Nghề “lai dắt” ở phố Tây
- Phá đường dây cung cấp cần sa cho Phố Tây ở Sài Gòn
- "Phù thủy" pha chế heroin ở khu phố Tây sa lưới
- Chấn chỉnh hoạt động kinh doanh “bóng cười” ở “phố Tây”
Trở lại điểm hẹn
Sau hơn một tháng tạm ngưng các dịch vụ bar, vũ trường, karaoke để phòng tránh dịch COVID-19, ngày 19-3, TP Hồ Chí Minh đã cho phép hoạt động trở lại các dịch vụ kinh doanh này. Như “chim sổ lồng”, các nam thanh nữ tú lại được dịp “quẩy” tưng bừng xuyên đêm trên con phố đi bộ nổi tiếng Bùi Viện (P. Phạm Ngũ Lão, Q.1).
22h Chủ nhật, chúng tôi có mặt tại công viên 23-9 để gặp Mai Quốc Tùng (Tùng “xẻo”) theo lịch hẹn từ trước. Tùng 23 tuổi và có tới 5 năm kinh nghiệm bụi đường, chợ trời. Từ ngày có phố đi bộ Bùi Viện, Tùng bỏ hẳn việc dẫn mối khách Tây ở chợ Bến Thành để chuyển sang nghề “lai dắt” khách sạn, nhà hàng. Vốn tiếng Anh lưu loát cộng với các chiêu trò ma ranh có sẵn trong người, Tùng được đàn em trong nghề nể trọng. Cánh vào nghề sau đều phải quy phục dưới trướng của Tùng, nhờ Tùng chỉ giáo cho chiêu bài làm ăn. Vì thế, mỗi phi vụ thành công, họ phải nộp cho Tùng tiền “nước đầu” (một nửa hoa hồng). Biệt danh Tùng “xẻo” cũng từ đó mà ra.
Phố đi bộ Bùi Viện mở cửa thu hút lượng khách rất đông. |
Để thích nghi với “gu” của khách Tây, Tùng đầu tư trang phục, hình xăm, trang sức rất công phu, bài bản. Tóc của Tùng khi thì để dài xõa ra, rũ rượi, nhuộm tím, xanh rồi uốn cong lên, lai vài sợi giống kiểu ca sĩ đường phố, khi lại “hot trend” đầu đinh vàng khè có kẻ ngôi sao bên cánh tai, lúc lại nuôi bồng bềnh tạo dáng rắn hổ mang chuẩn bị đớp mồi...
Tùng cho biết, trước khi tạo mẫu tóc, anh ta đã kỳ công nghiên cứu đặc tính của các đoàn khách nước ngoài. Hôm nay đón khách châu Phi thì phải tóc ngắn, xoăn và đen, ngày mai có khách Mỹ thì phải tóc gọn gàng, nhuộm vàng... Nhiều khi tóc không mọc kịp phải dùng đồ giả. Hiện Tùng có khoảng 30 “cái đầu giả” chuyên phục vụ công việc này.
Tại điểm hẹn tối nay, Tùng có thêm 2 đàn em xin đi theo học nghề. Thời gian phố đi bộ đóng cửa, Tùng đói lăn lóc, liêu xiêu, mấy đứa em út chưa có nghề ngỗng gì lại càng thê thảm. Mang tiếng là dẫn mối khách Tây nhưng cũng chỉ là loại công việc ăn xổi ở thì. Khi nào có khách thì khách sạn hoặc nhà hàng mới chi tiền môi giới. Ngày tháng cũng thất thường, bữa no đủ, bữa thiếu đói. Hạng môi giới “vỉa hè” như Tùng chỉ có thể kiếm khách lẻ, từ 1 đến 3 người là nhiều, còn lại khách đi theo đoàn thì Tùng không có cửa.
Để “tia” được một vị khách Tây, Tùng phải lăn lộn sướt mướt từ đầu đường đến cuối phố, theo chân người ta tỉ tê bắt chuyện, rồi gạ gẫm đủ kiểu. Tiếp cận 10, chỉ thành công 3. Vài năm trước, khách Tây còn cho tiền tip (boa) nhưng năm nay điều đó là xa xỉ. Tùng cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên từ năm ngoái đã vắng bóng khách du lịch đến phố đi bộ, khách Tây lại càng khan hiếm nên vớ được ông bà Tây nào thì mừng ra mặt.
