Người mở đường giữ đất

Thứ Bảy, 04/05/2019, 15:33
Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết ngày 27-1-1973 và có hiệu lực từ ngày 28-1-1973. Từ ngày đó trên toàn lãnh thổ miền Nam Việt Nam không còn giao chiến, ngừng mọi hoạt động tấn công nhau.

Vùng giải phóng của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam quản lý và vùng tạm chiếm của chính quyền Sài Gòn được phân định bằng cờ của hai phía.

Cũng theo tinh thần cơ bản của Hiệp định, ngày 29-3-1973, quân nhân Mỹ cuối cùng phải rời Việt Nam, chấm dứt mọi can thiệp quân sự trực tiếp của Hoa Kỳ đối với vấn đề Việt Nam, chỉ được phép duy trì viện trợ và cố vấn quân sự cho chính quyền Sài Gòn; một nội dung quan trọng nữa là sau 2 năm sẽ tiến hành tổng tuyển cử bầu ra một chính phủ liên hợp với 3 thành phần tham gia gồm: Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa và Liên minh Các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam (gọi là Lực lượng 3).

Tác giả và Đại tướng - Chủ tịch nước Lê Đức Anh năm 1996.

Nội dung của Hiệp định là vậy, nó đã được Hội nghị 4 bên gồm: Phái đoàn Hoa Kỳ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa, sau hơn 1.460 ngày đàm phán căng thẳng mới đi đến thỏa thuận và ký kết.

Có thể nói cuộc chiến tranh chống xâm lược của nhân dân Việt Nam với Hoa Kỳ là cuộc chiến tranh khủng khiếp nhất trong thế kỷ 20. Mỹ đã tung vào đây mọi chiến lược tân kỳ nhất; mọi vũ khí hiện đại nhất (trừ bom nguyên tử); với lực lượng hùng hậu nhất, lên tới hàng triệu lượt binh lính Mỹ tới chiến trường Việt Nam, cùng với hàng triệu binh lính của quân lực Sài Gòn và hàng vạn binh lính của một số nước đồng minh của họ; một cuộc hòa đàm dài lê thê nhất, căng thẳng nhất và có lúc tưởng như bế tắc khiến cả thế giới, trong đó có nhân dân tiến bộ Mỹ như nín thở để quan tâm theo dõi, để rồi tới lúc lại nín thở trước niềm vui vỡ òa khi nghe tin Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết. Có nghĩa là chấm dứt cảnh đầu rơi máu đổ trên đất nước đã gánh chịu bao đau thương tang tóc.

Song, trớ trêu thay, tình hình chiến trường Việt Nam lại không diễn ra như thế, thật đúng với câu ví của bà con Nam bộ - “nói zậy nhưng không phải zậy” - “Hiệp định là zậy nhưng thực tế ở chiến trường diễn ra không phải zậy”. Hiệp định được ký kết chưa ráo mực thì quân đội Sài Gòn đã đồng loạt tấn công chiếm vùng giải phóng của ta. Họ thực hiện chính sách “4 không” của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu: Không thừa nhận kẻ thù, không thừa nhận Chính phủ liên minh dưới  bất kỳ vỏ bọc nào, không trung lập hóa những người thân cộng sản (ý chỉ Lực lượng 3) và không nhượng đất cho Cộng sản.

Ít lâu sau, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu còn nảy nòi bồi thêm một “sáng kiến” mới, được gọi là chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ”. Lợi dụng cái thật thà của quân và dân ta nghiêm chỉnh chấp hành Hiệp định hưu chiến, họ đã xua quân tràn ngập vùng giải phóng của ta (nôm na gọi là chiếm đất) trên tất cả mọi chiến trường (từ sông Bến Hải tới mũi Cà Mau - Khu 5 tới Khu 9).

Chỉ tính từ ngày Hiệp định Paris về chiến tranh Việt Nam có hiệu lực (28-1-1973) tới ngày 24-2-1973, quân lực Việt Nam Cộng hòa đã vi phạm Hiệp định, tiến hành hơn 12.000 cuộc tấn công quân sự vào vùng giải phóng của ta, gây ra 67.000 vụ nổ  súng. Rắp tâm của họ là vậy. Càn quét, lấn chiếm tới đâu là nhổ cờ của ta, cắm cờ ba sọc của họ lên. Có nơi còn cắm sâu vào vùng giải phóng của ta hàng cây số. Ấy là chưa kể trước đó, trong quá trình đàm phán Paris, họ đã đẩy mạnh hoạt động quân sự với âm mưu “vừa đàm vừa đánh” để gây áp lực “đàm trên thế mạnh” của họ.

