Người dân sống kề bãi rác Nam Sơn: Mưu sinh trong độc hại

Thứ Tư, 19/09/2012, 11:15

Tôi đến thôn Xuân Thịnh, xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội vào một ngày chớm thu. Nắng vẫn gắt, đem đến thoang thoảng nơi đây một thứ mùi ngai ngái không mấy dễ chịu mà vài người dân còn tếu với tôi rằng không có cái mùi ấy, trẻ con nơi đây không… lớn được!

Chuyện lạ ở thôn… cao tường

Gọi là thôn cao tường chẳng phải vì thôn không có tên, mà thực sự là vì mọi bức tường ở đây đều được xây rất cao, cao đến mức khác biệt. Tôi chưa từng đi đến đâu mà thấy tường rào, tường bao đất lại được xây cao như ở nơi này. Một điều khác lạ nữa, rằng không chỉ những bức tường rào bao quanh vườn nhà được xây cao, mà ngay cả mỗi khu vực trong một mảnh vườn cũng đều được chia ngăn bằng các bức tường, và cũng xây rất cao. Nhiều chỗ trong thôn, tường được xây chỗ nọ lồng vào chỗ kia, uốn lượn, gấp khúc, bọc lót cho nhau rất lạ khiến người ta ngỡ nó như một thứ công trình giả quân sự. Chẳng nhẽ người dân nơi đây đã kịp nhạy bén mà biết rằng thứ trò chơi Paintball đang rất thịnh hành để mà tự biến tường rào nhà mình thành điểm cho các đám tập chơi đánh trận giả thuê để luyện tập chăng?

Thực tế thì Xuân Thịnh chỉ cách khu bãi chôn lấp rác thải Nam Sơn 250 mét. Đo bằng mét có vẻ khó hình dung, nhưng nhìn bằng mắt thường, bên trái là con đường dẫn thẳng qua cổng vào khu chôn lấp được đắp cao thì ngay bên dưới vệ đường là bức tường rào của nhà đầu tiên trong thôn. Có nghĩa là từ nhà dân gần nhất, qua một bức tường rào, sang bên kia đường là coi như đến khu bãi rác.

Ban đầu, ai cũng ngỡ tường rào nơi đây được xây cao là để ngăn mùi rác bốc ra từ khu chôn lấp. Nhưng xem ra không phải. Mùi này không ngăn được. Trời đẹp còn đỡ. Mùa gió nồm hoặc trở trời, đang nắng bỗng mưa hoặc ngược lại thì mùi xú uế từ bãi chôn lấp nồng nặc đến nhức đầu, không cách gì chống đỡ được. Đắp chăn, bật quạt cũng chẳng ăn thua bởi mùi đã bám vào mọi nơi, từ da thịt, quần áo, từ cả những "chiến lợi phẩm" mà người ta tha được từ bãi rác về… Cái mùi ấy nó đeo đẳng người dân Xuân Thịnh ở khắp mọi nơi, mọi hoạt động. Đất cũng ô nhiễm. Nước cũng ô nhiễm. Chẳng trồng trọt, cấy hái gì được nữa. Thu nhập chính ở nơi đây bây giờ là… rác. Nói trẻ con nơi đây không lớn được nếu thiếu cái thứ nặng mùi ấy, gồm cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Trở lại với những bức tường rào rất cao ở thôn Xuân Thịnh, mỗi người nói một kiểu. Gặp các bà vừa đi chợ về, tranh thủ tụ bạ ở đầu thôn thì bảo, ở đây các nhà đều nuôi rắn, nuôi cóc, nên tường phải xây cao? Vài thanh niên khác trong làng lại bảo, ở đây bây giờ "quấy" lắm! Dân "đi rác" ở nơi khác đến, rồi thì đám nghiện ngập xung quanh, bạ cái gì lấy cái đấy, hở cái gì ra là mất cái đấy, nên người trong thôn bảo nhau xây tường rào thật cao cho an toàn… Trực diện quan sát thì thấy, thực ra có vẻ như các bức tường nguyên bản ban đầu không cao như thế. Hầu hết các bức tường bao ấy đều mới được đắp thêm, chỗ ít nhất cũng nửa mét. Ở những chỗ đắp thêm, từng viên gạch, đường vữa vẫn sáng màu. Có chỗ chưa kịp xây, người ta xếp chồng gạch lên, cũng đều cao hơn 2 mét.

