Kỉ niệm 60 năm Ngày Truyền thống Bộ đội Biên phòng và 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân:

Người lính Biên phòng giữa đại ngàn Trường Sơn

Chủ Nhật, 03/03/2019, 17:45
Biết chúng tôi sắp lên Đồn Biên phòng Ia Lân, Thượng tá Nguyễn Bá Hưng, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum nhìn chúng tôi băn khoăn. Giây lát, anh nói: “Vào đó phải có một cái xe gầm cao. Đường rất khó đi nhưng được cái đồn Ia Lân có nhiều điều hay, ấy là đơn vị Anh hùng Lao động, có phong trào đưa đảng viên về chi bộ buôn làng...”.

Mấy lời giới thiệu ban đầu ấy làm chúng tôi háo hức và đưa ra quyết định sẽ vòng lên biên giới từ huyện Ngọc Hồi, men theo sông Sa Thầy đi xuyên qua rừng Chư Mo Ray. Quyết định rồi, đường khó mấy cũng phải đi.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum xây dựng nhà tình nghĩa cho hộ nghèo ở khu vực biên giới tỉnh.

Tiếp bước cha anh

Vào thực tế mới thấm lời dặn của anh Hưng phải chuẩn bị kỹ lưỡng trước chuyến đi. Suốt hành trình dài ngót 70km từ thị trấn Plei Kần (huyện Ngọc Hồi) vào trung tâm xã Mô Rai (huyện Sa Thầy) có đến tám phần mười là đường mòn. Chất kết dính của những viên đá củ đậu chính là đất đỏ bazan, thứ hỗn hợp lèn chặt, trơn nhẫy. Gặp mưa, mặt đường lang láng, những viên đá củ đậu rời ra khỏi mặt đường lăn xuống dốc như đại đội quân binh trong một trận công thành, phá lũy. Mệt mỏi, đôi lúc cũng ngã lòng, muốn tìm nhà dân trú mưa nhưng đó là điều bất khả thi giữa đại ngàn nguyên sinh Chư Mom Ray.

Đặt chân vào cổng đồn, Thượng tá Bùi Bảo Hưng, chính trị viên của đồn, nhìn chúng tôi không hỏi đi đường có vất vả không mà lại nói: Đoạn đường mọi người mới đi qua chính là trục đường Hồ Chí Minh huyền thoại năm xưa. Nghe đến đấy, bao cực nhọc suốt chặng đường như tan biến, một cảm xúc lâng lâng tự hào dâng ngập lòng, hôm nay chúng tôi được bước theo dấu chân cha anh, những người “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.

Thật kỳ diệu, sau bao năm con đường vẫn còn đó như một chứng tích cho lòng tự tôn dân tộc, một ý chí mãnh liệt, kiên định giải phóng và thống nhất đất nước. Bao nhiêu thế hệ thanh niên đã đi qua, đặt dấu chân trên con đường này mỗi con khe, cái dốc đều ẩn chứa những huyền tích.

Đồn biên phòng Ia Lân được đặt tên theo một con suối chảy từ dãy núi không tên nơi đầu nguồn biên giới chảy vào sông Sa Thầy. Người dân của 12 làng trong xã Mô Rai uống chung nguồn nước này. Và theo lẽ tự nhiên, cái tên Ia Lân đã trở nên thân thiết. Bộ đội ở Đồn biên phòng Ia Lân cũng vậy, gắn bó như con suối nguồn của người dân nơi đây.

Chúng tôi đến thăm già làng A Bờ Long của làng Le và Bí thư Đảng ủy xã Mô Rai Rơ Chăm Huệ, mọi người vui vẻ nói: “Bộ đội Đồn biên phòng Ia Lân là người nhà đấy! Đã là người nhà thì phải giúp nhau, cùng nhau tiến bộ. Dân tin bộ đội, bộ đội nói gì dân cũng nghe theo. Vì đó toàn những điều có lợi cho dân cả thôi”.

Thoáng chốc, anh em cán bộ trong đồn đã bày lên bàn uống nước bao nhiêu hoa quả thiết đãi khách phương xa là phóng viên chúng tôi từ ngoài Bắc vào. Thấy có đến mấy loại quả chôm chôm, cam, bưởi, mít..., chúng tôi thắc mắc sao các anh mua nhiều thế. Đồng chí chính trị viên cười nói, đó là hoa quả vườn nhà thôi. Chúng tôi cùng ồ lên: "Vườn nhà?", rồi đề nghị anh cho đi thăm. Đi giữa vườn hoa quả ngát hương, trĩu trịt đủ loại cây trái, từ những loại dân dã, dễ trồng như cam, chanh, bưởi, ổi, chuối... đến các loại cây cao cấp như sầu riêng, vú sữa, mãng cầu, mít Thái...

Già làng A Bờ Long báo tin vui với buôn làng.

Chính trị viên Bùi Bảo Hưng vừa gạt những cành cây lòa xòa trĩu quả che khuất tầm mắt, vừa nói như thể với chính mình: “Phải cảm ơn các anh thế hệ đi trước đã cho chúng ta có được quả ngọt hôm nay. Cũng như Đồn biên phòng Ia Lân vậy, được dân tin yêu, quý trọng cũng nhờ bao nỗ lực, cố gắng vun đắp của anh em cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị nhiều thế hệ”.

