Vườn thú Mỹ Quỳnh, Long An:

Lạ lùng chuyện tê giác “chung chuồng” với gà vịt

Thứ Tư, 09/03/2016, 11:40
Từ việc thú chết hàng loạt tại Safari Phú Quốc, lần dò theo sự việc, chúng tôi phát hiện vườn thú Mỹ Quỳnh (tỉnh Long An) nuôi thú quý hiếm như tê giác, hổ... chung với gà (?!). Điều này làm dấy lên dư luận đáng quan ngại, liệu các vườn thú tư nhân đang xuất hiện ngày càng nhiều ở Việt Nam có thực sự làm công tác bảo tồn động vật hoang dã hay phục vụ cho nhiều mục đích khác dưới vỏ bọc… "vườn thú"?

Khó hiểu như con số… thú chết?

Mọi chuyện bắt đầu vào ngày 15-2, khi một chuyên gia vườn thú là ông Peter Dickinson đăng tải thông tin trên trang blog Zoo News Digest, khi đưa ra thông tin đã có đến 700 con thú bị chết, 1.000 con chim chết và có chừng 500 con khỉ đã trốn thoát khỏi khu Vinpearl Safari Phú Quốc. Thông tin này khiến dư luận… dậy sóng!

Ngày 21-2, Vingroup - đơn vị đầu tư xây dựng công viên này ra thông cáo báo chí và phản biện lại thông tin của chuyên gia vườn thú nói trên. Tập đoàn cho rằng chỉ có hơn 100 cá thể gồm chim, thú bị chết và 135 con khỉ nhỏ (nguồn gốc Việt Nam, mỗi con có trọng lượng 150-200g) đã thoát khỏi các chuồng và trốn thoát.

Giải thích cho nguyên nhân thú chết và bỏ trốn, đơn vị này đưa ra lý do rằng: thú chết do bị ảnh hưởng thay đổi khí hậu, do vận chuyển dài ngày nên một số cá thể bị… mất sức khỏe, do chưa kịp làm quen thích nghi với môi trường, khí hậu thổ nhưỡng...

Tuy nhiên những gì mà Vingroup thông tin vẫn khiến dư luận còn nhiều thắc mắc. Đó là 100 cá thể bị chết mà đơn vị này cho biết gồm bao nhiêu loài, cụ thể bao nhiêu? Và điều mà dư luận không khỏi đặt nghi vấn là tại sao đơn vị đầu tư xây dựng vườn thú này cho biết là các loài thú quý hiếm đều có giấy phép của đơn vị Cites, thậm chí cả tê giác?! Thế nhưng ông Vương Tiến Mạnh (Phó Giám đốc Cites Việt Nam - cơ quan hướng dẫn, giám sát các hoạt động nuôi thú hoang dã) lại trả lời với báo chí rằng: "Phú Quốc Safari chưa hề được cấp phép nhập khẩu tê giác".

Ông Phùng Mỹ Trung.

Trong văn bản báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang (ngày 24.2), ghi nhận: "Vườn thú Vinpearl Safari Phú Quốc có 14 cá thể tê giác có nguồn gốc là công ty hợp tác với Vườn thú Mỹ Quỳnh ở tỉnh Long An. Công ty đang làm thủ tục xin nhập tê giác ở nước ngoài theo quy định pháp luật: "Không có động vật quý hiếm bị chết như: Sư tử, hổ, báo, tê giác. Ban Giám đốc dự án Vườn thú Vinpearl Safari Phú Quốc cam kết không có dấu hiệu động vật chết do dịch bệnh. Toàn bộ động vật chết được xử lý theo đúng quy định".

Báo cáo trên cho biết, Vinpearl Safari Phú Quốc nhập 2.236 cá thể động vật từ nước ngoài về vườn thú. Hiện tại vườn thú đang chăm sóc, nuôi dưỡng 2.004 cá thể của 104 loài động vật gồm thú, chim và bò sát. Trong đó, 56 loài nhập khẩu (25 loài được cơ quan quản lý CITES cấp phép) và 48 loài có nguồn gốc trong nước (15 loài thuộc diện quản lý theo Nghị định 32/NĐ-CP và Nghị định 160/NĐ-CP).

Còn khi tìm đến vườn thú Mỹ Quỳnh (Long An), chúng tôi đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác khi chứng kiến tận mắt cảnh tê giác sống chung với gà, vịt và cả chuyện hổ chết vì bị… thần kinh.

