NSƯT Trần Hạnh: Số mệnh đã định rồi

Thứ Năm, 12/08/2010, 08:45
"Niềm vui của tôi là đi đóng phim, làm cái nghề mình thích. Số mệnh đã định rồi. Năm nay 82 rồi, trời gọi thì thưa, đất gọi thì đi, còn thắc mắc gì nữa" - NSƯT Trần Hạnh tâm sự.

Độc giả cũng không nên thắc mắc làm gì, vì lão nông Trần Hạnh sau khi rời Nhà hát kịch Hà Nội về hưu, ở tuổi 60, ông không chịu ở yên mà lửa nghề dẫn dụ đã khiến ông tiếp tục hành trình mấy chục năm tung hoành trên phim trường, đóng hàng trăm bộ phim cả truyền hình lẫn phim nhựa.

Làm ông bố tốt bụng của hàng chục, hàng trăm người con. Bí thư đảng ủy trong phim “Làng Nổi”, bố An trong phim “Tướng về hưu”, ông Lâm trong “Chiếc bình tiền kiếp”, bố Mai trong phim “Hãy tha thứ cho em”, bố Lực trong phim “Cỏ lau”, năm ngoái là ông bố trong phim “Người đàn bà thứ hai”, và giờ đây lại xuất hiện trong sêri phim truyền hình dài tập “Vệt nắng cuối trời” đang công chiếu.

Phim ảnh và đời thực có gì dan díu với nhau mà nghiệp diễn lại vận vào đời ông, để rồi có lúc ông thốt lên: ‘Đời tôi còn khổ hơn cả trên phim”. Thực hư việc thế nào cũng khiến cho tôi không khỏi, phấp phỏng, tò mò...

Nhân vật lần này thật đặc biệt, tuy ông đã ở tuổi ngoài 80 vậy mà ít xưng hô là ông tôi, bác cháu, ông thân mật: "Con kéo ghế nhựa ngồi kia đi rồi bố con mình nói chuyện". Câu chuyện của tôi và ông đâu phải ở phòng khách nhà riêng của nhân vật, cũng không phải quán cà phê mát mẻ, sang trọng gì.

"Bố con tôi" nói chuyện ở ngay tại sạp hàng tạp hóa rộng khoảng 10m2 sát ngay cạnh ga Hàng Cỏ. Nhưng ngồi trong quầy thì vừa nóng lại vừa chật nên hai "bố con" kéo ghế ra vỉa hè vừa để trông quán vừa để chuyện trò. Sạp hàng bán trăm thứ bà rằn, đa phần hàng giá rẻ, nên khách đến mua hàng chả ai mặc cả gì. Mua nhanh mà bán lại càng nhanh.

Chưa vào chuyện mà đã thấy ông đốt thuốc tì tì, cứ điếu nọ nối điếu kia, liên tiếp. Ông bảo trung bình ngày ông hút hết 3 bao Thăng Long, từ cái ngày một nghìn tám một bao, sau lên ba nghìn, giờ là mười nghìn một bao. Ông nghiện thuốc lá cũng như nghiện phim trường, không thấy khói hút, không thấy đèn sáng đóng phim là bứt rứt trong người không chịu được.

"Tôi ở kịch Hà Nội, đến lúc về hưu người ta gọi đi làm 1, 2 phim, thấy làm được là sau cứ thế người ta gọi" .

Phóng viên (PV):
Ông là nghệ sĩ tên tuổi nổi tiếng, thiên hạ quen mặt thuộc tên, lẽ nào ông lại cứ ngồi đây bán ba cái thứ lặt vặt này?!

