Máu và mồ hôi người chiến sĩ trên những cung đường

Thứ Năm, 16/07/2015, 22:20
Thời gian vừa qua, hàng loạt các vụ chống đối lực lượng CSGT xảy ra trên nhiều tuyến đường của thủ đô. Có theo chân lực lượng CSGT mới biết đây cũng là một trong những “nghề nguy hiểm” với đầy rẫy những khó khăn, vất vả…

1. 14 giờ một ngày cuối tháng 6/2015, chúng tôi theo chân đồng chí Thượng tá Nguyễn Đức Chung, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) số 5 Phòng CSGT Đường bộ, đường sắt (PC67) Công an TP Hà Nội tham dự một "cua" tuần tra kiểm soát tại địa bàn do đội quản lý.

Hè năm nay là một trong những mùa hè mà thời tiết Hà Nội khắc nghiệt nhất. Từ 6 giờ sáng đã nắng chang chang cho đến 18 - 19 giờ chiều. Mặt đường bị hun suốt mười mấy tiếng, bốc hơi nóng tạt vào mặt người tham gia giao thông. Nắng nóng gay gắt khiến ai cũng muốn chui ngay vào chỗ bóng râm, những khu nhà có điều hòa nhiệt độ.

Nhưng với các chiến sĩ Đội CSGT số 5 nói riêng và lực lượng CSGT thành phố Hà Nội nói chung thì 6 giờ sáng các anh đã phải có mặt trên tất cả những điểm nóng, tuyến đường giao thông quan trọng ở thủ đô.

Lúc này nhiệt độ ngoài trời lên tới hơn 430C. Khu vực đường dẫn cầu Thanh Trì giao với Quốc lộ 5 là một trong số những điểm nóng giao thông của thành phố. Tại đây, do lưu lượng tham gia giao thông quá lớn đặc biệt là xe tải, xe khách dày đặc nên lúc nào cũng phải có một tổ công tác trực 24/24.

Thượng tá Chung cho chúng tôi biết, dưới sức nóng hơn 40 độ, nhiều đoạn đường đã bị nóng chảy, xe tải đi qua tạo thành "sống trâu" khiến cho người tham gia giao thông rất khó khăn. Cũng do khúc cua có độ dốc lớn, tài xế không quen đường dù đi chậm nhưng cũng rất dễ bị lật xe. Khi đó, lực lượng CSGT sẽ phải có mặt để tiến hành phân làn, điều tiết giao thông để chờ xe cứu hộ. Trong đợt nắng nóng khủng khiếp nhất ở Hà Nội vừa qua, đã có không ít người dân đi xe máy tự ngã vì say nắng. Lực lượng CSGT đã dìu họ vào lề đường, nơi có bóng râm và sơ cứu cho họ.

Chứng kiến cảnh các chiến sĩ CSGT liên tục miệng tuýt còi, tay chỉ dẫn các phương tiện nhanh chóng di chuyển để tránh cảnh ùn tắc kéo dài, chúng tôi thật sự cảm thấy "nóng" thay. Trung úy Lương Văn Ninh, cán bộ Đội CSGT số 5 mặt sạm đen vì nắng kể. Nhiệt độ cao khiến cho người ta rất dễ mất bình tĩnh. Có không ít "bác tài", nhất là người điều khiển xe máy, xe ôtô con không tuân thủ đèn tín hiệu liên tục vượt đèn đỏ khiến công việc của anh em càng vất vả hơn. Thậm chí, có những đối tượng bị "ngáo đá", bất đồ xông vào tấn công lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ.

Một trong số đó là vụ việc xảy ra ngày 6/7/2015. Khoảng 9 giờ 50 phút cùng ngày một tổ công tác Đội CSGT số 5 do Trung úy Nguyễn Gia Nam làm tổ trưởng làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát xử lý trên tuyến Nguyễn Văn Cừ - Ngô Gia Tự. Tại khu vực trước cửa nhà số 398 Ngô Gia Tự phát hiện một xe ôtô tải có dấu hiệu vi phạm luật giao thông. Tổ công tác ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra.

