Ngăn chặn ma túy học đường

Thứ Sáu, 13/12/2019, 11:12
Có tới 65% học sinh không biết tác hại của ma túy, nên tò mò muốn dùng thử; 27% cho biết bị bạn bè rủ rê; 8% giải thích lý do nghiện là vì bị lừa sử dụng lúc nào không hay. Chưa hết, có từ 3-5% số học sinh được lựa chọn ngẫu nhiên đã dương tính với các loại ma túy…

Đó là những con số đáng sợ thu được từ cuộc điều tra xã hội học với 2.000 học sinh ở nhiều địa phương của Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD). Làm rõ lý do trẻ nghiện, cùng con đường thẩm lậu của ma túy vào trường học, là việc cần kíp để ngăn chặn sự thoái hóa của thế hệ tương lai nếu "bập" vào thứ độc dược này. 

"Cận cảnh" một trận đánh

Xế trưa hôm ấy, tôi tình cờ ghé vào một quán nước gần cổng một trường THPT. Quán đông khách, chủ yếu là những cô cậu học trò trốn tiết ra uống trà sữa "chém gió". Ở chiếc bàn xa, có mấy người lái xe ôm trong bộ đồng phục Grab đang vây quanh mấy cốc nước mía, chốc chốc lại nhìn ra đường vẻ chờ đợi.

Rồi khi một người ngoái lại, tôi nhận ra đó là T.. Trông anh nhếch nhác, khắc khổ, khác hẳn lúc ở cơ quan. T. cũng nhận ra tôi và trao ngay một cái nháy mắt đầy ẩn ý. Từ lúc đó, tôi coi như không quen biết, vì hiểu rằng sắp "có chuyện".

Môi trường học đường luôn được quan tâm bảo vệ an toàn lành mạnh cho các em yên tâm học tập. Ảnh chỉ có tính minh họa (Ảnh: internet)

Không phải đợi lâu, từ ngoài đường có chiếc xe máy xịch đến trước cửa quán. Nhìn trước ngó sau, 2 nam thanh niên xuống xe rồi bước vào gọi nước uống. Bà chủ quán tiến đến, họ trao đổi gì đó rồi bà này đi vào trong buồng. Hai gã mới đến nhìn nhau, 1 người rút từ ba lô ra một bọc ny lon, nhét nhanh vào túi quần rồi đứng dậy đi theo sau người đàn bà. Đúng lúc đó, cánh "lái xe ôm" vụt đứng dậy, 4 người lao nhanh vào trong buồng, trong khi 2 anh ốp sát gã đang ngồi một mình.

Có tiếng nói to, quát tháo, tru tréo vọng ra. Lát sau, bà chủ quán cùng gã nọ bị dẫn giải ra phòng ngoài, cổ tay đã bị khóa gọn.

Từ ngoài đường, một chiếc xe Cảnh sát hú còi áp sát cửa quán. Tốp trinh sát khẩn trương rời xe tiến vào trong. Khách xôn xao, họ được yêu cầu giữ trật tự, ngồi yên tại chỗ, một người được mời chứng kiến việc cơ quan điều tra thi hành lệnh khám xét khẩn cấp người, chỗ ở, đồ vật của bà chủ quán.

Bẵng đi vài tuần, tôi gặp lại Đại úy T.. Anh cười, thông báo đã triệt xóa xong một ổ nhóm chuyên bán ma túy cho học sinh, trong đó 2 gã trai là đầu mối cung cấp "thuốc" cho mụ chủ quán bán lẻ cho học sinh trong ngôi trường đối diện bên đường.

Tang vật thu được hôm đó gồm có "tem lưỡi" và mấy lọ "nước vui" - thứ ma túy mới đang tấn công học đường. Bởi bí mật nghiệp vụ, nên việc phá án T. không đi vào chi tiết, mà chuyển ngay sang chuyện ma túy xâm nhập vào học đường bằng cách nào. Càng nghe, tôi càng "lạnh gáy" trước nguy cơ bọn trẻ bị đầu độc bởi những kẻ bất lương.

Đường đi của tội ác

T. cho biết, những kẻ gieo rắc cái chết trắng từ lâu đã tìm thấy "thị trường" vô cùng tiềm năng chính là ở những ngôi trường THPT và đại học. Nơi ấy không thiếu những "cậu ấm, cô chiêu", lười học, ham chơi, thích thể hiện đẳng cấp…

Biến số học sinh "con quan", gia đình khá giả, số thích đàn đúm chơi bời… thành con nghiện, từ đó mở rộng thị phần theo kiểu "đa cấp", là cách mà nhiều ổ nhóm bán lẻ ma túy đã dùng trong nhiều năm qua. Đầu tiên, những kẻ bán ma túy trực tiếp hoặc sử dụng đám "đơ nghiện", đàn em đến dò la khu vực xung quanh các trường học, tìm hiểu tình hình học sinh. Có nhóm chuyên tìm kiếm, kết bạn với học sinh, sinh viên trên mạng xã hội.