Đại úy Phan Bá Kỳ, Phó Ðồn trưởng Đồn biên phòng Ia Lân, cho chúng tôi biết: "Vườn cây này không chỉ trồng cho đơn vị lấy quả mà đây còn là mô hình để người dân vào tham quan học tập. Góc “thị phạm” của đồn còn có mô hình trang trại với 16 con bò, 15 con dê, 30 con heo, 120 con gà, vịt, ngan, ngỗng các loại".

Về mô hình xây dựng kinh tế chăn nuôi hộ gia đình này, trong 6 tháng đầu năm đã có nhiều hoạt động đáng ghi nhận. Theo đó, đơn vị đã trao một con bò sinh sản tặng gia đình A Đại ở làng Kênh để phát triển kinh tế thoát nghèo; hỗ trợ xây dựng mô hình vườn cao su tiểu điền thành công ở nhiều hộ trong xã; hướng dẫn đồng bào trồng lúa nước, dọn rẫy, trồng sắn...

Bám dân, bám bản

Đồn Ia Lân được thành lập năm 2004, đến năm 2006 thì xây dựng cơ bản hoàn thiện. Tiếp đó, trong 5 năm liên tục (2006-2011), đồn đều đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng, sau đó là danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới sau khi đạt các thành tích về khai hoang trồng 16 ha cao su. Đơn vị cũng tham mưu cho địa phương triển khai tốt các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; đẩy mạnh công tác xây dựng nông thôn mới theo 19 tiêu chí (hiện xã Mô Rai đạt 12/19 tiêu chí); tuyên truyền nhân dân loại bỏ các hủ tục lạc hậu; phát động phong trào quần chúng tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc...

Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Ia Lân qua 25 năm xây dựng, trưởng thành đã có một "thế trận lòng dân" vững chắc. Qua 2 ngày làm việc ở đồn, chúng tôi đã được gặp nhiều người dân và cả những chiến sĩ biên phòng nước bạn Campuchia. Tất cả đều bày tỏ một niềm tôn trọng, quý mến và tin yêu đối với bộ đội biên phòng đồn Ia Lân. Cơ sở để có được “thế trận” đó không gì khác ngoài sự năng nổ, nhiệt tình trong công tác của mỗi cá nhân; sự đoàn kết gắn bó, dám nghĩ dám làm và nghĩ đúng, làm giỏi.

Bên cạnh đó là sự ủng hộ của người dân, đó quả là “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Phong trào “đưa đảng viên về chi bộ buôn làng” đã thật sự tạo ra được sự kết nối chặt chẽ để quân dân một lòng trong mỗi công việc của địa phương hay đơn vị. 

Đại úy Nguyễn Văn Đại quê ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An nhưng bố mẹ và gia đình vào Kon Tum lập nghiệp đã lâu. Năm 2001, anh nhập ngũ; năm 2004 đi học Trường Trung cấp Biên phòng ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; đến 2008 tiếp tục đi học tại Trường Sĩ quan Chính trị. Tốt nghiệp ra trường với cấp bậc trung úy, anh được phân công về Đồn biên phòng Rờ Kơi (xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) công tác trên cương vị Đội trưởng Đội vận động quần chúng. Chính thời điểm này, anh đã có sáng kiến đưa đảng viên tham gia sinh hoạt ở chi bộ thôn, làng, bản.

Xã Rờ Kơi có 6 bản, làng, với 1.339 hộ, đường sá đi lại khó khăn, cuộc sống còn nghèo nàn cùng nhiều hủ tục. Các chi bộ làng, bản ở Rờ Kơi thời điểm đó hoạt động kém hiệu quả. Dễ thấy nhất từ các cuộc họp chi bộ. Bí thư chi bộ không ra nghị quyết bằng văn bản, trong cuộc họp chỉ nói vo. Đảng viên thì chỉ phát biểu về những bức xúc cá nhân, chưa biết vì cái chung. Nhận định, đánh giá xa tình hình thực tiễn, dẫn đến vai trò lãnh đạo của chi bộ không phát huy được. Nhiều năm liền các chi bộ không kết nạp được đảng viên mới.

Sau khi nắm bắt được tình hình, Nguyễn Văn Đại đề xuất với cấp ủy, chỉ huy Đồn biên phòng Rờ Kơi đưa đảng viên của đơn vị về tham gia sinh hoạt, tham mưu cho đội ngũ bí thư các chi bộ thôn, làng, bản. Đề xuất của anh lập tức nhận được sự ủng hộ của cấp ủy, chỉ huy và đội ngũ đảng viên trong đơn vị. Ngay trong quý đó, nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ của Đảng bộ Đồn biên phòng Rờ Kơi đã xác định rõ chủ trương, giải pháp; đồng thời xây dựng quy chế phối hợp với Đảng ủy xã Rờ Kơi. Đảng ủy đơn vị tiến hành giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đảng viên trong Đội vận động quần chúng.

