Nghiện game online - vũng lầy của người trẻ
Sau hơn 1 năm đi “cai nghiện” game, tại buổi chia sẻ về tác hại khôn lường của nghiện game online được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, nữ game thủ này đã chia sẻ tới các bạn trẻ rằng: “Nếu còn nghiện game, rất có thể giờ này tôi đã chết ở một nơi nào đó rồi! Các bạn ơi, đừng vì quá mê game mà bỏ cả tương lai, bỏ ước mơ, bỏ cả cuộc đời mình!”.
Buổi tọa đàm về game online thu hút nhiều chuyên gia quan tâm, tham dự. |
Sau niềm vui là cô đơn, biến dạng nhân cách
Trường hợp nữ sinh T.T.B.N nói trên còn may mắn vì đã biết điểm dừng nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ của gia đình và bạn bè mà trở lại cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, còn có rất nhiều trường hợp là nạn nhân của nghiện game online (trò chơi điện tử trực tuyến) trong giới trẻ ngày nay. Sau một thời gian lún sâu trong thế giới “ảo” của game online mà người chơi suy kiệt sức khỏe, bỏ việc, thậm chí xung đột, phạm tội. Nguy hiểm ở chỗ, biết chơi game có tác hại khôn lường nhưng người chơi lại rất khó có bản lĩnh để từ bỏ.
Tại buổi tọa đàm, khi chuyên gia đặt ra câu hỏi với hàng trăm học sinh THPT Thành Nhân (Quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) rằng, tại đây ai đã chơi game thì hầu như 100% các cánh tay đều giơ lên. Khó bỏ game, không tự nhận biết thế nào là đã nghiện game, đặc biệt là tác hại khủng khiếp do game online gây ra cho người chơi là những vấn đề được đưa ra tại cuộc gặp gỡ.
Theo phân tích của ThS Nguyễn Thị Huỳnh An, giảng viên bộ môn tâm lý Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, game online tác hại tới giới trẻ đầu tiên là học tập. “Con nghiện” cày game tới khuya, tới sáng, không thể tập trung học được khi buổi sáng lên lớp, dẫn tới không hòa nhập được môi trường rồi bỏ học. Đặc biệt nhất là mức độ tác hại tới tinh thần của người chơi ngày càng tăng.
Khi sống trong thế giới ảo của game, người chơi sẽ dần mất mất đi sự kết nối với gia đình, bạn bè, vì lúc này “gamefriend” (bạn cùng chơi) là “số 1”. Khi tạm xa game, tâm lý hình thành chỉ còn lại là “sự cô đơn”. Vì người chơi đã từ chối cuộc sống bình thường, đã sống trong thế giới “ảo” của game, trở nên cô độc trong chính ngôi nhà của mình, sự giao tiếp mọi người xung quanh mất dần, tới mất hẳn.
Do tác hại ghê gớm của thế giới ảo, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phải đưa bộ môn game online vào để nghiên cứu. Chơi game, nghiện game khiến người chơi có nhiều cảm xúc bị dồn nén, ảnh hưởng tâm lý, bị tự ti. Có người biểu hiện bệnh trầm cảm, tâm thần, làm biến dạng tư cách của người chơi. Do các tình huống trong game tác động trực tiếp vào não bộ người chơi, trò chơi game được xây dựng với nhiều tình huống mang tính chất bạo lực hoặc nặng về sex. Tác động vào trí não, người chơi cảm nhận hành vi giết chóc, bạo lực là bình thường.
100% học sinh tham dự buổi tọa đàm giơ tay khi được hỏi trong hội trường này ai đã chơi game online. |
“Đây là lý do vì sao 1 học sinh lớp 11 người Nghệ An gây ra vụ án chấn động vừa qua, do ám ảnh bởi thế giới ảo của game, đã thực hiện vụ bắt cóc bé trai 5 tuổi, làm nạn nhân bị tử vong. Chơi game thực chất là nuôi giá trị ảo mà đánh mất giá trị thật của chính con người mình” - ThS Nguyễn Thị Huỳnh An đúc kết.
Trực tiếp giúp đỡ, cai nghiện cho các “game thủ”, ông Đặng Lê Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Vovinam và thể thao (IVS), nhà tâm lý, chuyên gia giáo dục trị liệu nghiện game đánh giá: “Tôi thấy rằng khi một ai đó chơi game online thì rất khó để nghỉ chơi. Nghiện game chẳng khác gì nghiện ma túy. Tôi đã từng làm việc với cha mẹ một học sinh là nạn nhân của game online. Anh ta là một kỹ sư điện, tốt nghiệp tại Nga loại giỏi nhưng nghiện game. Ngày chỉ ăn một cái bánh mì, uống một ly nước.
