Ma lực trầm kỳ

Chủ Nhật, 07/06/2009, 20:35
Ma lực trầm kỳ đã khiến cho những người "đi điệu" bất chấp rừng thiêng, nước độc và mọi hiểm nguy có thể xảy ra bất chợt trên mỗi dặm đường ở chốn sơn lâm. Thậm chí có người tử nạn vì rắn độc cắn, hổ dữ vồ, hay những trận sốt rét triền miên... nhưng giấc mộng trầm kỳ vẫn đánh thức “dân điệu” vượt núi cao, vực sâu.

"Khánh Hòa là xứ trầm hương. Non cao biển rộng, người thương đi về". Câu ca dao ấy không chỉ truyền miệng từ bao đời nay, mà còn đi vào sử sách viết về vùng đất này. Bởi lẽ trước đây trầm hương và kỳ nam hội tụ trong những cánh rừng đại ngàn ở Khánh Hòa với mật độ dày, nên có một thời giới săn tìm trầm hương thường gọi là dân "đi điệu" từ các tỉnh ở Nam Trung Bộ lặn lội tới đây nhiều ngày đêm để tìm vận may.

Ma lực trầm kỳ đã cuốn hút không ít người gắn bó duyên nợ với nghề "đi điệu" vài chục năm, hay đến hết cuộc đời... Có người may mắn kiếm được chút vốn để làm ăn, có người đeo đuổi mãi với nghề này, nhưng kết cục tay trắng vẫn hoàn trắng tay...

Chuyện xưa "ngậm ngải tìm trầm"

Đầu những năm 80 thế kỷ trước, giấc mộng làm giàu từ trầm kỳ đã thôi thúc những người nông dân chân chất, quanh năm chỉ biết thửa ruộng, luống cày, rủ nhau mang balô vào rừng tìm trầm kỳ, mà theo cách gọi bằng tiếng lóng thì họ là dân "đi điệu".

Hành trang mỗi người ngoài chục cân gạo, võng, chăn, còn có rìu, rựa, bộ dũm thép - dụng cụ dùng để xoi trầm, một số dầu gió, thuốc tây thông dụng phòng khi cảm sốt, nhức mỏi và hương hoa, lễ vật để cầu khấn thần linh đưa đường dẫn lối đến với trầm kỳ. Thông thường mỗi nhóm "đi điệu" có từ 4 đến 6 người, không xung khắc về tuổi tác, cung mạng.

Tương truyền Nữ vương Ponagar, hay còn gọi là Thiên Y Thánh Mẫu - vị nữ thần được tạo nên bởi áng mây trời và bọt biển, người tạo dựng ra trái đất, sản sinh gỗ quý, cây cối và lúa gạo đã hóa thân vào cây dó, tạo thành trầm kỳ. Người lương thiện, phúc đức ba đời dễ thường được Thánh Mẫu dẫn dắt tìm thấy may mắn, còn không thì người "đi điệu" đứng bên cạnh cây dó có trầm kỳ cũng không hề biết. Cõ lẽ vì thế nên trước khi xuất hành lên đại ngàn, những người "đi điệu" phải chọn ngày lành tháng tốt, cả nhóm phải dành 3 ngày ăn chay, kiêng cữ chuyện phòng the.

Trong suốt hành trình phải tuân thủ nghiêm ngặt tục lệ của những bậc tiền nhân trong giới trầm kỳ truyền dạy: không được nói chuyện xúi quẩy, không gây sự lẫn nhau, ngay cả một số câu chữ cũng phải kiêng dè, nói lệch sang tiếng lóng "dân điệu" thường sử dụng. Ví như muối gọi là diêm, gạo gọi là mễ, đá tảng gọi là gộp, cọp phải gọi là thầy, bị ong đốt phải nói là uông ké... Khi tìm thấy trầm kỳ, người “đi điệu” phải nhịn đói để giữ sự tinh khiết rồi tìm đến một dòng suối gần nhất tắm rửa sạch sẽ mới được lập bàn cúng tạ sơn thần, thổ địa trước khi chặt hạ cây dó lấy trầm.

Ma lực trầm kỳ đã khiến cho những người "đi điệu" bất chấp rừng thiêng, nước độc và mọi hiểm nguy có thể xảy ra bất chợt trên mỗi dặm đường ở chốn sơn lâm. Thậm chí có người tử nạn vì rắn độc cắn, hổ dữ vồ, hay những trận sốt rét triền miên... nhưng giấc mộng trầm kỳ vẫn đánh thức “dân điệu” vượt núi cao, vực sâu.

