Làng "đạp bát" Triều Đông

Thứ Tư, 23/06/2021, 08:07
Đến huyện Thường Tín, Hà Nội, hỏi thăm về làng Triều Đông, mấy bà bán hoa quả dọc đường đều hỏi lại  "Làng đạp bát chứ gì? Hướng kia!". Tuy không phải làng nghề, nhưng những năm 80 - 90 của thế kỷ trước, hầu như đàn ông cả làng Triều Đông, xã Tân Minh đều gắn với hình ảnh đi đạp xe thồ bát nặng vài tạ, rong ruổi khắp nơi từ miền xuôi cho tới miền ngược để mưu sinh.


1. Chừng 20 năm trước, bố tôi thường nhắc đến những người "đồng nghiệp" ở làng Triều Đông, họ cùng nhau tạo ra hàng dài xe thồ bát đĩa, lọ hoa, ấm chén mà gọi chung là đồ gốm sứ Bát Tràng chạy dài các tuyến quốc lộ để bán rong. Nghề đi đạp bát, bán rong không phải ngẫu nhiên xuất hiện, mà xuất phát từ sự thành danh của nghệ nhân gốm một thời, người con ưu tú của làng quê Triều Đông - ông Đào Văn Can (1894 - 1976).

Lật giở trang ký ức, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Đình Sâm, người cháu ngoại duy nhất còn nhớ về những câu chuyện của ông mình. Lớn lên trong lúc chế độ phong kiến đang suy tàn, thực dân Pháp tăng cường bóc lột dân chúng, Đào Văn Can theo cha mẹ đi làm thuê khắp nơi, và cơ duyên đã định họ dừng chân tại làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm).

Nhà thờ Đào Văn Can là nơi lưu giữ tư liệu cuộc đời, một số tác phẩm của nghệ nhân điêu khắc Đào Văn Can.

Với bàn tay khéo léo, trí tưởng tượng phong phú, cậu bé Can đã nhanh chóng trở thành một thợ lành nghề khi mới 13 tuổi và làm thuê cho chủ lò Phạm Văn Tám ở Bát Tràng. Đến năm 1917, chàng thanh niên Can chuyển sang làm tại lò gốm Thanh Trì (sau gọi là lò gốm ông Thiếu Hà Đông) của Tổng đốc lúc đó là Hoàng Trọng Phu. Tại đây, ông đã phát triển kỹ thuật làm gốm khắc họa tiết lên bảng đồng, làm bản in rồi dán vào sản phẩm giúp giảm giá thành.

Năm 1925, lò ông Thiếu Hà Đông đón Vua Bảo Đại đến thăm, sau khi ngắm nhìn các tác phẩm gốm và được cha con Hoàng Trọng Phu tiến cử, đích thân Vua Bảo Đại đã gắn "Mề đay, Kim khánh" lên ngực Đào Văn Can, rồi phong hàm "Cửu phẩm bá hộ" (thợ thủ công lành nghề không có bằng cấp). Từ đó, tên tuổi của Đào Văn Can nổi danh khắp miền Bắc, ông Trần Văn Thành (tức Hưng Ký), một nhà tư sản dân tộc lúc bấy giờ đã liên hệ với Đào Văn Can để xây dựng chùa Hưng Ký năm 1932.

Điểm đặc biệt của chùa Hưng Ký do nghệ nhân Đào Văn Can thiết kế là chùa được xây dựng bằng gốm sứ (cùng với gạch ngói thông thường) đầu tiên ở nước ta. Năm 1938, Đào Văn Can mở lò gốm riêng ở làng Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, từ thời gian này ông bắt đầu sáng tác rất nhiều tác phẩm nổi tiếng, để đời như tượng "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây", tượng "Anh em xem sách", tượng "Kim Đồng", đến năm 1960, ông chuyển về làm giảng viên khoa Gốm, Trường Mỹ thuật công nghiệp, nay là Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Việt Nam.

Năm 1970, ông Can nghỉ hưu rồi về làm gốm tại quê nhà Triều Đông. Cũng từ đó, các học trò rồi chủ xưởng gốm bên Bát Tràng thường xuyên tới thăm ông, học hỏi thêm ở ông kỹ thuật mới. Ngay kể cả sau khi ông mất năm 1976, họ vẫn sang đều đặn vào ngày giỗ ông 29 tháng Giêng, từ đó mà dân làng Triều Đông kết nối được nhiều chủ gốm Bát Tràng và bắt đầu có nghề đi buôn bát đĩa, gốm sứ.

