Làng chài sau bão

Chủ Nhật, 22/11/2020, 20:46
Sau trận bão, nhiều làng chài ở các xã Bình Hải, Bình Trị (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) tan hoang. Nhưng, mất mát, đau thương không làm những người đàn bà làng biển gục ngã. Khuỵu chân xuống cát, chơi vơi rồi họ lại tự vực mình dậy.

Phụ nữ làng chài

Những ngày lang thang dọc dải biển Quảng Ngãi, tôi nghe ngư dân đúc kết: Tỷ lệ đàn ông miền biển chết trẻ nhiều nhất, đàn bà góa nhiều nhất, số gia đình mắc nợ cao nhất... Buồn đến não nề. Bức tranh làng biển toàn những gam màu xám đến vậy hay sao? Phụ nữ miền biển thủy chung, chịu khó, thanh niên miền biển chí thú làm ăn, trẻ con làng chài ham học. Nhưng...

Bà Thủy (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cả cuộc đời gắn chặt với xóm chài. Từ nhỏ đến lớn sống vào việc đi mót cá vụn - thứ cá nhỏ các chủ thuyền hay vứt đi. Có hôm thu về được rổ cá mang ra chợ bán chừng 40.000-80.000 đồng.

Mùa biển động coi như đói khô miệng. Căn nhà của bà rộng không quá 15m2. Chồng mất, bà ở với con trai lớn đã 20 tuổi. Căn bệnh down khiến cho cậu trai nuôi mãi mà không lớn... Mất mát quá lớn làm chân bà cứ khuỵu xuống, gục ngã. Nhưng rồi, nhìn những đứa con còn lại đang tuổi ăn tuổi lớn, người phụ nữ làng biển lại gượng đứng lên. Hôm nào bà cũng dậy từ 2-3 giờ sáng, ra bến mua cá, cắt rau về bán, thay chồng nuôi con, thay con nuôi cháu.

Nhiều ngôi nhà ở làng biển huyện Bình Sơn tan hoang sau bão.

Mất mát, đau thương không làm những người đàn bà làng biển chịu khuất phục. Từng gánh cá, rổ mực oằn vai theo họ lên chợ, đong đầy hạt gạo, thêm miếng thịt, cây kẹo cho con trẻ khiến họ quên hết mệt nhọc, đớn đau.

Đợt bão chồng bão vừa qua, người người nhà nhà làng biển này tất bật lo chạy bão, phía xa, loa phát thanh của xã liên tục phát thông báo bão và người dân phải di chuyển gấp. Bà Thủy thoáng nghĩ, nếu bỏ nhà để chạy đi thì tài sản chẳng còn. Bà vội đào cái hố chôn những vật dụng giá trị. Bếp, chén bát, quần áo... rồi trên người choàng chiếc áo mưa kéo tay người con trai tật nguyền chạy thật nhanh.

Nhưng, đi được một đoạn, cậu mất hút. Chị lại gào tên con trong bất lực. Cả xóm thấy vậy túa nhau ra tìm. Cuối cùng, cũng thấy con trai chị ngồi thẩn thơ trên bãi biển, bên cạnh là căn nhà nhỏ mái tôn vỡ nát theo từng đợt gió. Cả xóm ôm nhau để khỏi bị gió thổi mò từng bước chân đưa cậu bé bệnh down về nơi an toàn.

Chồng bà Thủy mất trong một lần lặn biển, ghe thì hỏng, lại thêm nuôi đứa con bị tật nguyền, khó khăn cùng quẫn, nhiều lần bà cũng tính chuyện bỏ biển nhưng bỏ thì lấy gì mà sống, mà nuôi con? Cân nhắc mãi rồi bà vẫn quyết một mình nuôi con bằng nghề biển. Dù lớn xác nhưng cậu con trai tính tình như đứa trẻ lên 3, ai nói gì cũng cười. Bão số 9 vào bờ tạo ra sóng cao hơn 4m. Chúng như những chiếc búa tạ, đập mạnh vào tường nhà. Cậu con trai không hiểu cứ vỗ tay vui mừng... Dứt câu chuyện, người mẹ ấy nhìn xa xăm ra biển. Tôi đoán, bà đang nghĩ về tương lai của nó.

Bà Thủy và đứa con trai bên ngôi nhà sau bão.

Bà Thủy bảo dẫu cực cũng còn có chút con để nguôi ngoai, để lấy đó làm mục đích sống của mình rồi chiều về lại lủi thủi một mình một bóng trong căn nhà ven biển. Cứ lặng lẽ, lủi thủi như thế cho đến ngày số phận đưa đi gặp chồng con. “Tôi cũng không biết sức mình rồi sẽ trụ được bao lâu, chỉ lo cho đứa con tật nguyền không nơi nương tựa”, bà Thủy đưa tay lên dụi mắt, cố ngăn tiếng nấc nghẹn và giọt nước mắt chực trào ra.

