Nhớ về Đại tướng Trần Đại Quang:

Một nhà lãnh đạo, nhà giáo, nhà khoa học đáng kính

Thứ Tư, 26/09/2018, 10:52
Với đội ngũ trí thức Công an nhân dân và cá nhân tôi, Đại tướng, GS.TS Trần Đại Quang là người đặc biệt. Tôi quen biết anh từ năm 1986, lúc đang làm nghiên cứu sinh tại Học viện Bộ Nội vụ Liên Xô. Anh lúc đó là phó trưởng phòng của Tổng cục An ninh, Bộ Nội vụ.

Khi sang Liên Xô học lớp bồi dưỡng chức danh, anh Quang đã đến thăm chúng tôi và ăn cơm tại ký túc xá Học viện Bộ Nội vụ Liên Xô. Về sau anh là Phó Cục trưởng, Cục trưởng, Phó Tổng cục trưởng, Thứ trưởng và Bộ trưởng, Chủ tịch nước, tôi và anh chị em cán bộ khoa học trong lực lượng công an vẫn luôn gắn bó với anh.

Lúc tôi là cán bộ Cục Tham mưu Tổng cục Cảnh sát thì anh đã là Phó Cục trưởng, rồi Cục trưởng Cục Tham mưu Tổng cục An ninh. Tôi và nhiều anh em cán bộ tham mưu cảnh sát vẫn thường xuyên xin ý kiến anh về nhiều vấn đề khoa học, pháp luật của lực lượng CAND. Tuy nhiên, phải tới năm 2005, khi về Học viện Cảnh sát nhân dân công tác và tham gia Hội đồng Chức danh giáo sư các cấp, tôi mới có dịp gắn bó với anh nhiều hơn.

Với chúng tôi, GS.TS Trần Đại Quang là một nhà lý luận sắc bén, có trình độ chuyên môn cao và rất tâm huyết với việc phát triển hệ thống Lý luận Khoa học Công an Việt Nam và xây dựng đội ngũ trí thức CAND. Khi là Bộ trưởng Bộ Công an, anh đã đề xuất và thành lập Hội đồng Lý luận Bộ Công an và qua hơn 7 năm hoạt động, cơ chế hội đồng lý luận này đã góp phần quan trọng trong việc phát triển Khoa học Công an Việt Nam. Khi anh làm Chủ tịch nước, Bộ trưởng Tô Lâm đảm nhiệm thay anh làm Chủ tịch Hội đồng Lý luận Bộ Công an và Hội đồng đã và đang vận hành tốt, cho “ra lò” nhiều sản phẩm khoa học có chất lượng.

Anh là người trực tiếp chỉ đạo biên soạn và xuất bản những công trình khoa học lớn bao quát toàn bộ hệ thống tri thức bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an nhân dân Việt Nam.

Từ năm 2007, khi làm Bộ trưởng Bộ Công an, anh đã cho phép Học viện CSND thành lập Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm. Đây là trung tâm nghiên cứu đầu tiên về Tội phạm học ở Việt Nam. Năm 2013, anh lại cho phép Học viện thành lập Trung tâm Nghiên cứu an toàn giao thông và cuối năm 2015, anh đã cho phép thành lập Viện Khoa học Cảnh sát trực thuộc Học viện CSND; Viện Khoa học An ninh trực thuộc Học viện An ninh nhân dân.

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang thăm Bảo tàng Học viện Cảnh sát nhân dân năm 2015.

Dưới sự chỉ đạo của anh và lãnh đạo Bộ Công an, đội ngũ trí thức CAND Việt Nam đã ngày càng phát triển và trưởng thành, trong đó anh cũng là một nhà khoa học, nhà giáo rất tâm huyết với sự nghiệp nghiên cứu khoa học và giáo dục đào tạo CAND. Cho đến nay, lực lượng CAND đã có hơn 50 giáo sư, gần 200 phó giáo sư và hơn 1.000 tiến sỹ. Đây là đội ngũ nòng cốt để phát triển giáo dục đào tạo CAND và phát triển Khoa học Công an Việt Nam.