Chơi game 20 tiếng/ngày. Người anh ta trông thật khủng khiếp. Gia đình buộc phải mua một căn nhà ở Củ Chi để nhốt cậu con trai này vào, ngăn không cho chơi game. Nhưng anh ta vẫn phá cửa ra ngoài đi chơi game. Tính nguy hiểm, sự tàn khốc của game online, sự hủy hoại nhân cách con người của game dữ dội như vậy”.
Nghiện game không chỉ tác động rất lớn đến sức khỏe mà còn gây chứng rối loạn tâm thần. |
Nhận diện “nghiện” game
Trở lại với câu chuyện của nữ game thủ T.T.B.N. Hơn 1 năm nay cô đang là học viên của Viện Nghiên cứu phát triển Vovinam và thể thao (IVS), nơi đang cai nghiện game cho nhiều bạn trẻ có hoàn cảnh “lún sâu” trong game như cô. B.N kể: “Ngày trước do nghe trên mạng xã hội nói có nhiều “game thủ” chơi và kiếm được tiền từ game online nên tôi và một số bạn nói với gia đình sẽ chơi game để kiếm tiền. Tôi bắt đầu chơi game rồi nghiện, chơi 8 tiếng/ngày; dần dần chơi quên ăn quên ngủ. Sau đó, tôi bỏ nhà đi, bố mẹ tìm được tôi đưa về và nhốt trong nhà. Nhưng, tôi lại tìm cách trốn ra ngoài.
Khi ấy trong người tôi chỉ có 50.000 đồng, chơi được một buổi thì hết tiền. Trong đầu tôi chỉ một nung nấu là làm gì để có tiền chơi game tiếp. Chả lẽ đi cướp giật? Tôi quyết định đi tìm việc làm. Tuy nhiên, đi làm kiếm tiền rất vất vả, một ngày chỉ kiếm được khoảng 100.000 đồng để ăn uống và chơi game. May mắn tôi đã được gia đình cha mẹ thương tìm, đưa vào trường cai nghiện game”.
Game thủ B.N kể lại câu chuyện nghiện game của mình. |
N kể và kết luận: “Nếu mình không sớm nhận ra và không được sự quan tâm của các thầy cô thì bây giờ có thể mình đang sống lang thang ở một nơi nào đó hoặc chết ở đâu đó rồi!”.
Bác sĩ Nguyễn Văn Ca - Trưởng Khoa Tâm thần Bệnh viện Quân y 175, trực tiếp điều trị nhiều ca nghiện game phân tích về sự khác nhau giữa người chơi và người nghiện game. Ông khẳng định, người nghiện là người khó kiểm soát được việc chơi game, cả về tần suất chơi, thời gian chơi, cường độ chơi và bối cảnh chơi. Trong đó các yếu tố đều tăng dần, đặc biệt là cường độ chơi ngày càng tăng, hoàn cảnh không thuận lợi nhưng vẫn chơi. Thứ nữa là ưu tiên chơi game hơn mọi hoạt động khác, tiếp tục chơi game dù đã phát hiện ra tác hại, hậu quả khôn lường của nó.
Nghiện game gây bệnh lý rối loạn tâm sinh lý, biểu hiện bệnh lý từ nhẹ tới nặng như: bồn chồn, khó chịu khi không được chơi game, thứ hai là rất mệt mỏi. Khi chơi game, mỗi khi người chơi chiến thắng thì chất Dopamine trong não được tiết ra làm cho người nghiện game vui. Nhưng, niềm vui này cũng dễ dàng “chìm”. Chìm rồi thì người chơi không có cách gì lấy lại được niềm vui là bằng cách lao vào chơi tiếp. Các trò game thì luôn mới, sống động hơn. Trong khi đó chơi game lại không khó như học, ai cũng có thể chơi.
Có 2 hậu quả nghiêm trọng gây ra do nghiện game với sức khỏe, sinh lý. Thứ nhất, chơi game quá lâu dẫn tới một loạt sự rối loạn chuyển hóa trong cơ thể: chuyển hóa đường, mỡ, dễ dẫn tới béo phì. Hai là cơ quan sinh dục không được tưới máu do tư thế ngồi lâu, dẫn tới vô sinh, mất hạnh phúc trong tương lai.
