Lũy thành hồn hậu: Giữ chủ quyền, vun đắp tình đoàn kết

Thứ Năm, 01/07/2021, 13:01
Giống như già Phàn Phù Lìn, già Pả Ai ở bản A Ho, xã Thanh, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị là một lão nông người Vân Kiều đã sống qua 80 mùa bắp ở vùng biên này. Sẽ chẳng có gì nhiều để nhắc đến già ấy nếu như không có một sự kiện hi hữu xảy ra: đó là việc hai bản thuộc hai đất nước này lại có chung... một khu rừng ma, là nơi an táng người chết của cả hai bản A Ho, Việt Nam và bản Đen-vi-lay nằm bên dòng sông Xê Pôn của nước bạn Lào.

Lưỡng quốc già làng

Năm 1977, do hoạch định biên giới, vùng đất có rừng ma vốn từng thuộc về Việt Nam thì nay đã thuộc về nước bạn Lào. Nhưng với quan niệm người chết sẽ trở thành con ma rừng, phải mang đi chôn thật xa nên khi người thân chết, bà con Vân Kiều ở A Ho lại âm thầm mang qua bên kia sông để chôn. Mâu thuẫn giữa hai thôn bản bắt nguồn từ đó. Việc tranh chấp đã diễn ra suốt nhiều thập niên và ngày càng trở nên căng thẳng, tổn hại không ít tới tình đoàn kết hữu nghị gắn bó từng được vun đắp trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung.

Ông Bùi Văn Nghĩa hướng dẫn bà con Campuchia trồng giống lúa mới.

Là một cựu chiến binh đã từng đi nhiều nơi, thấy nhiều điều hay, già Pả Ai hiểu việc dân bản A Ho đưa người thân đi xa để con ma không về bắt là không đúng, mà đem qua đất bạn Lào để chôn lại càng không phải. Sau nhiều lần vận động bà con không thành, Pả Ai nghĩ đến việc phải chứng minh "con ma" không hề đáng sợ. Khi bố mất, ông không đem thi thể vào rừng ma mà chôn dưới một chân đồi gần bản để mỗi khi lên nương còn tiện thăm nom. Một tháng, hai tháng, rồi nhiều năm trôi qua, bà con dần dần tin tưởng, vui vẻ noi theo gương già làng. Chuyện già Pả Ai kéo con ma về gần nhà được truyền đi khắp các bản làng, như thể đó là một cuộc đổi thay đáng kể trong cách nghĩ, cách sống và truyền thống ma chay của người Vân Kiều.

Việc đưa rừng ma về gần gian nan, vất vả chừng nào thì việc gây dựng lại tình đoàn kết giữa hai bản biên giới A Ho và Đen-vi-lay cũng khiến già Pả Ai tốn không biết bao nhiêu công sức. Đã bao lần ông già Vân Kiều gầy gò, quắc thước này vượt sông Sê Pôn để làm "nhà ngoại giao nhân dân" với bản bạn. Thậm chí, già còn trực tiếp đến bày tỏ nguyện vọng với bộ đội Việt Nam và bộ đội Lào để được giúp đỡ. Dân bản Đen-vi-lay cũng không đếm đủ số lần ông ngồi uống rượu với già làng, với dân bản để giãi bày nỗi lòng...

Mỗi lần qua thăm như vậy là một lần già Pả Ai tranh thủ giúp bà con cách làm kinh tế. Khi thì chỉ cách trồng cây sắn, rồi cách chăm đàn bò, đàn dê. Cứ như thế già làng Pả Ai trở nên gần gũi với mọi người. Sự bền bỉ của già đã khiến mối thâm thù lúc xưa tan biến, làm đổi thay sự yêu ghét giữa người với người. Dân hai bản từ chỗ mâu thuẫn, giờ quấn quýt, thân thiện với nhau như người đồng tộc.

Bên chén trà xanh nấu từ nước của dòng Sê Pôn, già làng Ăm Xĩa, bản Đen-vi-lay bảo: "Chúng tôi rất biết ơn Pả Ai. Ông ấy không những đã xóa đi mâu thuẫn giữa nhân dân hai bản mà còn giúp đỡ chúng tôi tìm cách thoát nghèo. Dân bản tôi và bản A Ho giờ lại như anh em một nhà, chúng tôi ưng cái bụng lắm". Uy tín của già làng Pả Ai đối với người dân hai bản giờ đây cao hơn đỉnh Voi Mẹp, sâu hơn đáy dòng Sê Pôn. Mỗi lời già nói đều được người dân hai bản răm rắp nghe theo. Nhờ già Pả Ai mà dân bản A Ho và Đen-vi-lay đã trở thành hai bản kết nghĩa, yêu thương nhau. Từ mô hình này, Bộ Tư lệnh BĐBP đã phát triển thành một phong trào kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới trên cả ba tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia, trở thành một hình thức đối ngoại nhân dân đầy ân tình và hiệu quả.

Chuyện của Tà Nghĩa

Từ dòng Sê Pôn, chúng tôi xuôi Nam, đến với những hàng thốt nốt xanh trên đoạn biên giới thuộc huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, Việt Nam và huyện Mi Mốt, tỉnh Kông Pông Chàm, Campuchia. Dưới tán cây thốt nốt, người Việt và người Campuchia nơi đây thương mến, quý trọng nhau như anh em. Và từ lúc nào không ai nhớ rõ, bà con Khmer hai bên biên giới này đã gọi ông Bùi Văn Nghĩa ở ấp Tân Cường, xã Tân Hà, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh bằng cái tên thân thương đầy kính trọng là: Tà Nghĩa. Từ "Tà" trong tiếng Khmer có nghĩa là "ông lớn", dùng để gọi những người có công giữ đất, giữ làng, trừ gian, diệt ác, bảo vệ dân lành hoặc người có uy tín, có tâm thiện được bà con yêu mến, kính trọng.

