Người cựu binh 25 năm băng rừng tìm mộ liệt sĩ

Thứ Bảy, 17/10/2015, 10:00
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hàng vạn người lính vẫn nằm lại nơi đất lạ. May mắn trở về sau chiến tranh, người thương binh 3/4 Phạm Ngọc Mậu (An Lạc - Hồng Bàng - Hải Phòng) đã hiện thực hóa lời thề năm xưa với đồng đội bằng 25 năm cần mẫn băng rừng vượt suối quy tập hài cốt liệt sĩ. Nhờ ông, cả trăm liệt sĩ - đồng đội ông, đã được "đoàn tụ" với gia đình.

25 năm chưa trọn lời thề

Không kể về thành tích chiến đấu, không nói về những vất vả của bản thân, trên gương mặt cương nghị và trông … trẻ hơn tuổi của người cựu chiến binh này chỉ luôn thấp thoáng niềm đau đáu với đồng đội.

Sau khi hoàn thành chương trình phổ thông, Phạm Ngọc Mậu có suất  đi học ở nước ngoài nhưng ông đã từ bỏ ước mơ, tình nguyện vào bộ đội để được góp phần vào công cuộc giải phóng đất nước. Dù khi đó, ông là em út trong gia đình  có 3 người anh đang là bộ đội, thuộc trường hợp được miễn nhập ngũ. Ông cùng với 63 tân binh địa phương gia nhập Tiểu đoàn 406 thuộc Quân khu 5. Đó là năm 1966, ông Mậu mới 16 tuổi.

Khi Phạm Ngọc Mậu và người bạn chí thân cùng vào một đơn vị, hai người có thề với nhau rằng: "Thằng nào còn sống thì phải đi tìm bằng được hài cốt thằng còn lại về quê hương".

Một thời gian sau khi nhập ngũ, tiểu đoàn chia thành 3. Ông Mậu ở lại, người bạn Trần Xuân Út của ông vào Phú Yên và hy sinh tại đây năm 1972. Còn ông Mậu, trải qua trăm trận sinh tử, sốt rét rừng, không biết bao nhiêu lần bị thương nhưng ông  may mắn được trở về.

Ngày trở về là thương binh 3/4, ông Mậu sang thăm gia đình bạn, người mẹ của bạn mà ông xem không khác gì mẹ của mình đã khóc hết nước mắt. Chứng kiến cảnh đó, lời thề năm xưa với đồng đội cứ day dứt mãi và ông quyết tâm bằng mọi giá phải đưa bạn trở về “đoàn tụ” cùng gia đình.

Năm 1990, sau khi sắp xếp tạm ổn công việc gia đình, ông khởi hành chuyến đầu tiên đi tìm đồng đội. Chuyến đi này cũng mở ra cuộc hành trình rong ruổi khắp trong Nam ngoài Bắc, khắp các chiến trường, các cánh rừng hun hút, sang cả nước bạn Lào và Campuchia, ra cả Phú Quốc, Côn Đảo… trong 25 năm trời của ông.

Nhấp chén trà, thoáng trầm ngâm, ông nói:  "Bao năm nay, tôi tìm hàng nghìn bộ hài cốt liệt sĩ, có thông tin của hơn 20.000 liệt sĩ do nhiều bạn bè, cơ quan chức năng cung cấp nhưng người bạn chí thân của tôi vẫn chưa tìm được. Lời thề mấy chục năm nay tôi vẫn chưa làm tròn". Lời nhờ cậy: "Con phải tìm cho được thằng Út về đây" từ người mẹ của bạn thân vẫn ám ảnh ông trong nhiều năm trời.

Cựu chiến binh Phạm Ngọc Mậu giở lại hàng chục album ảnh trong quá trình tìm mộ.

Có những giấc chiêm bao…

Năm 1990, chắt chiu từng đồng, ông Mậu "nói khéo" với vợ bớt một khoản phí sinh hoạt cho ông đi tìm đồng đội. Người bạn đời dù hơi lấn cấn vì hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn nhưng vẫn động viên ông đi cho trọn  nghĩa trọn tình người lính. Khởi hành chuyến đi đầu tiên năm 1990, ông Phạm Ngọc Mậu  trở lại chiến trường Đồng Xuân (Phú Yên), nơi bạn ông đã chiến đấu anh dũng và hy sinh để tìm kiếm.

Tuy nhiên, sau nhiều giờ băng rừng, lội suối, xác định vị trí rồi hồi hộp dõi theo từng nhát cuốc, lòng thầm khấn đất trời, thần linh nhưng vẫn không thấy dấu vết dù nhỏ nhất của người bạn ông. Gần như tuyệt vọng thì ông lại tìm thấy hài cốt của một chiến sĩ khác cùng đơn vị. Niềm sung sướng vô bờ, nhóm tìm kiếm mừng rơi nước mắt, nhẹ nhẹ khơi từng nắm đất như sợ đồng đội bị đau, hương khói chỉnh tề rồi… mời bạn cùng về.

