Mù Cang Chải cần sự sẻ chia

Thứ Tư, 09/08/2017, 14:06
Những ngày ở Mù Cang Chải, điều khiến tôi ám ảnh nhất là cảnh những người phụ nữ ngồi khóc chồng, con. Có quá nhiều nước mắt, bởi trong số 14 người chết và mất tích, có những đứa trẻ mới chỉ 1 tuổi; có gia đình mất 2 đứa con; có gia đình mất tích cả 3 mẹ con.

Cho tới lúc này mới có 3 nạn nhân bị mất tích tìm được thi thể, vẫn còn tới 9 người bị vùi lấp đâu đó trong đống đất đá đổ nát. Với những gia đình có người thân còn đang mất tích, mỗi ngày qua đi, nỗi tuyệt vọng càng lớn hơn, những ông bố, bà mẹ không còn sức để khóc con vẫn khắc khoải mong tìm được thân xác đứa con dứt ruột sinh ra. Cơn lũ đi qua nhưng có những nỗi đau sẽ còn mãi...

1. Hai ngày sau cơn lũ, con đường đất dẫn lên bản Kháo Giống, xã Kim Nọi nhiều đoạt sạt lở mất nửa nền đường; nhiều đoạn đất đá đổ xuống lấp gần hết mặt đường; hai bên đường, những bãi ngô sắp được thu hoạch giờ đổ la liệt. Sau trận lũ kinh hoàng, cái bản nằm chênh vênh trên núi này vẫn chìm trong đau buồn khi vẫn chưa tìm thấy những đứa trẻ bị lũ cuốn trôi.

Cách trung tâm xã chừng 5km, bản Kháo Giống nằm tách biệt trên những sườn núi là nơi sinh sống của 39 gia đình người Mông. Dù là cùng bản nhưng mỗi nhà cách nhau cả giờ đi bộ.  Bỏ lại chiếc xe máy ở lưng chừng núi, mất gần 1 giờ cuốc bộ theo con đường mòn cheo leo, lầy lội, chúng tôi tới ngôi nhà gỗ cũ kỹ, lụp xụp nằm chênh vênh gần đỉnh núi của gia đình chị Sùng Thị Cở.

Khi chúng tôi đến, chỉ có người em trai chị Cở ở xã khác vừa lên và mấy người phụ nữ là bà con họ hàng đến động viên, còn chồng chị và những đàn ông trong bản đều đang đi vào rừng tìm kiếm 4 đứa trẻ bị lũ cuốn mất tích, trong đó có cháu Giàng A Hừ, 15 tuổi, con trai lớn của chị.

Thấy khách lạ đến nhà, chỉ nói được vài câu, chị Cở lại khóc. Mấy người họ hàng với chị kể rằng từ hôm cháu Hừ mất tích, chị Cở không ăn không ngủ, cứ ngồi trước cửa khóc gọi tên con, lúc nào mệt quá thiếp đi thì thôi, tỉnh dậy lại khóc.

Đưa cho tôi xem tấm ảnh chân dung cháu Hừ, anh Sùng A Hờ, em trai chị Cở bảo rằng anh tìm thấy tấm ảnh thẻ này trong cặp Hừ, có lẽ đó là mấy tấm ảnh còn thừa khi cháu chụp ảnh làm thẻ học sinh. Nhìn gương mặt thằng bé trong ảnh khôi ngô, lại ngó sang người mẹ năm nay mới 49 tuổi nhưng già nua, khắc khổ như bà lão 60, giờ đờ đẫn như người mất hồn ngồi dựa cửa vừa khóc vừa gọi tên con trong buổi chiều mưa mà tôi cũng thấy cay mắt. Có lẽ phải ai đã làm bố mẹ rồi mới hiểu được cái cảm giác khủng khiếp khi bỗng chốc mất đứa con mình dứt ruột đẻ ra.

Anh Hờ kể rằng dù nhà ở xã trung tâm nhưng cháu Hừ rất ham học nên vừa thi đỗ vào lớp 10 trường THPT huyện Mù Cang Chải cách nhà đến hơn 20 km. Đáng ra ngày 15-8 này cháu sẽ xuống trường nhập học. Nghe nhắc tới con, chị Cở vừa khóc vừa kể: “Từ hôm biết sẽ được đi học lớp 10 nó vui lắm. Của cải cả nhà chỉ có mấy con trâu, con bò thả trên rừng là đáng giá nhất nên mấy hôm trước nó bảo tôi chỉ còn được nghỉ 2 tuần, con đi chăn trâu giúp mẹ chứ lúc đi học xa nhà không giúp được nữa. Thế mà bây giờ nó không về nữa rồi”.

