Một lần lạc vào không gian văn hóa Khmer Nam Bộ

Thứ Bảy, 15/10/2016, 09:45
Đó là một không gian văn hóa đậm đặc chất Khmer, được lưu giữ qua hàng trăm năm, dưới nhiều hình thức. Với hơn 400 hiện vật trưng bày (tại Nhà trưng bày Văn hóa Khmer Sóc Trăng) là bằng chứng sống động về văn hóa đời sống, văn hóa lễ hội và văn hóa tôn giáo của cộng đồng dân tộc Khmer tại đây. Trong đó có những hiện vật được lưu giữ hàng trăm năm vẫn giữ nguyên giá trị nhân văn vốn có.

Hai loại hình nghệ thuật sân khấu dân tộc độc đáo, đó là sân khấu Dù kê và sân khấu Rô băm tồn tại và phát triển cho đến nay – trong đó nghệ thuật sân khấu Dù kê của người Khmer Sóc Trăng đã được Bộ VHTT & DL công nhận là di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Nghệ thuật sân khấu độc đáo

Nghệ thuật sân khấu Dù kê của người Khmer Nam bộ ra đời cách đây gần tròn thế kỷ. Người được cho là sáng lập ra bộ môn nghệ thuật độc đáo này là ông Lý Cuôn, người Sóc Trăng. Dù kê là bộ môn nghệ thuật sân khấu có sự giao thoa giữa sân khấu Rô băm của người Khmer với hý kịch của người Hoa và sân khấu cải lương của người Việt. Có người còn gọi đây là loại hình nghệ thuật ca kịch, tức dùng lời ca, vũ đạo, phông màn, phục trang, lời thoại và nhạc cụ dân tộc phụ họa thể hiện một tuồng tích cổ trang, hoặc kịch bản hiện đại.

Ngoài tuồng tích “kinh điển” rút ra từ bản anh hùng ca Ramayana của Ấn Độ, bộ môn nghệ thuật này còn đưa lên sân khấu các câu chuyện dân gian gần gũi với đời sống như Thạch Sanh Lý Thông, Con Tấm Con Cám... Khi mới ra đời sân khấu Dù kê còn dàn dựng lại các tác phẩm của Trung Quốc như: Phàn Lê Huê, Tam Tạng thỉnh kinh,... và đã mang lại danh tiếng cho một số đoàn như: Tự Lập Ban, Nguyệt Quang, Hoa Nở… vang bóng một thời.

Cặp sừng trâu rừng do nhóm thợ săn người Khmer hạ ở Mỹ Tú, cách nay khoảng 300 năm.

Gần hết nội dung của các vở tuồng đều chứa đựng nét nhân văn sâu sắc dựa trên cốt truyện trong Phật thoại, dân gian, như ca ngợi cái tốt, lên án cái xấu, ở hiền gặp lành, kẻ làm điều ác phải đền tội... Có thể nói, ngoài yếu tố chính là giải trí, sân khấu Dù kê còn là nơi tôn vinh đức tính chân - thiện - mỹ, răn dạy người đời nếp sống chuẩn mực không tham lam, độc ác... và đó chính là ưu thế của loại hình sân khấu này. Chính vì vậy mà nó được công chúng Khmer đón nhận và tồn tại cho đến tận ngày nay.

Tương tự, nghệ thuật sân khấu Rô băm của người Khmer Sóc Trăng là một di sản văn hóa nghệ thuật cổ truyền quý giá. Đây là một loại hình nghệ thuật sân khấu vừa cổ điển vừa dân gian, tồn tại và ra đời trước sân khấu Dù kê. Về hình thức, lấy nghệ thuật múa làm ngôn ngữ chính; song, kết cấu của vở diễn không phải lấy nghệ thuật múa làm chủ đạo mà có sự kết hợp đa dạng nhiều yếu tố nghệ thuật của loại hình sân khấu như: ca, kịch, múa, nghệ thuật thể hiện ngôn ngữ bằng hành động... góp phần khẳng định bản sắc độc đáo của loại hình nghệ thuật vốn gắn liền với không gian diễn xướng.

Các đoàn Rô băm luôn diễn các tuồng tích cổ mà đứng đầu là vở Reamkêr được trích từ bản anh hùng ca Ramayana của Ấn Độ, với các nhân vật đã trở thành hình mẫu lý tưởng của đồng bào Khmer. Như nàng công chúa Xêđa xinh đẹp thủy chung, chàng hoàng tử Ream hào hoa tài giỏi gặp nhiều gian truân hay khỉ thần Hanuman với pháp thuật cao cường. Nhân vật phản diện thường là Chằn mang mặt nạ, tay cầm gậy với gương mặt rất hung ác… Qua vở diễn, người xem có thể cảm nhận được triết lý nhân sinh, lý tưởng thẩm mỹ của người Khmer.