NSƯT Trần Hạnh: Ô hay, con gái. Bố, à quên tôi bán hàng chứ có đi xin cái gì của ai đâu, hoặc đi ăn cắp đâu, mà sợ xấu hổ nào. Người ta lao động chân chính thì chả ngại, chả sợ gì cả.  Đời người chỉ xấu hổ và ngại ngần khi làm việc gì trái với lương tâm. Tôi nghèo, tôi khổ nhưng lương tâm thanh thản. Sáng nào tôi cũng ngồi ở cửa hàng này độ gần một tiếng, trông hàng cho con gái đi chợ hoặc đi lấy hàng về bán, xong rồi lại về nhà. Nhà tôi cũng gần đây, chạy chưa đầy 5 phút xe máy là về đến nhà rồi... Nhà rộng gần 10 mét vuông trong con hẻm ấy mà, nên ra đây tuy có ồn ào bụi bặm nhưng cũng còn thoáng khí hơn ở nhà.

PV: Thưa ông, là nghệ sĩ tên tuổi lại cống hiến lâu năm trong ngành nghệ thuật, ở chật chội, tù túng thế này thì còn sáng tạo vào đâu được nữa?

NSƯT Trần Hạnh: Các con tôi bảo: "Bố sống trên mây trên gió lắm. Chả thức thời gì cả". Nhà có chục mét vuông mà đông con lắm cháu, ngày mồng 1 tết con cháu đến chúc tết ông bà, gia đình này vào thì gia đình kia ra. Hoặc trải cái chiếu ra ngồi bệt xuống cả với nhau...  Lắm khi đời tôi chỉ vui với điếu thuốc lá và dăm ba chén nước trà, ngồi ở quán hàng nước dưới gốc cây ngắm phố phường thế thôi. Cũng chả có cao vọng gì.

Bây giờ nhìn lại bạn bè mình, người còn người mất. Có người thì làm quan trường như NSND Trọng Khôi, nhà văn Ngô Thảo. Rồi có nhiều người bỏ nghề diễn như Đam Ca một thủa đóng "Âm mưu và tình yêu", như Như Trang đóng "Hà My của tôi"... Trần Vân, nghệ sĩ đình đám một thời của kịch, phim màn ảnh nhỏ cũng đã mất từ lâu. Đạo diễn tên tuổi lẫy lừng như cụ Nguyễn Đình Nghi, nhà thơ Trần Huyền Trân, đã xa lìa cõi thế từ rất lâu. Mình còn sống được đến giờ được làm nghề mình yêu thích đã là may mắn hơn người rồi.

Nói thật đóng phim như thế nhưng tôi vẫn mê sân khấu hơn. Bây giờ sân khấu gọi, tôi sẽ bỏ tất phim ảnh để mà về với sân khấu. Sân khấu mới chính là thánh đường. Là nơi đang đợi tôi quay về. Đã mấy chục năm không được diễn trên sân khấu rồi. Tuần nào tôi cũng hai lần về cơ quan cũ là Nhà hát kịch Hà Nội để thăm và xem mọi người tập vở kịch mới.

PV: Không ngờ ông còn nặng lòng với sân khấu thế. Nhưng cái thời sân khấu là thánh đường đã xa lắc xa lơ rồi, giờ đây, sân khấu không còn là thời hoàng kim như xưa nữa.

NSƯT Trần Hạnh: Tôi biết, sân khấu còn nghèo hơn điện ảnh. Một đêm diễn, cátsê cho diễn viên chính chỉ có 150.000 đồng. Vai phụ 50.000 đồng chẵn. Vậy mà tôi vẫn muốn có một vai diễn trên sân khấu. Lao động là quên hết mệt nhọc.

Khi xưa tôi đóng Nguyễn Trãi trong vở "Lam Sơn tụ nghĩa" đi Liên hoan kịch toàn quốc được Huy chương Vàng. Vở "Tiền tuyến gọi" của đạo diễn Dương Ngọc Đức cũng Huy chương Vàng hội diễn, rồi đến "Âm mưu và tình yêu" thì được đích thân cụ Tổng bí thư Trường Chinh khen ngợi.