Nơi cháu Hừ đi chăn trâu bò là bãi thả trên núi cách nhà mấy cây số đường rừng. Thông thường trâu bò của mấy gia đình là họ hàng ở bản Kháo Giống cùng thả ở đó. Buổi tối các gia đình đều phải thay nhau cử người ở lại ngủ ở lán trên rừng để trông đàn trâu  bò.

Vào ngày 2-8, Hừ cùng người chú ruột và hai đứa em con chú lên rừng thả trâu, đáng ra tối hôm đó sẽ về nhưng người chú lại bảo Hừ ở lại nấu cơm ăn và ngủ lại với ba đứa em để hôm sau làm nốt vài công việc sẽ về luôn. Và rồi vào cái buổi sáng sớm 3-8 định mệnh ấy, cơn lũ khủng khiếp đã cuốn phăng cả cái lán cùng 4 đứa trẻ.

Đại diện Báo CAND và Tập đoàn Hoa Sen tặng quà cho vợ chồng anh Giàng A Mùa và chị Mùa Thị Sua.

Từ hôm cháu Hừ bị lũ cuốn trôi, chồng chị Cở không hôm nào có mặt ở nhà. Mặc mưa gió, từ sáng sớm anh cùng họ hàng và những người hàng xóm vào rừng, lên núi, đi khắp các khe suối tìm kiếm với niềm hi vọng mong manh tìm thấy cậu con trai duy nhất; vậy mà vẫn chưa thấy.

Chỉ sang bé gái đứng sau lưng mấy người họ hàng, anh Hờ thở dài buồn bã bảo rằng giờ đây vợ chồng chị gái anh chỉ còn mỗi đứa con gái thôi. Tôi hiểu sau tiếng thở dài ấy là nỗi lo lắng bởi mất đứa con trai duy nhất là mất luôn chỗ dựa tinh thần khi về già.

2. Nhưng chị Cở không phải người mẹ duy nhất đang phải sống trong cảnh khắc khoải chờ tin con. Cách đó hai quả núi, những ngày qua, vợ chồng người em chồng chị Cở là anh Giàng A Mùa và chị Mùa Thị Sua còn phải chịu nỗi đau gấp đôi khi cùng lúc mất hai đứa con trai là Giàng A Tám (10 tuổi) và Giàng A Giàng (7 tuổi).

Căn nhà gỗ của vợ chồng anh Giàng A Mùa cũng nằm chênh vênh bên sườn núi, nhưng con đường mòn dẫn vào nhà giờ đã bị lũ xoáy sâu xuống như một con hào dài cả trăm mét xuống tận chân núi. Cũng may, ngôi nhà nằm cách đó vài chục mét chứ không đã bị cuốn trôi mất. Trong căn nhà lụp xụp ấy, nền nhà vẫn còn đầy bùn đất.

Bà mẹ Mùa kể rằng hôm lũ về bùn đất tràn vào ngập hết cả nền nhà, may mà có mấy bao ngô, thóc kịp bê lên giường nên không mất. Thấy khách đến nhưng chị Mùa Thị Sua cứ ngồi lặng trên giường ôm đứa con gái hơn 1 tuổi, nỗi đau quá lớn khiến người mẹ trẻ như người mất hồn.

Giàng A Mùa bảo rằng anh vừa về sau hơn nửa ngày cùng đoàn tìm kiếm người mất tích đi vào rừng tìm con và những đứa cháu, đã đi khắp các cánh rừng, các khe suối rồi mà không thấy. Sau trận lũ, chỗ nào cũng chỉ thấy đất đá. Nhắc tới hai đứa con trai và hai đứa cháu bị lũ cuốn trôi, Mùa đau đớn tự trách mình giá buổi chiều hôm mùng 2-8, anh để cho mấy đứa trẻ về nhà thì đã không phải chịu cảnh này.

Các lực lượng vẫn đang tích cực tìm kiếm nạn nhân dưới đống đất đá.