Phó thôn sinh năm 1974, trông mặt già hơn tuổi, ậm ừ với tất cả những gì phóng viên nghe được về cái… bờ tường cao ngất ngưởng ấy. Vị đại diện do thôn bầu ra chỉ nhắc đi nhắc lại câu trả lời: Tường dân xây cao là để bảo vệ quyền lợi của người ta! Tất nhiên xây thế nào là quyền của người ta, có tiền mua gạch, mua vữa thì cứ xây. Nhưng sao bờ rào bao quanh là đủ, lại còn ngăn ra từng ô trong vườn, muốn vào cũng không có đường, phải bắc thang? Lại còn uốn lượn như boong-ke, hầm hào công sự nữa? Ngồi trong nhà, bà mẹ già sinh năm 1930 của ông phó thôn nghe tôi truy hỏi mà cũng phải phì cười. Riêng ông phó thôn vẫn lẩm bẩm: là quyền lợi của người ta…

Liên hệ với UBND xã Nam Sơn, người đàn ông tên Đông, xưng là Chánh văn phòng, khi biết tôi muốn hỏi về thôn Xuân Thịnh, đã hỏi lại ngay rằng có phải muốn biết về công tác giải phóng mặt bằng phải không? Rất tiếc, Chủ tịch Nguyễn Quang Hòa đi vắng! Câu trả lời cuối cùng cho những bức tường rào cao đến khác biệt ấy, lại phải chờ thôi.

Tường được đắp cao khắp nơi ở Xuân Thịnh - ngăn giữa các ô vườn, tường rào lớp trong, lớp ngoài như công sự kiên cố?

Chuyện người thứ nhất

Phạm Văn Cúc ở xã Xuân Thịnh, cả 2 vợ chồng có thâm niên 4 năm đi rác. Vợ chồng Cúc có một ngôi nhà mái bằng, một gian một chái khá khang trang so với xung quanh. Trong nhà một lớp trần giả bằng nhựa chống nóng; một chiếc tủ thờ khảm trai cùng bộ bàn ghế giả cổ khá đẹp. Xem ra nhà Cúc thuộc vào dạng khá trong làng.

Cúc bảo, cả hai vợ chồng nghỉ đi bãi từ đầu năm. Giờ vợ anh đang có bầu được 4 tháng. Hai vợ chồng đã có 2 cô con gái, đứa lớn lớp 5, đứa nhỏ lớp 3. Vừa nói vừa cười, Cúc bảo đang cố phấn đấu cho được… cái gậy chống đây! Đợt vừa rồi vướng việc ấy nên cả hai vợ chồng đều nghỉ dưỡng sức. Sắp tới để vợ ở nhà, còn Cúc sẽ lại phải đi rác. Không đi lấy gì mà sống?

Xưa nay báo chí cũng cất công tìm hiểu về dân đi rác. Nhưng theo Cúc, cái sự khác biệt của thế giới bên ngoài với một "thế giới rác" bên kia chiếc cổng thật sự rất khó diễn tả. Bắt đầu từ 3 giờ sáng, khi cổng mở, cho đến 19 giờ cổng đóng, dân đi rác buộc phải tuân theo "luật" đi rác nếu muốn còn tiếp tục kiếm ăn nơi đây. Không phải cứ thấy rác, muốn bới là bới. Ở đâu cũng có mảng, có miếng của nó cả, vớ vẩn là què giò, ngày mai khỏi đi làm.

Dân đi rác được chia thành 2 loại: loại tự do và loại làm cho chủ lán, tương ứng với rác cũ và rác mới. Vợ chồng Cúc trước đây thuộc loại tự do. Số này chiếm khoảng 1/3 dân đi rác. Loại tự do là loại chờ đến giờ thì vào, không phải chịu sự phân công, chia khu của ai, muốn cuốc ở đâu thì cuốc, được gì lấy nấy, nhưng chỉ ở những chỗ rác cũ, bên dưới đầu cày. Lớ xớ mà dạt sang bãi rác mới, vô tình hay cố ý cũng ăn đòn đủ.