Ông Nguyễn Đình Sâm (cháu ngoại ông Can) hiện là người trông coi nhà thờ.

Đầu những năm 80, hầu hết cả làng Triều Đông đi buôn gốm sứ chủ yếu là bát ăn cơm, mỗi sáng hàng dài xe thồ bát nối đuôi nhau tỏa đi khắp nơi, có khi vài ngày họ mới về, xe thồ nặng phải 2 đến 3 tạ, đi hết miền xuôi đến miền ngược. Từ đó mà người dân quanh vùng quen gọi làng Triều Đông là làng "đạp bát". Đến nay thì họ dịch chuyển nghề buôn khá nhiều vào miền Nam và đi thành từng ô tô, tuy vậy hình ảnh hàng dài xe thồ bát dọc các tuyến quốc lộ đã trở thành "thương hiệu" một thời của làng Triều Đông.

2. Dẫn chúng tôi thăm nhà thờ Đào Văn Can ở gần chùa làng Triều Đông, ông Nguyễn Đình Sâm không khỏi tự hào về ông ngoại của mình. Trong nhà thờ còn lưu lại các tác phẩm chính của ông Can (phiên bản) như bức tượng "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" giải Nhì Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1960. Bức tượng "Kim Đồng chống gậy" sáng tác năm 1956, hiện bản gốc đang được trưng bày tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Các tác phẩm nổi tiếng khác đều có ảnh chụp như tượng "Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh" sáng tác 1965, tượng "Hồng và Tứ cõng nhau đi học" sáng tác năm 1966, tượng "Nuôi con tham gia chống Mỹ" sáng tác năm 1968…

Theo lời kể của ông Sâm về chuyện sáng tác tượng Kim Đồng, thì nghệ nhân Đào Văn Can đã dựa trên lời kể của mẹ Anh hùng Kim Đồng về hình dáng, khuôn mặt, tính cách của Kim Đồng để đắp tượng. Sau khi đắp xong, mẹ Anh hùng Kim Đồng đã vô cùng xúc động, nhìn thấy bức tượng đã ôm lấy tượng mà òa khóc vì nhớ con.

Chân dung nghệ nhân Đào Văn Can tại nhà thờ.

Tác phẩm lớn nhất của ông Đào Văn Can để lại cho quê hương chính là chùa Triều Đông. Ngay trước sân chùa hiện vẫn còn ban thờ "nghệ sĩ điêu khắc Đào Văn Can - người thiết kế chùa Triều Đông năm 1942 - 1943". Trước khi xây dựng, chùa Triều Đông chỉ như một căn nhà cấp bốn nhỏ bé, rất ít tượng Phật, cảnh sắc không có gì nổi bật, ý tưởng xây dựng chùa của ông Can không chỉ mong muốn tạo ra một tác phẩm cho quê hương mà còn mong muốn chùa sẽ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh thường xuyên cho dân làng.

Chùa thông thường được xây dựng bằng gỗ, gạch… tuy vậy, chùa Triều Đông là một trong hai ngôi chùa độc đáo nhất cả nước khi được xây dựng từ vôi, muối, mật và đặc biệt là sứ. Ngôi chùa còn lại chính là chùa Hưng Ký thuộc quận Hai Bà Trưng ngày nay, được xây dựng năm 1930 - 1932 đã nêu ở trên cũng do nghệ nhân Đào Văn Can thiết kế.

Tượng Kim Đồng (phiên bản) được trưng bày trong nhà thờ Đào Văn Can.

Trở lại với không gian thanh tịnh của chùa Triều Đông, bác Sáu, người giữ chùa hào hứng mở cửa để chỉ cho chúng tôi về bức tranh đắp nổi các cõi của ông Can khi mới dựng chùa. Quả thật, thiết kế chùa Triều Đông khác hẳn so với các ngôi chùa khác, trên mái chùa, tôi thấy những đường chéo có màu sắc của nhà Phật, hai bên tường có tới hàng trăm tượng sứ được sắp xếp theo câu chuyện mang giáo lý nhân quả.

Các bức tượng mô tả cảnh khổ ải dưới địa ngục, kèm đó là các lời răn dạy của Phật để con người có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Theo lời ông Sâm, các tượng sứ ở đây đều rỗng bên trong chứ không đặc, đây là kỹ thuật khó thời ấy khi chưa có máy móc hỗ trợ, tuy vậy mà nghệ nhân Đào Văn Can đã tự tay nặn và tạo hình mẫu cho các nhân vật và sau đó chỉ cho thợ làm theo.