Trong khi Trung úy Nguyễn Trương Hải yêu cầu lái xe xuất trình giấy tờ thì bỗng nhiên xuất hiện một đối tượng chạy từ trong ngõ ra trước mặt đồng chí Hải và có hành vi cản trở không cho lái xe xuất trình giấy tờ. Đối tượng này sau đó được làm rõ là Nguyễn Hữu Đức (SN 1974 trú tại Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội).

Đức không phải là người đi trên xe ôtô, và cũng không có, liên hệ gì với lái xe song lại liên tục có hành động chửi bới lăng mạ xông vào giằng co, giật cành tùng trên áo Trung úy Hải. Trước hành vi trên của Đức, tổ công tác đã khống chế đối tượng bàn giao cho Công an phường Đức Giang, Long Biên giải quyết theo quy định của pháp luật.

Được biết đối tượng Đức vừa đi cai nghiện ma túy về. Người dân ở đây cho biết thỉnh thoảng họ vẫn thấy Đức có hành động điên cuồng như vậy sau khi sử dụng ma túy đá.

Ngoài công tác tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn mình phụ trách (gồm quận Long Biên, Hà Nội, Quốc lộ 5 và Quốc lộ 1B), các chiến sĩ Đội CSGT số 5 còn phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ khác đấu tranh chống các loại tội phạm ma túy, kinh tế. Chỉ riêng trong tháng 6 vừa qua, Đội CSGT số 5 đã phát hiện nhiều vụ buôn bán hàng lậu, thực phẩm ôi thiu không rõ nguồn gốc trên Quốc lộ 5 và bắt hai vụ tàng trữ, vận chuyển ma túy giao công an phường tiếp tục xử lý.

Thượng tá Nguyễn Đức Chung phải nằm viện hàng tháng trời sau cú đâm trực diện của một "quái xế".

2. Không phải ngẫu nhiên mà người ta ví CSGT là  nghề nguy hiểm. Bởi các anh thường xuyên phải đối mặt với những vụ quái xế không chấp hành liệu lệnh, sẵn sàng tông thẳng vào lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ. Thống kê chưa đầy đủ của Phòng PC67 Công an TP Hà Nội thì mỗi năm trên địa bàn TP xảy ra từ 5-7 vụ chống đối CSGT. Có những đối tượng sẵn sàng lao thẳng xe với tốc độ cao vào tổ công tác, gây thương tích nặng cho nhiều cán bộ, chiến sĩ.

Bản thân Thượng tá Chung cũng từng là nạn nhân của một vụ chống người thi hành công vụ. Anh nhớ lại, đầu tháng 3/2012 tổ công tác Y1/141, Công an Hà Nội, do anh làm tổ trưởng đang làm nhiệm vụ tại ngã tư Vọng, thuộc địa phận phường Thịnh Liệt (Thanh Xuân, Hà Nội) thì phát hiện một đối tượng nam thanh niên đang điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm nên ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra hành chính. Nam thanh niên sau này được xác minh là Vũ Lê Hoàng (SN 1983, trú tại phường Cửa Nam, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Đối tượng Hoàng đã không những không chấp hành mà còn rú ga, lạng lách để bỏ chạy qua cả chốt thứ nhất và chốt thứ hai (tổ công tác chia làm 3 chốt). Lúc này, Thượng tá Chung đang đứng trực tại chốt thứ ba, thấy đối tượng không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát nên anh đã lao ra cách mép đường 1 - 2m tiếp tục ra hiệu lệnh dừng xe. Bất ngờ đối tượng Hoàng tăng tốc, rồi điều khiển xe máy đâm thẳng vào anh.

Cú đâm trực diện khiến Thượng tá Chung ngã đập đầu xuống đường, bất tỉnh. Thấy vậy, đồng đội và nhân dân đã nhanh chóng đưa anh vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Sau đó anh được chuyển đến Bệnh viện 198 điều trị hàng tháng trời.

