Nặng nề hậu quả từ phỏng điện

Thứ Năm, 27/06/2019, 14:16
Thời gian gần đây, Khoa Phỏng - Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) đã tiếp nhận, điều trị hàng chục ca bị phỏng điện. Hầu hết các bệnh nhân đều nhập viện trong tình trạng nặng, được chuyển đến từ các bệnh viện tuyến địa phương.

Trong số đó không ít bệnh nhân phải cắt cụt tay, chân, để lại những di chứng nặng nề. Đáng nói là các trường hợp này đều xuất phát từ sự chủ quan, sơ ý hoặc cố tình vi phạm hành lang an toàn lưới điện...

Cụt tứ chi vì phỏng điện

TS. bác sĩ Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Phỏng - Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết đơn vị này đang điều trị cho hàng chục trường hợp phỏng nặng, phải cắt tay, chân để bảo toàn tính mạng. Gần nhất, có hai bệnh nhân phải cắt bỏ tứ chi rất thương tâm vì bị hoại tử nặng, do phỏng điện quá sâu. Hiện hai bệnh nhân đã qua nguy kịch nhưng phải chịu cảnh tàn tật suốt đời do bị cắt cụt tứ chi, hoàn cảnh rất khó khăn.

Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân Sóc Chanh (39 tuổi, người Campuchia) nhập viện với chẩn đoán phỏng điện độ 2, 3, 4 với diện tích 16% ở tứ chi. Người nhà bệnh nhân cho biết trước đó 3 ngày, bệnh nhân leo lên mái nhà để sửa nhà, vô ý chạm vào đường dây điện cao thế nên bị phóng điện vào người ngã xuống đất. Bệnh nhân được đưa vào sơ cứu tại một bệnh viện ở Campuchia và sau đó chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy.

Khi vào Bệnh viện Chợ Rẫy, hai tay bệnh nhân đã lạnh, co quắp, các bác sĩ tiên lượng từ đầu là sẽ khó giữ được tay chân do phỏng quá sâu. Do đó, các bác sĩ buộc phải cắt cụt 1/3 trên cẳng tay phải và trái. Hai chân của bệnh nhân cũng bị phỏng sâu, các bác sĩ đã cắt lọc các phần hoại tử, cố gắng giữ chân nhưng cuối cùng vẫn phải cắt 1/3 cẳng chân của cả hai bên. Sau 10 ngày điều trị, bệnh nhân giữ được tính mạng.

Bệnh nhân Nguyễn Anh Khoa mất cả hai tay và một chân sau 7 cuộc mổ điều trị phỏng điện.

Bệnh nhân thứ hai là anh Nguyễn Anh Khoa (41 tuổi, quê Bình Định), cũng đang phải cố gắng chấp nhận sự thật trở thành người tàn phế suốt quãng đời còn lại. Anh Khoa làm nghề thợ hồ, bị điện giật khi cầm thanh sắt thi công trên căn nhà ở độ cao 4m, gần đường điện cao thế. Lúc nhập viện, tình trạng bệnh nhân bị phỏng điện 12% độ 2, 3, 4 ở hai tay và chân trái, phỏng sâu hai cẳng tay. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị chấn thương sọ não do té ngã sau khi bị điện giật.

Sau khi bị tai nạn, bệnh nhân đã được đưa vào bệnh viện địa phương để mổ vết thương đầu, sau đó chuyển tới Bệnh viện Chợ Rẫy. Từ khi nhập viện, bệnh nhân đã phải trải qua 7 lần mổ để cắt lọc các phần hoại tử và cuối cùng phải cắt cụt 1/3 trên cẳng chân trái, 1/3 trên cẳng tay trái và 1/3 cẳng tay phải.

Tương tự hai trường hợp trên là anh Trương Thanh Huy (42 tuổi, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) cũng đang điều trị tại Khoa Phỏng - Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy. Trường hợp này bị nạn vào trưa 6-5, trong lúc hàn điện, do sơ ý anh Huy cầm cây đòn tay bằng sắt đưa gần đường điện cao thế thì bị phóng điện. Anh Huy bị điện giật, hút lên không trung rồi rơi xuống đất từ độ cao 5m, toàn thân tê liệt, cháy sém nhiều bộ phận trên cơ thể.

Ngay sau đó, bệnh nhân được đưa đến bệnh viện địa phương sơ cứu và chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân Huy được xác định phỏng rất nặng, 15% độ sâu, tứ chi đều bị phỏng, hoại tử buộc phải cắt bỏ. Bệnh nhân bị phỏng nặng ở vùng bụng, phỏng thận dẫn đến suy thận phải chạy thận nhân tạo suốt đời...

Đáng chú ý, ngoài những trường hợp kể trên, thời gian gần đây Khoa Phỏng - Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy liên tục tiếp nhận những trường hợp phỏng điện nặng, phải đoạn chi cùng nhiều hậu quả nặng nề khác.

Bệnh nhân Sóc Chanh phải cắt cụt cả tay và chân rất thương tâm.