Chùa Triều Đông tuy không quy mô bằng chùa Hưng Ký nhưng tọa lạc ở nơi u tịch, thanh tịnh. Toàn bộ chùa có tới gần 500 bức tượng nhỏ bằng sứ với cách làm sáng tạo theo câu chuyện. Để có thể bài trí đúng vị trí và tinh thần của Phật giáo, chắc chắn nghệ nhân Đào Văn Can đã phải tìm hiểu rất kỹ về lịch sử, giáo lý nhà Phật. Trên mái hiên của chùa, ông Can còn trang trí các câu chuyện Tây Du Ký, Quan Âm Thị Kính, cảnh Hội làng… bằng tượng sứ hết sức độc đáo.

Trong sân vườn chùa Triều Đông, mùi thị thơm nhẹ nhàng như níu chân du khách. Cây thị trồng năm 1080 đến nay đã gần 1.000 tuổi, chu vi gốc gần chục mét, thân sù sì, lá xanh ngắt… bác Sáu, người trông chùa, nói rằng, cả đời bác đi nhiều nơi mà chưa từng thấy cây nào nhiều tuổi như cây thị chùa Triều Đông. Tuy vậy, cả chùa Triều Đông lẫn cây thị nghìn năm như chìm vào quên lãng đối với các cơ quan quản lý văn hóa khi chưa được công nhận là di tích và cây di sản.

3. Làng Triều Đông nay đã thay da đổi thịt với diện mạo của một làng nông thôn mới, một làng văn hóa nhiều năm liền. Triều Đông còn được biết đến là quê hương của nhà thơ nổi tiếng Lý Tử Tấn (1378 - 1457), ông là người con ưu tú của làng quê Triều Đông, nay lăng mộ thờ ông vẫn được dân làng quan tâm chăm sóc, hương khói. Các thế hệ học sinh, sinh viên của làng Triều Đông luôn tự hào về làng quê đã sản sinh ra một nhà thơ ưu tú trong lịch sử và coi đó như tấm gương để phấn đấu học tập.

Chùa Triều Đông là công trình do nghệ nhân Đào Văn Can thiết kế, được trang trí họa tiết chủ yếu bằng sứ.

Triều Đông giờ không còn hộ đi buôn bát xe thồ như trước, tuy vậy, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, năng động trong kinh tế thị trường đã giúp Triều Đông là một trong những làng giàu có nhất huyện Thường Tín. Không chỉ đời sống vật chất sung túc mà người dân làng Triều Đông nói riêng và xã Tân Minh còn rất quan tâm đến đời sông tinh thần và lối sống tập thể.

Tiêu biểu nhất là công trình Trung tâm Văn hóa Thể dục Thể thao xã Tân Minh được xây dựng năm 2018 là công trình văn hóa thể thao cấp xã đầu tiên ở huyện Thường Tín với sự đóng góp của nhân dân toàn xã để phát triển phong trào rèn luyện sức khỏe, giao lưu văn hóa. Ngoài ra, công tác tuyên truyền về lịch sử quê nhà gắn với quảng bá hình ảnh được chú trọng, đặc biệt là các sự kiện lịch sử liên quan đến nhà thơ Lý Tử Tấn và nghệ nhân Đào Văn Can.

Ông Nguyễn Đình Sâm tự hào nói rằng: "Ông ngoại đã sống một cuộc đời ý nghĩa, cống hiến hết mình cho nghệ thuật cũng như để lại tiếng thơm cho quê hương Triều Đông. Tuy vậy, cụ hiếm con cháu, chỉ có duy nhất tôi là cháu ngoại nên chuyện về cụ cứ bị mai một dần. May mà nhà thờ cụ được công nhận là Di tích cấp thành phố năm 2004, được Nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng để tôn tạo, bảo tồn, thu thập tư liệu nên mới còn như ngày nay. Tôi mong rằng, sau này, những ai bước vào nghề mỹ thuật, điêu khắc, gốm, sứ… có thể đến thăm cụ một lần tại nhà thờ, để hiểu thêm về lịch sử, chiêm ngưỡng các tác phẩm xuất sắc của một con người huyền thoại như thế".

Nguyễn Văn Công
.
.