Nghề nuôi… muỗi

Chủ Nhật, 25/10/2009, 16:25
Tổ nuôi muỗi của Khoa Côn trùng, Viện Sốt rét Ký sinh trùng và Côn trùng trung ương (đường Lương Thế Vinh, xã Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội) nằm khiêm tốn tại một dãy phòng khuất nẻo nơi cuối viện. Ở đây có những con người ngày ngày làm cái công việc nuôi nấng, chăm sóc loài côn trùng "khát máu" để dùng chúng trong các nghiên cứu khoa học. Mọi người hay gọi vui các anh chị là "cha muỗi", "mẹ muỗi".

Hơn chăm con mọn

Sống gần Viện Sốt rét ký sinh trùng và Côn trùng trung ương đã nhiều năm, cũng không ít lần vào thăm bạn bè, người thân điều trị bệnh trong Viện, song tôi cũng rất bất ngờ khi biết có một tổ nuôi muỗi tọa lạc tại đây.

Chị Hoan, chị Oanh chăm sóc muỗi trưởng thành.

Chúng tôi có mặt tại một căn phòng của tổ khi chị Phạm Thị Hoan - người đã có hơn 30 năm công tác tại đây - đang tiến hành... cho mấy chục cặp muỗi giao phối để "ép" chúng sinh sản. Đầu tiên, chị dùng một chiếc ống thủy tinh để "nhốt" cá thể muỗi đực. Tiếp đó, chị tiến hành gây mê bằng cách ghép vào một ống thủy tinh khác có bông đã tẩm ête. Sau ít giây ête có tác dụng, chú muỗi đực đờ người ra, nằm thẳng cẳng. Chị Hoan lấy chiếc kim phẫu thuật mà phía đầu của nó còn mảnh hơn sợi tóc để giữ lấy nó.

Chờ ít phút, khi muỗi đực gần tỉnh thì chị Hoan bắt tiếp một ả muỗi cái, cũng tiến hành gây mê và đưa chúng gần với nhau. Chị "châm" con đực vào con cái, nếu đuôi chúng quặp lại với nhau là được. Hai cá thể muỗi được "giao hoan" trong vài phút. Chị để muỗi la liệt trên giấy thấm dưới kính lúp, thấy chúng tỉnh hơi quá là lại chụp ête, chúng lại "ngất" đi. Cứ tí xíu tí xíu một, cả buổi sáng chị cũng giúp giao phối nhân tạo được cho hơn chục cặp "vợ chồng" muỗi!

"Trung bình mỗi năm chúng tôi cung cấp cho các khoa, cơ sở nghiên cứu trong và ngoài Viện khoảng 20 ngàn cá thể muỗi các loại để phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học nên thường xuyên phải tiến hành cho giao phối nhân tạo để muỗi đẻ" - chị Hoan giải thích.

Sau khi đã giao phối, muỗi cái được nhốt lại trong lồng và phía dưới được đặt một lớp giấy đặc biệt để hứng trứng. Tận mắt được nhìn công việc giao phối cho muỗi, "thu hoạch" trứng... tôi cảm nhận được đây thực sự là một công việc tỉ mỉ, cần một sự kiên nhẫn rất cao. Trứng muỗi bé tí xíu, màu đen trông như những hạt tro sẽ được thả vào các khay nước để nuôi thành ấu trùng.

Tổ nuôi muỗi có hàng trăm các khay nước để nuôi hàng vạn ấu trùng muỗi (còn gọi là con cung quăng). Các khay này được đánh số cẩn thận, sắp xếp theo từng thời kỳ phát triển từ quả trứng bé tí như đầu tăm nở thành cung quăng rồi thành con quăng (thân cuộn tròn, di chuyển bằng cách búng mình)  và từ đó thành con muỗi trong vòng từ 10-15 ngày.

Chị Phạm Thị Thanh Vân tiến hành cho muỗi Minimus giao phối.