Với ý định ban đầu là đi tìm hài cốt người bạn thân, nhưng từ khi tìm thấy hài cốt của nhiều đồng đội khác, ông Mậu quyết định mở rộng phạm vi, đối tượng tìm kiếm, mục đích của ông là đưa được càng nhiều hài cốt liệt sĩ về với gia đình càng tốt. Và trong suốt 25 năm đi tìm đồng đội, quy tập hàng nghìn hài cốt, ông vẫn nhớ như in nhiều kỷ niệm trong từng chuyến đi, thậm chí còn theo ông vào tận giấc ngủ.

Mỗi chuyến đi mang một cảm xúc, ông Mậu ấn tượng nhất là chuyến đi đến huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) vào năm 2007. Dịp đó, Ban chỉ huy Quân sự huyện đang có kế hoạch  tìm kiếm liệt sĩ và ông được mời tham gia. Sự lạ là, trong đêm nằm nghỉ sau chuyến đi hàng nghìn cây số, trong cơn mơ màng, ông bỗng nghe hình như có tiếng nói từ đâu vọng lại như vong linh đồng đội mách bảo, chỉ cho ông nơi chôn cất liệt sĩ ở gốc cây cách đó không xa (?).

Choàng tỉnh giữa cơn mơ lạ, ông bật dậy và kể lại câu chuyện thấm đẫm màu sắc liêu trai mới trải qua. Nửa tin nửa ngờ, nhóm tìm kiếm lập tức thắp hương khấn, nghi lễ xong xuôi bắt đầu đào đất. Thật bất ngờ, lần lượt 7 bộ hài cốt dần hiện ra sau lớp đất dày, rồi 9 bộ, 12 bộ... Cả nhóm sung sướng đến trào nước mắt. Đây cũng là chuyến đi mà ông tìm được nhiều hài cốt liệt sĩ nhất.

Những bằng khen, thư chúc mừng của ông Phạm Ngọc Mậu treo kín tường nhà.

Tuy nhiên, việc đem hài cốt liệt sĩ về cũng không đơn giản. Có thời gian, pháp luật quy định không được đem hài cốt lên tàu, xe, nếu thấy đem lên thì sẽ lập tức bị đuổi xuống. Ngừng một lát, ông đọc bài thơ "Cõng bạn trở về" của người bạn mình cho chúng tôi nghe, như minh chứng cho điều ấy:

"May mày vẫn còn, chưa bị mối xông

Không lo bị lũ cuốn trôi như nhiều đứa khác.

Tao cứ tưởng mày đã vào nghĩa trang

Ngờ đâu mày vẫn nằm đó.

Tao bỏ mày vào túi xách

Vác mày đi tàu Thống Nhất.

Cấm cựa quậy để nhân viên tàu biết

Họ ách lại giữa đường thì khổ lắm mày ơi...".

Hoặc nhiều lần chính quyền địa phương nơi ông tìm đến không cho phép ông đem các hài cốt liệt sĩ trở về. Năn nỉ, lý lẽ không xong, ông Mậu phải nhờ đến sự trợ giúp của nhiều cựu chiến binh trên địa bàn. Khi thấy hàng chục cựu chiến binh đến trụ sở, trình bày nguyện vọng hợp tình hợp lý nên cuối cùng chính quyền địa phương cũng đồng ý.

Khó khăn trên đường đi không nhằm nhò gì nhưng vấn đề kinh phí lại là điều đáng lo ngại đối với ông. Kinh phí tìm mộ ông tự túc, bạn hữu đôi lúc ủng hộ thêm. Trong khi chờ đợi nguồn hỗ trợ kinh phí theo lời hứa của chính quyền địa phương  thì nhiều lần ông phải "trộm" cả tiền của vợ để đi tìm đồng đội. Đến giờ, lời hứa hỗ trợ kinh phí cho ông vẫn chưa thành hiện thực. Trong những năm tháng xới tung nhiều mảng rừng đưa hài cốt liệt sĩ trở  về, không ít lần đối chọi với đói, khát, vắt rừng, muỗi độc… nhưng ông vẫn vượt qua tất cả.

Biết tin ông tìm đồng đội, nhiều gia đình liệt sĩ ở nhiều các địa phương trong cả nước cũng gửi thư nhờ ông tìm hộ. Cứ mỗi chuyến đi, tìm thấy hài cốt liệt sĩ thì ông lại nhắn cho thân nhân đồng đội. Rất nhiều gia đình vì điều kiện khó khăn mà không thể nào đi đến tận nơi đem hài cốt người thân của mình về được, ông lại giúp họ làm nốt việc này.

Tuy nhiên, dù có tận tụy đến đâu ông cũng không thể thực hiện được hết những lời nhắn gửi của các thân nhân liệt sĩ, ông ngờ rằng nhiều đồng đội của ông đã được quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ địa phương, yên nghỉ trong những nấm mộ vô danh. Ngay cả người đồng chí, đồng đội, bạn thân của ông cũng vậy, có thể ông đang yên nghỉ dưới nấm mộ vô danh ở một nào đó.