Khi bắt được "mồi", chúng tìm cách câu kéo, làm quen, kết bạn… dùng những lời lẽ ngọt ngào phù hợp với tâm lý, đặc điểm lứa tuổi học sinh, sinh viên như thiếu kinh nghiệm, thích thể hiện, tò mò ham cái mới lạ, hoặc dùng mồi nhử lợi ích (mời uống nước, xem phim, nhậu nhẹt, hát hò…) để từng bước tạo lòng tin.

Poster chống ma túy học đường (Ảnh: Internet)

Khi đã có độ "thân thiết", chúng đưa "thuốc" - (chủ yếu là cỏ Mỹ, cần sa, nước vui, tem lưỡi…) mời họ chơi cho "phong độ", "thăng hoa". Đang tuổi mới lớn, bốc đồng thích thể hiện đẳng cấp, ít cháu vượt qua được những khích bác, mời mọc tha thiết của "bạn". Những lần đầu tiên đều là "chiêu đãi" miễn phí. Khi cảm giác "nhớ" thuốc đã xuất hiện (thường chỉ sau 1-2 lần với các loại ma túy tổng hợp), trẻ bắt đầu phải trả tiền thì mới có "thuốc". Nguồn tiền được hướng dẫn lấy của gia đình.

Có thể nói dối là phải đóng các khoản thu của trường, lớp, hoặc trộm cắp tiền, đồ vật có giá trị của nhà mang đến cho chúng. Nếu không có thì phải làm chân bán lẻ "thuốc" cho chính bạn bè trong trường, để "mỡ nó rán nó" - tức có tiền mua ma túy sử dụng.

Để gây nghiện cho học sinh, sinh viên, có nhóm dùng cách pha tẩm ma túy vào các thực phẩm thông dụng, đồ ăn, thức uống, hoặc mời họ sử dụng những chất tưởng như vô hại, kỳ thực đó là loại ma túy mới, như trà sữa, nấm ma thuật, tem giấy, bóng cười, shisha...

Theo Đại úy T., bên cạnh những tác động nguy hiểm từ bọn tội phạm, trên thực tế cũng đã ghi nhận những trường hợp học sinh, sinh viên tự tìm đến ma túy, để giải tỏa tâm lý buồn chán, cô đơn. Đó là những cháu có hoàn cảnh gia đình không thuận lợi cho sự phát triển lành mạnh của nhân cách, như có bố mẹ ly hôn; gia đình bất hoà, có người phạm tội, mồ côi cha mẹ hoặc hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ mải lo làm ăn, bỏ bê con cái...

Giải thích về lý do học sinh, sinh viên nghiện ma túy, Thạc sĩ Nguyễn Cao Cường (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết có 4 sai lầm phổ biến mà giới trẻ thường mắc. Theo ông Cường, có nhiều cháu tin rằng nếu sử dụng ma túy một lần sẽ không nghiện. Sự thực là với các loại ma túy tổng hợp, chỉ cần thử một lần là nhớ, từ đó việc họ tiếp tục sử dụng là điều khó tránh khỏi và ngày càng lệ thuộc vào ma túy.

Hai là, họ tin rằng sử dụng ma túy có thể chữa được bệnh tật, tạo sự khoái cảm, tinh thần thoải mái và có thể quên đi mọi phiền muộn, đau khổ hoặc có thể giảm béo, làm đẹp. Trên thực tế, ma túy hủy hoại nghiêm trọng sức khỏe, nhan sắc của con người và nhiều người đã chết do "sốc thuốc".

Ba là, họ tin rằng sử dụng ma túy tạo đẳng cấp thời thượng cho giới trẻ. Nhận thức này hết sức sai lầm, vì trong con mắt của cộng đồng, một khi đã "bập" vào thứ chết người này, giá trị con người bằng không.

Cuối cùng, do họ kết giao với bạn bè xấu. Đã có quá nhiều ví dụ về việc "gần mực thì đen". Đi cùng đám bạn lười học, ăn chơi đua đòi… không chóng thì chầy cũng sẽ dẫn đến việc bị "nhuộm đen", sa ngã rồi "dính" vào ma túy lúc nào chẳng hay. Vì đặc điểm của tâm lý nhóm đó là cá nhân sẽ buộc phải hành xử theo đòi hỏi của nhóm xã hội mà người đó là thành viên.

Ý thức là bức "tường lửa"

Theo báo cáo của Bộ Công an, tính đến tháng 12-2018, hiện cả nước có 222.582 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, ước tính tỷ lệ sử dụng ma túy tổng hợp chiếm khoảng 60 - 70%  tổng số người nghiện.

Trong 10 năm trở lại đây, Việt Nam đã có thêm khoảng 10 vạn người nghiện, với trên 70% số người nghiện dưới 30 tuổi; khoảng 5% số người sử dụng ma túy dưới 18 tuổi với khoảng 50% (trong số này) là trẻ em dưới 16 tuổi.