Cuộc gặp oái oăm
Lại cũng vì “thấy sang bắt quàng làm họ” mà Tùng đã gặp phải sự việc cười ra nước mắt. Vào thời điểm trước khi phố đi bộ có lệnh đóng cửa, Tùng “rình” được một cặp khách Tây trẻ trung, sáng sủa, đi qua đi lại, ngó trước ngó sau trên đường Phạm Ngũ Lão. Nhanh như chớp, từ trong công viên, Tùng lao ra đường, băng qua dòng xe tấp nập để tiếp cận khách “VIP”. Tùng buông lời chào thật to và tươi từ phía sau, hai vị khách ngoảnh lại thấy Tùng bảnh bao, sạch sẽ lại ngoại ngữ như gió thì ồ lên vui sướng.
Những cuộc vui xuyên đêm cũng bắt đầu. |
Qua trò chuyện, Tùng nắm được hoàn cảnh của “thượng đế” là cần tìm nhà trọ để ở lâu dài, vì họ đang bị mắc kẹt không thể về Pháp được. Trong đầu Tùng đã nghĩ về những khoản tiền hoa hồng kha khá, lòng cậu vui như tết. Tùng dẫn ngay khách tới một nhà trọ bình dân nằm trong con hẻm ở phố đi bộ Bùi Viện. Đang mùa dịch bệnh, nhà trọ vắng như chùa bà Đanh nên phòng trống còn rất nhiều, giá lại rẻ. Cặp tình nhân này thuê một tháng và sẽ trả trước 100 USD, họ hẹn vài hôm nữa sẽ trả 400 USD còn lại.
Theo giá hoa hồng “ngầm” thì Tùng sẽ được 10% trong tổng số tiền, tức là được 1 triệu đồng cho phi vụ này. Để khuyến khích Tùng tiếp tục kiếm mối, ông chủ trích ngay 50% (500 ngàn) hoa hồng cho Tùng. Lẽ ra, khi nào khách trả hết tiền thì Tùng mới được nhận nhưng lần này chủ phá lệ.
Câu chuyện sẽ chẳng có vấn đề gì cho đến một ngày, ông chủ gọi giật Tùng trở lại. Tròn một tháng, hai vị khách vẫn không trả nốt tiền thuê phòng, họ nói vì mắc kẹt nên đã ăn tiêu hết sạch tiền. Họ muốn cắm chiếc đồng hồ Pháp hiệu Jacques Lemans có giá gần 4 triệu tiền Việt Nam. Ông chủ bảo không lấy đồng hồ, chỉ lấy tiền. Cô gái Pháp xinh đẹp ôm mặt khóc nức nở, người yêu cô cũng khóc. Thế là, ông chủ động lòng, thả cho hai người đi mà không lấy bất cứ thứ gì, xem như cưu mang người hoạn nạn.
Cứ tưởng thế là xong, ai ngờ họ quay ra bấu áo bấu quần Tùng nhờ cứu giúp. Họ bảo giờ không có tiền, không có chỗ ở và không biết phải làm sao. Họ năn nỉ Tùng mua giúp chiếc đồng hồ, chưa gặp phải tình cảnh oái oăm như thế này, lòng Tùng chợt rung cảm, tình thương người bỗng thức dậy trong sâu thẳm đáy lòng của kẻ vốn chỉ biết đi “cò mồi” người khác để lấy tiền. Tùng không lấy đồng hồ mà quyết định dẫn cặp đôi về nhà trọ của mình ở đường Đề Thám (Q.1). Phòng trọ có sẵn gạo và ít đồ đông lạnh, Tùng hướng dẫn khách tự nấu ăn và sinh hoạt, còn Tùng sẽ qua phòng trọ của mấy thằng đệ tá túc.
Hai vị khách Tây ở 2 tuần thì đột nhiên biến mất. Tùng trở về phòng thấy mọi thứ vắng tanh, đồ đạc được sắp xếp gọn gàng ngay ngắn. Trên bàn có một tờ giấy gửi lại, nội dung: “Lòng tốt của bạn khiến chúng tôi vô cùng cảm động. Xin cảm ơn Tùng, cảm ơn người Việt Nam”. Tuy không có lời chào trực tiếp nhưng lòng Tùng cảm thấy vui và nhẹ nhõm vì đã không làm khách Tây cảm thấy tuyệt vọng trong hoàn cảnh khó khăn nơi đất khách.
Chúng tôi tấm tắc khen Tùng là một chàng trai tốt bụng, lịch thiệp và trượng nghĩa. Tuy nhiên, Tùng xua tay, nói rằng: “Em không được như vậy đâu, nếu vào hoàn cảnh đó, ai cũng sẽ hành xử như vậy”.