Hồi đấy bản thân người trong nghề xin mua một cái vé cũng hơi mệt chứ đừng nói là người ngoài. Tiêu chuẩn diễn viên như tôi mỗi tuần được mua hai lần. Mỗi lần mua được một vé thôi, người trong đoàn cho tôi thêm một vé thế là mời được hai người đi. Lần sau mình lại giả lại vé họ. Hồi đấy khó khăn.

Tôi vẫn nhớ như in cái thời diễn vở kịch thơ "Lam Sơn tụ nghĩa", đóng Nguyễn Trãi, khán giả ngồi dưới im phăng phắc. Một tháng diễn hơn 30 buổi, diễn cả buổi chiều và buổi sáng, thế mới thích. Bây giờ thì chả còn khán giả nào kiên trì nghe kịch thơ nữa rồi. (Ông nói rồi ngồi thần mặt ra nuối tiếc một thời đã qua, thời hoàng kim của sân khấu hay là thời hoàng kim của cả chính ông nữa).--PageBreak--

PV: Lắm lúc bật tivi lên thì cùng một lúc cả ba kênh truyền hình đều có phim ông đóng, mà các vai na ná như nhau. Lúc nào cũng một mô típ nhân vật quen thuộc, đức độ, lành hiền, phúc hậu. Hỏi khi không phải ông đã bao giờ thấy mình tự chán mình chưa ạ?

NSƯT Trần Hạnh: Hà, hà... đấy là bệnh đấy. Bệnh chung của các đạo diễn nước ta là ngại thay đổi. Bệnh lười. Tôi vẫn muốn bứt ra để đóng hẳn một vai khác mình, vai lão già gian manh độc ác, hay bủn xỉn keo kiệt, hay một tay mafia rửa tay gác kiếm khi về già... Nhưng chờ mãi không thấy, quanh năm suốt tháng, đạo diễn đọc kịch bản thấy vai hiền lành cam chịu, chất phác quê mùa, cán bộ về hưu, sống mẫu mực là thế nào cũng nghĩ ngay đến lão nông Trần Hạnh, lôi ông Hạnh đi cho bằng được là đạo diễn đỡ lo. Chứ chúng cẩu mình sang nhân vật khác thì đạo diễn lại phải làm việc với mình hơi bị mệt mà bản thân mình cũng mệt.

Lắm khi, buổi sáng mình ngồi đây, nó phóng xe máy vèo đến một cái, quăng kịch bản bảo: "Đấy ông tự lo lấy nhé". Thế là coi như xong, không bao giờ nó phải lo cái gì nữa. Chứ giao cho người khác thì có khi lại phải dặn dò quần áo chuẩn bị ra sao, rồi phân tích kịch bản tỉ mỉ thế nào. Giao cho tôi thì yên tâm. Vai nào khổ nhất thì quăng cho mình. Vai nông dân, chỉ cần khoác cái áo về quê thì người ta tưởng mình là người làng.

Nhưng, làm nghệ thuật mà tự chán mình, hay chán nghề thì có khác gì nhau, có nghĩa là tự đào mồ chôn mình. Nên tôi chẳng chán đâu. Ở nhà lâu là tôi ốm. Đi làm phim thoải mái tinh thần. Ở trong Trường đại học Sân khấu và Điện ảnh mấy cô cậu sinh viên làm phim tốt nghiệp gọi điện thông báo địa điểm tôi tự tìm đến giúp.

PV: Ông đi làm phim nhiều như thế chắc xe tới đón rước nhiều.

NSƯT Trần Hạnh: Đón rước gì đâu. Xe của tôi đây, cúp 82 mình cưỡi nó mười mấy năm trời. Lúc đường vắng thì chạy khoảng 50 cây/giờ hoặc 60 cây/giờ. Trên phố đông đúc thế này phải đi tằng tằng thôi. Làm phim xa, vai của mình quay 3 giờ chiều đã xong nhưng phải ngồi chờ đến 10 giờ đêm mới có ôtô của đoàn về, thế thà ta có xe máy ta chủ động đi về bằng xe máy sướng nhất. Xa quá thì chịu. Chứ Sơn Tây, Hưng Yên, Thái Nguyên thì được. Cứ 100km đổ lại là tôi bất chấp,  bây giờ tôi vẫn đi thế.