Sau khi được các chị dẫn đi một vòng tham quan cơ ngơi của tổ nuôi muỗi, tôi mới đem thắc mắc mà từ khi bước chân vào đây đã muốn hỏi, đó là: "Bằng mắt thường, các anh chị có thể phân biệt được muỗi đực với muỗi cái không?". Thạc sĩ Trịnh Thị Kim Oanh cười rất tươi: "Được chứ anh. Không muốn nói là quá... "muỗi"!"

Theo mô tả của chị Oanh thì muỗi đực có râu, bụng bé, còn muỗi cái không có râu và bụng to, muỗi đực không bao giờ đốt người hay động vật mà nó sống nhờ vào việc hút nước đường hoặc các đồ ngọt, chỉ có muỗi cái mới đốt người.

7h sáng hàng ngày là các nhân viên của tổ nuôi muỗi phải có mặt tại tổ. Việc đầu tiên là phải điều chỉnh  nhiệt độ trong phòng nuôi. Nếu vượt quá hoặc thấp hơn từ 25-30 độ là phải điều chỉnh ngay. Độ ẩm quá cao hoặc quá thấp đều không được. Hệ thống máy sưởi, máy tạo ẩm, máy hút ẩm, máy điều hòa... của 6 phòng nuôi muỗi hầu như hoạt động 24/24 giờ.

Công việc chăm sóc muỗi được bắt đầu bằng việc cho bọ gậy ăn, nhặt những con quăng chuẩn bị nở thành muỗi để đưa vào lồng, làm vệ sinh khay, xem muỗi bay nhảy... Cô nhân viên trẻ Phạm Thị Thanh Vân mang 2 hộp tôm khô, đậu khô vào nói: "Thức ăn để nuôi quăng, bọ gậy cũng có tiêu chuẩn rất cao, đó là bột tôm, bột bánh mì, bột đậu được sấy khô rồi xay mịn. Còn thức ăn cho muỗi là chuột bạch. "Công việc của chúng tôi không vất vả, song phải rất tỉ mẩn, kiên nhẫn. Lúc nào cũng phải để mắt tới chúng vì loài muỗi rất nhạy cảm với thời tiết".

Chị Hoan kể thêm: "Nuôi muỗi như nuôi con mọn. Con ốm còn có bác sĩ, có bệnh viện, muỗi mà chết thì không biết làm thế nào. Có đêm trời chuyển gió mùa đông bắc, một nhân viên phải chạy đến để điều chỉnh nhiệt độ giữ ấm cho muỗi. Có sáng đến thấy cả lồng muỗi lăn ra chết, bọ gậy chết đen cả khay mà không biết vì sao. Ngày nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật, ngày lễ, ngày tết vẫn  phải phân công nhau đến trực với muỗi".

Chị Vân nhớ lại, thời kỳ tổ nuôi muỗi mới tiến hành nuôi nhân tạo được loài muỗi Durius ở khu vực Cần Giờ (TP HCM), các cán bộ ở đây có lần thót tim vì sợ bị... mất giống. Do quen sống tại môi trường các tỉnh phía Nam, loài muỗi này chỉ quen với 2 mùa là mùa khô và mùa mưa. Ra Hà Nội, mặc dù các anh chị ở tổ nuôi muỗi đã hết sức chú trọng tới việc điều chỉnh "thời tiết" trong phòng phù hợp với loài này song do môi trường bên ngoài biến đổi quá nhanh khiến nhiệt độ, độ ẩm trong phòng cũng bị biến đổi theo.

Có những khi mà hôm nay trời rõ nắng nóng nhưng ngay hôm sau đã trở lạnh, đám muỗi mới bắt về chết quá nửa. Thế là lập tức nhân viên của tổ phải có mặt thật sớm để bật máy sưởi giữ ấm và dùng máy phun hơi nước để tạo ẩm. Lắm khi chưa đủ hơi nước, các anh chị phải dùng bếp điện đun một nồi nước to tướng ở giữa phòng mới đủ độ ẩm cho muỗi sinh sống.

