Ký ức không quên về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc
- Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc sẽ không còn mờ nhạt trong sách giáo khoa mới
- Tri ân những người có công trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc
- Ký ức những ngày tháng chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc
Đó là quãng thời gian đủ dài để nhiều chuyện có thể qua đi nhưng không thể quên cuộc chiến đấu đã trở thành một phần của lịch sử chống ngoại xâm, bảo vệ biên cương Tổ quốc.
Một ngày đầu hè năm 1976, năm hòa bình thứ hai, vậy mà chúng tôi được lệnh chuyển quân lên biên giới phía Bắc. “Sao lại là lên biên giới?”. Câu hỏi xoáy vào tâm trí chàng lính binh nhất măng tơ mà trong lòng vẫn còn nhiều thắc mắc không kịp vào Nam chiến đấu.
Một trận chiến đấu với quân xâm lược ở Bình Liêu. Ảnh: Tư liệu. |
Từ căn cứ Đồi Ngô thuộc huyện Lục Nam (Hà Bắc bấy giờ), Sư đoàn 325B của chúng tôi sau khi bàn giao các trung đoàn của mình cho các địa phương như Hà Tuyên, Hoàng Liên Sơn và Hà Bắc thì được lệnh khẩn trương di chuyển sang hướng biên giới Quảng Ninh. Một cuộc chuyển hướng rất khác lạ giữa thời bình đủ khiến cánh lính trẻ đang mong trở lại học đường thoáng chút băn khoăn. Chặng đường chuyển quân được thiết lập nhanh chóng với đủ mọi phương tiện như đường bộ, đường thủy.
Tôi nhớ ngày đó nhạc sĩ Lưu Ba, một người trai Hà Nội thứ thiệt, đã viết ca khúc “Về với Quảng Ninh” với những ca từ như “Vượt mấy trùng dương lướt sóng Hạ Long/ Đây con tàu đưa ta tới miền Đông Tổ quốc đến với vùng đất mỏ Quảng Ninh...”. Bài hát mau chóng trở thành ca khúc chính thức của Sư đoàn, được cán bộ chiến sĩ say sưa hát. Sự say sưa mang vẻ lãng mạn và nhiều háo hức đó còn theo mãi tới tận hôm nay.
Nữ dân quân người Dao Thanh Phán ở Đồng Văn, Bình Liêu cùng bộ đội tuần tra biên giới. Ảnh: Tư liệu. |
Bộ phận tuyên truyền chúng tôi hành quân lên biên giới Đông Bắc bằng đường bộ với nhiệm vụ vừa hành quân vừa kết hợp tuyên truyền và phục vụ bộ đội cùng bà con dân tộc các huyện miền Đông Quảng Ninh. Tôi vừa đi vừa thắc mắc bởi vì sao cả một sư đoàn chủ lực lúc đó chỉ còn bộ khung lại được đưa lên bố trí tại đây?
Câu hỏi ấy nhanh chóng có lời giải đáp cho dù còn rất lờ mờ. Ấy là khi chúng tôi lên tới huyện biên giới Đình Lập, ngày đó còn thuộc tỉnh Quảng Ninh. Quốc lộ 31 êm êm chạy tuốt lên cửa khẩu Bản Chắt chợt có gì đó rất ngờ ngợ khi chúng tôi được phổ biến là cảnh giác và tránh bị kích động. Sao lại phải cảnh giác và tránh bị kích động?
Câu hỏi này đã nhanh chóng được lý giải khi chúng tôi hành quân tới huyện Bình Liêu. Đây là một huyện nghèo khó vào loại nhất nước lúc bấy giờ chứ đừng nói chỉ riêng tỉnh Quảng Ninh khi đó.