Bình thường bọn trẻ lên rừng chăn trâu nhưng chiều tối là về vì hôm sau còn phải đi học. Dịp nghỉ hè thỉnh thoảng mấy đứa trẻ mới ngủ lại trên lán vì ở đó cũng có đầy đủ gạo, thức ăn. Ngày 2-8, Mùa cùng 4 đứa trẻ lên rừng. Chiều hôm ấy, 2 thằng bé cứ đòi về nhà với bố nhưng anh bảo đã có anh Hừ ở lại nên 2 đứa ở lại trên rừng cùng anh, hôm sau anh lên làm nốt vài việc thì cả mấy bố con, chú cháu sẽ về. Vậy mà chẳng thể ngờ đó là lần cuối cùng anh nhìn thấy con.

Mùa kể rằng sáng 3-8, thấy trời mưa rồi núi lở khắp nơi, anh lao ra khỏi nhà chạy lên rừng. Lán chăn trâu cách nhà tới 5 cây số đường rừng núi chứ không gần. Nhưng khi lên tới nơi thì cả cái lán và lũ trẻ đã biến mất, ngay cả cái nền nhà cũng không còn gì.

Suốt cả câu chuyện, chị Sua cứ ngồi lặng lẽ ôm đứa con gái nhỏ không nói câu nào, thỉnh thoảng lại nhìn lên bức tường ở góc nhà. Ở đó có dán mấy cái giấy khen của hai đứa trẻ. Giờ đây, đó trở thành kỷ vật chúng để lại cho bố mẹ.

Cho tới chiều muộn ngày 4-8, thi thể cháu Giàng A Tám mới được tìm thấy ở một con suối ở huyện Than Uyên (Lai Châu), cách bản Kháo Giống tới 60 km; trong khi các anh, em khác vẫn chưa tìm thấy.

3. Không chỉ mất hết tài sản, nhà cửa, cơn lũ khủng khiếp ngày 3-8 còn cướp đi người vợ và 2 đứa con nhỏ (4 tuổi và 1 tuổi) của anh Lê Doãn Dũng  ở Thị trấn Mù Cang Chải. May mắn thoát chết trong cơn lũ, nhưng giờ đây người đàn ông này phải chịu cảnh mất hết gia đình.

Anh Dũng quê Thanh Hóa, còn vợ anh là chị Ngô Thị Hiền, quê Thái Bình. Năm 2012, sau khi lấy nhau, anh chị đưa nhau lên huyện Mù Căng Chải làm ăn, buôn bán. Phải chắt bóp lắm họ mới dựng được căn nhà và có chút vốn liếng. Nhưng giờ đây tất cả đã mất hết. Anh Dũng kể rằng 5 giờ sáng hôm ấy, cả nhà còn đang ngủ thì thấy mặt đất rung chuyển.

Khi hai vợ chồng lao ra ôm hai đứa con định chạy ra ngoài thì ngôi nhà đã bị lũ cuốn đi. Bị trôi khoảng 600 m, anh Dũng mắc vào một cái cây ven dòng chảy nên thoát chết, sau đó một công nhân điện lực tìm thấy anh khi đang bất tỉnh và bị tảng đá đè lên chân.

Cho tới sáng 6-8, lực lượng tìm kiếm mới tìm được thi thể cháu bé 1 tuổi con anh Dũng trên hồ thủy điện. Đứng lặng bên bờ hồ thủy điện chờ nhận xác cháu, ông Ngô Văn Bình chết lặng trước nỗi đau quá lớn khi mất cả con cả cháu.  Ông kể nhận được tin con bị nạn, ông vội vã từ Thái Bình lên, gặp con rể rồi cứ thế chạy ra bờ suối, bờ hồ thủy điện tìm con gái và cháu ngoại.

Nhắc tới đứa cháu ngoại, ông bảo: "Mới cách đây mấy tháng tôi lên còn bế nó, vậy mà giờ nó đã bỏ đi rồi. Thằng Dũng nó bị thương nặng, không đi được tận nơi nhưng đã dặn tôi sắm bộ quần áo cho cháu, để cháu đi nhẹ nhàng”.

Cán bộ chiến sĩ Công an huyện Mù Cang Chải tham gia dọn bùn đất tại Trường Trung học phổ thông huyện.