Cá nhân anh đã tham gia làm Ủy viên Hội đồng Chức danh giáo sư ngành Khoa học An ninh nhiệm kỳ 2009-2014 và được mời làm Ủy viên Hội đồng Chức danh giáo sư ngành Luật nhiệm kỳ 2009-2014. Với Học viện CSND, nơi tôi có 4 năm làm Phó Giám đốc và hơn 9 năm làm Giám đốc, dấu ấn của Thứ trưởng Trần Đại Quang và Bộ trưởng Trần Đại Quang rất đặc biệt.

Về công tác tại Học viện CSND, tôi mới biết anh là học viên K15 Trường CSND, tiền thân của Học viện CSND hôm nay. Anh là một trong những học viên ưu tú trong số hơn 8 vạn học viên nhà trường đã đào tạo trong 50 năm qua. Hôm nay, cùng với nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao, tên và ảnh của Đại tướng, GS.TS Trần Đại Quang đã được treo trang trọng trong Bảo tàng Học viện CSND để các thế hệ cán bộ, học viên noi gương, học tập.

Tháng 5 năm 2018, khi mở rộng khuôn viên mới của Học viện CSND, lãnh đạo Bộ Công an đã cho phép Học viện xây dựng cụm Tượng đài Truyền thống Anh hùng. Hai bên tượng đài đặt 2 phiến đá lớn. Một phiến đá khắc tên các thầy cô giáo, các cán bộ có công trong xây dựng và phát triển nhà trường. Một phiến đá khắc tên các cựu học viên tiêu biểu. Tên Đại tướng, GS.TS Trần Đại Quang, cựu học viên K15 Trường CSND Trung ương đứng vị trí đầu tiên.

Sáng ngày 14-5-2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cùng các đại biểu khách quý cắt băng khánh thành cụm công trình văn hóa này để giáo dục các thế hệ cán bộ, sinh viên nhà trường.

Là Bộ trưởng Bộ Công an thời kỳ đổi mới, trong những lần vào thăm, kiểm tra Học viện CSND, anh luôn căn dặn cán bộ, giảng viên nhà trường cần gắn bó chặt chẽ giữa giảng dạy lý thuyết với thực tiễn chiến đấu của lực lượng CAND. Các mô hình hợp tác, kết nghĩa giữa Học viện CSND với Công an TP Hà Nội, Cục Quản lý trại giam, với các Tổng cục, Cục, Bộ Tư lệnh Cảnh sát, mô hình thực hành chính trị - xã hội “3 cùng với nhân dân” đang triển khai có hiệu quả, đều ghi dấu ấn chỉ đạo của anh.

Có thể nói, hiện nay, các khoa, bộ môn, viện, trung tâm của Học viện CSND với các phòng nghiệp vụ, công an các quận, huyện của Công an TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố, các cục nghiệp vụ Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an đã thực sự trở thành “người nhà” của Học viện CSND và điều này đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác đào tạo của nhà trường.

Những dấu ấn của Học viện CSND trưởng thành đều đạt được trong thời kỳ anh làm Bộ trưởng như: Phê duyệt Đề án phát triển Học viện CSND trở thành trường trọng điểm; đề nghị phong tặng Học viện danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới. Mới đây, với tư cách là Chủ tịch nước, anh đã ký Quyết định phong tặng Học viện CSND danh hiệu Anh hùng lần thứ 2 trong dịp kỷ niệm 50 năm thành lập nhà trường.

Khi là Thứ trưởng phụ trách Cảnh sát, rồi là Bộ trưởng Bộ Công an, anh rất quan tâm tới việc giúp Học viện CSND và các trường CAND mở rộng quan hệ quốc tế về giáo dục đào tạo. Năm 2009 Bộ Công an nước ta đăng cai Hội nghị Tư lệnh Cảnh sát các nước ASEAN (ASEANAPOL) lần thứ 29. Khi nghe Ban Giám đốc Học viện CSND đề xuất Việt Nam nêu sáng kiến tổ chức luân phiên hằng năm Hội nghị Giám đốc/Hiệu trưởng các học viện, nhà trường cảnh sát các nước ASEAN, anh đã nhiệt tình ủng hộ và sau đó sáng kiến này được nêu ra Hội nghị Tư lệnh Cảnh sát các nước ASEAN và cả 10 nước ASEAN đều đồng ý với Việt Nam. Học viện CSND đã chủ trì đăng cai thành công Hội nghị Giáo dục đào tạo ASEANAPOL lần thứ nhất năm 2009.