Nhạc cụ sử dụng trong sân khấu Rô băm bao gồm: Sra lay rom (kèn Rô băm), một cặp trống lớn, một chiếc trống Săm phô, một chiếc Kôn (cồng), một loô (phèng la), có nơi nếu không có kèn Rô băm thì họ thay thế bằng một cây đàn cò. Trong đó, kèn Rô băm giữ vai trò chủ đạo cho dàn nhạc. Vì vậy mỗi khi chỉ cần tấu lên cây kèn là người dân Khmer biết ngay đó là loại hình sân khấu Rô băm. 

Hiện nay ở Sóc Trăng vẫn còn một gánh hát Rô băm dạng gia đình, tồn tại qua bốn thế hệ nối tiếp nhau, tại ấp Bưng Chông xã Tài Văn, huyện Trần Đề. Sóc Trăng là nơi cư ngụ của ba dân tộc: Dân tộc Kinh chiếm 65,1%, dân tộc Khmer chiếm 29,9 % và dân tộc Hoa chiếm 5,9%. So với địa phương có nhiều người Khmer nhất vùng ĐBSCL là Trà Vinh, Sóc Trăng kém hơn 0,1%. Sóc Trăng vẫn có hơn 90 ngôi chùa Khmer, trong đó 2 ngôi chùa được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia là chùa Kh'leang và chùa Dơi.

Những báu vật của người Khmer

Bước chân vào không gian trưng bày văn hóa của đồng bào Khmer ở Sóc Trăng, người ta còn bất chợt giật mình khi biết được tự ngàn xưa, khi khoa học kỹ thuật chưa phát triển, người Khmer đã biết sáng tạo ra những nông cụ thủ công để sản xuất nông nghiệp và đánh bắt thủy hải sản như: vòng gặt, chuôi vòng gặt hay nọc cấy lúa được làm bằng gỗ và sừng súc vật; rồi các loại xe chuyên chở như keo, cộ sử dụng sức kéo của trâu, bò. Hay các loại nông cụ đánh bắt tôm cá như Chneng thường dành cho phụ nữ đánh bắt các loại cá tép nhỏ, Nôm dành cho nam giới sử dụng đánh bắt cá to. Những dụng cụ này chủ yếu làm bằng chất liệu tre.

Chị Quyên - hướng dẫn viên nhà trưng bày đang nói về chiếc gậy tre đã hạ con trâu rừng 300 năm trước.

Để phục vụ cho nhu cầu thẩm mỹ, vào những lúc nông nhàn, nghệ nhân điêu khắc Khmer đã sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, gần gũi với cuộc sống thường nhật như chạm khắc muôn thú, tượng người, cây trái trên những gốc cây có tuổi thọ cách đây hơn 200 năm. Với ý nghĩa thể hiện quan niệm sâu xa của con người về thế giới xung quanh mình, mà theo truyền thuyết vùng đất Sóc Trăng xưa kia là biển cả mênh mông. Sau này được phù sa bồi đắp để lại những giồng đất cao với nhiều rừng rậm hoang vu và động vật sinh sống, về sau được con người khai hoang tạo lập nên những phum, sóc như ngày nay.

Nghệ thuật điêu khắc còn được chế tác trên những chiếc ống điếu, những cây gậy bằng gỗ (kể cả bằng gốc tre) có cách đây hàng trăm năm với công dụng dùng để đi lại, tự vệ, đánh bắt chuột, săn bắt thú… Trong số đó có cặp sừng trâu rừng rất to, do một số thợ săn hạ được bằng gậy tại khu rừng Ôlăngka, thuộc huyện Mỹ Tú, cách nay hơn 300 năm vẫn còn lưu giữ.

Nơi đây còn có mô hình nhà sàn ngày xưa của người Khmer Nam bộ, ngày nay các kiểu nhà sàn này chỉ còn thấy ở một số ngôi chùa nhưng chỉ mang tính chất bảo tồn văn hóa chứ không còn ý nghĩa thực dụng.

Cùng với sự phát triển của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc, nghệ thuật âm nhạc cũng đã sớm hình thành và gắn liền trong đời sống người dân. Một dàn nhạc ngũ âm hay còn gọi là Phlêng Pinpét được đặt trang trọng chính giữa nhà trưng bày. Sở dĩ gọi là dàn nhạc ngũ âm vì chúng được làm từ 5 loại chất liệu khác nhau: đồng, gỗ, sắt, da, hơi. Ngày xưa nhạc ngũ âm trong dân chúng chỉ sử dụng ở đám tang, lễ phước. Ở chùa thì sử dụng vào các ngày lễ lớn. Còn ngày nay thì được sử dụng kết hợp với các loại nhạc cụ hiện đại làm nhạc đệm cho sân khấu Dù kê.