Tôi nghe chuyện của bà, nhìn đôi bàn tay của chai sần với những vết cắt của lưới, nghe giọng nói át cả tiếng sóng đặc trưng của người miền biển, nhìn sâu vào trong cả nước da rám nắng là minh chứng của biết bao năm thay chồng nuôi con cũng như của nhiều người đàn bà khác mà đắng đót đến tột cùng.

Bà Thủy thủ thỉ: “Mình là dân làng biển, biết rằng đôi lúc biển cả nổi cơn giận dữ nhưng không làm nghề biển thì còn biết làm gì hơn được? Đời cha, đời ông, đời chồng mình đã gắn bó với biển, mất mát cùng biển. Ngay cả đến lúc chết cũng hòa tan với biển. Biển cả là đau thương với mình nhưng cũng là niềm tin với mình. Mỗi lần ra biển, tôi lại như thấy cha, thấy chồng mình đang ở đó, nâng đỡ mình dưới mỗi con sóng thăm thẳm ngoài kia”.

Tôi hiểu trong những lời thủ thỉ của bà có cả những giọt nước mắt đau xót, những cái cười như mếu vì phận đàn bà long đong với biển cả mưu sinh và cả niềm mơ ước, niềm hy vọng vào đứa con như để bà gắng sức vượt qua những cơn sóng dữ.

Bà Hai đã 83 tuổi (ở xã Bình Trị, huyện Bình Sơn) trong ngôi nhà tốc mái sau bão số 9.

Sau bão, bà Hai (83 tuổi, xã Bình Trị, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) hôm nay đãi người khách lạ món cơm ghế khoai. Đây là món mà có lẽ nhiều người chỉ biết trong sách vở và qua lời kể của những người lớn tuổi trong khốn khó của một thời ăn cơm độn. Hôm trước bà nấu 2 phần gạo, 1 phần khoai. Nhưng, hôm nay có khách lạ nên bà bụm thêm ít gạo để dễ ăn hơn.

Nhà bà kế bên bãi biển. Bão vừa rồi đánh sập hết mọi thứ, nhà còn 4 bức tường. Nhưng, chẳng bao giờ bà buồn, bởi quý nhất vẫn là sức khỏe. Bà bảo, cả xóm chài này 10 nhà thì cũng đến hơn phân nửa không còn nóc, không còn một tài sản.

Cho những mùa biển động

Miền Trung nhiều lắm những nhọc nhằn nơi sóng gió. Có nơi nào mà những cửa biển, những cửa sông lại nhiều mộ gió đến thế?! Những ngôi mộ chẳng hề có chút xương tàn của con người gửi lại, cứ hắt hiu với gió của nghìn trùng khơi xa. Chiều trên triền thới lới, nghe tiếng vọng của biển trong gió lồng lộng bên những ngôi mộ gió hoang hoải, thấy người xứ biển vẫn còn bao kiên cường.

Dọc dài trên dải đất miền Trung bao mùa oằn mình vì nắng rát bỏng, vì gió gọi gào, vì những cơn bão biển dập dồn sóng dữ, đâu đâu cũng thấy những ngôi mộ gió nằm im lìm như thao thiết với đại dương. Ở đó, nơi những người đi biển mãi mãi không về, nén lại trong hoang hoải cát trắng, nắng cháy là những ánh mắt mòn mỏi đợi trông của biết bao người. Những chiều khi mặt trời chưa kịp tắt nắng, bóng dáng những người đàn bà làng biển lại dắt díu nhau ra mong ngóng, cứ đổ liêu xiêu trên mặt cát, hay đứng yên lặng dưới những hàng dương hướng miệt mài về phía biển, đợi trông và vô vọng.

Con sóng cứ ào lên bạc đầu mãi như mái tóc của người thiếu phụ mất chồng trong những chuyến ra khơi. Và ở đó, những đứa trẻ lớn lên với sự mặn mòi và khắc khổ của biển cả. Đã bao lần đưa tiễn người đi, rồi lặng lẽ đón những tin buồn và sắp thành hàng dài những ngôi mộ không cốt, chỉ có những hình nhân bằng giấy, bằng rơm rạ thay người còn đang lặng chìm giữa biển xa.

Người làng biển, họ sống tựa vào nhau, thân tình và nồng hậu, khí khái và can trường. Họ sống với nhau bằng tấm lòng của những người luôn ở trước lằn ranh sống chết của cuộc mưu sinh. Những căn lều xiêu vẹo, nghiêng đổ sau mỗi trận bão chẳng có bàn tay chăm chút lại, cứ nghiêng dần, nghiêng dần như những mải miết triền sóng xa xăm.