TS. bác sĩ Ngô Đức Hiệp cho biết những trường hợp bị phỏng lửa, phỏng nước sôi, vùng tổn thương chủ yếu tập trung ở ngoài da nhưng nạn nhân bị phỏng điện thì tổn thương rất sâu. Phỏng điện có 2 loại, gồm phỏng do tia lửa điện và phỏng do luồng điện. Trong đó, tia lửa điện phát ra trong thời gian ngắn ít gây phỏng sâu như phỏng dòng điện để lại hậu quả rất nặng nề vì lúc này cơ thể con người giống như một điện trở, dòng điện cực nóng đi qua cơ thể gây phỏng vào tận trong xương khớp, nội tạng, gây tổn thương nặng nề toàn thân và tại chỗ trên đường đi của dòng điện.

Đặc biệt là điểm vào và điểm ra của dòng điện cao thế gây tổn thương là hoại tử khô cứng và tổn thương dọc theo đường dẫn của dòng điện đi qua cơ thể, nguy cơ phải cắt cụt chi rất cao do đông tắc các mạch máu hoặc hoại tử các khối cơ lớn, hoại tử cơ xương, gây ra các biến chứng rất nặng nề như hoại tử tế bào gan, suy thận cấp, nhiễm độc gây nguy cơ tử vong cao.

Sau khi tai nạn xảy ra, nếu quan sát bên ngoài cơ thể của nạn nhân khi mới bị phỏng điện thì rất khó nhận ra được tình trạng nguy hiểm, song trên thực tế, các cấu trúc của cơ thể ở những vùng có điện trở lớn đã bị phá hủy nên việc điều trị trở nên vô cùng khó khăn. Rất nhiều trường hợp bị phỏng điện, các bác sĩ đã cố gắng cứu chữa để tránh nguy cơ tàn phế cho người bệnh, song cuối cùng vẫn buộc phải đoạn chi để ngăn chặn tình trạng hoại tử, nhiễm trùng, nhiễm độc cướp đi sinh mạng của họ.

Ngoài ra, phỏng điện còn gây tổn thương thần kinh đối với các trường hợp điểm vào ở vùng đầu. Có trường hợp hoại tử hết độ dày của xương sọ đến tận màng não, hay gặp nhất là hoại tử các dây thần kinh nơi dòng điện đi vào cơ thể...

Số bệnh nhân bị tai nạn phỏng điện tại Khoa Phỏng - Tạo hình thẩm mỹ chiếm 15-20%, trong đó 1/3 số bệnh nhân có biến chứng hoại tử chi và phải cắt cụt chi. Một số người may mắn giữ lại được tay chân nhưng hầu như không còn nhiều chức năng. Hiện, tại khoa có 15 ca phỏng điện, trong đó 5 ca phải đoạn chi.

Đáng nói là số bệnh nhân này chủ yếu đang trong độ tuổi lao động và là trụ cột kinh tế gia đình, sau khi được cứu sống, đoạn chi sẽ phải chịu cảnh tàn phế suốt đời, cuộc sống sẽ vô cùng khó khăn, trở thành gánh nặng đối với chính bản thân họ và cho gia đình, xã hội bởi mọi sinh hoạt của bệnh nhân đều phải lệ thuộc vào người khác.

Ngoài ra, những chi phí điều trị cho một ca phỏng điện rất lớn, nếu có bảo hiểm y tế mức chi trả của người bệnh cũng khá cao, nếu không có bảo hiểm y tế thì đó sẽ là bi kịch, đẩy gia đình họ lâm vào cảnh khốn cùng. Sau điều trị, nạn nhân thường rơi vào tình trạng bi quan, chán nản...

Nhiều tai nạn do vi phạm an toàn hành lang lưới điện

Theo TS. bác sĩ Ngô Đức Hiệp, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến phỏng điện là do chủ quan, không đảm bảo các điều kiện khoảng cách an toàn về điện (đó là chưa kể đến những trường hợp thiếu kiến thức về an toàn điện trong quá trình lao động hoặc nạn nhân không được bảo hộ an toàn trong quá trình lao động, vi phạm hành lang lưới điện). Điều đó minh chứng cho việc tai nạn điện giật chủ yếu xảy ra với những người thợ xây dựng, người làm việc gần đường dây điện, treo bảng quảng cáo, lợp tôn mái nhà, lắp ăng-ten hay thậm chí chỉ vì đi câu cá... Mùa mưa, độ ẩm không khí tăng cao, khả năng phóng điện, giật điện cũng cao hơn.

Tuy vậy, đây là tai nạn hoàn toàn có thể phòng tránh nếu mọi người giữ khoảng cách an toàn với đường điện từ 1,5-2m. Ngoài ra, người dân cần cảnh giác trong sinh hoạt, làm việc, tránh xa những đường dây điện cao thế, điện trần nguy hiểm cũng như phải trang bị bảo hộ đầy đủ khi tiếp xúc.

