Nghề báo và tác nghiệp điểm nóng

Thứ Ba, 25/06/2019, 10:13
Giữa không gian yên bình của làng quê, những âm thanh gầm rít của phanh xe xé toạc đêm tối. Xe bọc thép, các tay súng bắn tỉa, chó nghiệp vụ… sẵn sàng tấn công. Phía bên kia là súng, lựu đạn, là dao… và những tên tội phạm ma tuý cùng đường đang chống trả quyết liệt.

Giữa không khí căng thẳng tột cùng ấy, một nữ chiến sỹ tay lăm lăm máy ảnh, sẵn sàng ghi lại những hình ảnh chân thực nhất của cuộc chiến đấu khốc liệt.

Những thời khắc nghẹt thở

Đó là một tình huống vô cùng đặc biệt mà Thiếu tá Hoàng Thị Xuân Lý, Phó trưởng Phòng công tác Đảng và công tác Chính trị (PX03), Công an tỉnh Hà Tĩnh trải qua khi cùng đồng đội bắt tội phạm ma tuý có vũ khí vào ngày 15-2-2019. Chiếc áo giáp nặng trịch đồng đội đưa cho đã giúp chị thêm vững lòng ôm máy ảnh bước vào “trận địa”.

Tối 15-2, nhận thông tin hàng trăm CBCS và lãnh đạo Công an tỉnh đang truy bắt nhóm đối tượng buôn bán ma tuý cùng vũ khí nóng, Thiếu tá Hoàng Thị Xuân Lý cùng Trung tá Dương Ngọc Hùng, Đội trưởng Đội tuyên truyền và Thiếu tá Trần Anh Tiến - Đội trưởng Đội văn nghệ làm nhiệm vụ vận động đối tượng ngay lập tức lên đường. Hiện trường căng thẳng nhất chính là nơi đối tượng Nguyễn Thành Trung đang cố thủ trên xe ôtô cùng súng, lựu đạn tại ngã tư đường liên xã Sơn Lâm – Sơn Giang, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh.

Trong lúc bị lực lượng Công an truy đuổi, nhóm đối tượng đã điều khiển hai xe ôtô (một xe bán tải và một xe Fortuner) chạy tốc độ cao, đến khu vực này thì xe bán tải bị lao xuống ruộng. Lái xe Fortuner bỏ lại xe tẩu thoát.

Thiếu tá Hoàng Thị Xuân Lý cùng Trung tá Dương Ngọc Hùng, Trần Anh Tiến mặc áo chống đạn trong cuộc vây bắt đối tượng Nguyễn Thành Trung.

Ngay lập tức, hàng trăm chiến sỹ cảnh sát đã được điều động, phong tỏa tất cả tuyến đường liên thôn, liên xã gồm: Sơn Giang, Sơn Quang, Sơn Lâm, thị trấn Phố Châu để tổ chức vây bắt nhóm đối tượng. Qua nắm tình hình, các trinh sát được biết 2 đối tượng ngồi trên xe bán tải có vũ khí nóng như súng, lựu đạn, dao các loại. Để đảm bảo an toàn, lực lượng công an đã cho di tán một số người dân nhà gần khu vực nhóm đối tượng đang cố thủ.

Một đối tượng đã đầu hàng, còn đối tượng Nguyễn Thành Trung (SN 1985, trú tại thị trấn Sơn Tây, huyện Hương Sơn) cố thủ trong xe ôtô. Bị bao vây, đối tượng Trung chống trả quyết liệt. Mặc dù các lực lượng vận động thuyết phục để mở con đường sống cho đối tượng, nhưng, 4 tiếng đã trôi qua…

Thiếu tá Hoàng Thị Xuân Lý nhớ lại: “Lúc này, mọi thứ “căng như dây đàn”, tất cả đã vào vị trí, sẵn sàng vào trận. Khi mẹ và dì ruột của đối tượng Nguyễn Thành Trung trực tiếp ra hiện trường vận động con buông vũ khí nhưng bất lực vì Trung tuyên bố sẽ tử thủ đến cùng, các trinh sát đã tính đến phương án cuối cùng là: nếu Trung nổ súng hoặc ném lựu đạn thì sẽ tiêu diệt nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và lực lượng tham gia truy bắt.

