Ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép ở biên giới Tây Nam

Thứ Hai, 10/08/2020, 21:36
Cả nước đang áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Mặc dù tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia vẫn đang được siết chặt nhưng vì nguồn lợi bất chính, các đối tượng trong nước móc nối với các đối tượng phía Campuchia vẫn tổ chức đưa người qua lại biên giới trái phép.

Đáng chú ý, một số trường hợp người Trung Quốc quá cảnh qua Việt Nam, di chuyển lên biên giới để tìm cách trốn sang Campuchia. Các lực lượng Công an, Biên phòng đang “căng sức” thực hiện nhiệm vụ kép trên tuyến biên giới, vừa đảm bảo ANTT, phòng chống buôn lậu, vừa tập trung công tác phòng, chống dịch COVID-19, ngăn chặn tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép.

Đại tá Đinh Văn Nơi - Giám đốc Công an tỉnh An Giang thăm hỏi, động viên cán bộ chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ tại các chốt phòng, chống dịch COVID-19 trên tuyến biên giới.

Hám lợi mà đưa người trái phép qua biên giới

An Phú là huyện đầu nguồn của tỉnh An Giang, có đường biên giới dài 42,5km, với 2 cửa khẩu chính và 1 cửa khẩu phụ, địa hình đồng ruộng bằng phẳng, nhiều sông, kênh, rạch, đường mòn, lối mở, thuận tiện cho việc qua lại biên giới bằng đường sông và đường bộ. Đây cũng chính là điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép.

Trước tình hình trên, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, Công an huyện An Phú đã phối hợp các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh và Bộ đội Biên phòng phát hiện 11 vụ, liên quan hơn 100 đối tượng, trong đó có 22 người Trung Quốc có hành vi xuất, nhập cảnh hoặc cư trú trái phép trên khu vực biên giới.

Mới đây, sau thời gian mở rộng điều tra, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh An Giang đã ra quyết định khởi tố và tạm giam đối với các đối tượng: Nguyễn Văn Khải (SN 1965, trú tại ấp Hà Bao 2, xã Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang), Đỗ Văn Quên (SN 1986, trú tại xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) và Vann Nath (tên gọi khác Linh, SN 1983, trú tại xã Prek Chray, huyện Koah Thum, tỉnh Kandal, Campuchia) về hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép.

Khoảng đầu tháng 6-2020, sau khi được Nam, Phương (chưa xác định rõ danh tính) bên Campuchia câu móc tham gia đường dây đưa người xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới Việt Nam - Campuchia, Khải và Quên đồng ý. Do không có phương tiện, Quên nói với Nath dùng vỏ lãi để đưa người trái phép qua biên giới thì Nath đồng ý.

Mỗi khi có khách đi Campuchia và về Việt Nam, thì các đối tượng bên Campuchia điện thoại cho Khải, Quên, Nath biết số lượng, thời gian khách đi để Khải liên lạc đón khách và hẹn điểm giao nhận với Quên và Nath. Để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, các đối tượng tổ chức giao, nhận khách vào ban đêm và thường xuyên thay đổi địa điểm dọc theo tuyến biên giới huyện An Phú.

Tối 18-6, sau khi được Nam, Phương điện thoại thông báo có 3 khách nữ sang Campuchia, Khải cùng Quên và Nath tổ chức đón đến khu vực xã Khánh An. Khi Quên và Nath sử dụng vỏ lãi đưa 3 nữ khách qua Campuchia thì bị tổ công tác thuộc Công an huyện An Phú phát hiện bắt giữ. Mở rộng điều tra, Cơ quan công an tiếp tục bắt giữ Nguyễn Văn Khải - là đối tượng trung gian trực tiếp liên lạc tổ chức đưa người trái phép qua biên giới.

Các đối tượng khai nhận, từ giữa tháng 6-2020, đã nhiều lần câu móc với các đối tượng bên Campuchia tổ chức đưa trót lọt nhiều người qua lại Việt Nam - Campuchia trái phép để thu lợi bất chính công từ 250.000đ đến 300.000đ/người. Riêng đối với 3 trường hợp xuất cảnh trái phép, Công an huyện An Phú ra quyết định xử phạt hành chính.

Công an, Bộ đội Biên phòng An Giang tuần tra, kiểm soát trên tuyến biên giới, quyết tâm ngăn chặn tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép.

Theo các trinh sát Công an huyện An Phú, đây là đường dây hoạt động có tổ chức, chuyên nghiệp và có nhiều thủ đoạn đối phó với lực lượng chức năng, các đối tượng liên lạc với nhau qua điện thoại để thống nhất phương thức, thủ đoạn hoạt động và chỉ giao nhận khách vào ban đêm, rồi nhanh chóng rời đi, gây rất nhiều khó khăn trong công tác điều tra, bắt giữ.

