Lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc: Lợi một người, hại vạn người

Thứ Tư, 23/05/2018, 15:18
Xuất khẩu lao động (XKLĐ) theo chương trình dành riêng cho lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc (EPS), đồng nghĩa với việc người lao động sẽ được hưởng các chế độ như những lao động khác của Hàn Quốc.

Tuy nhiên, vì cái lợi trước mắt, nhiều người bỏ trốn ra bên ngoài hoặc cư trú bất hợp pháp sau khi hết thời hạn lao động, không những làm mất đi cơ hội XKLĐ của hàng vạn đồng hương khác, nhiều trường hợp còn gặp những bất trắc, rủi ro trong quá trình mưu sinh mà không được hưởng bất kỳ trợ giúp nào, thậm chí không ít trường hợp đã phải đánh đổi bằng sinh mệnh.

Ngày 04-5-2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã có thông báo chính thức gửi các địa phương trong cả nước, về việc phía Hàn Quốc đề nghị tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS. Theo thông báo này, hiện cả nước có 107 quận/huyện của 12 tỉnh có tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng tại Hàn Quốc không về nước lớn hơn 30%.

Trong số này, Hàn Quốc yêu cầu tạm dừng tuyển chọn lao động trong năm 2018 đối với 49 quận/huyện có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 60 người trở lên. Nghệ An, Thanh Hóa và Hà Tĩnh tiếp tục là 3 địa phương dẫn đầu về số quận, huyện bị cấm, trong đó cao nhất là tỉnh Nghệ An với 10 huyện/thành thị; Hà Tĩnh có 7 huyện và Thanh Hóa có 5 đơn vị.

Ngay sau khi có thông tin Hàn Quốc từ chối tiếp nhận, nhiều học viên tiếng Hàn đã bỏ lớp. (Trong ảnh: Anh Nguyễn Văn Giang (Hà Tĩnh) hoàn thành xong chứng chỉ tiếng Hàn nhưng không được xuất ngoại).

Được biết, đây không phải lần đầu tiên phía Hàn Quốc đưa ra đề nghị này, bởi trước đó, từ tháng 8-2012, Việt Nam đã không ký được Bản ghi nhớ (MOU) bình thường về đưa lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS do tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước chiếm trên 55%. Sau 4 năm bị gián đoạn, đến ngày 17-5-2016, Hàn Quốc mới chính thức nối lại việc phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc.

Chưa đầy một năm sau đó, trên cơ sở rà soát số lượng lao động hết hạn hợp đồng không về nước, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, ngày 28-3-2017, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục có văn bản thông báo việc tạm dừng tuyển chọn lao động sang làm việc tại Hàn Quốc trong năm 2017 đối với 58 quận/huyện thuộc 12 tỉnh có từ 60 người trở lên hết hạn hợp đồng không về nước (chiếm trên 30% tỉ lệ lao động).

Bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp và hệ lụy

Xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) là địa phương có số người đi XKLĐ nhiều nhất trong cả nước, với hơn 2.700 người, chiếm 1/3 dân số toàn xã, trong số này có hơn 1.000 lao động tại Hàn Quốc. Trung bình mỗi năm, lượng ngoại tệ gửi về tương đương khoảng 200 tỷ đồng. Mặc dù vậy, trong những năm gần đây, việc lao động làm việc tại Hàn Quốc liên tục bỏ trốn ra ngoài, hoặc hết thời hạn về nước nhưng vẫn cư trú bất hợp pháp để tìm kiếm cơ hội việc làm đã làm mất đi cơ hội sang xứ sở Kim Chi để XKLĐ của hàng trăm lao động ở xã Cương Gián nói riêng và huyện Nghi Xuân nói chung. Tính đến thời điểm này, Nghi Xuân là địa phương có số lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đông nhất, với 496 người.