Bà Thủy, bà Hai cũng như nhiều người phụ nữ làng biển, phần lớn thời gian chủ yếu ở nhà nội trợ, chăm sóc con cái, nhà cửa và tranh thủ thời gian rảnh rỗi đợi tàu thuyền đi khơi trở về để làm một số công việc thời vụ, bán thời gian như: vá lưới, cạy hàu, bóc tôm... Khi tàu thuyền cập bến, nhiều người trong số họ phụ giúp chồng bán buôn các loại hải sản đánh bắt được hoặc đi phân loại cá, gánh cá thuê cho chủ tàu. Cuộc sống khá bấp bênh vì không có công ăn việc làm thường xuyên, thu nhập thấp.

Cuộc sống khó khăn, công việc vất vả, chịu tác động của nắng gió biển khơi khiến người đàn bà làng biển ít có thời gian quan tâm, chăm sóc bản thân mình. Nhìn làn da sạm đi vì nắng, đôi tay thô ráp, chai sạn, thường khô nẻ vào mùa đông và những nhọc nhằn hằn in những nếp nhăn trước tuổi mới thấy hết được sự khắc nghiệt trong cuộc sống của họ. Bóng dáng người đàn bà giữa cái mênh mông tưởng chừng vô bờ vô bến của biển cả, dẫu bên cạnh ai đi chăng nữa cũng cảm thấy cô đơn, lạc lõng.

Tôi đã nghĩ, những người phụ nữ làng biển như chị Thủy, như bà Hai, nếu không tựa vai nhau, không cố kết với nhau thì khó lòng vững vàng trước những thách thức khắc nghiệt của cuộc mưu sinh từ biển cả. Cả đời người như thế, tôi không hình dung được họ đã vượt qua những nỗi đau cuộc sống thế nào, chỉ thấy lạ là không thấy người nào tái giá, đi bước nữa. Có phải họ sợ cảnh lấy chồng đi biển, sợ một ngày lại ngất lên ngất xuống khi nghe tin một chiếc tàu nào đó không trở về hay không? Thật khó trả lời.

Những làng chài ở Bình Sơn sau những cơn bão lớn bất chợt đến rồi đi, nước vẫn long lanh vạt cỏ. Những cồn cát hiện dần giữa làng chài, những cồn cát còng lưng gánh nắng như dáng mẹ, dáng chị oằn vai gánh hai nửa mất mát và yêu thương. Trên những trảng cát dài của những làng biển ấy, có một loài cây hoa đã tím đến tận cùng những mong mỏi, lá đã xanh đến cùng tận những ước ao.

Loài hoa ấy cũng đến lạ, mọc được trên cát mặn, hạt hoa đến từ những dòng nước biển xô dạt. Hạt tự vùi mình trên cát, để đợi tháng năm rồi lan trên triền cát những tháng ngày chờ đợi, mà xanh, mà tím cho đến tận cùng. Tôi nhìn những vạt hoa đang xao xác trước dông gió trùng khơi mà nghĩ về những người phụ nữ làng biển. Những người phụ nữ ấy tựa hồ như bông hoa muống biển đẹp bình dị, mộc mạc mà không kém phần kiên cường, kiêu hãnh lần hồi trên cát.

Tôi hiểu rằng, dẫu những bờ cát có chất đầy bao niềm hy vọng mong manh, những người đàn bà ấy vẫn nhen nhóm trong lòng những mùa hy vọng mới từ những đứa con của họ bởi với họ, biển cả muôn đời rất đỗi thiêng liêng. Biển cả dữ dằn và tai ương nhưng cũng đầy phóng khoáng, rộng lượng. Để rồi, hằng đêm, những người đàn bà làng biển ấy, lại đứng trên cát với ngọn đèn cháy trên tay mơ chờ đón người đàn ông của gia đình họ trở về trong hơi thở phập phồng vị mặn.

Có chuyện cổ tích nào mà chẳng được khoác lên cái kết đẹp đến khắc khoải? Sau cơn bão, trời yên biển lặng trở lại, chỉ có những con sóng như đang rì rầm kể nhau nghe chuyện từ khơi xa và cả trên bờ cát. Trong những lời biển cả ấy có câu chuyện về những người đàn ông xấu số bỏ mình trên biển và cả những người đàn bà làng biển. Nhưng, có đứng chân trên cát, có sống cuộc sống, dẫu chỉ một ngày với ngư dân, mới biết có bao nhiêu câu chuyện đời, đã nở trên cát, đẹp đẽ hơn, dữ dội hơn, khốc liệt hơn cả huyền thoại.

Minh Ngọc - Lê Phong
.
.