Có khi lạc giữa đại ngàn trong tình trạng hết lương thực, "dân điệu" phải ngậm củ ngải, một loại gừng dại, có vị thơm dịu, giúp cho ruột đỡ cồn cào. Và do hành trình tìm trầm dài ngày, đầy gian lao, vất vả, có khi người “đi điệu” trở về tay trắng, gương mặt hốc hác, râu tóc mọc dài, trông như người rừng, nên dân gian có câu "ngậm ngải tìm trầm".

Giữa trưa tháng 5 đầy nắng gió rát bỏng mặt người, tôi tìm về các xã Ninh Phụng, Ninh Bình, Ninh Sim, Ninh Xuân - huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa - nơi có hàng trăm người từng là dân "đi điệu".

Ông Lê Văn Cẩm ở xã Ninh Phụng, huyện Ninh Hòa và kỷ vật lõi trầm hương đã tạo dáng Tháp Bà.

Ông Lê Văn Cẩm, 52 tuổi, một dân "đi điệu" có thâm niên 30 năm đi tìm trầm nhớ lại:  "Đầu những năm 80 thế kỷ trước, các nhóm “đi điệu” khoanh vùng, giẫm nát rừng Hòn Lớn, Hòn Dữ, Sông Giang, Tà Mụ... Dần dà cây dó cũng cạn kiệt, dân "đi điệu" vượt ngàn vươn tới những cánh rừng ở Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng, Phú Yên, Đắk Lắk, Gia Lai...".

Hơn chục năm về trước, dân “đi điệu” bàng hoàng khi nghe tin có ít nhất 3 người ở thôn Hiệp Thành, xã Ninh Bình đã chết trong tay bè bạn giữa rừng sâu. Ông Trần Thành gục ngã sau cơn sốt rét ác tính, còn ông Tám Lang trút hơi thở cuối cùng sau những giây phút quằn quại bởi cơn đau ruột thừa. Thương tâm hơn nữa là trường hợp ông Đỗ Văn Tư đang trên đường đi bất ngờ bị rắn độc cắn, những bạn "đi điệu" tranh thủ buộc garo, hái lá thuốc để cấp cứu, nhưng chất độc từ nọc rắn theo máu xâm nhập vào tim quá nhanh khiến nạn nhân chết trong thoáng chốc.

Mùa mưa lũ năm 1989, trong hành trình tìm trầm, một nhóm "đi điệu" 4 người từ huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa tử nạn khi đu bám dây rừng, vượt qua sông Ba Lài ở xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên... Đó là chưa kể đến nhiều người mắc bệnh gan sau những trận sốt rét vật vã triền miên mà không được điều trị.

Ông Nguyễn Dài, ở thôn Đại Cát, xã Ninh Phụng ngẫm lại không ít kỷ niệm buồn vui sau hơn 20 năm theo nghề “đi điệu”. Ông kể: "Chuyến đi xuyên rừng vào tận Bình Dương cuối thu năm 1988, cả nhóm trở về trong cảnh xác xơ, đói khát và bệnh hoạn, tưởng chừng đã phải dẹp nghề. Vậy mà hơn một tuần sau, tin đồn có nhóm “điệu” vừa trúng 2 kg trầm kỳ ở Lâm Đồng đã khiến cho tụi tui khoác balô đi tiếp. Cứ thế, có chuyến đi kiếm được năm, bảy trăm ngàn, có chuyến vài ba triệu cũng chỉ đủ đong gạo nuôi vợ con. Mãi tới năm 1996, trong một chuyến đi vỏn vẹn 8 ngày vượt rừng vào khu đồi Đức Mẹ ở Lâm Đồng, nhóm "đi điệu" 5 người may mắn kiếm được 6 kg kỳ nam, đem bán được 236 triệu đồng...".

Cũng ở thôn Đại Cát, xã Ninh Phụng, khoảng giữa năm 1991 có một người đàn ông họ Thái cùng 2 người bạn "đi điệu" trúng đậm kỳ nam ở buôn Chàm, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk. Hồi đó với số vàng chia cho mỗi người được hơn 9 lượng không phải là nhỏ, có người lấy đó làm vốn đầu tư cơ sở chế biến cà phê bây giờ trở nên giàu có, nhưng có người cũng chẳng còn gì.