PV: Tuổi cao sức yếu, sao ông không ở lại đợi thêm vài tiếng đồng hồ cùng đoàn làm phim về cùng có phải vui hơn mà cũng an toàn hơn không? Tai nạn giao thông trên đường quốc lộ đang là một vấn nạn đấy ông ạ.

NSƯT Trần Hạnh: Tôi đi đóng phim được rảnh cái thân tôi, nhưng vẫn lo còn bà ấy nằm ở nhà. Nhà tôi bị bệnh cao huyết áp sau chuyển sang tai biến mạch máu não, bị liệt nằm bất động ở trên giường đã 2 năm nay. Về sớm cũng còn xem nhà cửa thế nào, chứ bà ấy nằm một mình lại càng thêm cô đơn, buồn tủi. 

Ngày lấy vợ, tôi mới ngoài 20, còn bà ấy mới 18, nhà cũng gần nhau. Thời bao cấp còn làm cô mậu dịch viên ở cửa hàng Thủy Tạ, rồi Hợp tác xã chợ Đồng Xuân. Tôi ăn uống khó tính, nhà tôi, đảm đang, nấu ăn ngon lại biết chăm chồng. Nhưng đấy là hồi nhà tôi còn khỏe, từ ngày bà ấy đau yếu nằm xuống, tôi thấy trống vắng và thấy mình thêm một cái nạn...

À, mà con nói đúng đấy. Trong đời làm phim của tôi chính là cái phim đang chiếu trên truyền hình bây giờ "Vệt nắng cuối trời" cátsê cao nhất, tính ra được mấy chục triệu. Nhưng cũng là phim đấy, năm ngoái tôi đóng xong, 12h đêm mới quay về, trời tối, tôi đâm phải xe rác thế là bị gãy tay phải bó bột mất mấy tháng trời.

PV: Đóng phim nhiều như thế thì cátsê chắc cũng hòm hòm, ông nhỉ?

NSƯT Trần Hạnh: Cátsê tùy vào đạo diễn. Có đạo diễn trả tiền ngày, có đạo diễn trả tiền tập, có đạo diễn trả theo phân đoạn. Như con dắt cái xe vào đây chào bố, thế cũng là một phân đoạn. Ngày cả chục phân đoạn như thế. Tính đi tính lại cũng chỉ từ 300.000 - 500.000 đồng một ngày là hết cỡ. Nhưng có phải lúc nào ngày nào cũng diễn đâu. Một năm làm dăm ba cái phim. Lương của tôi là 1 triệu, lương của bà ấy hơn 2 triệu. Nhìn vào gia đình như thế thu nhập chả có gì ngoài đồng lương hưu, thỉnh thoảng đi làm phim có tí tiền. Con cái chúng lo thân chúng còn chả xong, vào đầu học kỳ riêng khoản đóng tiền học cho con chết dở. Đóng tiền triệu, ai tính tiền trăm bây giờ. Thế nên mình đã không có cho chúng nó thì thôi, mong gì chúng nó cho mình.

PV: Ông đúng là ông bố tốt ở trong phim lẫn ngoài đời. Rong ruổi đi đóng phim lâu và nhiều như thế, sao ông không lôi kéo con cháu trong nhà đi làm phim cho vui?