Các tay súng bắn tỉa với khẩu 750 S1M2 cực kì chính xác đã vào vị trí. Lúc đó, trời nhá nhem tối, hệ thống ánh sáng đã được chuẩn bị. Chúng tôi, những phóng viên được trao cho áo chống đạn. Lần đầu tiên mặc áo giáp tác nghiệp, tôi thực sự hồi hộp và cầu mong mọi điều tốt đẹp. Khi súng của đồng đội đã lên nòng, trên tay tôi máy ảnh cũng ở chế độ sẵn sàng chụp.

Nếu đứng ở xa thì khó có thể có được hình ảnh chi tiết rõ ràng. Tôi đánh liều tìm vị trí thuận lợi nhất để ghi lại giây phút cân não của đồng đội và đối tượng. Tất cả đều hồi hộp chờ đợi. Với bản lĩnh, sự dũng cảm, mưu trí của đồng chí chỉ huy trận đánh cùng sự phối hợp nhịp nhàng của đồng đội, cuối cùng đối tượng hung hãn đã bị khuất phục. Nguyễn Thành Trung bước ra khỏi chiếc xe ôtô nằm dưới bờ ruộng, xoay người hạ súng, bịt quả lựu đạn đã tháo kíp nổ…

Tất cả những hình ảnh đó đã được chúng tôi ghi lại. Cùng đồng đội trên trận tuyến khốc liệt ấy, chúng tôi thấu cảm và chia sẻ hiểm nguy với những đồng đội của chúng tôi, những người lính đấu tranh phòng chống ma túy trên tuyến biên giới Việt – Lào”.

Năm 2004, Thiếu tá Hoàng Xuân Lý tốt nghiệp Phân viện Báo chí và Tuyên truyền và được nhận nhiệm vụ làm công tác tuyên truyền tại Công an tỉnh Hà Tĩnh. Được làm công việc đúng chuyên ngành đã học, chị còn cảm thấy may mắn và vinh dự hơn khi được là chiến sỹ Công an nhân dân. Chị thoả sức viết với niềm đam mê về những chiến sỹ công an, về công việc, chiến công và sự hy sinh thầm lặng của họ.

Chị bảo, 15 năm trong ngành cũng là 15 năm trong nghề cầm bút, cầm máy đã cho chị những kỷ niệm không bao giờ quên. Nhìn lại những bức ảnh, những thước phim, bài viết về đồng đội, chị thấy tuổi trẻ, khát vọng, đam mê và tâm huyết của mình trong đó.

Hà Tĩnh là vùng đất chịu thiên tai khắc nghiệt, mưa, bão thường xuyên. Có lệnh, những chiến sỹ công an làm nhiệm vụ tuyên truyền ngay lập tức lên đường. Trong bất cứ hoàn cảnh nào họ cũng dành quyết tâm cao nhất để có những hình ảnh, thước phim chân thực nhất về người chiến sĩ Công an đến với  nhân dân vùng rốn lũ, nơi tâm bão. Những năm gần đây, sau sự cố môi trường biển năm 2016, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra, những chiến sỹ tuyên truyền cùng với các đơn vị chức năng của Công an Hà Tĩnh có mặt đầu tiên nơi “điểm nóng”.

Chính những giây phút lăn xả ấy, chân dung những đối tượng cầm đầu, kích động biểu tình được ghi lại. Đó cũng là minh chứng chính xác, góp phần cùng đồng đội vạch trần bộ mặt những đối tượng chủ mưu lợi dụng danh nghĩa “dân chủ”, “nhân quyền”, “vì môi trường” gây rối an ninh trật tự, gây bất hòa trong mối đoàn kết lương giáo, đưa ra xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Bắt ma túy ở Tà Dê – Lũng Xá