Phía sau ánh đèn
Là đàn em của Tùng “xẻo”, Lê Quang Hùng (Ba Tân) vào nghề khi dịch vụ môi giới, lai dắt khách Tây đã vào thời điểm thoái trào. Hơn một năm nay, dịch COVID-19 hoành hành, bar, vũ trường, karaoke cho đến khu phố đi bộ Bùi Viện bị ngừng hoạt động liên tiếp đã gần như triệt tiêu nguồn sống của Ba Tân cùng anh em trong nghề. Khách Tây xem như hết cửa trông chờ, Ba Tân chuyển sang khách ta.
Đối tượng cậu ngắm tới là “cậu ấm, cô chiêu” mới lớn, đang tập đòi ăn chơi. Thành phần này tính tình nông nổi, bồng bột, a dua và thích thể hiện nên dễ bị đưa vào tròng. Ba Tân cùng đồng nghiệp là Chí “cá” tìm mọi cách tiếp cận. Đêm Chủ nhật, khi ánh đèn vũ trường bừng sáng, nhạc sàn đồng loạt nổ xập xình đinh tai nhức óc, Ba Tân dẫn một nhóm 3 nam thanh nữ tú tuổi từ 18 đến 19 bước vào cuộc chơi. Hình thức dắt mối kiểu này không được nhận hoa hồng từ chủ bar hoặc vũ trường nhưng bù lại, Ba Tân kiếm ăn bằng việc cung cấp “đồ chơi”, món hàng vốn không thể thiếu trong mỗi cuộc vui bất tận.
Vì là hàng nhạy cảm, tế nhị nên Ba Tân rất cẩn trọng, dè chừng không muốn nói nhiều. Tuy nhiên, theo chúng tôi được biết, “hàng” Ba Tân bán là bóng cười và shisha. Mỗi quả bóng cười Ba Tân nhập ở đại lý chỉ từ 20.000-50.000 đồng nhưng khi đưa vào đây sẽ có giá từ 200.000-500.000 đồng, nhìn mặt “con mồi” mà “chém giá” cho thật đẹp.
Công viên 23-9, nơi nhóm “lai dắt” thường tụ tập sau mỗi đêm dài làm việc. |
Mỗi đêm, chỉ cần tiêu thụ 5 trái bóng cười, Ba Tân đút túi triệu bạc, chưa kể tiền boa. Ba Tân tiết lộ, các “cậu ấm cô chiêu” xuất thân từ gia đình giàu có, được cưng chiều, mỗi lần đi chơi thường mang theo cục tiền và thẻ tín dụng. Khi khách rơi vào trạng thái lâng lâng, đê mê, thì sẵn sàng rút tiền ra cho những kẻ “hầu” như Ba Tân vài triệu.
Phục vụ khách “VIP” như vậy thường là xuyên đêm nhưng số ca kiếm ăn hậu hĩnh như vậy không nhiều, mỗi tuần chỉ được 2 ngày cuối tuần, có tháng chỉ được một lần. Các đêm bình thường, Ba Tân phải tràn ra vỉa hè phố đi bộ tấp vào các quán bia hơi hoặc quán ăn có chơi nhạc nhẹ, lân la bán “bóng”. Gặp khách biết chơi, biết giá chỉ mua với giá thị trường, Ba Tân kiếm lời vài chục ngàn.
Thời buổi khó khăn, công việc bấp bênh, đã hơn một lần Ba Tân muốn từ bỏ phố phường, trở về quê ở Long Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu), theo người cậu đi biển đánh cá. Nhưng, cái ánh đèn quay cuồng xanh đỏ, tím vàng ma mị và những thú vui chất ngất đêm đen đã níu chân chàng trai vừa bước sang tuổi 21 này. Tân trở về nhà, chưa khi nào ở được quá 3 ngày, vì nỗi nhớ thành phố cùng những phù phiếm ảo diệu của làn khói shisha, bóng cười.
Công viên 23-9 là điểm hẹn cố định của những thanh niên làm nghề “lai dắt”. Tàn mỗi cuộc vui của thiên hạ, Tùng “xẻo”, Ba Tân và em út Chí “cá” lại ra đây kiểm đếm số tiền kiếm được. Ai được nhiều sẽ chia cho người được ít vì “anh ăn cơm thì em cũng phải được húp cháo”.
“Có đêm tụi em trúng mánh kiếm được vài chục triệu. Ai cũng nghĩ làm nghề này khấm khá nhưng đâu lại vào đó. Tiền đầu tư đồ nghề, tiền sinh hoạt, thỉnh thoảng nổi máu lên cũng làm trận ăn chơi trác táng quên đời. Thế là sạch túi, có khi còn phải cầm xe máy trả tiền nhà trọ”, Ba Tân thật thà tâm sự.