Cặp đôi trong "Điều ước thứ 7": Ngày vui ngắn chẳng tày gang…

Thứ Ba, 16/12/2014, 08:40
Chị được khán giả cả nước biết đến nhiều khi Đài Truyền hình VTV tổ chức đám cưới trong Chương trình "Điều ước thứ 7". Lễ cưới hôm đó ghi hình một chú rể trẻ trung, sức vóc - Văn Vượng - bế trên tay cô dâu ốm liệt, tật bệnh làm cho biến đổi hình hài - Châu Loan - mặc áo trắng tinh khôi, tay cầm bó hoa tươi. Cô dâu bị suy thận nặng nên không thể đi lại và làm những việc cá nhân, chú rể đã tình nguyện làm hết.

Từ khi quen nhau, chị đã phải chạy thận một tuần 3 lần, nhưng anh vẫn yêu, vẫn muốn bù đắp cho chị. Năm 2008, anh chị thuê nhà sống với nhau, tất cả tiền được đổ vào để chữa bệnh cho Loan, nên bao nhiêu năm họ không thể có một đám cưới. Tháng 4 năm nay, Đài Truyền hình VTV đã tổ chức đám cưới cho họ. Người ta đã nghĩ rằng đây là một cái kết có hậu, một minh chứng của tình yêu. Nhưng rồi, cuộc đời không ai học được chữ ngờ, anh ấy đã ra đi.

Tại Phòng Cấp cứu, tầng 3, Khoa Nội 2, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, người phụ nữ tên Châu Loan những ngày vừa qua là tâm điểm của bệnh viện. Chị là minh chứng hùng hồn rằng trên đời này tình yêu lãng mạn không phải chỉ có trong những câu chuyện cổ tích, và cũng là nhân chứng sống về khổ đau, bất hạnh đọa đày của phận người. Những ngày này, ngoài người thân trong gia đình, còn có một vài độc giả, sau khi đọc thông tin trên báo, họ đến thăm chị, an ủi chị, một người bệnh mà cuộc sống chỉ được tính đến bằng ngày. Vậy mà ngay cả những ngày này cũng chẳng được bình yên. Ngoài nỗi đau bệnh tật giầy vò, còn một nỗi đau khác quá lớn đổ ập xuống hình hài chỉ còn da bọc xương. Tận cùng của khổ đau. Tận cùng của xót xa. Tận cùng của mất mát. Không ngôn từ nào có thể diễn tả đầy đủ được.

Những ngày cuối tháng 11, trời chiều cuối thu buồn man mác. Ở bệnh viện các buổi chiều lại càng trở nên buồn hơn. Bóng tối dần buông. Ở đây, nơi có bệnh nhân sự sống và cái chết chỉ mong manh trong gang tấc. Mùi bệnh nhân, thuốc sát trùng, và những thứ mùi đặc trưng khác mà người ta gộp chung lại là mùi của bệnh viện. Chẳng ai muốn đặt chân đến nơi này chỉ trừ bác sĩ và bệnh nhân. Vậy mà chị đã quá quen với cái mùi không thể chịu nổi ấy từ lâu rồi. 11 năm. Với chị, khoảnh khắc hạnh phúc ngọt ngào sâu lắng nhất hay khổ đau mất mát đến tận cùng đều gắn liền với bệnh viện, với cái mùi mà chả ai muốn gần. Ô cửa nhỏ  tầng 3, Khoa Nội 2, chị thân hình ốm yếu, ngồi dựa vào tường, uể oải mở mắt. Nếu nhìn chị không ai có thể đoán được chị bao nhiêu tuổi, bệnh tật đã phá hủy hoàn toàn dung nhan. Chỉ còn lại một linh hồn sống trong một cơ thể héo mòn.

Ảnh đám cưới của Văn Vượng - Châu Loan.

Đã nhiều tháng nay, Châu Loan nằm viện, ngày nào cũng phải lọc máu 4 tiếng đồng hồ. Bệnh suy thận ngày một nặng hơn với đủ biến chứng, suy tim, thân hình ngày càng teo tóp, xương trở nên giòn, dễ vỡ. Người phụ nữ tuổi 37, nặng 28 kg. Bệnh của chị không được cõng mà phải bế. Khi bế cũng phải có kỹ thuật. Điều này chẳng ai có thể làm được ngoại trừ anh Văn Vượng, chồng chị. Ngày nào cũng như ngày nào, sau khi mang cơm đến cho vợ, vệ sinh cá nhân cho vợ xong, anh lại tranh thủ ra đường làm mấy cuốc xe ôm.  Tranh thủ làm xong  còn vào viện với vợ. Trong lúc chờ khách, anh tranh thủ nhắn tin cho vợ, để cả hai yên tâm về nhau. Những dòng tin nhắn như lời động viên an ủi ngọt ngào nâng giấc tinh thần cho cả hai để họ có động lực sống.

Chị Loan sau khi anh Vượng mất.