Thượng tá Huỳnh Văn Nhở, Phó trưởng Công an huyện An Phú cho biết, thời gian qua tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép có chiều hướng gia tăng một phần là do số lao động tự do từ phía các tỉnh phía Bắc đến địa bàn huyện An Phú tìm cách sang Campuchia trái phép để tìm việc tại phía Campuchia. Hơn nữa đường biên giới giữa Việt Nam và Campuchia chỉ có một con sông nhỏ, khi đối tượng sử dụng một chiếc võ lãi nhỏ chạy qua là tới biên giới, khiến lực lượng chức năng gặp khó khăn trong công tác, đấu tranh, ngăn chặn.

“Ban Chỉ huy Công an huyện trực tiếp và phân công nhiều Tổ công tác phối chặt với công an các xã có đường biên giới, hiệp đồng với bộ đội biên phòng chủ động triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, tăng cường tuần tra kiểm soát nhằm ngăn chặn có hiệu quả tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới” - Thượng tá Nhở chia sẻ.

Song song đó, để đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm nói chung, hành vi tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép nói riêng, đạt hiệu quả, bên cạnh nỗ lực, cố gắng của các ngành, các cấp, rất cần sự chung tay, góp sức của người dân sinh sống trên tuyến biên giới trong việc tuyên truyền giáo dục người thân gia đình không vi phạm pháp luật. Đồng thời, tích cực tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm, góp phần làm trong sạch địa bàn, xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội vùng biên.

Bám biên giới, thực hiện nhiệm vụ kép

Trưa 31-7, tại khu vực mốc 301/1 tỉnh Kiên Giang, Tổ công tác phòng, chống COVID-19 trong lúc canh gác biên giới đã phát hiện 4 phụ nữ đang băng đồng từ phía Campuchia vào địa bàn phường Đông Hồ (TP Hà Tiên). Qua kiểm tra hành chính, cả 4 người không xuất trình được giấy từ chứng minh nơi ở ổn định, xuất cảnh qua biên giới thời điểm nào, tại cửa khẩu nào.

Tiếp tục đấu tranh, 4 phụ nữ trên khai nhận đã lén lút sang Campuchia rồi vào casino làm thuê từ trước tết Nguyên đán Canh Tý. Thời gian này, do ảnh hưởng dịch COVID-19, các cửa khẩu đóng, cấm người qua lại và casino không có khách nên họ lén về Việt Nam nhằm trốn cách ly y tế.

Trước đó, vào rạng sáng 29-7, tổ tuần tra biên phòng thuộc Đồn Biên phòng Xà Lực - Bộ đội Biên phòng Kiên Giang đã phát hiện một tàu cá có dấu hiệu nghi vấn chạy từ hướng Campuchia về đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Tổ công tác phát tín hiệu dừng tàu kiểm tra hành chính, qua đó phát hiện trên tàu có 4 người, trong đó chủ tàu tên Trần Văn Hoàng, người làm cùng tàu tên Lê Văn Thành. Cả 2 là người dân xã Bãi Thơm, huyện Phú Quốc và từng hành nghề lưới ghẹ nhiều năm.

Lực lượng chức năng phát hiện, ngăn chặn 41 người (gồm người lớn và trẻ em), di chuyển bằng 8 thuyền máy, nhập cảnh trái phép từ Campuchia về Việt Nam.

Cùng đi trên tàu có 2 người là: Phạm Văn Trường (SN 1988, quê Ninh Bình) và Trần Thị Linh (SN 2000, quê Thanh Hóa), cả hai mang theo nhiều hành lý, vật dụng. Trường và Linh khai đã sang Campuchia làm ăn, do lúc này có dịch bệnh COVID-19 nên đã thuê một người Campuchia 3 triệu đồng để đưa xuống ghe của ông Hoàng trốn về Việt Nam. Tất cả các trường hợp trên được thực hiện cách ly tập trung theo đúng quy định

Đại úy Nguyễn Mạnh Long, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ, Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng An Giang cho biết, khu vực đồn phụ trách có đường biên giới dài hơn 15km, trong đó có hơn 11km đường sông. Từ khi có dịch COVID-19 xảy ra, để tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát người xuất, nhập cảnh; đồng thời làm tốt công tác phòng, chống buôn lậu, Đồn đã thành lập 20 tổ công tác, với hàng trăm CBCS phân công, tuần tra, túc trực 24/24 trên tuyến biên giới.