"Cú đâm trực diện rất mạnh khiến cả người tôi bị hất tung lên cao rồi văng ra xa hơn 2m, cả người ngã xuống đường với tư thế nằm úp, đầu đập xuống nền đường, máu chảy ra cả tai và mũi rồi tôi ngất lịm đi. Khi tỉnh dậy tôi thấy mình đang nằm trong bệnh viện, vây xung quanh là đồng đội và cả vợ con tôi còn đang khóc nấc lên" - Thượng tá Chung nhớ lại.

"Sau vụ tai nạn ấy, có giây phút nào anh nghĩ đến việc chuyển sang làm công việc khác?" - tôi hỏi.

"Mình đã mặc áo lính thì phải chấp nhận mọi hiểm nguy chứ. Bên cạnh đó chúng tôi cũng luôn được sự quan tâm của lãnh đạo phòng PC67, lãnh đạo Công an TP và sự ủng hộ của người dân. Vậy thì làm sao phải bỏ nghề?" - Thượng tá Chung cười đáp.

Cũng tại Đội CSGT số 5 còn có trường hợp bị tông gãy chân. Khoảng 18 giờ ngày 17/4/2013 tại đường dẫn lên cầu Thanh Trì hướng về Gia Lâm (Hà Nội) Thiếu úy Phạm Đức Ngọc đang làm nhiệm vụ phân làn, xử lý phương tiện vi phạm ở đầu cầu Thanh Trì (Gia Lâm, Hà Nội) phát hiện xe tải 1,5 tấn do tài xế Tạ Văn Thủy (Hà Nam) điều khiển đi sai làn đường. Thiếu úy Ngọc ra hiệu lệnh dừng phương tiện để kiểm tra.

hi tài xế xe tải đang tấp vào lề đường, bất ngờ bị xe container chạy từ phía sau húc vào đuôi. Xe container tiếp tục lao về phía trước đâm và kéo lê Thiếu úy Phạm Đức Ngọc khoảng 20m dưới gầm khiến anh bị gãy chân.

Một trường hợp khác khoảng 10 giờ ngày 22/6 vừa qua Trung tá Đào Đức Phong (Đội CSGT số 11) đã bị một nam thanh niên điều khiển xe máy màu đỏ tông vào. Thời điểm đó, Trung tá Phong đang cùng tổ CSGT số 11 làm nhiệm vụ tại km số 3, đường gom Đại lộ Thăng Long (phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội). Cú va chạm mạnh khiến Trung tá Phong và người điều khiển xe máy phải nhập viện.

Mới đây nhất khoảng 21 giờ 10 phút ngày 8/7 tại nút giao thông Nguyễn Chí Thanh - Huỳnh Thúc Kháng, tổ công tác Y2/141 phát hiện hai thanh niên không đội mũ bảo hiểm lạng lách, đánh võng với tốc độ cao đã tiến hành ra hiệu lệnh dừng xe làm rõ.

Khi nhận được thông tin, Trung úy CSGT Dương Quang Tuấn và đồng đội đã sử dụng gậy giao thông và còi yêu cầu người điều khiển giảm tốc độ, chấp hành hiệu lệnh cảnh sát. Mặc dù rất nhiều lần ra hiệu lệnh nhưng thanh niên điều khiển xe vẫn cố tình không chấp hành, được người ngồi sau nhắc nhở vẫn cố tình không tắt máy. Khi Trung úy Dương Quang Tuấn yêu cầu dắt xe vào khu vực dây phản quang để tổ công tác làm việc, nam thanh niên đã có hành vi lăng mạ và đấm thẳng vào mặt Trung úy Tuấn.

Bị khống chế đưa vào chốt yêu cầu xuất trình bằng lái và giấy tờ xe, nam thanh niên tiếp tục lớn tiếng la mắng cả tổ công tác và thách thức làm gì được anh ta. Thanh niên đi cùng là người nước ngoài cũng hết sức khuyên can, nhưng càng can ngăn thanh niên trên càng hùng hổ, dùng đầu húc thẳng vào mặt Trung úy Dương Quang Tuấn thêm một lần nữa.