Linga mang ý nghĩa phồn thực, tạo nên thế giới loài người, cũng được trưng bày ở đây.

Bên cạnh đó là chiếc đèn để thả xuống nước trong lễ hội Lôi Protíp diễn ra trong đêm lễ xuất hạ nhằm ngày 14 tháng 9 âm lịch hàng năm. Lễ này mang đậm tính tôn giáo. Vì theo truyền thuyết, chiếc đèn nước tượng trưng cho hàm răng dưới của Đức Phật ở lại hạ giới để độ trì chúng sinh. Một giả thuyết khác, đèn nước chính là chiếc răng nanh của Đức Phật được rắn thần Naga lưu giữ.

Đèn nước được cấu tạo như một ngôi đền, làm từ thân và bẹ cây chuối, có trang trí hoa lá xung quanh, đầu đèn có treo cờ phướn, xung quanh cắm đèn cầy và nhang, có bày biện các lễ vật cúng như trái cây, bánh kẹo, gạo muối... Mở đầu buổi lễ, sư sãi và người dân sẽ cắm đèn cầy và thắp nhang sau đó tụng kinh để nhớ đến Đức Phật cũng như xin lỗi vì đã làm ô nhiễm thiên nhiên trong quá trình sinh hoạt, lao động suốt một năm qua. Sau đó, người ta rước đèn ra thả trên kênh, rạch; sau đó thả trôi theo dòng nước, trẻ con thường đua nhau nhảy xuống tranh các vật cúng để lấy phước.

Ngày nay, đèn nước được làm bằng gỗ, trang trí thêm màu sắc sặc sỡ hơn. Chiếc đèn nước này được các nghệ nhân ở vùng Đại Tâm, Mỹ Xuyên chế tác nhân lễ hội Óc om bóc, sau đó hiến tặng cho nhà trưng bày cách đây nhiều năm.

Vào ngày rằm tháng 10 âm lịch hàng năm, người Khmer Sóc Trăng có tổ chức lễ hội Óc om bóc. Bên cạnh lễ hội còn có phong trào đua ghe ngo, là phong trào văn hóa tinh thần mà người Khmer rất yêu thích. Chính vì vậy mà nơi đây còn lưu giữ mô hình chiếc thuyền đua ghe ngo.

Ngoài đời thực, thuyền có chiều dài từ 24cm - 30m, bề ngang là 1,2 mét, có thể chứa từ 54 - 58 chỗ ngồi dành cho người bơi và chỉ huy. Thân ghe được làm từ gỗ cây sao, được chạm trổ vẽ vảy rồng rắn theo mô típ Naga, ở đầu ghe vẽ hình tượng rồng. Đi kèm theo ghe ngo còn có thêm thuyền cà hâu, dùng chuyên chở hậu cần, nhạc công đi theo cổ vũ cuộc đua ghe ngo.

Dàn nhạc ngũ âm.

Ngoài ra nơi đây còn có phòng trưng bày trang phục truyền thống Khmer Nam bộ, được sử dụng ở từng thời điểm khác nhau. Chẳng hạn, y phục trong đời thường rất khác với y phục mặc trong lễ cưới. Y phục cưới cổ truyền sẽ có áo bầm pông quên, sampoch (dạng giống sarong) chok cabanh (quần alibaba), mão cánh cam hay đính kim sa. Trang phục của người lớn tuổi dành đi chùa với bộ áo dài đen hay trắng quàng theo khăn rằn…

Linga và Yoni, có hình chiếc trụ đá dài đặt trên ô vuông là hình tượng mang ý nghĩa phồn thực sáng tạo nên thế giới loài người cũng dễ dàng tìm thấy ở đây, nhằm tưởng nhớ đến quá khứ người Khmer đã từng theo đạo Bàlamôn giáo.

Rồi những đồ dùng sinh hoạt của sư như: bình bát khất thực làm bằng tre và quết một lớp nhựa, hiện vật này hơn 100 năm. Cà men đựng thức ăn làm bằng bạc. Những chiếc quạt mà trước kia dùng cho các vị sư che mặt khi tụng kinh, với ý nghĩa tập trung tinh thần vào việc đọc kinh.

Chữ viết người Khmer hình thành từ rất sớm (ước chừng khoảng thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên) là một loại chữ bắt nguồn từ miền nam Ấn Độ. Hiện nay sau 12 lần cải cách đã có được một bảng chữ cái hoàn chỉnh. Một trong những bộ kinh được viết trên lá cây buông đã có tuổi nhiều thế kỷ còn được lưu giữ cẩn thận ở đây.

Kỳ Phương
.
.