Báu vật của tình chồng nghĩa vợ nơi núi rừng

Thứ Tư, 04/02/2015, 15:00
Thuở cụ H’lang còn con gái, như bao sơn nữ thời bấy giờ, trước khi được tổ chức lễ cưới với cụ ông A Đơn, cụ đã nhận từ cụ ông chiếc vòng tay cầu hôn này. Từ đó đến nay đã qua bao dâu bể thời cuộc nhưng cụ vẫn gìn giữ linh vật được xem là biểu tượng tình yêu nơi núi cao rừng thẳm.

Nằm bên dòng sông Đắk Bla hùng vĩ, làng Kon Klor 2  thuộc xã ĐắkRơWa (Kon Tum) được dân lữ hành ví như tiểu thiên đường. Bên dòng Đắk Bla sáng tinh khôi nước trong vắt, dòng chảy lặng lờ, cụ H’lang, ngoài 70 mùa rẫy (tuổi) kể về chiếc vòng đeo tay gắn bó với cụ như hình với bóng.

Ngày trước, thuở cụ còn con gái, như bao sơn nữ thời bấy giờ, trước khi được tổ chức lễ cưới với cụ ông A Đơn (đã mất), cụ đã nhận từ cụ ông chiếc vòng tay cầu hôn này. Từ đó đến nay đã qua bao dâu bể thời cuộc nhưng cụ vẫn gìn giữ linh vật được xem là biểu tượng tình yêu nơi núi cao rừng thẳm.

Cụ H’lang tâm sự tuy sống ở vùng Bahnar nhưng cụ nguyên gốc là người Jrai ở huyện Chư Pảh (Gia Lai), cụ lấy chồng từ năm 16 tuổi. Từ đó đến nay đã hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng cụ vẫn nhớ như in đám cưới ngày nào. Trong ký ức của cụ, đám cưới ngày trước thuần khiết đến vô ngần. Cụ nói vì người Jrai theo tục mẫu hệ nên phần đông lễ cưới bao giờ cũng được tổ chức tại nhà gái. Tùy vùng, tùy làng, tùy nhóm người Jrai mà nghi thức tổ chức hôn lễ có khác nhau, nhưng phải cơ bản trải qua các lễ cưới xin, lễ rước rể, lễ đổi vòng… Lễ nào cũng vậy, nếu không  mổ trâu thì mổ heo, mổ dê. Và rượu cần thì không thể thiếu.

Các bà các chị cùng những cô gái bản xứ khoe sắc với những vòng tay tình yêu.

Chị H’lia ở làng Duch 1 xã Ia Kreng, 40 tuổi, cho biết chị lấy chồng năm 18 tuổi, theo lẽ chiếc vòng đeo tay bằng bạc của chị được 22 năm tuổi đời, nhưng chị quả quyết cái vòng tay của mình “tuổi nhiều lắm, có khi trăm năm”. Đây quả là sự lạ!

- Vì sao nó nhiều tuổi như vậy chị H’lia?

- Vì khi mẹ của chồng mất, bà không muốn chôn cái vòng quý theo tục chia của cho người chết nên trao lại cho chồng mình. Bà mất năm bà ngoài 70 tuổi, bà đeo nó từ lúc mới lấy chồng, rồi chồng mình tặng cho mình, mình đeo nhiều năm rồi, nên cái vòng nhiều tuổi lắm!

Như nhiều tộc người thiểu số cư trú lâu đời ở Tây Nguyên, người Jrai có tục chia của cho người chết. Trong tín ngưỡng Jrai, cái chết không phải là dấu chấm hết của một đời người mà chỉ chuyển sang hình thái khác, ở nơi mà hồn ma cũng cần có cái để ăn, cần áo để mặc, cần ché uống rượu, cần xa-gạc để đi rừng… và cần có đồ trang sức như vòng đeo cổ, vòng đeo tay, đeo chân để làm đẹp.

Đây chính là lý do mà đi khắp buôn làng của người Jrai ở đất Gia Lai và Kon Tum, tại các nghĩa địa ẩn giữa rừng già, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp những vật dụng mà người sống “trả” cho người chết mà theo giải thích của họ, đó là những vật dụng mà lúc sinh thời người sống thường sử dụng. Nhiều làng Jrai, tôi thấy thân nhân người quá cố chia cả xe đạp, tivi, quạt máy… chất đầy mả mồ người quá cố. Những chiếc vòng đeo tay vốn dĩ là sính lễ tình yêu cũng không ngoại lệ!

Được sự cho phép của những chủ nhân, tôi được tận mắt nhìn thấy những chiếc vòng đeo tay - được xem là biểu tượng tình yêu, đồng thời cũng là hiện thân của sự ràng buộc trong mối quan hệ tình chồng nghĩa vợ. Tùy điều kiện kinh tế của chủ nhân mà có chiếc vòng đeo tay bằng đồng, bạc hay ngà voi với nhiều kích cỡ. Chiếc vòng đeo tay theo ngôn ngữ Jrai là “kông”. Cụ Mí, ở huyện Đức Cơ nói rằng, về cơ bản, khi chịu nhận “kông” của cô gái thì chàng trai xem như chấp nhận cho cô gái bắt mình về… làm chồng!

