Người lính Cụ Hồ và cây kim châm cứu

Thứ Hai, 14/09/2015, 17:15
Có lẽ hiếm ở đâu như phòng khám của bác sĩ Đinh Tự Khuyên (Vân Giang - Ninh Bình) khi người nghiện ma túy và bệnh nhân khác lại thoải mái trò chuyện, cười đùa và động viên nhau hết lòng như vậy. Bảy năm miệt mài châm cứu cắt cơn cai nghiện miễn phí, bác sĩ Đinh Tự Khuyên đã khống chế thành công cơn vật thuốc của hàng trăm người nghiện, theo dõi 4-5 năm sau không thấy tái nghiện và vị bác sĩ này còn tư vấn sức khỏe, khám chữa bệnh miễn phí nhiều đối tượng có hoàn cảnh khó khăn tìm đến.

Xếp bút nghiên lên đường theo tiếng gọi non sông

Chúng tôi gặp người lính - bác sĩ Đinh Tự Khuyên trong không gian toàn thuốc, đồ hình, xung quanh trang trọng treo những bằng khen, huân chương và ảnh kỷ niệm của ông với những thầy thuốc danh tiếng. Khẽ nở nụ cười, vị bác sĩ già khiêm tốn chỉ dòng chữ "Y đức là cái gốc sâu vững của tài năng" do chính "ông tổ nghề châm cứu", bác sĩ Nguyễn Tài Thu đề tặng và cho đó là phương châm sống cũng như phương châm hành nghề bao năm nay của mình.

Trời ngả sang chiều nhưng nắng Ninh Bình vẫn như thiêu như đốt. Trở về ký ức hơn nửa thế kỷ trước, bác sĩ Đinh Tự Khuyên kể về cuộc đời mình. Đôi mắt sáng, cặp mày dài kết hợp với tiếng nói sang sảng đầy sinh khí như thu hết sự chú ý của người đối diện khi ông lục lại ký ức. Sinh năm 1949 tại Ninh Bình, chàng sinh viên Đinh Tự Khuyên bỏ ngang Khoa Động lực và chế tạo máy (Đại học Bách khoa) sau 6 tháng học, xung phong đi bộ đội theo lý tưởng của lớp thanh niên thời chiến bấy giờ.

Chiến đấu trong đơn vị đặc công suốt những năm chiến tranh, đôi chân người lính Đinh Tự Khuyên in dấu khắp các chiến trường Lào, chính trường miền Nam trong những năm ác liệt nhất. Thời gian này cũng là lúc ông bắt đầu được học về châm cứu và vừa chiến đấu vừa tham gia công tác y tế, cứu thương tại đơn vị. Bị thương 6 lần, lần nặng nhất là năm 1971 và sau đó, ông được chuyển ra Bắc điều trị với nhiều huân, huy chương chiến công trong chiến đấu. Sau đó, ông được tiếp tục theo học Đại học Quân y (nay là Học viện Quân y) và được giữ lại Khoa Thần kinh của viện công tác. Ở đây, bác sĩ Khuyên có điều kiện tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện phương pháp điều trị bằng châm cứu cho bệnh nhân mà ông vẫn thực hiện trong chiến trường.

"Tôi châm cứu từ năm 1969 tại đơn vị Đặc công D27 (Bộ Tư lệnh Đặc công). Khi làm y tá thì châm cứu ở đại đội, y sĩ thì châm cứu ở tiểu đoàn. Sau khi học xong đại học thì tôi về Viện 103 tiếp tục châm cứu" - bác sĩ Khuyên chia sẻ. Bước ngoặt đến với ông là khi học sau đại học, ông là một trong những người được Thầy thuốc, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Tài Thu cầm tay chỉ việc, hướng dẫn cho phương pháp châm cứu rất cụ thể, chi tiết.

Lương y Đinh Tự Khuyên tại cơ sở khám chữa bệnh đông y của ông.

Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Tài Thu lúc này đã là bác sĩ nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực đông y, đặc biệt là châm cứu chữa bệnh. Ông từng giữ chức Phó chủ tịch Hội Châm cứu thế giới, Chủ tịch Hội Châm cứu Việt Nam và Chủ tịch Hội Cứu trợ Trẻ em tàn tật Việt Nam. Danh y Nguyễn Tài Thu còn là Giáo sư, Tiến sĩ danh dự của 16 trường đại học nước ngoài và được mệnh danh "Ông vua châm cứu", "Huyền thoại y khoa"… của Việt Nam.

Cái tâm của người thầy thuốc

Sau nhiều năm công tác, khi nghỉ hưu, nhờ lối sống chân tình, chan hòa mà gia đình bác sĩ Đinh Tự Khuyên luôn tấp nập bè bạn. Trong số đó, có một người bạn có con trai nghiện ma túy, trong câu chuyện ôn cố tri tân đã kể về người con trai với nhiều buồn khổ, băn khoăn. Khi đó, bác sĩ Khuyên bảo người bạn đem con trai đến, biết đâu mình có thể giúp đỡ.