NSƯT Trần Hạnh: Tôi có cả thảy 5 người con và mấy đứa cháu. Mấy đứa con không theo ngành nghệ thuật thì biết thế nào được, số rồi, số phận. Cháu gọi bằng ông đứa lớn nhất mới lấy chồng, đứa bé nhất vừa mới làm chứng minh thư. Rủ đứa cháu nào đi đóng phim thì chúng đều không thích. Cách đây mấy năm, có thằng cháu ngoại bảo: "Cháu thích đi đóng phim với ông". Thế là hai ông cháu đi, đến lúc bắt đầu đứng trước máy quay thế là cu cậu khóc đòi về. Mọi người trong đoàn phim dỗ mãi, cậu lái xe lại phải đưa về, lúc đấy nó 13 tuổi. 13 tuổi mà khóc tu tu thì làm ăn cái gì.

PV: Thế trước đây,  dòng họ nhà ông cũng không ai theo nghệ thuật?

NSƯT Trần Hạnh: Nhà tôi đến tôi là đời thứ 4 ở Hà Nội đấy, tôi sinh ra ở 50 ngõ Phát Lộc. Ông thân sinh ra cụ, rồi cụ, tiếp đến là ông, sau đó bố của tôi đều ở Hà Nội. Cái ngành nghệ thuật ngoài học ra còn thiên phú nữa, trời cho đấy con ạ. Học thì chỉ sắp sếp lại chương trình cho có trật tự thôi chứ học không phải để giỏi. Cái ngành nghệ thuật này học để cho giỏi thì người ta đã chả gọi là cần đến năng khiếu để làm gì. Ông bố trước đây đàn hát, lên miền ngược kéo nhị mấy cô Mán Mường mê lắm. Ông lang thang đi suốt. Mẹ tôi chỉ buôn bán nhỏ lẻ thôi. Chắc cũng hưởng tý gien đàn hát từ ông bố truyền sang, nên tôi mới vướng vào nghiệp diễn.

PV: Giờ ông sống thế nào, vất vả lắm không?

NSƯT Trần Hạnh: Niềm vui của tôi là đi đóng phim, làm cái nghề mình thích. Số mệnh đã định rồi. Năm nay 82 rồi, trời gọi thì thưa, đất gọi thì đi, còn thắc mắc gì nữa. Thôi, tôi phải về nhà cơm nước cho bà. Nhà còn có thằng con trai sinh năm 1965 năm nay 46 tuổi, ngần ấy tuổi mà bảo lấy vợ nhất định không chịu lấy. Chả nghề nghiệp gì, suốt ngày chỉ quanh quẩn ở nhà.  Gia đình nào cũng có người nọ người kia gánh vác cho gia đình. Bây giờ về luộc rau, thổi cơm, đến giờ ăn thì cô con gái gần nhà chạy sang cho ăn, ngày bà ấy ăn 4 bữa. Con gái thay quần áo, còn tôi có nhiệm vụ giặt và nấu nướng, ăn cơm xong thì tôi rửa bát...

Ông tất bật đứng dậy dắt xe nổ máy ra về, dáng ông liêu xiêu trên con đường nhựa nắng đổ. Cô con gái của ông âu yếm nhìn theo bố, quay sang nói với tôi: "Bố tôi khái tính lắm. Ông không thích gặp nhà báo đâu. Hôm nay vô tình thế nào lại gặp em ở đây, chứ ở nhà là ông trốn đấy. Vì nhà chật quá mà bà lại ốm liệt như thế". Mà, em thấy không bố chị còn khỏe lắm, bố nói bố sinh năm 1929, nhưng tôi không tin đâu, chắc ông trẻ hơn mấy tuổi. Các cụ hồi xưa là không nhớ được ngày sinh tháng đẻ, bây giờ giấy tờ của ông, mỗi giấy một khác. Theo chứng minh thư thì ông sinh 1934. Sổ Bảo hiểm y tế thì ghi ông sinh 1936. Còn Hội nghệ sĩ Sân Khấu Việt Nam thì ghi ông sinh năm 1929...

Trần Mỹ Hiền (thực hiện)
.
.