Mắc trọng bệnh vẫn giàu lòng nhân ái

Thứ Tư, 10/06/2020, 07:59
Vợ chồng anh Nguyễn Thanh Cường - chị Nguyễn Phương Giao là chủ quán cơm Bacu ở số 204 đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, cách Bệnh viện Ung bướu 500 mét. Quán cơm “ra đời” được 10 năm thì có tới hơn 6 năm vợ chồng anh chị nấu cơm cho những bệnh nhân nghèo.

Địa điểm phát cơm là phía trước Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh (số 3 đường Nơ Trang Long, phường 7, quận Bình Thạnh).

Ý nghĩa một cái tên

Có mặt tại Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh vào lúc gần 15 giờ ngày 2-6 vừa qua, tôi thấy nhiều người đang xếp hàng trên vỉa hè phía trước cổng bệnh viện. Hỏi thăm, tôi được biết là người bệnh và thân nhân bệnh nhân đang đợi để nhận cơm từ thiện.

Một lúc sau, chiếc xe ô tô loại nhỏ màu xanh nõn chuối chở cơm đến. Nhìn thấy chiếc xe quen thuộc, nhiều người đang ngồi xếp hàng liền đứng lên, tất cả hướng về chiếc xe này, rất trật tự. Một người đàn ông dáng người to cao có nước da ngăm từ trong xe bước ra, cùng với một số người đi chung tiến hành phát cơm cho những người xếp hàng ở đây. Những ai không có khay đựng cơm thì được phát hộp cơm. Không có cảnh lộn xộn mất trật tự mà lần lượt mỗi người xếp hàng đều được nhận một hộp cơm và chỉ trả một ít tiền tùy khả năng.

Cầm hộp cơm còn nóng hổi trên tay, chị Phạm Thị Tuyết Nhung (quê ở Đồng Tháp) đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh vui mừng nói: "Tôi ở xa lên đây trị bệnh, hoàn cảnh khó khăn, nhờ có những hộp cơm từ thiện này mà thời gian qua giúp tôi bớt lo lắng, tôi tiết kiệm được một ít chi phí để dành tiền chữa bệnh”.

Vợ chồng anh Cường.

Chị Nguyễn Thùy Trang (quê ở Cà Mau) đang điều trị bệnh tại Bệnh viện Ung bướu cũng vừa nhận hộp cơm, tâm sự: “Với những người bị bệnh ung thư ở đây, việc phát cơm và tiền của vợ chồng anh Cường làm chúng tôi cảm thấy cuộc sống này còn có nhiều người quan tâm đến mình. Từ đó, tinh thần người bệnh chúng tôi cũng vui hơn và cố gắng chữa trị bệnh”.

Chị Phương Giao - vợ anh Cường cho biết, hằng ngày, vợ chồng chị đi chợ sớm để mua thực phẩm về nấu cơm phục vụ cơm trưa cho khách của quán và cũng mua thêm đồ để nấu suất ăn từ thiện cho buổi chiều. Khoảng 13 giờ, khi khách của quán cơm đã vãn bớt, anh chị quay sang nấu cơm hộp để đi phát cho bệnh nhân. Đúng 15 giờ vào các ngày 2, 3, 4, 5 và 5h chiều hằng tuần, anh chị có mặt trước cổng Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh để làm thiện nguyện.

Mỗi ngày anh chị phát khoảng 500 suất cơm miễn phí. Ngoài ra, anh chị còn phát thêm cho mỗi bệnh nhân từ 20.000 đến 50.000 đồng, gọi là phụ thêm cho người bệnh chi tiêu trong ngày; thỉnh thoảng có thêm một ít trái cây tráng miệng, sữa và bánh kẹo. Theo anh Cường, ban đầu vợ chồng anh phát cơm chay nhưng nhận thấy hầu hết người bệnh đều ốm yếu và thiếu chất nên anh quyết định chuyển sang tặng cơm có thịt, cá, trứng chiên, canh... đủ chất hơn. Tất cả đều sạch sẽ, an toàn.

Lúc đầu, việc phát cơm miễn phí nơi công cộng khá vất vả, bởi chưa có kinh nghiệm nên mọi người nhao nhao lao vào tranh giành cơm. Vì vậy, rất mất trật tự và phản cảm. Người nào cũng muốn có suất cơm nên chen lấn nhau; cũng có một số kẻ xấu lợi dụng lúc đông người để giành giật, móc túi... Chính vì vậy, sau đó anh tập cho những người đến nhận cơm thói quen xếp hàng và trật tự khi nhận cơm.

Chị Phương Giao cho biết rất vui khi hỗ trợ bệnh nhân nghèo.