Vài hôm sau, cậu thanh niên kia đến phòng khám, ông quyết định giúp con bạn bằng việc hàng ngày châm cứu giúp cắt cơn thông qua phác đồ và kiến thức đã học và sự tìm tòi của bản thân dựa trên sở học từ danh y Nguyễn Tài Thu. Chỉ 5 - 6 ngày, vừa châm cứu, vừa động viên người nghiện bằng những lời khuyên chân tình, nhẹ nhàng, bệnh nhân nghiện đầu tiên đã có nhiều nỗ lực vượt qua.

Sau khi con bệnh cắt cơn, bác sĩ Khuyên phối hợp với gia đình theo dõi, sau 4-5 năm không thấy tái nghiện. Tiếng lành đồn xa, người nọ mách người kia và tìm đến, bác sĩ Đinh Tự Khuyên trở thành thầy thuốc chuyên cắt cơn cai nghiện bằng châm cứu. Hơn nữa, vị bác sĩ này lại điều trị hoàn toàn miễn phí, không lấy thù lao, đã khiến cho sự tin tưởng dành cho ông lại càng cao.

"Người trót nghiện ma túy thì bản thân họ và gia đình đều rất khổ sở, bố mẹ vừa sợ mất con vừa sợ mất của nên ai cũng tiều tụy đi. Bản thân mình có được nhiều may mắn, có nghề trong tay thì cố gắng giúp đỡ họ được chút nào hay chút đó. Tuổi này rồi, nhiều tiền cũng đâu để làm gì" - bác sĩ Khuyên chia sẻ. Ông nói rằng, phát minh ra phương pháp này là Giáo sư Nguyễn Tài Thu, còn ông chỉ là người kế thừa và phát triển nó lên.

Với kiến thức bài bản về cả Đông y lẫn Tây y, khi về hưu, ông mở phòng khám và cải tiến thêm nhiều phương pháp mới, bài thuốc hay để chữa các bệnh như liệt dây thần kinh số 7, liệt nửa người, hội chứng cổ vai tay, thần kinh liên sườn, đầu thống, bấm huyệt điều trị nấc, chữa các bệnh viêm đại tràng, thắt lưng hông…

Với bệnh nhân đến cắt cơn nghiện, bác sĩ Khuyên luôn dùng lời lẽ chân tình, chí lý để khuyên giải họ bên cạnh việc điều trị. Cắt cơn xong, ông còn phối hợp với gia đình, công an địa phương để theo dõi bệnh nhân 4-5 năm sau, nhiều người cắt cơn hẳn trong thời gian đó. Tuy nhiên, ông cũng phải thừa nhận, nghiện ma túy cực kỳ khó bỏ và rất dễ tái nghiện vì bạn bè, môi trường cũ lại khiến người nghiện ngứa ngáy. Có người khỏi đến 5 năm, thậm chí 8 năm lại nghiện trở lại.

Lương y Đinh Tự Khuyên tại cơ sở khám chữa bệnh đông y của ông.

"Tôi chuyện trò, tâm sự, động viên, phân tích lẽ phải trái cho những người không may dính vào ma túy để họ nhận ra con đường nên đi. Người nghiện đến đây rất lịch sự, ngoan ngoãn, lễ phép chứ không phải lúc nào cũng ngổ ngáo, gian manh. Mình nhẹ nhàng với họ thì họ cũng nể nang lại mình" - bác sĩ Khuyên chia sẻ về những lần tiếp xúc với người nghiện ma túy.

Xóa kỳ thị người nghiện ngay phòng khám

Đợt cao điểm, cùng lúc có tới 6 - 7 người tìm đến bác sĩ Khuyên để mong được giúp cắt cơn cai nghiện. Thời gian đầu, những người bệnh khác ái ngại và luôn đề phòng những bệnh nhân nghiện ma túy, có nhiều người còn không dám đến vì sợ mất xe, mất đồ khi phải điều trị chung với người nghiện. Dần dần, nhờ sự đảm bảo và uy tín của bác sĩ Đinh Tự Khuyên, những bệnh nhân khác và người nghiện ma túy đỡ nghi kị nhau hơn, thậm chí họ còn ngồi cùng để chuyện trò, tâm sự như không có khoảng cách nào. Đó cũng có thể được coi là một thành tích bên cạnh thành tích chữa bệnh của bác sĩ Khuyên.

Từ năm 2007 đến nay, ông đã thực hiện châm cứu miễn phí cho 218 trường hợp cắt cơn cai nghiện với tỷ lệ thành công 80% bệnh nhân cắt cơn. Bác sĩ Khuyên cho hay, nhiều trường hợp nghiện ma túy là con của những người lao động nghèo, nhưng cũng không ít trường hợp nghiện là con của các cán bộ, quan chức. Vì danh tiếng nên những vị này không muốn tiết lộ ra mà thường đem con cái đến một cách bí mật và nhờ bác sĩ Khuyên chạy chữa với điều kiện phải giữ bí mật thông tin.