Sau khi ổn định tại nơi đóng quân mới, Sư đoàn 325B nhanh chóng tiếp nhận Trung đoàn 43 khi đó đang đắp đê biển ở huyện Hải Ninh (thành phố Móng Cái hiện nay) cùng với việc tiến hành thành lập Trung đoàn 41 đóng quân ở huyện Bình Liêu và các tiểu đoàn trực thuộc. Còn nhớ, vào trước thời điểm đó, cả 6 huyện Đông Bắc hay chính xác là toàn tuyến biên giới giáp với Trung Quốc của tỉnh Quảng Ninh chỉ có bộ đội cấp huyện, mấy đồn công an vũ trang cửa khẩu với quân số rất ít và dăm ba tiểu đoàn bộ đội làm kinh tế chứ chưa hề có một đơn vị chủ lực nào.
Việc Sư đoàn 325B triển khai các đơn vị chủ lực ra sát đường biên đã he hé cho thấy chúng ta đã nhận ra âm mưu của đối phương và đã hình thành những vị trí phòng thủ nhằm bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc.
Tôi nhớ lần đầu tiên đi trên con đường đất đỏ do bộ đội Tiểu đoàn 6 mới phát tuyến dẫn từ cửa khẩu Hoành Mô tới bản Phạt Chỉ xã Đồng Văn gập ghềnh đất đá. Dịp đó nước suối Đồng Văn (một chi lưu hợp nên sông Tiên Yên) lô xô những tảng đá mồ côi to như những chiếc cối giã gạo ở dưới xuôi vậy.
Đưa tay chỉ sang một gò đất cao nổi bật giữa những vạt ruộng lúa bậc thang xanh rì, anh Nguyễn Văn Đua, chính trị viên Đại đội 5, nói bằng thứ giọng hơi lạc đi “Các cậu có nhìn thấy cái cột đá cao cao đứng giữa ruộng lúa kia không?”.
Chúng tôi cùng ngoái cổ nhìn sang trái và đều nhận thấy giữa ruộng lúa một cột đá cao chừng 2 mét rất uy nghi. Anh Đua cho hay đó là cột mốc biên giới bằng đá do chính quyền Pháp và nhà Thanh dựng lên.
Cửa khẩu Hoành Mô, Bình Liêu. |
Thì ra từ rất lâu họ đã ngấm ngầm điều chỉnh đường biên giới giữa nước ta với họ bằng những thủ đoạn khá tinh vi. Họ dùng dân địa phương vượt qua đường biên giới Pháp - Thanh để vào đất ta canh tác. Nhiều thửa ruộng vốn của bà con chúng ta bị người phía bên kia biên giới “chiếm hữu” một cách có tính toán. Nhiều vạt đồi, cánh rừng bị người dân bên kia biên giới lấn chiếm.
Họ còn cho dân tiến hành đắp bờ, khơi lạch để chờ mùa mưa tới là nước lũ ồ ạt đổ nắn những dòng chảy để nước chảy mạnh sẽ ăn vào đất ta và bồi đất về bên họ. Thâm hiểm hơn là họ còn lợi dụng đêm tối hoặc những vị trí xa dân ta để di chuyển hay đào nhổ cột mốc Pháp - Thanh nhằm xóa nhòa ranh giới lịch sử.
Rồi những ngày của năm 1978 vô cùng căng thẳng. Cuộc đấu tranh giữ từng khe núi, giữ từng lạch suối dồn thành cao điểm. Tôi nhớ đó là những ngày người lính làm công tác chính trị, công tác tuyên truyền như chúng tôi phải căng ra, phải gồng mình lên. Bên kia biên giới, những chiếc loa phóng thanh công suất lớn ra rả những lời bịa đặt khiến bà con người Việt gốc Hoa nao núng.
Chúng tôi tỏa nhau đi từng thôn bản để vận động, để nói một câu rằng “Bà con chớ có nghe những lời kích động bởi bà con đã và đang là người dân tộc Hoa của Việt Nam” nhưng đâu có thấu. Dọc đường số 4, đoạn từ thị trấn Tiên Yên dẫn lên thị trấn Móng Cái dày đặc những đoàn gia đình người Hoa kéo nhau đi. Họ đi mà không biết đi đâu và về đâu.