Vợ anh - Châu Loan - người phụ nữ hơn anh 3 tuổi. Chị tuổi Đinh Tỵ sinh năm 1977. Anh tuổi Canh Thân, sinh năm 1980. Chị là con gái của thôn Hạc Sơn, xã Châu Sơn, huyện Ba Vì. Anh là trai sinh ra lớn lên giữa lòng thủ đô. Nhà ở khu phố sầm uất bậc nhất Hà Thành - phố Huế. Họ gặp nhau rồi tình yêu nảy nở. Anh nhắn tin cho chị tỏ tình, không giống như bao đôi trai gái khác thường thấy: "Anh yêu em. Em có yêu anh không?" mà là: "Em nhận lời làm vợ anh nhé". Thật quá đột ngột, chị vẫn tưởng đây là giấc mơ. Chị ốm đau bệnh tật vậy mà anh vẫn yêu. Nhưng không, đó là sự thật, đáp lại tình yêu chân thành cuồng nhiệt ấy, chị xúc động hạnh phúc nhận lời anh.

Ngày mới quen anh, chị bị suy thận nhưng vẫn có thể đi lại bằng xe máy. Một năm sau, sức khỏe chị suy yếu không thể dắt nổi xe máy, chị đi xe đạp điện. Bệnh tình khiến chị ngày một yếu đi, xe đạp điện cũng không sử dụng được nữa, từ đó, đi đâu, Vượng cũng đưa Loan đi. Bệnh suy thận biến chứng, xương bắt đầu lún dần, người chị nhỏ bé, đến ngồi cũng không vững. Vượng để vợ dựa vào mình đằng sau xe máy, dùng dây bảo hiểm dành cho trẻ con cột Loan vào người mình kẻo những lúc anh tránh đường hay phanh gấp sợ vợ rơi xuống đất. Con đường từ ngôi nhà thuê trọ ở làng Đình Thôn, Nam Từ Liêm, Hà Nội đến bệnh viện dài 15 km, đều là Vượng đưa đón. Khi Loan không thể đi được, Vượng bế Loan trên tay, sau lưng anh khoác ba lô với lỉnh kỉnh đồ đạc dành cho một bệnh nhân. Anh ân cần chăm sóc vợ, không nề hà bất kỳ một điều gì. Nhiều người nhìn hai vợ chồng khen: "Đời nay mà còn có người đàn ông như thế này thì đúng là hiếm có!". Một tuần 3 lần như vậy, anh luôn bên chị, đưa đón, tận tình chăm sóc chị.

Tổ ấm nhỏ bé của anh chị đủ kê một chiếc giường. Loan tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân. Học xong ra trường đi làm được mấy tháng thì mắc bệnh. Là con út trong gia đình có 5 anh chị em. Bố là giáo viên cấp 2, mẹ là giáo viên cấp 1. Gia đình Loan có truyền thống hiếu học, nhưng cái nghèo đói luôn đeo bám. Khi Loan ốm, cha mẹ phải ăn dè hà tiện, gom góp vay mượn từng đồng để đưa Loan đi chạy chữa. Bệnh này, bao nhiêu tiền cũng như muối bỏ bể. Anh chị em trong nhà muốn hiến thận cho Loan, nhưng một ca ghép thận, chi phí tốn kém, gia đình không thể thực hiện được. Loan đành chung thân với quả thận hỏng.

Tổ ấm nhỏ đi thuê của hai vợ chồng.

Rồi tình yêu đến thật bất ngờ. Những ngày đó, Loan nhận việc kế toán về làm thêm tại nhà. Vượng, chồng chị là con trai duy nhất trong gia đình có 4 chị em. Ba chị em gái đã đi lấy chồng, mẹ anh bị bệnh cao huyết áp, đau yếu luôn. Mẹ anh yêu thương con dâu. Khi bà chưa bị huyết áp, tiểu đường thỉnh thoảng bà đến thăm con dâu, còn nấu những món ăn ngon bảo con trai mang về cho vợ.

Chiều hôm đó, như bao buổi chiều khác, anh mang cơm đến cho chị. Nhưng đó là buổi chiều oan nghiệt, mồng 9/11. Lo cho chị xong, anh lại tranh thủ chạy xe kiếm tiền trang trải cuộc sống và thuốc thang cho vợ. Trước khi anh đi, chị cất giọng yếu ớt bảo nhỏ với anh: "Trời đang mưa đấy, anh mặc áo mưa vào kẻo nhiễm lạnh, anh nhé". Anh quay sang chị âu yếm: "Anh ốm sao được, còn phải khỏe để chăm em nữa chứ". Rồi anh bảo với chị một câu quen thuộc: "Anh đi đây". Không ngờ đấy cũng là câu nói cuối cùng của anh với chị. Anh đã đi, xa lắm, xa mãi, không bao giờ có thể quay trở về. Như có linh tính, hơn một giờ sau khi anh rời đi, hằng ngày cứ chốc chốc là máy điện thoại lại rung lên tin nhắn của anh. Vậy mà mấy giờ đồng hồ, máy không báo tin gì, chị gọi đi, đầu dây bên kia không thấy tín hiệu. Lòng chị cồn cào, bất an. Cả đêm đấy anh không về, cả nhà cuống cuồng đi báo công an.