40 năm miệt mài lao động, 40 năm gắn bó với mảnh đất nằm sát bên đường biên giới quốc gia thì cũng chừng ấy thời gian Tà Nghĩa sống trọn nghĩa vẹn tình với quân dân ở hai bên biên giới. Người dân Tân Hà nhớ rất rõ mùa mưa năm 2000, do bị kẻ xấu xúi giục, một số bà con Khmer sinh sống tại địa bàn xã Ruông, huyện Mi Mốt phía đối diện đã tập trung hàng trăm người, dùng trâu bò, đồng loạt sang cày, bừa, xạ lúa ngay trên đất của các hộ dân Việt Nam đang canh tác. Hai bên xô xát nhiều ngày, chính quyền và lực lượng vũ trang phải vào cuộc thì tình hình mới tạm yên. Từ đó về sau, nhân dân hai bên biên giới cắt đứt quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa, thậm chí còn kêu gọi tẩy chay hàng hóa của nhau.

Lễ kết nghĩa giữa bản A Ho (xã Thanh, Hướng Hóa, Quảng Trị) với bản Đen-vi-lay, Pa riềng, Pa lọ (Lào) năm 2009.

Là người có tư duy sâu sắc, nhiều kinh nghiệm về ngôn ngữ, về phong tục, tập quán của phía bạn, Tà Nghĩa quyết tâm hàn gắn lại tình đoàn kết giữa nhân dân hai bên biên giới. Đầu tiên ông mời bạn sang nhà chơi, tổ chức tiếp đón thịnh tình. Rồi ông lại sang nhà bạn để thăm hỏi và tìm hiểu gia cảnh nhà bạn với một sự quan tâm, sẻ chia chân thành. Tiếp cận với các hộ mà trước đây có con em, người thân sang xâm canh lấn đất, ông nhẹ nhàng phân tích, chỉ ra cái đúng, cái sai của việc xâm lấn đất đai, chỉ ra cái lợi, cái hại của việc chia cắt tình thân, không đoàn kết giúp nhau tiến bộ.

Từ việc làm của Tà Nghĩa, ý tưởng liên kết bà con nông dân lại cùng nhau sản xuất, cùng nhau bảo vệ đất đai hoa màu, đường biên mốc giới đã ra đời. Đầu mùa mưa năm 2011, Tổ liên kết sản xuất vùng biên Tân Hà do ông Nghĩa làm tổ trưởng đã cùng nhau ra quân sản xuất. Những ngày đầu trở lại đồng, tuy bà con hai bên có hơi dè dặt, ngại ngùng, nhưng rồi ông Nghĩa đã phá tan cái không khí thờ ơ lạnh nhạt đó bằng những kinh nghiệm sản xuất của mình như xịt thuốc, bón phân sao cho hợp lý, cấy cày ra sao để kịp thời vụ…

Năm nào cũng thế, vào vụ cấy trồng, hễ Tà Nghĩa cùng bà con nông dân Việt Nam trồng cây gì, chăm sóc ra sao thì đều chia sẻ, hướng dẫn bà con nông dân Campuchia làm y như thế. Những trường hợp bà con phía bạn gặp khó khăn về vốn giống, nông cụ sản xuất, Tà Nghĩa và bà con Việt Nam sẵn lòng cho bạn mượn trâu bò cày đất, khi thì giúp máy gặt, máy kéo vận chuyển hàng nông sản không tính công. Rồi Tà Nghĩa cũng là người đứng ra bảo lãnh cho bà con nông dân Campuchia được mua phân, mua thuốc thiếu đến cuối vụ mới thanh toán tiền. Khi trúng mùa ông tiếp tục giới thiệu những thương lái có uy tín thu mua hàng nông sản cho bạn, nhằm tránh tình trạng bị thương lái ép giá. Từ vụ này qua vụ khác, năm này sang năm khác, từ chuyện sản xuất đến việc qua lại trao đổi hàng hóa, mua bán thăm thân, đã khiến cho bà con nông dân Campuchia nhận ra rằng không gì tốt bằng khi biên giới luôn được hòa bình, hữu nghị.

Già làng Pả Ai đan gùi bên sàn nhà.

Ngồi cùng Tà Nghĩa dưới chân cột mốc 100, nhìn gương mặt sạm nắng vì những tháng ngày vất vả của ông, mới cảm nhận hết ý nghĩa của hai từ Tà Nghĩa. Người Khmer ở đây nói rằng, con số 100 sẽ mang lại nhiều may mắn và thuận lợi cho việc canh nông của họ. Và sau mỗi lần làm đồng đuối sức, không kể người Việt hay người Miên, dân tộc Kinh hay dân tộc Khmer, những người nông dân thuần phác trước đây từng lao vào tranh giành đất giờ đây lại tới ngồi bên cột mốc, chia cho nhau điếu thuốc rê, trao đổi dăm ba câu chuyện về ruộng đồng, mùa vụ.

Nhìn khung cảnh bình yên, dân dã ấy, mới thấy biết bao trân trọng những nghĩa cử đơn sơ nhưng mang lại lợi ích lớn lao cho bà con hai bên biên giới của những lão nông yêu nước, thương người như Phàn Phù Lìn, Lâu Văn Hự, Pả Ai hay Tà Nghĩa. Địa bàn, dân tộc khác nhau, trình độ văn hóa, cách nghĩ, cách làm khác nhau và những cống hiến của họ không phải quá to lớn... nhưng họ có chung tầm suy nghĩ, ý thức trách nhiệm với đất nước, với bà con chòm xóm và nhân dân nước láng giềng.

Phạm Vân Anh
.
.