Mầm thiện đánh thức giọt nước mắt hoàn lương

Thứ Ba, 06/06/2017, 22:07
Lần đầu tiên sau những tháng ngày người thân của mình vướng vào lao lý, họ được ngồi bên nhau, ăn bữa cơm gia đình thân mật, kể cho nhau nghe những câu chuyện hỉ-nộ-ái-ố diễn ra trong quãng thời gian xa cách.

Đó, là những thước phim cảm động có thật mà phóng viên ghi nhận được tại Hội nghị đại biểu gia đình phạm nhân, vừa diễn ra ngày 24-5 tại Trại giam số 3 (Tổng cục VIII-Bộ Công an).

1.Trại giam số 3, đóng trên địa bàn xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An, với đặc thù chỉ quản lý, giam giữ và cải tạo phạm nhân nam, không có phạm nhân nữ. Nơi đây, một thời chỉ giam giữ những phạm nhân mang án nặng, từ 10 năm đến 20 năm hoặc ân giảm tử hình xuống chung thân nên hầu như phạm nhân được điều chuyển đến từ khắp nơi trong cả nước.

Cũng vì tính chất đặc biệt như vậy nên đối với thân nhân phạm nhân, mỗi lần đến được với Trại giam số 3 để thăm gặp luôn là những chuyến đi khó khăn, và nếu có thì cũng chỉ là những cuộc gặp gỡ chóng vánh. Đây là lần thứ 9 tổ chức Hội nghị đại biểu gia đình phạm nhân, song "ngày hội" gặp gỡ đặc biệt ở Trại giam số 3 năm nào cũng thu hút hàng trăm lượt thân nhân đến tham dự, và năm nay cũng không ngoại lệ.

Bắt chuyến xe muộn từ quê nhà ở huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa đến Trại giam số 3 lúc vừa tang tảng sáng, ông Mai Quang Vinh (70 tuổi), là thân nhân của phạm nhân Mai Quang Đức (24 tuổi), đang thụ án về tội danh cố ý gây thương tích, được Ban giám thị Trại giam nồng hậu đón tiếp.

Trước khi vào hội trường dự hội nghị, ông cũng như nhiều thân nhân khác đã được dẫn đi tham quan, mục sở thị nơi sinh hoạt, ăn ngủ cũng như khu vực giải trí, lao động sản xuất của con em mình. Đây là lần đầu tiên họ được chứng kiến nơi người thân của mình đang được giáo dục, cải tạo để làm lại từ đầu sau quá khứ lầm lỗi, dù trước đó, đã nhiều lần họ đến thăm nuôi, gặp gỡ nhưng chỉ diễn ra ở nhà thăm gặp, cá biệt thì một số người cũng chỉ được gặp nhau ở “buồng giam hạnh phúc” trong thời gian 24 giờ nên không hiểu hết được điều kiện ăn ở, sinh hoạt của phạm nhân trong trại giam.

"Trong trại giam mà hằng ngày vẫn được đọc sách báo, được xem tivi, buồng giam có quạt thông gió, ốp gạch men, có cả mái vòm và bàn ghế phía trước để nghỉ ngơi. Cải tạo mà như vậy, không sớm hoàn lương thì quá phụ công lao của hội đồng giám thị", bác Vũ Hồng Diên (67 tuổi), đến từ huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, là thân nhân của phạm nhân Vũ Văn Dương, chia sẻ.

Những khoảnh khắc xúc động tại "Bữa cơm hạnh phúc".

Cũng tâm trạng ấy, ông Trương Văn Sơn (59 tuổi), đến từ Hà Nội, là thân nhân của phạm nhân Trương Quang Đức, đang thụ án vì can tội mua bán trái phép chất ma túy, xúc động cho biết: Ông rất yên tâm với điều kiện cải tạo của con mình tại đây. Hằng ngày, ngoài lao động sản xuất, phạm nhân còn được tham gia các hoạt động thể thao như đá cầu, đánh bóng bàn. Đó thực sự là những chính sách nhân văn của những người làm công tác giáo dục, cảm hóa những con người lầm lỗi.