Ma túy là tội phạm "gốc", nghiện ma túy không chỉ tàn phá sức khỏe người nghiện, hủy diệt tương lai giống nòi, gây đổ vỡ quan hệ gia đình, đồng thời là nhân tố làm gia tăng tội phạm và nhiều vấn đề xã hội phức tạp khác.

Đã có nhiều cuộc phát động phòng, chống ma túy học đường hiệu quả (Ảnh: Internet).

Bàn luận về giải pháp phòng ngừa ma túy học đường, bà Đào Kim Hoa (Trường THCS Đền Lừ, Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng nhận thức đúng đắn cùng ý thức cảnh giác của học sinh, phụ huynh và giáo viên trước hiểm họa ma túy, chính là "bức tường lửa" đề kháng mọi sự xâm nhập của ma túy vào trường học.

Bà Hoa cho rằng việc cần kíp là phải thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, mời chuyên gia về trường nói chuyện, hoặc đưa vào chương trình giáo dục công dân trong các cấp học nội dung phòng chống ma túy học đường và ngoài xã hội.

Bằng các hình thức tuyên truyền sáng tạo, phong phú, phù hợp với khả năng nhận thức và tâm lý lứa tuổi của học sinh, từng bước giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên về tác hại của ma túy, nhận biết con đường thẩm lậu vào học đường, những biểu hiện của người nghiện, giáo dục học sinh các kỹ năng phòng tránh và xử lý tình huống phát hiện bạn bè sử dụng ma túy.

Bên cạnh đó, cần tăng cường phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong việc giáo dục, quản lý học sinh, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn việc sử dụng ma túy, có biện pháp phù hợp giúp đỡ các cháu trót mắc vào ma túy, để họ có thể cai nghiện và trở lại học tập.

 Đồng tình với quan điểm của bà Hoa, Thạc sĩ Nguyễn Cao Cường nhấn mạnh vai trò của công tác truyền thông trong công tác phòng, chống ma túy học đường. Theo ông, cần sớm ban hành một bộ tài liệu theo dạng cẩm nang phòng chống ma túy dành cho học sinh cùng phụ huynh và giáo viên ở tất cả các cấp học, từ tiểu học đến THPT. 

Để bộ tài liệu thực sự có chất lượng, cần tiến hành những nghiên cứu khoa học về tâm lý của từng lứa tuổi học sinh, tham vấn ý kiến nhận xét, góp ý của các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, truyền thông, công an… Sau khi có đề cương dự thảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tổ chức hội thảo, tiếp tục khảo sát lấy ý kiến đánh giá của học sinh, phụ huynh và giáo viên. 

Khi hoàn thiện tài liệu, cần tổ chức triển khai truyền thông sâu rộng, với các hình thức phù hợp đến các đối tượng tuyên truyền.

Ông Cường cho rằng phương pháp truyền thông phòng, chống ma túy quyết định hiệu quả của công tác này. Nếu chỉ nói "khơi khơi" về quy định của pháp luật hay tác hại của ma túy… e rằng học sinh sẽ "nghe trước quên sau", không thực sự "thẩm thấu" để hình thành sự cảnh giác thường trực trước hiểm họa ma túy.

Khi chưa "mục sở thị" những điều khủng khiếp mà ma túy gây ra trong đời sống, thì những thông điệp mong muốn truyền tải đến học sinh lại được các em tiếp nhận một cách hời hợt, không hiệu quả.

Do đó, cần phải đổi mới cách truyền thông, lấy học sinh làm trung tâm, truyền thông lồng ghép với các hoạt động trò chơi "học mà chơi - chơi mà học".

Ông Cường đề xuất một cách làm gây ấn tượng mạnh, có tác dụng rất tốt trong việc truyền tải thông điệp, đó là dùng phương pháp truyền thông trải nghiệm. Nghĩa là cho học sinh tham gia các buổi ngoại khóa về chủ đề này, mà "báo cáo viên" chính là những người đã từng có quá khứ lầm lỗi, dính vào ma túy và đã cai nghiện thành công, làm lại cuộc đời.

"Trực quan sinh động luôn gây ấn tượng rất mạnh và khó phai mờ trong ký ức mỗi học sinh. Qua trao đổi, nghe kể chuyện đời khốn khó, đầy nước mắt từ chính những người đã từng sử dụng ma túy, từng lệ thuộc vào ma túy, học sinh sẽ hiểu hơn tác hại của ma túy với cuộc đời của mỗi con người. Chỉ khi thực sự cảm thấy sợ hãi, thấy cần phải xa lánh ma túy, thì nhu cầu tự bảo vệ mới thúc đẩy các em chủ động và nghiêm túc tìm hiểu, lĩnh hội các kỹ năng phòng tránh ma túy đã được hướng dẫn tỉ mỉ, cụ thể trong tài liệu. Cách truyền thông này còn góp phần tích cực vào hoạt động xã hội hóa công tác phòng, chống ma túy" - ông Cường tư vấn.

Đào Trung Hiếu
.
.