Bác sĩ Khuyên đương nhiên nhận lời như một nguyên tắc nghề nghiệp, tuy nhiên, khi điều trị tiến triển, 4-5 năm không tái nghiện thì chính những người đó lại đem ra khoe, rằng con cái họ đã khỏi nghiện và giới thiệu người khác đến điều trị.

Có lần, một bà cụ bán nước bên đường gần 80 tuổi, không may có người con trai duy nhất nghiện nặng, vợ bỏ, để lại đứa con. Dù con nhỏ, mẹ già yếu nhưng người thanh niên này vẫn sa vào ma túy mà không có ý hối cải. Biết được thông tin về bác sĩ Khuyên, bà cụ đến gặp ông và xin ông cứu lấy con trai của bà. Sau khi nghe bác sĩ khuyên bảo, người thanh niên này đã bật khóc và đồng ý quyết tâm điều trị. Sau 4-5 năm theo dõi không thấy tái nghiện, cả bác sĩ và người mẹ già mới tạm an tâm.

"Bà cụ run run đưa tiền cho tôi, một tập tiền đủ mệnh giá, từ 200 đồng, 500 đồng… cao nhất là 5.000 đồng. Những đồng tiền lẻ, cũ nhưng được vuốt đi vuốt lại phẳng phiu, vẫn chưa hết mùi mồ hôi nhất quyết đòi trả thù lao dù tôi chữa miễn phí. Không còn cách gì khác, tôi phải nhận mà ứa nước mắt, nhưng đến cuối câu chuyện, lúc tiễn bà ra về tôi mới lựa lời, xin biếu lại bà ấy số tiền để bồi dưỡng cho người con, bà ấy mãi mới chịu nhận lại" - bác sĩ Ðinh Tự Khuyên nhớ lại.

Lương y Đinh Tự Khuyên sẵn sàng châm cứu miễn phí cho nhiều đối tượng.

Cắt cơn cho nhiều người nghiện, sau này gặp lại, đa số họ khỏe khoắn, hồng hào và yêu đời hơn, chăm chỉ lao động hơn. Nhiều thanh niên trót nghiện, giờ ăn năn hối cải, đến gặp lại bác sĩ Khuyên cứ rưng rức khóc dù trước kia, họ dữ dằn, liều lĩnh biết bao nhiêu, từng là nỗi sợ hãi của cộng đồng, xã hội và những người xung quanh.

Ngoài cắt cơn miễn phí, bác sĩ Đinh Tự Khuyên còn chữa bệnh miễn phí cho những đối tượng thuộc hộ nghèo, thương binh, gia đình liệt sĩ, người neo đơn… Cuốn sổ ghi chép việc khám bệnh của ông ngày một dày lên, con số lên đến gần 3.000 bệnh nhân, gần 30.000 lượt châm cứu chắc hẳn chưa dừng lại ở đó.

Nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Trung ương mỗi khi có dịp qua Ninh Bình đã ghé thăm bác sĩ Đinh Tự Khuyên và động viên ông. Cuộc đời người lính, chiến đấu và làm nghề y của ông đều giành được không ít huân, huy chương và bằng khen danh giá. 

Lý giải cho việc làm của mình, bác sĩ Đinh Tự Khuyên cho rằng, Nhà nước, cuộc đời đã đối xử và cho ông quá nhiều may mắn. Ông bảo, tuổi này tiền bạc cũng không quá quan trọng thì dùng cái nghề mình học được để giúp đỡ phần nào cho người khác và lấy đó làm niềm vui, làm lẽ sống.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó chủ tịch Hội Châm cứu thành phố Ninh Bình nhận xét bác sĩ Đinh Tự Khuyên là người toàn vẹn cả tài lẫn đức, và hầu hết mọi người đều phải công nhận điều đó khi tiếp xúc, làm việc cùng ông. "Về tài năng, bác sĩ Đinh Tự Khuyên giỏi cả Tây y lẫn Đông y và châm cứu cắt cơn cho hàng trăm người nghiện là thành tích đến nay chưa có ai trong hội có thể làm được. Tất nhiên việc cai nghiện hoàn toàn bằng châm cứu là khó, nhưng châm cứu cắt cơn, điều trị vài năm không tái phát thì bác sĩ Khuyên đã làm thành công cho hàng trăm người" - ông Sơn chia sẻ.

Để khép lại câu chuyện, vị bác sĩ già đọc cho tôi nghe đoạn thơ mà một người bạn tặng ông như để lý giải cho việc làm của mình: “Hãy cộng niềm vui rồi điền vào tổng số/ Khi đau buồn nên chia nhỏ lấy thương/ Tình nhân loại đừng trừ đi cho hiệu/ Hãy đem nhân rồi chia lại cho đời”.

Bùi Trí Lâm
.
.