Bên cột mốc 1327 ở bản Phạt Chỉ, xã Đồng Văn, Bình Liêu. |
Sự căng thẳng trên tuyến biên giới mỗi ngày mỗi tăng cường độ. Tôi, từ một anh lính chiếu bóng chợt trở thành một học viên trung đội trưởng. Nhu cầu cán bộ cho công việc chuẩn bị sẵn sàng giáng trả âm mưu xâm lược những ngày đó đã biến nhiều anh lính trẻ thành những cán bộ trẻ.
Tôi nhớ đêm 16-2-1979, đó là một đêm Thứ bảy sau tết với dư âm bánh chưng còn ngọt sâu trong họng. Đêm đó tôi nhận gác ca từ 23 giờ đến 0 giờ. Một ca gác nặng nề như linh cảm. Tôi ngồi trong hố gác mà mắt díp lại vì buồn ngủ. Cơn buồn ngủ kéo đến khiến tôi ngồi thụp xuống và dựa đầu vào vách hố gác tranh thủ chợp mắt.
Giữa cơn thiu thiu ấy, tôi nghe vọng vào tai mình những âm thanh rất nặng và rất đục. Âm thanh tuy xa xa nhưng đều đều và mỗi lúc mỗi tăng khiến tôi nhanh chóng tỉnh ngủ. Tôi rướn người lên để ngóng tai căng mắt nhưng vô vọng bởi những âm thanh đó rất mơ hồ nên lại ngồi thụp xuống và áp tai vào vách hố gác. Âm thanh trầm nặng vọng về đầy nghi vấn.
Rồi tôi bị dựng lên bởi những tiếng kẻng báo động khua dồn dập cùng những hồi còi vô cùng thúc giục. Tôi choàng dậy nhưng cũng kịp liếc mắt nhìn vào mặt chiếc đồng hồ dạ quang đeo trên cổ tay. 6 giờ kém 5 phút. Rất khó chịu vì đấy là sáng Chủ nhật, mà những buổi sáng Chủ nhật cánh lính chúng tôi thường được ngủ đến 6 giờ 30 phút. Sao báo động hành quân bất ngờ vậỵ?
Tôi nói với những người nằm bên cạnh như vậy nhưng cũng vội vã chồm dậy chạy tuốt ra sân để tập hợp. Dưới bóng tối nhập nhòa của lớp sương mù dày đặc, chúng tôi chỉ nghe thấy tiếng thở gấp gáp của đồng đội. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn huấn luyện nói như gào lên bằng thứ giọng xúc động “Bộ Tư lệnh Sư đoàn vừa điện khẩn: Quân bành trướng Trung Quốc đã bắn pháo mãnh liệt vào các vị trí tiền tiêu. Hiện chúng đang tiến công toàn tuyến biên giới của Tổ quốc. Bộ Tư lệnh yêu cầu tiểu đoàn sẵn sàng chờ lệnh”.
Buổi sáng đầu tiên của cuộc chiến đấu chống quân xâm lược trên tuyến biên giới phía Bắc của Tổ quốc diễn ra như thế. Lớp học viên chúng tôi được lệnh cấm trại và chờ đợi. Lòng căm thù cứ dâng uất nghẹn khi hằng ngày chúng tôi được nghe bản tin chiến sự. Và rồi đúng một tuần sau, chúng tôi lên điểm tựa.
Cuộc hành quân đáng nhớ nhất trong đời khi chúng tôi vừa ngồi trên xe vừa cất vang tiếng hát “Đoàn vệ quốc quân một lần ra đi...”. Tiếng hát trầm vang át cả tiếng gió vuốt qua thành xe. Xe đi vùn vụt cùng tiếng hát bay cao.
Nhiệm vụ của cánh lính học viên khi tới điểm tựa rất đơn giản: Một là làm quen với không khí chiến trận và hai là tiếp đạn cho các chốt. Điểm cao Cao Ba Lanh sừng sững uy nghi với độ cao trên một ngàn mét những ngày tháng đó được coi là mồ chôn nhiều tên xâm lược, giờ là chứng tích lịch sử một thời, thể hiện tinh thần chiến đấu hào hùng của những người lính Việt Nam năm xưa. 40 năm đã trôi qua nhưng những gì mà tôi đã nghe, đã thấy còn nguyên trong ký ức.