Tê giác được nuôi cùng gia cầm…

Tại vườn thú Mỹ Quỳnh, là vườn thú nhưng thực tế đây chỉ là khu vực nhốt thú thì đúng hơn. Khu vực này tọa lạc trên một khu đất rộng, nơi nhốt thú được bao bọc xung quanh bởi dãy tường, cạnh đó là một kho bãi rất lớn chứa vô số xe cộ, máy móc cũ. Khu vực này cực kì ồn ào do xe tải lớn vào ra hàng ngày. Chưa kể ngay cạnh khu vực thú được nuôi nhốt là hàng tấn đá xếp chồng chờ gia công, cắt xẻ… Có thể nói "vườn thú" - nơi nhốt thú lọt thỏm giữa đại công trình ngổn ngang, hầm bà lằng sắt thép, đất đá khói bụi. Và tiếng ồn thì lúc nào cũng inh tai nhức óc.

Nói về vườn thú Mỹ Quỳnh, ông Trần Văn Trí (trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng, Chi cục kiểm lâm Long An) đã cho biết Vườn Thú Mỹ Quỳnh chưa hề hoàn thành một số thủ tục, nên việc nuôi nhốt thú chỉ là tạm thời, được UBND tỉnh Long An chấp nhận...".

Còn đại diện Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Long An cho hay, Vườn thú Mỹ Quỳnh đã nộp đánh giá tác động môi trường của dự án "Vườn thú Mỹ Quỳnh diện tích 47,956ha" do Viện Nhiệt đới Môi trường thực hiện.

Thế nhưng với những gì đang diễn ra tại đây thì còn nhiều điều phải được làm rõ về tác động môi trường của vườn thú này.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Long An-ông Lê Hữu Lợi cho biết, Chi cục đã có 3 lần đến kiểm tra tại đây. Kiểm tra lần đầu cơ sở hạ tầng, kiểm tra trước khi vườn thú này xin nhập thú về từ Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Lần thứ hai là khi Vườn thú này chính thức nhập thú về. Lần thứ ba là lúc vườn thú này chuyển thú cho Vinpearl Safari Phú Quốc mượn.

Ông Lâm Thúc Hoạch - Giám đốc vườn thú Mỹ Quỳnh cũng đã từ chối tiếp báo chí dù chúng tôi đã liên hệ nhiều lần vì lý do bận.

Được biết vào ngày 14.10.2015, Chi cục Kiểm lâm Long An đã kiểm tra chuồng nuôi nhốt thú và xác nhận vườn thú Mỹ Quỳnh nhận từ TP.HCM về 37 cá thể thú. Tổng cộng có 19 con tê giác trắng (9 con đực), 9 con hổ vàng và trắng (4 con đực); 9 con sư tử (4 con đực). Số thú này có nguồn gốc chủ yếu từ Nam Phi và một số nước Nam Mỹ.

Hổ và tê giác "chung chuồng" với gà.

Và sau đó vườn thú Mỹ Quỳnh đã làm 2 hợp đồng cho mượn tê giác trắng. Làm 2 hợp đồng trao tặng động vật cho Vinpearl Safari Phú Quốc. Số lượng thú theo 2 hợp đồng này gồm 16 con tê giác, 8 con sư tử và 6 con hổ. Tuy nhiên, do không bắt được đủ tê giác vào lồng (chỉ 14/16 con so với dự kiến) nên Vườn thú Mỹ Quỳnh còn lại 5 con tê giác.  Hiện vườn thú vẫn nuôi 5 con tê giác.

Theo công văn số 6/2016 ngày 25.2.2016 của Vườn thú Mỹ Quỳnh thì một con hổ vàng đang nuôi tại đây bị chết. Và vườn thú đang làm thủ tục mời các cơ quan chức năng phối hợp xử lý con hổ bị chết này.

Mới đây nhất, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Long An đã đề nghị UBND tỉnh Long An chỉ đạo cho Vườn thú Mỹ Quỳnh thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng thú. Và phải bảo đảm an toàn cho người và thú nuôi; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án để đưa vườn thú vào hoạt động theo dự án đã được phê duyệt…

Chuyên gia nói gì?

Để rộng đường dư luận, chúng tôi phỏng vấn chuyên gia nghiên cứu đa dạng sinh học Phùng Mỹ Trung về vấn đề nuôi thú quý hiếm ở nước ta. "Thú quý hiếm nước ta tư nhân nuôi theo kiểu "vô pháp, vô thiên"!” - Ông Trung, khẳng định. 