Làm kiểu này chỉ được mỗi cái tự do, nhưng năng suất thấp, lại phải mất công cuốc sâu hơn, nguy hiểm hơn dưới đầu cày, nhất là sau mỗi hôm trời mưa, rác mủn ra có thể sập xuống bất cứ lúc nào. Nguyên ở bãi rác, người ta chia thành các bể rác. Khi các xe chở rác trút xuống bể, xe ủi sẽ san dần rác ra. Xe ủi đến đâu thì đầu cày ra đến đấy, khi nào đầu cày chạm thành bể rác bên kia thì coi như đầy. Rác mới bao giờ cũng ở trên, nên loại làm tự do đương nhiên là phải trèo xuống dưới đầu cày. Có những đầu cày cao 2 đến 3 mét, từ dưới đáy lên đến dưới đầu cày phải vài ba người cuốc. Ông nào cuốc ham quá, ăn sâu vào trong là sập đầu cày như chơi. Cũng đã xảy ra vài ba vụ rồi…

Loại làm cho chủ lán thì nhàn hơn, thu nhập cũng cao hơn, chỉ cuốc trên bề mặt. Đổi lại, có những luật bất thành văn. Chủ lán thường là 2 vợ chồng. Cúc bảo, không biết họ móc nối với bên quản lý bãi rác thế nào, mà các chủ lán luôn được vào trước dân đi rác từ 15 đến 20 phút. Họ vào trước để chọn bãi, và làm cái gì đó… Sau đó, người ta mới mở cửa cho dân đi rác ùa vào, và đã làm cho chủ lán nào thì phải ra đúng khu vực của người ấy.

Làm thuê cho chủ lán cũng chia thành 2 nhóm. Một nhóm thường do vợ chủ lán quản lý. Nhóm này đa phần là thân tín của chủ lán, hoặc là đã làm cho chủ lán lâu năm. Loại này chuyên cuốc rác lấy hàng, riêng bóng (túi ni-lon) phải trả không cho chủ lán. Hàng là đủ thứ chổi cùn rế rách, miễn có sức mà ôm về. Người nào vi phạm, đuổi ngay. Nhóm thứ 2 làm thuê cho chủ lán, như hồi Cúc còn đi làm, mỗi người phải nộp 10 nghìn cho chủ lán thì mới được cuốc ở bãi mới. Với nhóm này, bóng cũng phải bán lại cho chủ lán với giá của chủ lán, không quá rẻ mạt nhưng cũng không thể được giá. Còn lại hàng thích bán cho ai thì bán.

Hàng ở bãi rác, Cúc bảo, không thiếu thứ gì. Từ quần áo cũ, chăn chiếu, đồ hộp, đồ nhựa đến cả những thứ có nói cũng không tưởng tượng ra nổi. Tiền sót trong quần áo cũ, ví rách, túi xách vứt đi thì gần như ngày nào cũng có dân đi rác nhặt được, ít thì vài nghìn, nhiều thì cả vài trăm nghìn. Cá biệt có trường hợp, những nhà khá giả có đại sự, phong bì xé còn sót đã vứt đi, dân đi rác nhặt được cả chục triệu đồng. Trường hợp nhặt được nhiều nhất kể từ khi bãi rác hình thành (năm 1999) xảy ra cách đây khoảng 2 năm. Lần ấy có người nhặt được chẵn… 11 cây vàng, đúc thành từng thỏi hẳn hoi. "Hồi ấy và cả về sau, báo chí đưa tin, có người bảo trong túi xách, có người bảo trong áo rét… Nhưng chính mắt tôi nhìn thấy, 11 cây vàng được lôi ra trong một chiếc gối bông cũ… Chẳng biết có nhà ai lại sơ ý thế? Hay là lại đồ ăn cắp ăn trộm của ai ở nhà nào chưa kịp tẩu tán cũng nên" - Cúc nói.