Ngoài những trường hợp xuất, nhập cảnh trái phép có tổ chức, thu lợi bất chính thì cũng có những trường hợp do hoàn cảnh khó khăn và thiếu hiểu biết về pháp luật nên đã có hành vi vi phạm. Điển hình, ngày 31-7, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng An Giang phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương phát hiện, ngăn chặn 41 người (gồm người lớn và trẻ em), di chuyển bằng 8 thuyền máy, nhập cảnh trái phép từ Campuchia về Việt Nam. 7 hộ gia đình với 20 người lớn, 21 trẻ em, sống tại tỉnh Siem Reap và tỉnh Pur Sát, Campuchia.

Do hoàn cảnh sống khó khăn nên có ý định trốn về Việt Nam sinh sống tại tỉnh Đồng Tháp và Tây Ninh. Tất cả đều không có giấy tờ hợp pháp, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc Việt Nam. Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương đã tiến hành lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xuất, nhập cảnh trái phép bằng hình thức cảnh cáo đối với 14 đối tượng là chủ hộ gia đình, cho làm cam kết không tái phạm.

Sau khi được lực lượng chức năng tuyên truyền vận động quay trở lại Campuchia tiếp tục làm ăn, sinh sống, không quay lại Việt Nam, nhất là trong thời gian dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, tất cả số người nhập cảnh trái phép đã quay trở lại Campuchia. Trước hoàn cảnh khó khăn của các hộ gia đình, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương đã tặng mì tôm, nước suối, nhiên liệu trong quá trình trở lại Campuchia sinh sống.

Từ đầu mùa dịch đến nay, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương đã tiếp nhận cách ly 368 người; phát hiện bắt giữ 9 vụ với 68 trường hợp nhập cảnh trái phép; phạt tiền 5 vụ với 7 đối tượng; phạt cảnh cáo 30 đối tượng; giáo dục bàn giao về Campuchia 2 vụ đối với 9 hộ gia đình với 53 trường hợp; đưa cách ly tập trung 15 trường hợp theo quy định.

Đại tá Lý Kế Tùng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng An Giang cho biết, toàn tuyến biên giới An Giang hiện có hàng trăm chốt biên phòng, với khoảng một ngàn CBCS túc trực ngày đêm phối hợp cùng lực lượng Công an thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 và ngăn chặn tình trạng xuất cảnh trái phép.

“Khi phát hiện, bắt giữ, các đối tượng người nước ngoài quanh co chối tội, không thừa nhận hành vi phạm tội. Đáng chú ý, một số khác xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới để buôn lậu, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Việc các đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch” - Đại tá Lý Kế Tùng thông tin và cho biết các lực lượng chức năng ngoài áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, tuần tra, kiểm soát, song song đó đã và đang thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân biên giới không giúp sức, hỗ trợ và phát hiện, tố giác các đối tượng có biểu hiện xuất, nhập cảnh trái phép, buôn lậu qua biên giới.

Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang cho biết: “Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai tấn công, trấn áp các loại tội phạm trên địa bàn. Trong đó, công an toàn tỉnh luôn quan tâm các loại tội phạm xuyên quốc gia như tội phạm ma túy, buôn lậu và các loại tội phạm khác có liên quan đến tình hình qua biên giới, mà đặc biệt nhất là tội phạm có tổ chức đưa người trái phép qua biên giới.

Đây là một trong những nhiệm vụ mà Công an An Giang sẽ tập trung đấu tranh, xử lý, ngăn chặn triệt để, để góp phần cùng cả nước làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhất là trên tuyến biên giới”.

Tính từ giữa tháng 3 đến nay, lực lượng Biên phòng tỉnh An Giang đã phát hiện 214 vụ với 392 người xuất cảnh, nhập cảnh trái phép qua các đường mòn, lối mở; đã xử lý phạt tiền 124 người, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 284 triệu đồng; cảnh cáo và giáo dục 268 người; phối hợp với các địa phương đưa đi cách ly tập trung 315 người; yêu cầu quay trở lại nơi nhập cảnh 77 người.

Đỉnh điểm, chỉ trong 2 ngày (15 và 16-7), lực lượng Biên phòng An Giang đã phát hiện, ngăn chặn 4 vụ xuất, nhập cảnh trái phép với 18 đối tượng liên quan, trong đó có 7 đối tượng mang quốc tịch Trung Quốc. Đây đều là những người định nhập cảnh vào Việt Nam nhưng không muốn cách ly theo quy định phòng, chống dịch của cơ quan chức năng nên thuê người dẫn đường nhập cảnh trái phép.

Trần Lĩnh
.
.