Hai năm sau, một nhóm "đi điệu" khác trúng 2 kg kỳ nam thu về 115 triệu đồng, đến nay nhìn lại có người trong số đó chỉ còn ngôi nhà cấp bốn trống huơ, trống hoác, nên giờ vẫn còn vào rừng tìm kiếm vận may bởi ma lực trầm kỳ. --PageBreak--

Hưởng "lộc rừng"

Có người sau 20 năm “đi điệu”, cái nghèo vẫn đeo bám nên phải bỏ nghề, nhưng lại vô tình trúng đậm trầm kỳ mới là chuyện lạ. Cách đây hơn một năm, tôi cùng một đồng nghiệp đã cất công tìm gặp anh Nguyễn Thanh Trinh, ở xã Ninh Quang, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa ngay sau khi dư luận xôn xao về chuyện người đàn ông này tình cờ nhặt được 2 kg kỳ nam ở núi Hòn Hèo.

Biết không thể từ chối được, anh Trinh kể lại: "Gần 20 năm “đi điệu”, tui đã đi qua nhiều cánh rừng đại ngàn, nhưng chưa lần nào tìm được vận may để đổi đời. Những lần lâm bệnh do trái gió, trở trời buộc tui từ giã rừng sâu, núi cao trở về nhà làm ruộng rẫy, thậm chí phải đi làm thuê, nhưng không thoát khỏi khó khăn trong cuộc sống. Buổi sáng hôm đó, tui cùng người bạn trong xóm là Nguyễn Anh vào núi Hòn Hèo ở xã Ninh Phú để thăm rẫy và thu bẫy gà rừng. Không có con gà nào sập bẫy, tui giục người bạn về nhà. Khi bước qua một con suối khô gập ghềnh đá cuội, tui trượt chân té ngã, đầu đập vào miếng gỗ màu đen. Kinh nghiệm những năm “đi điệu” đã giúp tui nhận ra đó là... kỳ nam".

Khi đem về nhà, anh Trinh cân miếng gỗ nặng 2,2 kg, cạy sạch phần đất bám và gỗ mục, miếng kỳ nam còn lại 2,02 kg. Sau khi bán cho một lái buôn trầm kỳ được 2 tỉ 20 triệu đồng, anh Trinh và người bạn chia đôi. Kết thúc câu chuyện, anh Trinh bảo: "Nếu tui ém miếng kỳ nam, ông bạn cũng không thể nào biết, nhưng lộc trời cho phải sòng phẳng thế thôi".

Từng nhóm người đổ xô vào rừng Hòn Hèo để tìm vận may sau khi nghe tin có người nhặt được hơn 2 kg kỳ nam.

Mấy ngày sau đó, hàng trăm người dân từ huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa mang balô nhằm hướng núi phía tây Hòn Hèo, dựng lán trại, đào bới, chặt phá cây rừng để tìm kiếm trầm kỳ, khiến cho Hạt Kiểm lâm huyện Ninh Hòa và Đồn Biên phòng 368 phải huy động lực lượng truy chặn hết sức vất vả.

Trước đó, vào đầu tháng 5/2007, giới “đi điệu” ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên choáng váng trước nguồn tin một người đàn ông có biệt danh Sáu "cô đơn" ở Phú Yên trúng đậm một khối lượng lớn kỳ nam. Lập tức cánh phóng viên báo chí cùng hàng chục dân “đi điệu” lành nghề lùng tìm và được biết "tỉ phú kỳ nam" chính là ông Võ Hiệp, 49 tuổi, trú ở xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa.

Gốc gác ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, năm 1980 ông Hiệp làm công nhân Cung đường sắt Phú Hiệp - Hảo Sơn, rồi lấy vợ ở đây. Thu nhập tiền lương công nhân thời đó quá eo hẹp khiến ông Hiệp chuyển sang nghề “đi điệu”. Ròng rã hơn 20 năm bám rừng, lắm lúc ông Hiệp lầm lũi một mình nên có biệt danh là: Sáu "cô đơn" có từ đó. Vài ba lần trúng trầm kỳ nhưng không đáng kể nên gia đình ông Hiệp vẫn đối mặt với khó khăn.