Nghĩa tình đồng đội

Ròng rã những chuyến đi bất chấp mệt mỏi, có lần, một đoàn làm phim tài liệu đi cùng ông, những thanh niên trẻ khỏe còn thở hồng hộc, nhưng ông vẫn phăm phăm xuyên rừng. Không ít lần ông đi cùng đồng đội, có những cựu chiến binh ngất đi vì mệt. Bền bỉ như vậy, từ năm 1990 đến 2005, ông tìm được hàng trăm hài cốt liệt sĩ ở khắp các tỉnh như Phú Yên, Quảng Nam, Bình Định, Vũng Tàu...

Dần dần, nhiều cựu chiến binh hưởng ứng hành động này của ông. Năm 2007, ông Mậu thành lập Câu lạc bộ tìm liệt sĩ Đoàn Sao Vàng, sau đổi tên thành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ. Sau này, hội đã phát triển với hơn 100 hội viên. Từ đó đến nay, hội đã quy tập 387 phần mộ liệt sĩ đưa về riêng quê hương Hải Phòng, hàng trăm hài cốt liệt sĩ ở các tỉnh khác cùng hơn 20.000 thông tin về các liệt sĩ khắp cả nước.

Ảnh trong lần tìm được nhiều hài cốt liệt sĩ nhất ở Phước Sơn - Quảng Nam.

Nguồn kinh phí dựa vào những chắt chiu đóng góp của chính những thành viên trong hội và vận động được một số tấm lòng hảo tâm của người dân, doanh nghiệp địa phương.

Ông Mậu cho hay, gia đình các cựu chiến binh hầu hết ai cũng nghèo, nên tiền bạc hạn chế. Các Mạnh Thường Quân thì không thể lúc nào cũng xin họ được, họ ủng hộ cho đồng nào thì hay đồng ấy. Những đồng tiền vận động được, hội dùng làm kinh phí đi tìm hài cốt, tặng quà, hỗ trợ các gia đình cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn. Vấn đề kinh phí hoạt động đang là điều hết sức lo ngại đối với hội.

Ông Mậu cũng cho hay, các cấp chính quyền có hứa sẽ quan tâm nhưng chưa rót kinh phí để hội hoạt động. Những chuyến đi tìm hài cốt liệt sĩ vì thiếu kinh phí nên thưa dần, đây là điều mà ông hết sức trăn trở.

Việc làm của ông Mậu nhận được thư chúc mừng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.... Ông còn được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp gỡ, khen ngợi. Ngoài ra, các cơ quan, đoàn thể trong nước cũng như nước bạn Lào và Campuchia cũng đã gửi bằng khen, giấy khen động viên và chúc mừng ông.

Giờ đây, ông Phạm Ngọc Mậu ngoài việc chăm chú  ghi nhận thông tin về đồng đội, ông còn nghiên cứu sách Hán học, chữ Nôm, thơ Đường, văn học cổ…

Ông Đồng Xuân Hiên - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận Hồng Bàng (TP Hải Phòng) cho hay, việc làm của ông Phạm Ngọc Mậu và đồng đội là rất đáng quý và địa phương hết sức ghi nhận. "Mỗi lần khởi hành, ông Phạm Ngọc Mậu và các cựu chiến binh đều ra Tượng đài Lê Chân thắp hương, đi về đều có báo cáo rõ ràng mặc dù kinh phí là do ông tự vận động. Đến nay, ông Mậu không chỉ tìm lại cho Hải Phòng hàng trăm hài cốt liệt sĩ mà còn có đóng góp lớn trong công tác của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ của địa phương do ông làm chủ nhiệm" - ông Hiên cho hay.

Ông Hiên nói thêm, việc làm của ông Mậu cũng được chính quyền phường, quận, thành phố biểu dương, tặng giấy khen rất nhiều lần.

Nói về mình, người thương binh với vết sẹo dài cả gang tay do súng AR15 bắn trúng, vừa giở album ảnh, vừa nói rằng đây là điều nên làm chứ không nên kể công gì cả, đó là nghĩa tình với đồng đội. Là trả nghĩa khi chiến tranh chia nhau củ mài, nắm lá rừng, bát nước hòa viên ký ninh trị sốt rét cả đội uống chung. Khi chia nhau bát cơm chan máu đồng đội, khi bất chấp mạng sống đi cướp gạo từ đồn giặc về, nhiều anh em hy sinh cho đồng đội có hạt cơm nóng.

Ông Phạm Ngọc Mậu nói mà mắt ông ứa lệ. "Tôi trở về được đây là còn may mắn hơn nhiều người lắm rồi" - ông lý giải nhẹ tênh, khảng khái và khiêm tốn hệt như phong cách thường ngày của người cựu binh này.

Bùi Trí Lâm
.
.