Bộ trưởng Trần Đại Quang và các đại biểu tại buổi lễ công nhận Học viện Cảnh sát nhân dân thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của Ngành Công an năm 2015.

Bộ trưởng Trần Đại Quang luôn quan tâm, giới thiệu với bạn bè quốc tế về Học viện CSND Việt Nam và bày tỏ sự mong muốn phát triển Học viện CSND Việt Nam trở thành một trung tâm đào tạo cán bộ cảnh sát của INTERPOL và khu vực.

Một công trình văn hóa tiêu biểu của Học viện CSND là Văn Miếu Học viện CSND - nơi được sử dụng để trao bằng, vinh danh các giáo sư, phó giáo sư của nhà trường. Được xây dựng vào năm 2012, khu Văn Miếu Học viện CSND mô phỏng theo Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội. Đây là Văn Miếu đầu tiên được xây dựng trong khuôn viên của một trường đại học, học viện ở Việt Nam, là công trình văn hóa tiêu biểu tại Học viện CSND nhằm góp phần giáo dục truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của các thế hệ cha ông cho các sỹ quan cảnh sát tương lai của nước nhà trong thời kỳ hội nhập quốc tế, đồng thời thúc đẩy toàn thể cán bộ, giảng viên, học viên không ngừng phấn đấu thi đua học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của nhà trường.

Hậu cung Văn Miếu là nơi đặt tượng Danh sư Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An (1292 -1370) - người được tôn là “Vạn thế sư biểu”, người thầy chuẩn mực muôn đời của Việt Nam. Đây là một tượng đẹp được đúc bằng đồng nguyên chất nặng 1,5 tấn do kiến trúc sư Trần Hiếu Lễ thiết kế và đúc tại Công ty đúc Thắng Lợi, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Bức tượng nhà giáo Chu Văn An do Đại tướng, GS.TS Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an tặng nhà trường.

Mới đây thôi, tháng 5 năm 2018, nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Học viện CSND, tôi và nhà trường đã đề xuất Chủ tịch nước Trần Đại Quang tặng Học viện 1 tháp đồng hồ 4 mặt, đường kính mỗi mặt là 4m. Đã có 2 buổi tối, tôi và các anh em Học viện CSND ngồi ở nhà riêng của anh để bàn về tháp đồng hồ này. Bây giờ tháp đồng hồ đã xong và là một điểm nhấn, là một biểu tượng của Học viện CSND Việt Nam thời kỳ đổi mới.

Chưa kịp vào thăm lại Học viện CSND và khánh thành tháp đồng hồ thì anh đã đi xa. Trưa 21-9, sau khi biết tin anh mất, ngắm nhìn tháp đồng hồ của nhà trường, tôi lại nhớ buổi tối gần đây ngồi nói chuyện, xin ý kiến anh về việc này.

Vẫn biết anh bị bệnh nặng nhưng không ai nghĩ lại nhanh đến thế. Công lao của anh với lực lượng công an nói chung, với Học viện CSND nói riêng vô cùng lớn lao. Dù anh đã mất nhưng chúng tôi vẫn luôn coi anh là một người lãnh đạo, chỉ huy tâm huyết, luôn quan tâm tới sự phát triển và trưởng thành của lực lượng CAND, là một cựu học viên đã làm vẻ vang truyền thống của Học viện CSND Việt Nam.

Xin có một vài dòng tâm sự và coi đây như một nén tâm nhang thắp tưởng nhớ anh - Đại tướng, GS.TS Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, người chỉ huy, lãnh đạo cao cấp của lực lượng CAND, một nhà giáo, nhà khoa học đáng kính.

Hà Nội, ngày 21-9-2018

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm
.
.