“Khi tôi nói nếu ai không xếp hàng sẽ không được phát cơm thì mọi người đã thực hiện, đến nay không còn cảnh lộn xộn nữa. Cũng có người sống lang thang trước bệnh viện hay chen lấn để móc túi nhưng thấy tôi làm từ thiện riết rồi hình như những người đó cũng hiền theo, không muốn làm chuyện xấu nữa và tích cực phụ tôi phát cơm”, anh Cường cho biết.

Dạo này mùa mưa nên cứ chiều đến là trời đổ mưa rất to, việc phát cơm cũng vất vả hơn nhưng anh Cường, chị Giao cũng ráng phát cho xong vì mọi người đều trông ngóng đến giờ nhận cơm. “Hôm nay vừa phát xong thì một cơn mưa lớn ập đến. Thiệt là may mắn vì chỉ cần mưa sớm chút xíu thì mấy trăm mảnh đời bất hạnh lại phải ướt lạnh dầm mưa”, anh Cường nói.

Theo anh Nguyễn Văn Lộc, nhà ở phường 7, quận Bình Thạnh, đối với những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, mỗi ngày nhận được hộp cơm là rất quý. Nhất là những người ở tỉnh khác lên thành phố chữa bệnh, nhiều người điều kiện kinh tế rất khó khăn, chi phí chữa bệnh hết nhiều tiền thì việc làm của vợ chồng anh Cường thật sự giúp ích rất nhiều cho họ.

Việc làm tốt đẹp của vợ chồng anh Cường có sức lan tỏa mạnh mẽ, ban đầu chỉ có vợ chồng anh tự tay nấu và đi phát cơm. Sau một thời gian, nhiều bạn bè, các nhà hảo tâm thấy tấm lòng và việc làm ý nghĩa này nên đã ủng hộ nhiệt tình. Người ủng hộ tiền, người thì cho gạo, thịt, rau, củ, quả... Người thì góp công sức tình nguyện nấu cơm một vài ngày, thậm chí cả tháng rồi ra trước bệnh viện cùng phát cơm cho bệnh nhân nghèo.

Khá đông người xếp hàng nhận cơm từ thiện của vợ chồng anh Cường.

Làm việc thiện để trả ơn đời

Sáng 3-6, lần theo địa chỉ có trong tay, chúng tôi tìm đến nhà số 208 đường Nguyễn Duy, phường 9, quận 8, TP Hồ Chí Minh. Đây là một quán cà phê trên con đường nhỏ cặp bên một con sông, quán có tên Coffee Bacu. Phía trước có treo hình vẽ ông chủ quán và số nhà rất to với cái tên quán nên khá “kêu” nên việc tìm đến cũng không mấy khó khăn.

Bước vào quán, chúng tôi thấy có khá nhiều khách đang uống cà phê, người đàn ông đội chiếc mũ vành (như ảnh treo phía trước quán), trên cổ vắt chiếc khăn, nhìn giống như một nghệ sĩ, vui vẻ mời chúng tôi ngồi vào bộ bàn ghế kế bên có để một chiếc giá với 10 chiếc cần câu cá. Đó chính là anh Nguyễn Thanh Cường - chủ quán cà phê này và cũng là chủ quán cơm cùng tên.

Bên trong quầy, vợ của anh đang pha cà phê cho khách. Tôi thấy trong quán treo rất nhiều giải câu cá tại các cuộc thi mà anh Cường tham gia. Vợ anh cho biết, anh Cường rất mê câu cá, nhiều lần đi câu được cá rất to đem về tự tay làm và nấu đồ ăn để phát cho bệnh nhân. “Anh ấy nấu ăn rất ngon”, chị Giao cười vui khen chồng.

Anh Cường và chị Giao đã dành cho chúng tôi buổi nói chuyện khá thú vị về những việc mà anh chị đã và đang thực hiện. Chị Phương Giao cho biết, anh chị hiện đã có 3 người con trai. Người con lớn học đại học công nghệ thông tin mới ra trường và vừa xin được việc làm, hai người con còn lại đang học phổ thông. Chị Giao cười, anh chị có 3 đứa con trai nên lấy tên là Bacu.

Việc tổ chức làm thiện nguyện, ban đầu khởi duyên từ một lời hứa của anh Cường với người bạn đã mất vì căn bệnh ung thư. Anh Cường cho biết, khi đó anh dự tính sẽ dành 49 ngày làm thiện nguyện để giúp đỡ bà con bệnh nhân và cũng để tiễn biệt người bạn bạn quá cố. Tuy nhiên, sau 49 ngày, anh ngừng phát cơm, nhiều người vẫn đứng chờ với hy vọng tiếp tục nhận cơm từ thiện. Không cầm lòng, anh ra chợ mua bánh mì, sữa... về lại phát cho bà con nghèo. Cảm thông trước khó khăn của người bệnh khó khăn, xa nhà, sau đó mỗi ngày anh chị lại chở cơm ra trước bệnh viện phát cho người nghèo, đến bây giờ đã 6 năm.