Những ngày ở Mù Cang Chải, tôi cứ bị ám ảnh khi nhìn cảnh chị Vừ Thị Sầu cùng 2 đứa con ngồi khóc bên bờ hồ thủy điện khi mọi người vớt được thi thể anh Giàng A Hù. Đáng ra anh Hù đã thoát nạn bởi sáng 3-8, khi lũ tràn về, anh đã kịp kéo vợ con chạy khỏi nhà, nhưng vì tiếc con lợn còn nhốt trong chuồng, anh quay lại cứu, vừa mở được chuồng ra thì lũ ập đến. Anh bị cuốn xuống sông Nậm Kim. Mãi 2 ngày sau mọi người mới tìm thấy thi thể anh Hù dưới lòng hồ thủy điện.

Không còn nhà cửa, gia đình phải đưa anh Hù về nhà người anh trai làm đám tang trong cảnh vội vã chứ không thể làm đám tang theo phong tục của người Mông. Giờ đây, cùng nỗi đau mất chồng, chị Sầu còn mang nặng nỗi lo cho cuộc sống những ngày tới khi không còn nhà cửa, tài sản gì trong khi còn 2 đứa con đang tuổi ăn học.

4. Mù Cang Chải còn nhiều lắm những nỗi đau bởi cho tới lúc này, vẫn còn 9 nạn nhân mất tích chưa tìm thấy dù đang có hàng nghìn người vẫn ngày đêm tìm kiếm. Những giọt nước mắt của nhiều người vẫn chưa ngừng rơi khi người thân vẫn còn bị vùi lấp đâu đó giữa núi rừng hay trong đống đất đá khổng lồ.

Và theo thống kê mới nhất của tỉnh Yên Bái, trận lũ quét còn “quét” đi của mảnh đất nghèo khó Mù Cang Chải 290 tỷ đồng, trong đó của người dân là 80 tỷ đồng. Lúc này đây, Mù Cang Chải đang cần lắm sự chia sẻ từ người dân cả nước.

Ngay sau khi nhận được tin trận lũ quét tàn phá nặng nề Mù Cang Chải, Ban Biên tập Báo CAND đã cử đoàn công tác cùng Tập đoàn Hoa Sen đến với đồng bào bị nạn. Đoàn đã thăm và tặng quà các gia đình có người chết và mất tích với số tiền 2 triệu đồng/ người; những người bị thương 1 triệu đồng/ người; trao 3 triệu đồng cho Trường Tiểu học và Trung học cơ sở thị trấn Mù Cang Chải; 1 triệu đồng cho Trường Mầm non Hoa Lan và nhờ Công an huyện Mù Cang Chải chuyển 3 triệu đồng cho điểm trường Tà Ghênh ở xã Lao Chải.

Ngoài ra tặng quà cho một số gia đình bị mất nhà, tài sản với tổng số tiền 50 triệu đồng. Tại Sơn La, đến với đồng bào bị nạn, đoàn công tác của Báo CAND và Tập đoàn Hoa Sen cũng đã trao số tiền 50 triệu đồng, hỗ trợ bà con khắc phục hậu quả của mưa lũ.

Báo CAND kêu gọi những tấm lòng hảo tâm hãy tham gia ủng hộ đồng bào các dân tộc miền núi Tây Bắc đang gặp nạn. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Quỹ Xã hội - Từ thiện, Báo CAND, 92 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, ĐT: 024 38222157, hoặc số tài khoản: 0021000019774, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam; cơ quan đại diện Báo CAND tại TP Hồ Chí Minh, số 6 Phạm Ngọc Thạch, phường 6, quận 3, TP Hồ Chí Minh, ĐT: 028 38241917 và các Văn phòng thường trú Báo CAND trên địa bàn cả nước.

Trong ngày 3-8, Quỹ Xã hội - Từ thiện của Báo CAND đã nhận được sự đóng góp ủng hộ bà con Tây Bắc của các đơn vị:

1. Công ty Duy Lợi: 200.000.000đ.

2. Công ty Tôn Hoa Sen: 100.000.000đ.

Báo CAND mong tiếp tục nhận được sự hưởng ứng của những tấm lòng thiện tâm của bạn đọc trong và ngoài nước.

Nguyễn Thiêm
.
.