Từ ngày 27 đến 30-6- 2018, chuyên án “đình đám” của Công an tỉnh Sơn La và các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an tại bản Tà Dê và Lũng Xá ở xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La ghi dấu ấn đặc biệt. Lực lượng Công an đã tiêu diệt 2 đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm về ma túy là Nguyễn Thanh Tuân, Nguyễn Văn Thuận, bắt sống 3 đối tượng; thu giữ 49 khẩu súng các loại (AK, AR15, K54, K59, Colt...); 17 quả lựu đạn; hơn 7.000 viên đạn các loại, 31 hộp tiếp đạn (có đạn); 29 ống giảm thanh, ống ngắm; 3 ống nhòm, nhiều vỏ đạn các loại; 11 can xăng, dầu loại 20-30 lít; 23 bình ga loại 13kg, 34,9kg…

Thống kê những con số trên để thấy mức độ nguy hiểm của tội phạm ma tuý ở điểm nóng này. Đây là hai chuyên án mang ý nghĩa vô cùng lớn, chuyển hoá căn bản địa bàn phức tạp về tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý ở tỉnh Sơn La nói riêng, trên tuyến Tây Bắc nói chung.

Và, được tham gia cùng các cán bộ chiến sỹ trong chuyên án, ghi lại cuộc đấu tranh không khoan nhượng trước tội phạm ma tuý là vinh dự và kỷ niệm không thể quên đối với Trung tá Nguyễn Minh Phong, Đội trưởng Đội tuyên truyền, Phòng Công tác Đảng và công tác Chính trị, Công an tỉnh Sơn La cùng các đồng đội.

Đồng chí Nguyễn Minh Phong (phải) cùng đồng đội đã có nhiều tác phẩm báo chí phản ánh chân thực hoạt động đấu tranh chống tội phạm của lực lượng Công an tại Sơn La.

Trung tá Nguyễn Minh Phong nhớ lại: “Trước khi chuyên án diễn ra, tất cả đều có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Nhóm phóng viên được giao nhiệm vụ chuẩn bị loa đài để kêu gọi đối tượng ra đầu thú. Máy quay, flycam, điện thoại… nạp đầy pin, sẵn sàng chờ lệnh lên đường. Tuy nhiên, sau đó vì tôi là nữ nên các thủ trưởng không cho vào trận mà cử 2 phóng viên nam tiếp cận “trận địa” là Thiếu tá Nguyễn Văn Hùng và Trung uý Hoàng Trung Hiếu.

Các lực lượng xuất quân từ ngày 24-6 mà đến ngày 26-6, trận đánh mới diễn ra. Tôi ngóng tin từng giờ, từng phút, vô cùng sốt ruột. Đến ngày 27, trận đánh kết thúc. Vì lý do nghiệp vụ nên phóng viên ngoài ngành không được cung cấp thông tin về trận đánh trong thời điểm đó. Tôi nhận nhiệm vụ thu thập thông tin chính xác nhất để cung cấp cho báo chí và làm công tác tuyên truyền”.

Cán bộ chiến sỹ tham gia chuyên án đang rất mệt sau mấy ngày đêm chiến đấu nên Trung tá Nguyễn Minh Phong đã phải chạy ngược xuôi thu thập từng mẩu tin, từng chi tiết để chắp mối lại, vẽ lại tổng thể chuyên án đặc biệt ấy qua bài báo, làm sao làm nổi bật được chiến công và sự hiểm nguy mà lực lượng công an phải gánh chịu trong cuộc chiến khốc liệt chống tội phạm ma tuý.

Các tờ báo có cuộc cạnh tranh thông tin nên những ngày đó, điện thoại của chị nóng ran. Những chi tiết “đắt” như flycam bị mắc trên ngọn cây, Thiếu tá Hùng phải trèo lên lấy trong lúc đạn bay vèo vèo đã trở thành kỷ niệm không thể quên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền của các phóng viên PX03, Công an tỉnh Sơn La.

Trung tá Phong nhớ lại: “Ngay sau đó chúng tôi được cử vào quay cảnh thu dọn chiến trường. Mùi thuốc súng, mùi khét vẫn còn nồng nặc không gian. Chứng kiến nhiều lựu đạn, súng, đạn, bình ga… ở trong ngôi nhà đối tượng khi mà đống lửa vẫn chưa lụi hẳn, tôi rùng mình. May mắn thay, đồng đội của tôi và nhân dân địa phương đều được an toàn”.