Trong bản tường trình tại Công an phường Láng Thượng, Trung úy Tuấn cũng khẳng định hai lần bị tấn công ở ngoài dây phản quang và trong khu vực tổ công tác chăng dây làm nhiệm vụ. Cả hai lần bị tấn công bất ngờ, Trung úy Tuấn đều thấy choáng váng ngã xuống đường phải được đồng đội đỡ dậy. Danh tính thanh niên hung hãn trên cũng được làm rõ là Đặng Minh Kiên (SN 1982) ở Phú Xuyên, Hà Nội.

Các chiến sĩ Đội CSGT số 5 làm nhiệm vụ trên các tuyến đường.

3. Ít ai biết rằng, làm Đội trưởng Đội CSGT nhiều năm song Thượng tá Nguyễn Đức Chung vẫn ở cùng vợ và hai cô con gái tại căn nhà rộng chưa đầy 17m2 nằm sâu trong con ngõ nhỏ, ngoằn ngoèo ở phố Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội. "Mỗi khi có khách đến nhà tôi rất ngại vì nhà quá chật chội, nhiều khi anh em bạn bè muốn đến nhà chơi nhưng cũng không có chỗ để ngồi", Thượng tá Chung thổ lộ.

Tại Đội CSGT số 5 vẫn còn rất nhiều cán bộ chiến sĩ phải đi thuê nhà. Chúng tôi gặp Trung úy Bàn Văn Thanh (SN 1986, quê ở Tuyên Quang). Thanh cùng vợ và hai con đang thuê nhà ở khu thập thể Ngân hàng tại phường Ngọc Lâm, quận Long Biên. Căn nhà nhỏ, tạm đủ bốn người sinh hoạt song đã ngốn mất 4 triệu đồng mỗi tháng. Như vậy riêng tiền thuê nhà đã cuốn bay lương của vợ Thanh, một giáo viên mầm non.

"Thỉnh thoảng vợ em đọc trên báo thấy các vụ chống đối, tông xe vào CSGT thì lo lắm, suốt ngày dặn dò em phải thật cẩn trọng khi làm nhiệm vụ. Nhưng em cũng xác định đã theo nghiệp là phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, gian khổ mấy cũng không ngại" - Thanh chia sẻ.

Ngoài việc phải đối mặt với những nguy hiểm trong công tác, lực lượng CSGT còn phải đối mặt với những loại "bệnh nghề nghiệp". "Do thường xuyên phải đứng ngoài đường hít bụi, nên nhiều chiến sĩ CSGT bị bệnh về đường hô hấp, có người bị các bệnh tai mũi họng. Thậm chí có những đồng chí chưa kịp nhận sổ hưu thì đã mất vì ung thư" - Thượng tá Chung cho chúng tôi biết thêm.

Trường hợp Đại úy Nguyễn Văn Lành, Đội CSGT số 6, Công an Hà Nội thì bị bệnh hen mãn tính. Làm CSGT được gần 30 năm, Đại úy Lành phát bệnh vào 2006. Trong khi đang làm nhiệm vụ điều tiết giao thông trên đường Trần Nhật Duật thì đại úy Lành thấy người tự nhiên rất khó thở, kèm theo đó là ho thắt càng lúc càng nặng hơn, người tím tái.

Đồng đội vội đưa Lành vào Bệnh viện Xanh Pôn để cấp cứu. Khi vào viện các bác sĩ chẩn đoán anh bị hen suyễn nặng và phải điều trị suốt 3 tháng tại đây. Các bác sĩ cho biết căn bệnh hen suyễn của anh Lành không thể chữa khỏi. Để duy trì bệnh tình không nặng hơn, ngày nào anh cũng phải uống thuốc và mang kè kè lọ thuốc xịt hen phòng khi cơn hen tới.

Thế mới biết, CSGT là môt nghề nguy hiểm, đầy khó khăn, vất vả.

Minh Tiến
.
.