Khi được cụ Mí cho biết điều đó, tôi mới phát hiện hành trình gá nghĩa giữa trai gái Jrai và người đồng bằng có điểm tương đồng và cả… dị biệt. Chuyện rằng qua những lần gặp nhau, cùng nhảy với nhau điệu xoang cũng như chuyện trò cùng nhau qua những ngày vui, lễ hội của buôn làng như lễ bỏ ma, lễ mừng lúa mới, lễ đâm trâu.., khi đã ưng bụng chàng trai nào đó khỏe mạnh, siêng năng, vui tính, tốt tính, cô gái Jrai sẽ về thưa cha mẹ rồi nhờ người mai mối sang dạm hỏi nhà trai. Nếu đàng trai đồng ý, đôi bên sẽ tiến hành trao kông (còng - PV) cho nhau, chính thức từ nay được phép qua lại, hẹn hò với nhau.

Lễ trao vòng đeo tay kể trên tựa lễ dạm hỏi của người Kinh, tiếng Jrai gọi là djă kông. Điểm lạ và đặc biệt ở chỗ nếu như ở đồng bằng, lễ dạm hỏi cũng như sính lễ ban đầu (thường là vòng đeo tay, đeo cổ, nhẫn, hoa tai…) do phía đàng trai đảm nhiệm. Còn với người Jrai theo chế độ mẫu quyền, lễ nghi sẽ do đàng gái tổ chức.

Đi qua nhiều vùng cư trú khác của người Jrai, quanh tục trao còng nói lời yêu, có vùng như Ayun Pa, tôi được biết khi muốn bắt chàng trai nào đó về làm chồng, cô gái sẽ tháo chiếc vòng đeo tay của mình trao gửi cho người mai mối đem đến đưa tận tay người mình “dòm ngó”.

Cụ H’lang với chiếc vòng đeo tay được cụ gìn giữ như báu vật.

Nếu ưng ý, chàng trai sẽ nhận vòng đeo vào tay. Bằng không anh ta theo phép lịch sự sẽ nhận vòng, nhưng chỉ cầm một lúc rồi trả lại. Chuyện hấp dẫn ở chỗ không phải chàng trai nào khi trả lại vòng tay cầu hôn đều có ý không ưng thuận cô gái ngỏ lời yêu thương mình. Mà có khi đó chỉ là cách anh ta thử lòng cô gái. Nếu cô gái ấy bền tâm theo đuổi, có khi đến lần thứ 3 nhận được chiếc “kông tinh yêu”, lúc này sự si tình và tấm chân tình của cô gái xem như đã hạ gục chàng trai mà theo cách nói của cụ Nguyễn Du trong Kiều: “Tình trong như đã mặt ngoài còn e”…

Như đã nói, khi đã nhận kông, khi đã chính thức trao cho nhau vòng tay tình yêu qua nghi lễ djă kông, từ đây đôi trai gái đã có thể công khai mối quan hệ của mình, và cùng chuẩn bị lo cho lễ cưới sắp đến. Lễ vật cho lễ cưới - ngày vui trọng đại không thể thiếu vài ba ché rượu cần, khó khăn thì mổ heo, người có điều kiện thì thịt trâu đãi làng.

Về cơ bản, đám cưới của đôi trẻ Jrai không khác gì đám cưới của những đôi uyên ương người Bahnar mà người viết có dịp tham dự cách đây vài tháng tại ở làng H'le (xã Yang Trung, huyện Kông Chro, Gia Lai). Không như người Kinh đi ăn cưới bằng phong bì, người vùng cao đến chúc mừng đôi trẻ bằng việc mang đến nơi làm đám hũ rượu, con gà, buồng chuối… góp sức, chung tay với cô dâu chú rể trong việc đãi làng.

Từ những chiếc vòng tay be bé xinh xinh được các bà, các chị người Jrai đeo thường xuyên bên mình, mới thấy ẩn trong nó những thông điệp thiêng liêng của tình yêu trong sáng và của nghĩa tình chồng vợ. Những người già Jrai thổ lộ một khi đã trao nhận vòng đeo tay rồi, hai bên trai gái ai cũng sống tốt, sống chung thủy với nhau.

Chị K’Mai thì có chia sẻ khác. Chị bộc bạch lúc thành vợ thành chồng rồi, chị như bao phụ nữ Jrai khác rất trân quý chiếc vòng tay tình yêu, xem đó là vật báu của đời mình, đeo những lúc trang trọng, sạch sẽ, cố gắng giữ gìn nguyên vẹn đến cuối đời, tuyệt nhiên không có chuyện vợ chồng xích mích, giận nhau mà đem chiếc vòng ra “hành xác”... Chị giải thích như ché rượu, gùi lúa, trong từng chiếc vòng đeo tay cũng có Yang (thần linh) ngự trị. Nên nếu ai đó mạo phạm sẽ bị thần phạt!

Tình chồng nghĩa vợ của người Jrai qua chiếc vòng tay tình yêu sao mà đẹp, giản dị mà lung linh quá!

Bích Kiều
.
.