Chúng tôi tìm đến gia đình bà Hoàng Thị Nhàn, trú tại thôn Nam Mới, xã Cương Gián. Người mẹ này có con trai là Nguyễn Công Đan (30 tuổi), XKLĐ sang Hàn Quốc vào tháng 3-2917 nhưng ngay khi vừa đặt chân đến nước bạn được một ngày, anh Đan đã bỏ trốn ra ngoài. Hơn một năm qua, bà Nhàn cũng không biết con trai đang làm gì, ở đâu vì anh này không liên lạc về với gia đình.

Kế bên, gia đình bà Trần Thị Hường, có 6 người con đi XKLĐ tại Hàn Quốc, 4 trong số này đã hết hạn về nước từ tháng 8-2017 nhưng đến nay chưa có ai trở về. Chia sẻ với chúng tôi, bà Hường cho biết, các con trở về rồi cũng sẽ đi tiếp để kiếm việc làm, nhưng nếu như vậy vừa tốn kém, vừa mất thời gian, thủ tục rườm rà.

“Về nước không có việc làm, đi lại khó khăn, nhàn cư vi bất thiện lại sinh hư hỏng nên tui không muốn cho các con về. Dù biết ở lại, cư trú và làm ăn như vậy là bất hợp pháp và làm mất đi cơ hội của nhiều người khác, nhưng vì gia cảnh khó khăn nên phải làm liều”, bà Hường chia sẻ.

Tương tự, gia đình ông Trần Văn Đình (52 tuổi, trú tại xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) có 2 con trai và 2 con dâu hiện đang đi XKLĐ tại Hàn Quốc. Một trong số này là Trần Văn Tuấn (28 tuổi), đã hết thời hạn 3 năm từ tháng 2-2017 nhưng đến nay vẫn không chịu về nước mà tìm cách bám trụ lại để làm việc.

Ông Đình chia sẻ, trước đây gia cảnh vốn rất khó khăn, nhưng khoảng 5 năm trước, con trai cả là anh Trần Văn Thuận đi XKLĐ, ăn nên làm ra nên đưa em trai qua bên đó để mưu sinh. Sau vài năm, không những gia đình trả hết nợ, thoát nghèo mà còn xây được nhà cao, cửa rộng, mua thêm đất để sau này các con về lập nghiệp.

Nói về lý do con trai hết thời hạn nhưng không về, ông Đình cho biết: Về nước làm việc thu nhập bếp bênh, lương chỉ bằng 1/5 ở xứ người nên không muốn các con trở về. Anh Trần Văn Tuấn chỉ là một trong số 360 lao động hết thời hạn nhưng không về nước, cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc có hộ khẩu trên địa bàn huyện Nghi Lộc.

Tại Nghệ An, ngoài huyện Nghi Lộc dẫn đầu cả tỉnh, một số địa phương khác cũng có tỉ lệ lao động trốn ở lại cao như TP Vinh 244 người, thị xã Cửa Lò 242 người, huyện Nam Đàn 220 người, huyện Hưng Nguyên 200 người...

Ở tỉnh Hà Tĩnh, địa phương có số lao động bỏ trốn cao nhất là huyện Nghi Xuân với 496 người, kế tiếp là huyện Cẩm Xuyên 200 người. Tỉnh Thanh Hóa hiện có 1.047 lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, trong đó đứng đầu là huyện Đông Sơn với 291 người, kế tiếp là huyện Hoằng Hóa 172 người. Ngoài ra, còn 14 huyện, thành thị khác cũng bị cấm XKLĐ sang Hàn Quốc trong năm nay do tỉ lệ lao động hết hạn hợp đồng nhưng không về nước chiếm trên 30%.

Số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy, hằng năm có hàng chục người Việt Nam đi XKLĐ ở nước ngoài gặp tai nạn, rủi ro. Phần lớn trong số này đều đi theo diện XKLĐ “chui”, hoặc đi theo con đường chính ngạch nhưng sau đó “nhảy” ra ngoài làm việc. Tất cả những trường hợp này đều không nhận được bất cứ sự bảo lãnh, trợ giúp nào từ cơ quan chức năng mà chỉ phụ thuộc vào gia đình hoặc sự trợ giúp từ cộng đồng người Việt làm ăn, sinh sống ở nước sở tại.