Sau đó, những thước phim của Thiếu tá Hùng và Trung uý Hiếu đã được phát đi trên các đài truyền hình. Những tư liệu thu thập từ hiện trường và trực tiếp người đánh án của Trung tá Phong đã tung ra trên khắp các mặt báo. Hình ảnh các CBCS tham gia chuyên án giữa hiểm nguy có sức lan tỏa rất lớn.

18 năm làm tuyên truyền, Trung tá Nguyễn Minh Phong không nhớ đã đến bao bản làng vùng sâu, vùng xa của tỉnh Sơn La. Mỗi chuyến đi là một lần để lại dấu ấn trong cuộc đời làm phóng viên của chị. Khi là nỗi trăn trở trước những số phận éo le, nghèo khổ của người dân, lúc cảm động trước tình cảm quân dân của những người lính biên phòng với bà con ở vùng biên giới.

Chuyến công tác đầu tiên khi chập chững vào nghề là chuyến đi vất vả nhất khi vào xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp. Đường mưa, trơn trượt, lại khoác trĩu lưng đồ tặng bà con, chị phải vượt qua 40km bằng đôi chân trần. Nhưng khi đến nơi thì mọi mệt nhọc tan biến khi bà con thể hiện tình cảm gắn bó với người chiến sỹ CAND.

Gần đây nhất, chuyến công tác trong tháng 5 vào bản Noong Phụ của xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp để làm phóng sự về lớp xoá mù của anh bộ đội biên phòng cũng đầy gian nan bởi khoảng cách địa lý và khó khăn về giao thông. Đêm lạnh, không nước tắm rửa, không điện, không sóng di động… Những chuyến đi như thế đã cho chị nhiều chất liệu quý giá, phản ánh đời sống xã hội của đồng bào một cách chân thực nhất.

Trên mọi miền đất nước, cuộc đấu tranh chống tội phạm, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân của lực lượng Công an đã được các nhà báo mang sắc phục công an ghi lại và chuyển tải qua những thước phim, những bài báo, đặc biệt là phản ánh sâu đậm trên các ấn phẩm của Báo Công an nhân dân, Truyền hình ANTV, báo, đài địa phương. Qua đó, nhân dân phần nào hiểu được công việc của CBCS Công an, tích cực đóng góp cho phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Các nhà báo chiến sỹ Công an đã góp một phần công sức để có được sự bình yên cho mỗi địa bàn.

Khó mà ghi lại hết những kỷ niệm của các nhà báo PX03 với đồng đội trong cuộc chiến đấu phòng chống tội phạm, nhất là trên trận tuyến đấu tranh với tội phạm ma túy nóng bỏng và quyết liệt. Họ chia sẻ, trên hành trình bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn hạnh phúc, bình yên cho nhân dân, những người lính Công an nhân dân đã phải hy sinh rất nhiều cuộc sống riêng tư, mồ hôi, nước mắt, thậm chí là chính tính mạng của mình.

“Dẫu có nhiều bức ảnh quý, bài viết đến với công chúng, nhưng dường như chừng ấy chưa đủ với sự hy sinh thầm lặng của đồng đội của chúng tôi” – Thiếu tá Hoàng Thị Xuân Lý tâm sự.          

Trò chuyện với nhiều nhà báo chiến sỹ PX03 – những nhà báo không thẻ ở nhiều tỉnh thành, tôi cảm nhận ở họ sự đam mê với con chữ, nhiệt huyết trước mỗi chiến công của đồng đội. Hơn hết, tình yêu nghề đã làm nên thương hiệu của các nhà báo mang sắc phục xanh. Như Thiếu tá Hoàng Thị Xuân Lý tâm sự đến dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, kể lại kỷ niệm về nghề mà cứ thấy rưng rưng. Và Trung tá Nguyễn Minh Phong cũng vậy, chị bảo, chị vinh dự khi được nói về nghề viết. Bởi, các chị hạnh phúc khi được là người chiến sỹ cầm bút. 

Việt Hà
.
.