Như Cúc kể, hàng ở bãi rác, thôi thì đủ thứ hầm bà lằng. Chó chết cũng là hàng. Mèo chết cũng là hàng. Chỉ có người chết thì không thôi. Cúc bảo chưa từng gặp, nhưng đã có người trong thôn này nhặt được trẻ con rồi. "Toàn trẻ sơ sinh. Có những đứa bé trai trông kháu lắm… tội quá cơ!" Giọng kể của một người đang "khát" con trai nghe lại càng thêm não… Cúc bảo, gặp việc thế, dân đi rác đều bảo nhau giúp mai táng, thắp hương cẩn thận. Trong bãi rác có một khoảnh đất, trước dùng để lấy đất lấp rác. Nhưng cứ gặp thai nhi bị bỏ, dân đi rác báo quản lý bãi đều được chỉ lên chôn ở đấy, giờ thành nghĩa trang. Cũng có đến hai chục ngôi mộ như thế rồi…

"Dạo trước chó chết, mèo chết cũng bán được. Có đám đâu như trên Thái Nguyên cứ về đây thu mua, bảo là về "chăn" trê phi. Nhưng những con thường thì bán được 3 nghìn, 5 nghìn. Con nào còn "ngon" thì thậm chí bán được hai chục, ba chục. Ngon ở đây tức là chưa tuột lông. Chẳng hiểu nuôi cá trê mà còn phải chia thành các loại như thế làm gì nữa không biết?".

Câu chuyện của Cúc về bãi rác có vẻ như chẳng bao giờ hết. Đất đai ô nhiễm, ruộng vườn giải phóng mặt bằng hết cả, người dân nơi đây chỉ còn có… rác. Mặc dù, chính Cúc nói với tôi, 100% dân đi rác đều bị bệnh về phổi và mờ mắt vì tiếp xúc thường xuyên với hơi độc. Nhưng không như thế, lấy gì mà sống?

Anh Cúc với 2 cô con gái và căn nhà khá khang trang nhờ… rác!

Chuyện người thứ hai

Cũng không phải toàn bộ thôn Xuân Thịnh đều được nuôi sống bởi rác. Trần Danh Bình, phó thôn chưa từng đi rác. Vào Xuân Thịnh, nhà nào có đi rác thấy nhà cửa to đẹp khác hẳn. Nhà phó thôn Trần Danh Bình, tính cả đứa con mới sinh được hơn 10 ngày, là 8 nhân khẩu trong một căn nhà mái ngói nhỏ, thấp lè tè. Chỉ có mỗi tường rào bao quanh nhà là cao. Bình bảo, đi rác hay không là tùy mỗi người, nhưng giữa lựa chọn sức khỏe và vài trăm nghìn mỗi ngày tiền đi rác, Bình chọn sức khỏe. Nhưng giờ có sức khỏe mà chẳng có việc để làm, cũng gay lắm. Hoa màu thì từ năm 2004 - 2005 đến giờ chẳng còn thu hoạch được mấy. Cá thì nuôi mãi chẳng thấy lớn, nước ao cứ vàng đục như nước rửa đường ống. Được biết, kết quả kiểm tra nước ngầm của Viện Vệ sinh phòng dịch Quân đội tại một đơn vị bộ đội đóng quân trên địa bàn (xa hơn phía ngoài so với vị trí thôn Xuân Thịnh gần 1 cây số) cho thấy, nguồn nước ngầm bị ô nhiễm Coliforms và Feacal Coliform khá nặng.

"Bên Lương Đình, Bắc Sơn cả làng đi rác thì là một nhẽ. Người ta chấp nhận ô nhiễm để vực cuộc sống khá lên đã đành. Ở đây, Xuân Thịnh này người đi rác lại không phải nhiều. Đền bù giải tỏa cứ nói đi nói lại mãi, mà đến tận bây giờ khi rác đã "ngập đầu" rồi mà vẫn chưa biết là nếu bàn giao ở đây, thì chúng tôi đi đâu? Lớp người lớn như chúng tôi phải chịu đã đành, những đứa trẻ như con tôi, con nhà Cúc nữa, sao phải chịu cái cảnh ô nhiễm này mãi? Chúng nó còn bé thế, có tội tình gì đâu?".

Và theo thông tin báo chí đã đưa, tháng 6 vừa qua, UBND huyện Sóc sơn đã có đề nghị nâng phạm vi ảnh hưởng môi trường của bãi rác Nam Sơn lên 1.000m (tính từ hàng rào) đồng thời có sự hỗ trợ chính đáng cho người dân trong phạm vi vùng ảnh hưởng môi trường. Như thế là hợp lý. Nhưng mà phải nhanh lên mới được!

Việt Ba
.
.