Một số người biết chuyện kể rằng, tình cờ trong chuyến đi vào buôn Tiêu, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk để đào gốc cây cảnh, tình cờ ông Hiệp nhìn thấy trong số những cây gỗ của một người dân đốn hạ từ rẫy ngô đưa về làm nhà, có khúc cây dó đã tích tụ kỳ nam. Lập tức ông Hiệp hỏi mua luôn cả gốc cây với giá 30 triệu đồng. Dù "tỉ phú kỳ nam" không tiết lộ, nhưng theo nhận định của một người “đi điệu” sành sỏi nghề đã tới hiện trường "mót" phần còn sót lại, ông Hiệp trúng cỡ 100 kg kỳ nam, trị giá hàng chục tỉ đồng.

Do người hiếu kỳ và dân “đi điệu” nhiều nơi tìm đến dò hỏi ông Hiệp để đi "mót xái", gây phức tạp về trật tự xã hội, nên việc dự kiến đãi tiệc mừng cho bà con lối xóm 3 ngày đã phải "rút ngắn" còn 1 buổi. Mấy ngày sau, vợ ông Hiệp mang tiền biếu tặng gia đình khó khăn, người già neo đơn trong xóm, rồi mua sắm 5 chiếc xe máy đắt tiền cho một số bà con thân thuộc, mua biệt thự, ôtô riêng cho gia đình... 2 tháng sau, ông Hiệp dẫn đường một nhóm người thân quen lên buôn Tiêu "đánh cú chót".

Do chỉ còn lại phần rễ cây dó bám sâu vào những tảng đá lớn, nên họ phải chẻ đá, đào đất khá cật lực và đã "mót" được 8 kg kỳ nam, 28 kg trầm hương. Trên đường vận chuyển sang Lâm Đồng để về TP HCM bằng xe ôtô, một đơn vị kiểm lâm thuộc tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện bắt giữ số trầm hương trên xe, còn Sáu "cô đơn" và người hàng xóm vận chuyển 8 kg kỳ nam bằng xe máy trót lọt, thu được vài tỉ đồng.

Tiếp đó, một nhóm “đi điệu” 5 người do ông Võ Khắc Sửu, trú ở xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa làm bầu trưởng trên đường dò tìm nơi Sáu "cô đơn" gặp vận may, họ đã tìm thấy 4 kg kỳ nam ở gần công trình thủy điện Ea Krông Hinh ở khu vực giáp ranh giữa huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên và huyện EaKar, tỉnh Đắk Lắk.

Cuối tháng 8/2006, ông Phạm Văn Xắc cùng 3 người con trai, con rể, trú ở xã Ba Lế, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi đi dọc con suối Nước Mia - một nhánh đổ về sông Kôn, tỉnh Bình Định để bắt rùa. Tình cờ nhìn thấy một cây dó chết rục đổ ngang dòng suối có phần lõi giống kỳ nam, nên ông Xắc vạt một miếng đốt thử, rồi lấy hết phần lõi của cây đem về.

Vốn là đồng bào dân tộc H'rê, nên cha con ông Xắc không biết số lượng kỳ nam thu được bao nhiêu, mà chỉ biết số tiền thương lái ở thị trấn Ba Tơ đã trả cho ông hơn 600 triệu đồng. Nghe tin, giới mua bán trầm kỳ và hàng trăm người dân đổ xô vào suối Nước Mia để mót "xái".

Đầu tháng 3/2006, một nhóm “đi điệu” 5 người gồm Tuấn, Hiền, Hải, Sum và Nỷ, trú ở xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam khoác balô lặn lội trong những cánh rừng già ở Đắk Lắk suốt 20 ngày đêm mà chưa tìm thấy chút trầm nào.

Đến ngày thứ 21, cả nhóm tiếp tục hành trình “đi điệu” tại một khu rừng ở xã Gia Man, huyện Krông Bông. Khi bước qua thân cây mục ở con suối, một người trong nhóm vấp ngã do vướng thân gỗ mục lẫn dưới dây bụi. Tức mình, nên anh này cầm rìu bổ vào gốc cây, không ngờ bên trong là lõi kỳ nam. Người trong cuộc cho biết họ trúng gần 10 kg, nhưng “dân điệu” đồn đoán số lượng kỳ nam nhóm này thu được không dưới... 30kg (!?).

Trước đó một năm, 3 nhóm “đi điệu” ở làng Mỹ Hảo, xã Đại Phong, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đã gây chấn động giới trầm hương khi trúng đậm hơn 100 kg kỳ nam ở Nước Chè, xã Ngọc Têm, huyện Kon P'loong, tỉnh Kon Tum.

(Còn nữa)

Phan Thế Hữu Toàn
.
.