Mới đây nhất là trường hợp của anh Nguyễn Văn Quốc (31 tuổi, trú tại thôn Xuân Hòa, xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình). Năm 2012, anh Quốc đi XKLĐ tại Hàn Quốc, sau đó ra ngoài làm việc. Trong quá trình lao động tại xứ sở Kim Chi, anh Quốc vướng vào nợ nần nhưng không đủ khả năng chi trả.

Ngày 3-3-2018, anh Quốc bị sát hại rồi vứt xác tại bãi biển khu vực Gohneon (Jeonnam). Đến nay, thi thể nạn nhân đang nằm tại nhà xác của Bệnh viện Đa khoa Goheung để chờ người thân sang nhận diện và đưa về quê an táng.

Tháng 6-2016, anh Hoàng Văn Đường (30 tuổi, trú tại thôn 5, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đi XKLĐ sang Hàn Quốc theo chương trình EPS, tuy nhiên được một thời gian, do không chịu nổi áp lực làm việc, anh Đường đã bỏ trốn khỏi nhà máy, ra bên ngoài làm việc chui nhủi.

Tháng 4-2017, trong lúc đang lái máy cẩu, anh này bị tai nạn lao động và tử nạn. Sự việc xảy ra, không có bất cứ cơ quan chức năng nào đứng ra bảo lãnh khiến gia đình gặp rất nhiều khó khăn trong việc đưa thi thể anh về nước.

Lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc.

Đồng hương gánh hậu quả

Gia cảnh khó khăn, sau khi tốt nghiệp THPT, em Nguyễn Văn Giang (SN 1998), trú tại xã Xuân Thành, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) quyết định không thi đại học mà chọn con đường đi XKLĐ để đỡ đần cho bố mẹ nuôi em ăn học. Để hiện thực hóa giấc mơ xuất ngoại của mình, Giang khăn gói sang TP Vinh (Nghệ An) theo học lớp tiếng Hàn trong thời gian 6 tháng, với học phí 18 triệu đồng/khóa, chưa tính tiền thuê nhà, tiền ăn và các khoản khác.

Điều đáng nói, trong thời gian Giang học tiếng Hàn, em trai cũng theo anh, đi học tiếng để XKLĐ. Nửa năm trôi qua kể từ khi kết thúc khóa học và làm thủ tục tại công ty XKLĐ, chỉ còn cách ngày lên máy bay chưa đến một tuần thì phía Bộ LĐ-TB&XH có thông báo dừng tiếp nhận lao động huyện Nghi Xuân sang làm việc tại Hàn Quốc vì số người cư trú bất hợp pháp quá cao.

“Hai anh em bọn em cũng không biết chờ đến bao giờ mới được đi XKLĐ nữa. Tính đến nay, chi phí để đi lao động ở nước ngoài gần 200 triệu, đây là số tiền quá lớn đối với gia đình, toàn bộ chi phí này đều phải vay ngân hàng. Trong khi đó, tiền lãi cứ phát sinh mỗi ngày khiến mọi người trong gia đình cứ như đang ngồi trên đống lửa”, em Giang chia sẻ.

Cùng cảnh ngộ, vào năm 2017, ngay khi phía Hàn Quốc bãi bỏ “lệnh cấm vận” lao động trên địa bàn sang làm việc theo chương trình EPS, gia đình bà Ngô Thị Lân (50 tuổi, trú xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) đã vay mượn tiền bạc để lo thủ tục cho con trai út là anh Nguyễn Văn Công (30 tuổi) đi học tiếng Hàn để sang xứ sở Kim Chi làm việc.

Theo kế hoạch, đến tháng 6-2018 này Công sẽ bay sang. Đùng một cái, đầu tháng 5 vừa qua, thông báo phía nước bạn ngừng tiếp nhận lao động trên địa bàn huyện Nghi Lộc khiến gia đình bà Lân choáng váng, suy sụp.