“Dù báo chí, truyền thông đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo, tuyên truyền về những vụ tai nạn do điện nhưng những năm trở lại đây số trường hợp nhập viện vẫn không giảm đi. Để không có thêm nạn nhân của phỏng điện, các doanh nghiệp cần chủ động cung cấp kiến thức an toàn điện và các dụng cụ bảo hộ cách điện cho người lao động, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động khi làm việc gần đường điện theo quy tắc an toàn về điện.

Với người lao động tự do, không nên chủ quan trong quá trình lao động, bên cạnh sử dụng các dụng cụ bảo hộ an toàn điện, cách điện, người dân không nên làm việc ở trên cao gần các đường dây điện trong thời điểm mưa gió, môi trường ẩm ướt, cần chú ý khoảng cách an toàn điện”, bác sĩ Ngô Đức Hiệp cảnh báo.

Mặt khác, cũng cần phải lưu ý rằng tại nhiều địa phương, tỉnh thành phía Nam nói riêng và cả nước nói chung đang tồn tại nhiều công trình vi phạm hành lang an toàn lưới điện, nhất là với đường dây trung thế và cao thế. Khi vi phạm khoảng cách an toàn sẽ phát sinh hiện tượng phóng điện dễ dẫn đến những tai nạn thương tâm, chưa kể những thiệt hại khác như gây nguy cơ mất an toàn về điện và sự cố cho toàn bộ hệ thống điện, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của người dân...

Trong khi đó, nhiều người vẫn rất chủ quan, cố tình xây dựng nhà ở, cơi nới nhà, công trình vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện... Trong quá trình thi công các hạng mục công trình đó, công nhân thi công đã phải lao động trong môi trường nguy hiểm. Điều này đặt ra vấn đề là nếu những công trình vi phạm hành lang an toàn lưới điện được ngăn chặn kịp thời thì nhiều người trong độ tuổi lao động đã không trở thành phế nhân.

Mặc dù Chính phủ đã có Nghị định 54/1999/NÐ-CP về bảo vệ an toàn lưới điện, quy định rất rõ các hành vi nghiêm cấm và biện pháp xử lý những trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện, từ mức bồi thường, buộc tháo dỡ, xử phạt hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhưng, thực tế chưa có nhiều nhà dân vi phạm hành lang an toàn lưới điện bị cưỡng chế, tháo dỡ mà phần lớn chỉ bị xử phạt hành chính nên chưa đủ mức răn đe.

 Do đó, muốn giảm các vụ tai nạn do điện gây ra, các ngành chức năng cần phải kiên quyết thực hiện tốt việc bảo vệ hành lang an toàn lưới điện trung thế, cao thế. Đồng thời, cần lưu ý về công tác kiểm tra, khắc phục bảo đảm an toàn lưới điện nên được thực hiện thường xuyên, đặc biệt là trong mùa mưa bão. Quan trọng nhất là người dân phải tự ý thức thực hiện tốt các quy định bảo vệ tính mạng cho chính bản thân, gia đình mình.

Trung bình mỗi năm, Khoa Phỏng - Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Chợ Rẫy, tiếp nhận khoảng 2.100 ca phỏng. Trong đó, có 300-400 ca phỏng điện và trên dưới 100 trường hợp phải cắt bỏ chi do hoại tử nặng. Bác sĩ Ngô Đức Hiệp cho biết thêm, với hai trường hợp bệnh nhân Sóc Chanh và Nguyễn Anh Khoa, do hoàn cảnh gia đình của họ vô cùng khó khăn nên Khoa Phỏng - Tạo hình thẩm mỹ đang phối hợp với Phòng Công tác xã hội của bệnh viện hướng dẫn một số thủ tục nhằm hỗ trợ cho bệnh nhân. Đồng thời, Khoa Phỏng - Tạo hình thẩm mỹ kêu gọi một số “Mạnh Thường Quân” của Khoa hỗ trợ thêm cho hai bệnh nhân.

Ngoài ra, hai bệnh nhân cũng nhận được sự hỗ trợ từ phía các thân nhân bệnh nhân đang nằm tại Khoa... Tuy nhiên, về cuộc sống trong tương lai, để có thể vượt qua cú sốc này, hai bệnh nhân rất cần sự hỗ trợ từ phía cộng đồng.

TS. bác sĩ Ngô Đức Hiệp khuyến cáo, trong trường hợp tai nạn điện xảy ra, người tham gia cứu hộ cần bình tĩnh và nhanh chóng ngắt nguồn điện hoặc cách ly nguồn điện. Nếu bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở cần thực hiện sơ cứu tại chỗ bằng phương pháp hô hấp nhân tạo, nhấn tim.

Nếu nạn nhân bị té từ trên cao, cần cố định cơ thể để hạn chế sang thương. Thực hiện các biện pháp chuyển viện an toàn cho người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt để các bác sĩ hỗ trợ kịp thời về chuyên môn, hạn chế hậu quả nghiêm trọng cho nạn nhân.

Phú Lữ
.
.