Một đoạn đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử.

Đại úy Nguyễn Văn Đại tâm sự: “Lúc đầu, đảng viên của đội công tác phải “cầm tay chỉ việc” cho các đồng chí bí thư, sau bớt dần, chỉ xây dựng đề cương nghị quyết, xác định nhiệm vụ trọng tâm bám sát với tình hình của địa phương. Thực tế, đây cũng là thế mạnh của bộ đội biên phòng, khi họ bám nắm cơ sở, rất hiểu về tình hình địa bàn, cũng như năng lực lãnh đạo thực tế của chi bộ. Đến nay, hầu hết chi bộ thực hiện nghiêm chế độ sinh hoạt theo quy định; hiệu quả lãnh đạo nâng lên rõ rệt; công tác phát triển đảng viên cũng rất thuận lợi. Tiếp đó, chúng tôi cũng đưa thêm cán bộ đoàn xuống xã để xây dựng phong trào thanh niên, tạo cơ chế phối hợp rất hiệu quả từ chi bộ cho tới các tổ chức quần chúng”.

Được biết, phong trào đưa đảng viên xuống tham gia sinh hoạt ở các chi bộ thôn, làng, bản từ sáng kiến của đồng chí Nguyễn Văn Đại đến nay được áp dụng ở hầu hết các đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum đã ghi nhận rất nhiều phản hồi tích cực từ các địa phương.

Vững xây thế trận lòng dân

6 năm ở Đồn biên phòng Rờ Kơi, Nguyễn Văn Đại là tấm gương đẹp để đồng chí, đồng đội noi theo; là ân nhân và cũng là người thân của bà con dân tộc thiểu số, như trường hợp A Tua, một thanh niên người HLăng (một nhánh của dân tộc Xê Đăng), nạn nhân chất độc da cam, không có sức lao động. Gia cảnh của A Tua rất túng bấn, nghèo khổ.

Cảm thông với hoàn cảnh, Nguyễn Văn Đại quyết tâm sửa lại nếp nhà cho A Tua. Anh vận động đồng đội, các cấp chính quyền xã, huyện hỗ trợ. Lúc đó, chính quyền huyện mới biết gia đình A Tua chưa được hưởng chế độ trợ cấp xã hội cho người tàn tật do sự quan liêu của một số cán bộ xã.

Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Sa Thầy sau đó đã triển khai hoàn thành thủ tục để A Tua được hưởng chế độ trợ cấp xã hội. Song, vấn đề cấp bách lúc này là ngôi nhà của A Tua chưa đủ kinh phí để sửa chữa. Nguyễn Văn Đại lại vận động bè bạn khắp nơi ủng hộ. Một thời gian ngắn, bằng sự đóng góp của nhiều tổ chức, cá nhân cùng công sức của đoàn viên, thanh niên trong xã và Đồn biên phòng Rờ Kơi, A Tua đã có ngôi nhà vững chãi.

Nhiều người biết hoàn cảnh còn gửi tặng A Tua rất nhiều vật dụng sinh hoạt... Hôm dọn vào nhà mới, A Tua chỉ còn biết đặt tay lên ngực cảm ơn “phép màu” của bộ đội biên phòng đã làm thay đổi cuộc đời anh.

Theo đà thắng lợi từ trận “hiệp đồng tác chiến” hỗ trợ giúp A Tua, trong hai năm (2016-2017), Nguyễn Văn Đại và Đoàn thanh niên xã Rờ Kơi, Đồn biên phòng Rờ Kơi đã triển khai giúp 16 hộ đồng bào dân tộc thiểu số sửa chữa, nâng cấp 16 ngôi nhà. Có những ngôi nhà mà khi đoàn công tác xã hội (gồm các nhà từ thiện, đại diện hội phụ nữ xã và bộ đội biên phòng) đến khảo sát không ai dám leo lên vì sợ sập.

Một số gia đình tài sản không có gì ngoài vài con vịt. Có những gia đình mà trẻ em không bao giờ được đến trường vì quá nghèo đói và xa xôi. Tất cả đã được hàn gắn, bù đắp bằng những tấm lòng thiện nguyện, bằng công sức của bộ đội và thanh niên. Trước ngày rời Rờ Kơi nhận công tác ở Mô Rai, Nguyễn Văn Đại đã “kịp” khoan thêm 3 giếng nước ngọt giúp dân qua mùa nắng.

Có người khái quát một câu như thế này: Nếu nhìn từ biên giới trở về sẽ thấy, một đường biên giới hòa bình ổn định; một địa bàn cư dân an toàn, vươn nhanh trong xây dựng kinh tế và gìn giữ văn hóa, bản sắc; một đơn vị có cảnh quan, môi trường đẹp mà ở đó những cán bộ chiến sĩ đoàn kết, gắn bó như thể thành viên trong một gia đình. Những gì được thấy, được nghe từ những đồn biên phòng nằm cheo leo trên dãy Trường Sơn này đã khơi dậy trong lòng tôi và nhiều người niềm lạc quan, tin tưởng.

Nguyên Phong
.
.