Thức ăn cho muỗi cái  trưởng thành 100% là máu động vật. Và cứ chiều chiều, chị Thanh Vân lại xuống tổ côn trùng để kẹp chuột nhắt trắng làm mồi cho lũ muỗi. Sau khi đám muỗi đã no nê rồi thì đám chuột lại được thả về lồng nuôi quay vòng. "Thỉnh thoảng có con chuột bị đốt đau quá, lăn ra chết. Tổ côn trùng lại phải mua con khác với giá 20 ngàn đồng/con".--PageBreak--

Niềm vui giản dị

Thực ra việc nuôi muỗi là một trong nhiều công việc của các cán bộ tổ côn trùng.

Tiến sĩ muỗi Vũ Đình Chử, Tổ trưởng, cho chúng tôi biết, hàng năm các thành viên trong tổ phải thay nhau đi các địa phương để bắt muỗi hoặc tiến hành các thử nghiệm trên các loài muỗi có ở các địa phương.

Trở về Hà Nội sau chuyến đi bắt muỗi ở tỉnh Phú Yên anh kể loại muỗi vừa bắt được tên Anopheles Dirus, loại muỗi gây bệnh sốt rét ở khu vực miền Trung. Từ năm 2006, tổ nuôi muỗi đã bắt đầu nhân nuôi loại muỗi này.

Trước đó tổ đã nhân nuôi các loại Anopheles Minimus gây sốt rét, cư trú trên toàn quốc; Anopheles epiroticus là vật chủ trung gian (vector) truyền bệnh sốt rét ở các tỉnh ven biển từ Bình Thuận trở vào Nam; Aedes aegypti gây sốt xuất huyết và Culex quinquefasciatus gây viêm não Nhật Bản. Trước đó nữa, tổ này còn nuôi cả bọ chét, loại vector truyền dịch hạch!

Mỗi chuyến đi của tổ nhanh cũng mất 5-7 ngày, còn không cũng phải lên tới cả tháng trời. Tiến sĩ Chử và chị Hoan là những người đã có nhiều chuyến đi nhất trong tổ.

Lũ muỗi đực được giữ như thế này để chuẩn bị giao phối.

Chị Hoan kể, chuyến đi bắt muỗi tại xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên đoàn đã phải chuẩn bị võng, bạt cùng lương thực thực phẩm trong cả tháng trời để bắt cho được loài muỗi này. Cứ chập tối, đoàn lại kéo nhau vào sâu trong rừng, dựng lều bạt rồi... phơi thân ra chờ muỗi đến. Do công tác nhiều năm trong ngành "muỗi học" nên chị Hoan rất "thính". Chỉ nghe tiếng vo ve là chị biết được muỗi đang bay ở vị trí nào. Chờ cho muỗi đốt no, chị liền tóm cổ chúng rồi cho vào lồng.

"Có những lần may mắn một đêm bắt được cả trăm con muỗi, song cũng có đêm không bắt được con nào".

Cũng chính việc lấy thân mình làm mồi nhử muỗi đến mà chị Hoan bị lây sốt rét. Đợt ấy, sau khi tóm cổ được hơn chục cá thể muỗi bằng cách chìa chân cho chúng đốt, chị Hoan thấy đau đầu liên tục vào buổi chiều. Nghĩ là mình chỉ mệt mỏi sau chuyến công tác nhưng sau khi  xét nghiệm máu đã phát hiện bị bệnh sốt rét phải điều trị một đợt mới dứt. Ngay như Tiến sĩ Chử cũng "dính" sốt rét một lần.

Lại có đợt khác, các anh chị lên Hòa Bình chui vào các chuồng trâu, chuồng bò lúc buổi đêm để bắt muỗi. Sau nhiều lần đi bắt muỗi, các "thợ bắt muỗi" đã nghĩ ra cách đốt một đống lửa to giữa rừng, khói đã dụ muỗi bay đến hàng đàn rồi bắt. Nhờ đó mà việc bắt muỗi đã hiệu quả hơn rất nhiều.