Hằng ngày anh Vượng chở chị Loan đi chạy thận.

Ba hôm sau, công an gọi điện báo cho Loan, thi thể của anh Vượng được tìm thấy ở dưới hồ quận Hoàng Mai, Hà Nội khi vớt lên đầu còn đội mũ bảo hiểm, mặc áo len, khoác áo mưa, trong túi vẫn còn điện thoại di động, trên đó còn có dòng tin mà khôi phục lại chính từ số máy của Loan nhắn cho anh: "Anh đang ở đâu đấy?". Chỉ có chiếc xe máy là biến mất.

Nghe tin dữ, bệnh tình của chị càng trở nên trầm trọng, chị nằm như con chim chờ chết, không thiết ăn uống, nói năng. Nhiều ngày phải thở oxy. Đám tang anh, chị không thể có mặt. Những câu thơ của anh khi còn sống làm tặng chị vang lên: “…Sống hy vọng đi em/ Cuộc đời này thật đẹp/ Dù bầu trời đen tối/ Vẫn có sao sáng ngời/ Mãi hy vọng đi em/ Dù em mang tật bệnh/ Đời vẫn công bằng lắm/ Đâu chết được em yêu/ Anh vẫn mãi yêu em/ Như buổi đầu gặp gỡ…”. Trước đây chị đã nghĩ bệnh tật là dấu chấm hết cho cuộc đời, nhưng từ ngày gặp anh, cuộc đời chị như rẽ sang một trang khác. Mặc dù bị bệnh tật giày vò, nhưng tình yêu của anh nâng giấc, để chị hy vọng vào phép nhiệm mầu, an tâm sống tiếp. Chị dựa vào anh, một bờ vai vững chắc, một tình yêu chung thủy, một niềm tin tuyệt đối. Và, bây giờ, anh đã không còn nữa, chị mất phương hướng, không thể nghĩ được gì. Chị đổ sập như một cái xác vô hồn.

Mấy ngày này, chị đã gắng gượng, một số người biết được hoàn cảnh của chị, họ đến thăm chị, họ mang những bông hoa màu tím, tượng trưng cho tình yêu thủy chung, son sắc của anh chị. Trước đây, chị vẫn thường làm thơ. Những bài thơ dạt dào xúc cảm được đăng ở nhiều báo. Số tiền nhuận bút thơ chẳng đáng là bao nhưng được in khiến anh chị rất vui. Họ cứ thế, sống động viên nhau bằng những câu thơ. Những câu thơ như là phương pháp vật lý trị liệu tâm hồn hữu hiệu nhất. Đây là một bài thơ nhan đề "Ánh sáng đời em" chị viết cho anh với tình yêu thương chan chứa vô bờ: “Đi gần hết quãng đời tăm tối/ Chợt lóe lên ánh sáng cuối đường hầm/ Ánh sáng của tình yêu và hy vọng/ Anh là ánh sáng của đời em/ Lăn lộn giữa cái trắng và đen/ Dẫu có lúc em không nhìn thấy anh trong đó/ Thì xin anh cũng đừng trách cứ/ Bởi thực hư đâu có được rõ ràng/ Trái tim băng giá của em đã tan ra/ Khi ngọn lửa tình yêu anh dữ dội/ Em hòa mình trong muôn trùng sóng vỗ/ Mênh mông biển cả tình yêu/ Những ngày này sẽ kéo dài bao nhiêu/ Khi cuộc đời em sắp hết/ Duy chỉ có một tình yêu không có hồi kết thúc/ Như bao la trời đất khôn cùng/ Viết cho anh trong một đêm đông/ Mà ấm lòng khi xa cách/ Ngủ nhé anh ơi đừng thức giấc/ Mơ hồng những giấc mơ say”.

Giờ chị kiệt quệ cả tinh thần và thể xác. Đôi môi khô mấp máy: "Chị sinh tháng 5. Những năm trước cứ đến ngày sinh của chị, anh bồng chị lên xe, sau khi cột chặt chị lại với anh, anh làm xe ôm nên để ý phố nào nhiều hoa phượng và bằng lăng nở vào tháng 5 nhiều nhất, anh đưa chị đến những con phố đó để ngắm hoa. Tháng 2 sinh nhật anh, anh để chị ngồi cột lại sau lưng anh đi chơi khắp thậm chí đi 70 km về cả quê vợ. Anh bảo đi xa cho có kỷ niệm để nhớ mãi. Đi một đoạn thấy vợ mệt lại nghỉ một lúc rồi lên xe máy chạy tiếp. Năm nay không còn có anh nữa rồi…".

Chị ngồi lặng đi…Những người xung quanh không ai nói được câu gì, chỉ lặng lẽ nhìn nhau, hoặc cố gắng an ủi: "Chị nghỉ đi nhé, đừng nghĩ ngợi gì nhiều". Dù biết, làm sao mà không nghĩ được kia chứ!

Mỹ Trân
.
.