thể xảy ra ở bất cứ đâu, từ đó đề cao cảnh giác, chuẩn bị sẵn sàng phương án đối phó.

Phối hợp với ngành chức năng xây dựng phương án và diễn tập bảo vệ chống đột nhập, cướp tiền, tài sản, tổ chức tập dượt thường xuyên các phương án, sao cho tất cả nhân viên ngân hàng và bảo vệ đều làm chủ được các kỹ năng ứng phó trong các tình huống phức tạp.

Cơ quan điều tra khám nghiệm hiện trường vụ cướp ngân hàng tại tỉnh Trà Vinh ngày 26-4-2017.

Tiếp theo, phải chủ động rà soát lại lực lượng bảo vệ chuyên trách, đảm bảo đủ về số lượng, có sức khỏe, nhanh nhạy và phải thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ, chú trọng kỹ năng phát hiện dấu hiệu bất thường, kỹ năng xử lý tình huống cướp xảy ra. Trang bị vũ khí được pháp luật cho phép sử dụng, để đội ngũ nhân viên bảo vệ có khả năng phòng vệ, ngăn chặn các vụ cướp. Duy trì việc thường xuyên bảo dưỡng hệ thống thiết bị an ninh như cảm biến nhiệt, cảm biến hồng ngoại, camera, báo động, báo cháy..., kịp thời bổ sung, sửa chữa, đảm bảo thiết bị hoạt động hiệu quả 24/24h.

Thiết lập đường dây nóng và có cơ chế phối hợp chặt chẽ với Công an cơ sở. Tuân thủ nghiêm các quy định về công tác bảo vệ, không mở cửa trong giờ kiểm kê cuối ngày. Lực lượng Công an thường xuyên cập nhật, thông báo, tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của tội phạm cướp ngân hàng đang diễn ra phổ biến, cũng như các phương thức thủ đoạn phạm tội mới cho nhân viên ngân hàng và nhân dân. Phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông để giúp người dân nâng cao cảnh giác phòng ngừa tội phạm". 

Nên làm gì khi đối diện với họng súng của bọn cướp trong ngân hàng cũng là một vấn đề được đặt ra. Theo một điều tra viên cao cấp của Công an Hà Nội, thì mục đích của bọn cướp là tiền, chứ không phải đoạt mạng người. Nhưng nếu nạn nhân không biết cách xử sự khôn ngoan, có hành động nào đó như tri hô, la hét, nhất là lao vào ôm giữ đối tượng… sẽ kích hoạt nỗi sợ bên trong của chúng, biến thành những hành động liều lĩnh, nhằm triệt tiêu khả năng bị bắt. Điều này rất nguy hiểm, vì hậu quả lớn hơn có thể xảy ra.

Cần nhớ trong mọi vụ án cướp tài sản, phải đặt sự an toàn về tính mạng, sức khoẻ lên hàng đầu, có thể ngoan ngoãn giao tài sản cho chúng, tuyệt đối không nên manh động, liều lĩnh ôm bắt, vật lộn với tên cướp trong tay có vũ khí nguy hiểm.

Trong lúc tiếp xúc với đối tượng, cần giữ bình tĩnh, kín đáo quan sát, ghi nhớ các đặc điểm về trang phục, hình dáng, cử chỉ, giọng nói, độ tuổi… để cung cấp cho cơ quan điều tra về sau. Tận dụng tối đa thời cơ đối tượng sơ hở, bí mật báo tin cho cơ quan Công an gần nhất. Nếu có thời cơ và hơn hẳn về lực lượng, hoặc phát hiện vũ khí giả, bảo vệ và nhân viên ngân hàng có thể bất ngờ tấn công đối tượng để vô hiệu hoá hoặc bắt giữ".

Đào Trung Hiếu
.
.