"Sở dĩ tôi nói thế là vì quốc tế đều có những quy chuẩn hết sức nghiêm ngặt cho việc nuôi giữ thú quý hiếm. Còn Việt Nam thì hiện nay chưa có một quy chuẩn nào cả, mạnh ai nấy làm. Tôi chưa đến Vinpearl Safari Phú Quốc để xem ở Safari đầu tiên ở Việt Nam họ làm thế nào. Ở nước ngoài, muốn xác định khu nuôi hay nhốt thú đều có các nghiên cứu sâu khá tốn kém. Cụ thể là ngay như ở quốc gia được coi như là quê hương của tê giác và các loài thú lớn là Nam Phi.

Khi một khu bảo tồn tư nhân (Private Games Reserve) muốn mượn tê giác về nơi họ phải trải qua một qui trình hết sức nghiêm ngặt về mặt thủ tục hành chính cũng như đáp ứng được các yêu cầu hết sức khắt khe về chuyên môn nuôi nhốt thú trong các Boma trước khi thả con thú ra ngoài tự nhiên. Họ phải theo dõi, giám sát hàng nhiều tháng trời của các nhà nghiên cứu, bác sỹ thú ý và các tổ chức bảo tồn động vật hoang dã như WWF, CITES… chấp nhận và đồng ý ký vào lịch trình theo dõi chúng trước khi quyết định được thả...".

Sau chia sẻ trên, ông Phùng Mỹ Trung tâm tình rằng, đôi khi các nhà nghiên cứu nước ngoài hỏi chuyện ông về việc người Việt Nam thích mài sừng tê ra uống, xài cao hổ cốt, dùng động vật hoang dã làm mồi nhậu, điều đó không chỉ khiến ông rất ngại mà còn xấu hổ: "Họ hỏi xong tôi chỉ mong đất nứt ra để chui xuống trốn cho đỡ nhục. "Chủ nghĩa kinh nghiệm" khi ngâm sừng tê, mật gấu, xác rắn,... đã quá lỗi thời dưới lăng kính khoa học. Trong các bộ phận động vật có thành phần tốt cho sức khỏe ở mức nào thì khoa học đã nghiên cứu cơ bản đầy đủ hết. Tôi ví dụ mài uống một miếng sừng tê giác nghìn đô la so với uống một viên thuốc giải độc giá chỉ vài nghìn đồng Việt Nam mà công dụng tương tự thì bạn sẽ chọn phương án nào?! Mài uống sừng tê, xài cao hổ cốt, dùng động vật hoang dã làm mồi nhậu,... theo tôi chỉ phù hợp với những kẻ thiếu hiểu biết, thích thể hiện, niềm tin mù quáng và không có ý thức bảo vệ môi trường".

Trở lại chuyện tê giác nuôi cùng... heo, gà và cọp chết do "thần kinh", ông Phùng Mỹ Trung cho hay mỗi loài động vật sống trong một vùng phân bố khác nhau chúng có một điều kiện sống và sinh thái khác nhau, thức ăn khác nhau… trải qua hàng triệu năm chúng đã đấu tranh sinh tồn và thích nghi với điều kiện sống cũng như thích nghi với bệnh dịch và các loài thiên địch. Giả sử heo, bò, dê… truyền bệnh dịch cho và làm chết tê giác thì có phải làm chết một động vật quý hiếm không?!

Còn ngược lại, giả sử các bệnh dịch nguồn gốc từ tê giác châu Phi lây qua heo, gà và phát tán ra môi trường thì đó là một thảm họa. Tự nhiên quy định loài này sống nơi này, loài kia ở nơi khác là có lý do. Quãng đường, khí hậu, chướng ngại vật,... để tạo ra loài đặc hữu của từng nơi là để không mất cân bằng sinh thái. Ốc bươu vàng, cá hoàng đế, cây mai dương... chính là những ví dụ tiêu biểu về sai lầm của người Việt Nam đối với việc du nhập loài ngoại lai dễ đến thảm họa hệ sinh thái bản địa tại Việt Nam.

Theo ông Phùng Mỹ Trung, chúng ta hòa nhập với thế giới thì cũng phải ứng xử theo các tiêu chuẩn chung, không thể "một mình một chợ". Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần ngồi lại với các nhà khoa học trong và ngoài nước để ghi nhận các quy chuẩn ấy và áp dụng tại Việt Nam. Chúng ta muốn ra biển lớn, muốn làm ăn với họ thì cần phải có một qui tắc chuẩn quốc tế chứ không thể theo qui tắc ao làng của chúng ta mãi được. Cổ nhân đã đạy "nhập gia tùy tục"…

Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc và sớm trở lại khi có thông tin mới nhất về vụ tê giác chung chuồng với gà vịt…  kỳ khôi này!

Quốc Ấn - Bảo Ân
.
.