Ông Nguyễn Đăng Dương, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An cho biết: Tỷ lệ lao động tại 10 địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc cao, vô hình trung trở thành hệ lụy và rào cản cho những người muốn XKLĐ khác không còn cơ hội tiếp cận chương trình ưu việt như EPS.

Ông Dương làm một phép tính cho thấy, nếu một lao động muốn sang Hàn Quốc làm việc, đi theo chương trình EPS chỉ mất 630 USD, ưu đãi tiếp theo là được làm việc 4 năm 10 tháng với mức lương 1.000 USD trở lên/tháng. Trong thời gian này, nếu lao động không chuyển đổi nơi làm việc, sau khi hết hạn hợp đồng về nước đúng thời hạn, được phép tái nhập cảnh Hàn Quốc làm việc sau 3 tháng mà không phải dự kiểm tra tiếng Hàn.

Trong quá trình làm việc, nếu người lao động tích lũy đủ chuyên môn và tiếng Hàn có thể thi tuyển sang chương trình lao động kỹ thuật cao, làm việc dài hạn tại Hàn Quốc và được bảo lãnh đưa người thân sang. Trong khi đó, nếu đi XKLĐ thông qua doanh nghiệp, ít nhất phải mất số tiền từ 4.000 - 5.000 USD.

Ông Đặng Văn Dũng, Trưởng phòng Lao động - Việc làm, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh cung cấp thêm thông tin, tỉnh Hà Tĩnh hiện có 4.870 lao động tại Hàn Quốc diện EPS. Tuy nhiên, tình trạng lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp đã khiến hàng nghìn lao động khác mất cơ hội thụ hưởng chương trình ưu đãi này khi bị phía Hàn Quốc từ chối tiếp nhận lao động.

Năm 2018, tỉnh Hà Tĩnh có 1.800 chỉ tiêu thi tiếng Hàn, tính đến thời điểm này đã có 786 người theo học nhưng không được thi tuyển đợt này. Thậm chí, nhiều trường hợp đã bỏ học ngay sau khi nghe thông tin bị phía nước bạn từ chối tiếp nhận.

Được biết, năm 2012, lần đầu tiên phía Hàn Quốc thông báo không tiếp nhận lao động tại các địa phương có tỉ lệ người bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp, hết thời hạn nhưng không về nước cao, Bộ LĐ-TB&XH đã tham mưu cho Chính phủ ban hành các biện pháp xử lý, từ vận động tuyên truyền đến tổ chức các biện pháp mạnh để đưa được số lao động đã bỏ trốn về nước, cũng như ngăn chặn tình trạng bỏ trốn mới.

Một trong các biện pháp đó là việc Chính phủ ban hành Nghị định số 35/NĐ-CP ngày 22-8-2013, đưa ra mức ký quỹ 100 triệu đồng trước khi lao động làm thủ tục sang Hàn Quốc làm việc. Nếu lao động bỏ trốn sau khi đến Hàn Quốc làm việc mà không về nước, số tiền đặt cọc này sẽ bị tịch thu. Những lao động đã bỏ trốn trước đó cũng sẽ phải chịu mức phạt 100 triệu đồng khi về nước.

Mặc dù vậy, đến nay trên cả nước, vẫn chưa có một lao động nào nằm trong diện này phải chịu phạt đối với số tiền được đưa ra trên đây. Trong khi đó, vai trò của chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục còn khá mờ nhạt. Công tác tuyên truyền cần thực hiện từ xã đến xóm, đến tận hộ gia đình để nâng cao nhận thức cho người lao động. Cùng với đó, cần có chế tài cụ thể đối với từng gia đình có lao động phá vỡ hợp đồng.

Những điều này, chưa được bất cứ địa phương nào thực hiện là một trong những nguyên nhân dẫn đến lao động bỏ trốn, hết thời hạn nhưng không về nước mà cư trú bất hợp pháp ở nước bạn. Hành động này đã lấy đi cơ hội của hàng vạn lao động khác đang muốn sang Hàn Quốc lao động hợp pháp, tìm kiếm cơ hội để đổi thay cuộc đời.

Thiên Thành
.
.