2.Thiếu tá Đào Anh Sơn, Phó giám thị Trại giam số 3 chia sẻ: Ngoài việc phạm nhân nhập trại được trang bị những kiến thức pháp luật, giáo dục công dân và quy định của trại giam, hằng năm đơn vị còn phối hợp với Phòng giáo dục và đào tạo huyện Tân Kỳ, tổ chức các lớp học xóa mù chữ cho phạm nhân chưa biết chữ. Chỉ tính riêng từ năm 2010 đến nay, trại đã mở được 5 lớp như vậy, với hơn 200 phạm nhân đã biết chữ, tự đọc sách, báo và viết thư về cho gia đình. Nhiều thân nhân cảm kích trước chuyện "đi cải tạo được dạy chữ", đã điện thoại, viết thư cảm ơn Ban giám thị và Hội đồng cán bộ.

Trở lại với cuộc gặp gỡ cảm động nhất trong năm ở Trại giam số 3, tại Hội nghị đại biểu gia đình phạm nhân, các thân nhân đã được Ban giám thị công khai chế độ ăn uống, cũng như thời gian biểu sinh hoạt, lao động của các phạm nhân. Nhiều người đã rất yên tâm khi biết rằng, hằng năm dù đang chấp hành án phạt tù nhưng con, em mình vẫn đảm bảo chế độ ăn uống tương đương mức hơn 495.000 đồng mỗi tháng.

Bên cạnh đó, vào các dịp lễ, tết hoặc các sự kiện đặc biệt của đơn vị, Trại giam còn chi thêm tiền ăn bổ sung, hoặc chi cho phạm nhân lao động thêm giờ; ngày mùa với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Cũng không chỉ ăn ở, sinh hoạt được chăm lo mà sức khỏe cho phạm nhân cũng là một trong những tiêu chí hàng đầu được Ban giám thị đặc biệt quan tâm. Hiện nay, bệnh xá đơn vị với 18 giường, có trang bị đầy đủ máy chụp X-quang, siêu âm, máy soi vi trùng lao.

Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với Bệnh viện hữu nghị Đa khoa Nghệ An, Bệnh viện Lao phổi và Bệnh viện Đa khoa huyện Tân Kỳ, xây dựng các khu điều trị dành riêng cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, thông qua quỹ "Tấm lòng vàng" trong cán bộ chiến sỹ và phạm nhân do đơn vị phát động, hằng năm những phạm nhân ốm đau, bệnh tật, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sẽ được trích quỹ để thăm hỏi, động viên.

Quá trình chấp hành án, nhiều phạm nhân đã ủng hộ quỹ này dưới nhiều hình thức khác nhau như ủng hộ sách, tiền lưu ký hoặc vận động gia đình đóng góp. Sau 5 năm, đến nay Quỹ "Tấm lòng vàng" của Trại giam số 3 đã đạt xấp xỉ số tiền 237 triệu đồng.

“Bữa cơm hạnh phúc” được Ban giám thị Trại giam số 3 tổ chức ngay sau hội nghị là cuộc gặp gỡ đầy xúc động. Những người con xa cha mẹ, chồng xa vợ, những ông bố trẻ lâu ngày gặp lại con thơ… cuộc gặp diễn ra ở một nơi mà lẽ ra, chẳng nên có nếu như quá khứ của người thân mình không nông nổi, lầm lỡ.

Những cử chỉ âu yếm, chăm chút dành cho nhau, cả những giọt nước mắt lặng lẽ chảy dài trên đôi má trong suốt bữa ăn. Cuộc gặp diễn ra ngắn ngủi, nhưng đủ để người phạm tội nhận chân lại được cái giá của sự tự do, hoàn lương và hơn bao giờ hết, bữa cơm là sự gợi nhớ về mái ấm gia đình, để làm động lực cho phạm nhân cải tạo tốt hơn, sớm về đoàn tụ với gia đình.

Đại tá Phan Đình Thành, Giám thị Trại giam số 3 cho biết thêm, với phương châm cảm hóa, thuyết phục những người đã một thời lầm lỡ nhận thức được lỗi lầm của mình, từ đó xác định trách nhiệm, ý thức của bản thân tích cực cải tạo, có ý thức vươn lên làm lại cuộc đời, có ích với gia đình và xã hội. 

Cũng thông qua hội nghị này, thân nhân các phạm nhân hiểu hơn về cuộc sống, cũng như chế độ chính sách đối với con em mình trong trại giam, từ đó có sự phối hợp tích cực hơn với trại giam trong việc giáo dục, cảm hóa các đối tượng lầm lỗi.

Thiên Thành
.
.