Tổ chức Y tế thế giới đã kết luận, nghiện game là một bệnh lý gây rối loạn tâm thần. Ngành y tế các nước trên thế giới đã phải vào cuộc nghiên cứu, đưa ra phác đồ điều trị cho căn bệnh này. Điều trị cai nghiện game phải có chiến lược vì vô cùng khó khăn. Việc cách ly khỏi môi trường game là vô cùng quan trọng và vẫn phải phối hợp với các chuyên gia y tế để kết hợp điều trị chứng trầm cảm, thuốc men...
Cảm giác chiến thắng trong game làm tăng lượng dopamine trong não. |
Thoát khỏi hấp lực của game bằng cách nào?
TS. Thiếu tá Lê Hoàng Việt Lâm, giảng viên Trường Đại học An ninh nhân dân chia sẻ với các bạn trẻ về kinh nghiệm để không “lún sâu” vào game: “Khi vừa mua điện thoại, tôi khóa hết các trò chơi có trong máy. Như vậy chúng ta sẽ không bị ám ảnh bởi những trò chơi đó nữa”.
Theo TS Lâm, tác hại của game thậm chí nguy hiểm hơn cả ma túy. Ai dùng ma túy thì ngay lập tức gây hậu quả nhưng game thì không phải, đến thời điểm mà xác định nghiện game gần như không còn đường lùi. Thực tế cho thấy, thuật ngữ “game online” thường song hành với thuật ngữ “overnight” (thâu đêm), bởi khi đã sa đà vào việc chơi game thì người chơi thường không có điểm dừng. Hệ quả là không chỉ hao mòn về sức khỏe mà đầu óc sẽ bị chai cứng, đờ đẫn. Xu hướng của việc nghiện game là thay bằng việc con người sẽ “điều khiển” máy móc thì bị chính máy móc “điều khiển” lại con người, biến người chơi game như một vật thiêu thân.
Từ việc không làm chủ được, chơi và nghiện game quá mức sẽ dễ làm cho người chơi, đặc biệt là người trẻ mê muội, suốt ngày bị “ám thị” bởi những tình huống, trận chiến, vật phẩm... trong game. Nghiện game tạo ra tư tưởng hiếu thắng, nếu thua thì cay cú. Điều này làm cho giới trẻ không còn thời gian để suy nghĩ, hành động những công việc tích cực khác.
Nguy hiểm hơn, nghiện game sẽ có thể phát sinh vô vàn những tình huống: Không có tiền chơi game sẽ nghĩ ra cách để có tiền (như trộm cắp, cướp giật, thậm chí giết người); bố mẹ không cho chơi có thể dẫn đến cáu gắt, khó chịu, chửi bới, thậm chí giết cả bố mẹ); khi mua bán các vật dụng liên quan đến các trò chơi có thể dẫn đến những bất đồng, xung đột giữa các cá nhân, nhóm... dẫn đến những hậu quả khó lường.
TS. Thiếu tá Lê Hoàng Việt Lâm cũng cho rằng, hệ lụy của việc nghiện game chịu sự tác động của nhiều nguyên nhân khác nhau, song, gia đình có lỗi lớn nhất trong chuyện này. Bởi lẽ mỗi cá nhân luôn sống trong một gia đình và họ luôn có “bước khởi đầu” của việc nghiện game mà “bước khởi đầu” đó đều do gia đình. Chẳng hạn, khi con cái không ăn, cách mà nhiều gia đình thường áp dụng là cho trẻ chơi game để ăn hoặc cách để bố mẹ thư thái khi ngồi uống cà phê mà không bị trẻ quấy rầy chính là việc “giao hẳn” điện thoại cho lũ trẻ. Điều này đang rất phổ biến.
Vậy nên, cách tốt nhất là mỗi thành viên trong gia đình, nhất là bố mẹ phải có cách giáo dục, dạy con khoa học, kiểm soát hợp lý và hiệu quả khi con sử dụng điện thoại, chơi trò trực tuyến như: Đặt giới hạn thời gian khi cho con chơi game (nếu con vi phạm cần có hướng xử lý thích hợp); cho con đọc những bài báo, xem những clip nói về tác hại của nghiện game; tuyệt đối không sử dụng hình thức khen thưởng bằng việc cho chơi game; sắp xếp thời gian đưa con đi chơi những địa điểm, trò chơi bổ ích; sớm nhận diện những dấu hiệu nghiện game của con cái để có cách xử lý thích hợp; bản thân cha, mẹ không chơi game hoặc chơi game trong thời gian phù hợp để nêu gương cho con cái...” - TS Lâm tư vấn.