Không có cảnh lộn xộn khi nhận cơm.

“Gần tới giờ, tôi mà không ra bệnh viện phát cơm cho bà con là nó bồn chồn khó chịu trong người. Giống như tôi có lỗi với ai vậy đó và cũng như có người thúc tôi làm. Mà ra tới nơi thấy bệnh nhân đã xếp hàng chờ đợi, nhìn thấy muốn rớt nước mắt”, anh Cường tâm sự.

Chị Phương Giao cho biết, cả hai vợ chồng chị đều đang mắc ung thư. Cách đây hơn 2 năm, chị đi khám bệnh, được bác sĩ chẩn đoán ung thư phổi. May mắn sau khi phẫu thuật, khối u của chị không bị di căn. Chưa đầy 3 tháng, chồng chị cũng nhận được thông báo của bệnh viện bị ung thư phổi.

Gia đình anh từ mẹ ruột tới cháu ruột anh cũng mắc căn bệnh ung thư quái ác. Và may mắn đến nay đều được các bác sĩ chữa trị. Cũng chính vì vậy, anh chị mong muốn tiếp tục đem phước lành lan tỏa tới các bệnh nhân không may mắn bị bệnh ung thư bằng cách phát cơm.

Cuộc đời chìm nổi

Những bệnh nhân nghèo không ai không biết anh từng có một quá khứ "giang hồ" nhưng mỗi khi phát cơm, anh chỉ hay cầm chiếc loa liên kêu gọi mọi người xếp hàng để nhận cơm với câu nói “xếp hàng là có cơm”.

Trò chuyện với chúng tôi, anh chỉ muốn nói về những câu chuyện hiện tại, về công việc từ thiện đang làm. Anh không muốn nhắc đến quá khứ đen tối của mình, đó là vào cuối thập niên 1980, trong giới giang hồ thành phố đều biết anh.

Anh Cường kể lại, những năm tháng tuổi trẻ với tính háo thắng, bất cần, anh nhanh chóng sa ngã vào con đường tù tội. Có "số má" trong giới giang hồ, anh thường xuyên tham gia những trận đâm chém, bảo kê, rồi cờ bạc. “Tôi bỏ học, gia đình mắng mỏ rất nhiều. Tôi trả lời tôi không thích đi học, tôi thích đi cướp! Ba tôi đánh tôi một trận rồi từ tôi luôn. Lúc đó còn trẻ, thấy tiền kiếm dễ quá mà học không vô, tôi nghĩ đi học để làm gì cho khổ”, anh Cường hối hận.

Năm 17 tuổi, anh bị công an bắt và ở tù vì tội cướp giật tài sản. Ra tù, không nghề nghiệp, anh lại sa chân vào cờ bạc. 3 lần phải vào tù và cờ bạc, chán cảnh tù tội, sau khi ra tù, anh quyết tâm lấy vợ để yên ổn cuộc sống.

“Lúc tôi lấy vợ, gia đình 8 anh chị em ruột mà chỉ có mình mẹ và thằng em ruột đi đám. Lúc ba tôi trăng trối, ông nói tôi ráng làm người đàng hoàng, đừng tù tội nữa. Tôi khóc mấy ngày liền rồi quyết định tu tâm dưỡng tính, hoàn lương và làm lại cuộc đời”, anh Cường chia sẻ.

Ngồi bên chồng, chị Phương Giao cũng cho biết, cha mẹ chị không đồng ý cho chị lấy anh Cường nên anh chị tự đứng ra tổ chức đám cưới. “Lúc đó tôi đi học về, ngày nào anh ấy cũng đi theo, riết rồi “dính” luôn đến giờ”, chị Giao cười vui vẻ nói.

Với nhiều người đang chữa bệnh, nhất là những người già, bệnh nhân nghèo, có được bữa ăn nghĩa tình của vợ chồng anh Cường cảm thấy ấm áp biết bao. Việc làm ý nghĩa này là một thông điệp ấn tượng đầy sự sẻ chia, đậm nghĩa tình đồng bào, tô đẹp hơn cuộc sống và phần nào giúp bệnh nhân có thêm động lực để điều trị bệnh. “Tôi cầu chúc cho mọi người nhanh hết bệnh để về nhà”, anh Cường nói.

Nguyễn Cảnh
.
.