Bắt được muỗi đã khó, song mang muỗi từ thực địa về phòng nuôi để sống được lại còn khó gấp bội. Thời điểm trước năm 1997, tổ côn trùng đã nhiều lần bắt loài Minimus về nuôi mà chưa thành công. Môi trường phòng thí nghiệm hoàn toàn khác xa với môi trường tự nhiên nên muỗi cái không đốt chuột, muỗi đực không hút nước đường hoặc chất ngọt rồi chúng lăn ra chết hàng loạt. Việc này khiến cho các "cha muỗi", "mẹ muỗi" đau đầu.

Năm 1997, Tiến sĩ Chử cùng các đồng nghiệp tiếp tục bắt loài này về phòng thí nghiệm, quyết tâm nuôi bằng được chúng. Sau rất nhiều điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm đặc biệt là pha nước muối giống như môi trường nước lợ của ấu trùng muỗi, loài Minimus bắt đầu thích nghi được và sinh con đẻ cái. Toàn thể nhân viên tổ nuôi muỗi ôm nhau mừng đến phát khóc.

Làm cái công việc rất tỉ mỉ, thu nhập chỉ đủ sinh hoạt tối thiểu song các "cha muỗi", "mẹ muỗi" vẫn luôn động viên nhau hoàn thành tốt công việc. Mặc dù sắp tới tuổi nghỉ hưu, song nhiều người thân, bạn bè ít ai hiểu được công việc thầm lặng của chị Hoan. Sinh năm 1955, học hết phổ thông chị Hoan được chuyển tiếp sang học Trường trung cấp Y tế Đặng Văn Ngữ (trực thuộc Viện Sốt rét ký sinh trùng và côn trùng Trung ương). Sau khi ra trường, chị được phân công công tác tại Viện từ đó đến nay.

Khi mới được phân công về tổ nuôi muỗi, chị Hoan còn hay "ngượng" khi bạn bè, người quen hỏi về công việc hiện tại. Bởi cứ bảo làm nghề nuôi... muỗi là ai cũng trợn mắt ngạc nhiên. Lắm người còn khen chị... vui tính, có khiếu hài hước. Sau mãi mọi người cũng quen đi, không trêu nữa.

Cô nhân viên Nguyễn Thị Thanh Vân cũng đã có 4 năm làm "mẹ" của lũ muỗi. Vân kể, hồi mới về tổ mỗi lần đi kẹp chuột bạch để làm thức ăn cho muỗi là Vân phải nhắm mắt nhắm mũi làm cho nhanh vì... thương lũ chuột quá.

Thức ăn cho muỗi trưởng thành là những chú chuột bạch.

Cũng theo lời chị Hoan thì có lần bắt gặp đôi tay của Thanh Vân sưng vù. Gặng hỏi mãi, Vân mới "khai" rằng do hôm trước đã kẹp chuột cho muỗi Minimus xơi rồi mà sáng hôm sau vẫn thấy bụng chúng lép kẹp. Có lẽ do cảm thấy "khó ở" nên chúng không thiết ăn uống gì cả. Sợ lũ muỗi rủ nhau chết hàng loạt, Vân phải đưa tay mình vào chuồng để cho chúng "đánh chén"!

Cho đến giờ, tổ nuôi muỗi đã có một tài sản rất quý hiếm, đó là 3 loài muỗi gây bệnh sốt rét chính ở Việt Nam, 2 loài muỗi thường gây bệnh sốt xuất huyết. Việc nuôi dưỡng, nhân giống đàn muỗi này của tổ nuôi muỗi đã góp phần quan trọng trong việc phòng, chống thành công bệnh sốt rét ở nước ta.  Nhờ biết được thủ phạm gây bệnh nên Viện Sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng Trung ương đã có vũ khí để tiêu diệt chúng. Và các nhân viên của tổ nuôi muỗi luôn tự hào về điều đó

Minh Tiến
.
.