Chiến dịch “khai quang lùng diệt”, chiến dịch “hủy diệt nơi đồn trú của Việt Cộng”, tới chiến dịch “Đường 9 Khe Sanh” năm 1971 đã minh chứng điều đó. Với Hoa Kỳ, ngay tới giai đoạn cuối cùng của Hội đàm 4 bên ở Paris, đêm 18-12-1972 Tổng thống Mỹ Nixon đã ra lệnh dùng máy bay chiến lược B-52 ném bom hủy diệt Hà Nội, Hải Phòng với tuyên bố ngạo mạn “biến Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá”.

Mưu đồ không thành bởi tinh thần chiến đấu kiên cường của quân và dân miền Bắc, đặc biệt là quân và dân Thủ đô, với 12 ngày đêm đã biến Hà Nội thành một “Điện Biên Phủ trên không”, 38 pháo đài bay B-52 cùng với 43 máy bay chiến đấu bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội, buộc Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn phải ký Hiệp định với thế mạnh đảo ngược.

Sau hiệu lực của Hiệp định Paris, máu vẫn đổ trên vùng giải phóng của ta là vậy.

Thời đó, Cụm tình báo chiến lược H67 của chúng tôi bám trụ hoạt động tại chiến trường Khu 8 thuộc địa bàn xã An Phước, huyện Châu Thành, Bến Tre. Đó là một vùng “căn cứ lõm”, địch có thể xâm nhập bằng nhiều hướng. Cả huyện Châu Thành hầu như ngày nào địch cũng càn quét, lấn chiếm.

Mọi kế hoạch tấn công địch của du kích địa phương và lực lượng phối hợp của các cơ quan, đơn vị đều ngừng thực hiện nhằm đảm bảo chấp hành nghiêm túc Hiệp định. Anh em rất tâm tư bởi nghe tin nhiều vùng giải phóng đã bị co hẹp bởi kế hoạch lấn chiếm của địch. Nhiều chuyến liên lạc giữa nội thành Sài Gòn với căn cứ bị gián đoạn, trong khi Cụm trưởng Bảy Vĩnh được triệu về “R” họp. Ông đi và về bằng đường hợp pháp vì có đầy đủ giấy tờ tùy thân.

Thật không ngờ, chỉ 4 ngày sau ông đã có mặt tại đơn vị và đem về một niềm vui bất ngờ. Ông triệu tập cuộc hợp gấp toàn đơn vị để phổ biến chỉ đạo của cấp trên với nội dung tóm tắt như sau: “Địch cố tình vi phạm Hiệp định, tấn công vào vùng giải phóng của ta thì ta phải chống trả quyết liệt. Phải bảo vệ từng tấc đất trong vùng giải phóng. Đây là bài học từ Quân khu 9 mà linh hồn của nó là từ Tư lệnh Sáu Nam...”.

Cụm trưởng giao trách nhiệm cho Cụm phó Năm Tuyến và tôi (tác giả bài viết này) gặp lãnh đạo địa phương ngay, đề nghị tổ chức gấp một cuộc họp liên cơ (các cơ quan có căn cứ bám trụ tại địa phương) bàn kế hoạch đối phó và tấn công lại địch với tinh thần kiên quyết bám trụ chống càn “một tấc không đi, một ly không rời”.

Chỉ 2 tuần sau cuộc họp liên cơ, tình hình địa bàn đỡ căng thẳng hơn vì mấy trận càn của địch vào địa bàn An Phước bị ta mai phục chống trả quyết liệt gây cho chúng thiệt hại nặng nề. Duy nhất còn cái khoản địch nhổ cờ của ta, cắm cờ của địch, để chống lại quả là khó khăn. Vì nó diễn ra vào ban ngày, lại giữa cánh đồng trống trải, với lực lượng mỏng manh không thể phục kích đánh địch. Du kích địa phương đã có sáng kiến xây dựng công sự kiên cố tại ven đồng và chọn một số tay súng bắn tỉa, chỉ mấy ngày có thương vong là không tên địch nào dám bén mảng.

Tôi biết Tư lệnh Sáu Nam từ đó, dẫu rằng chưa tỏ mặt nhưng lại mang ấn tượng sâu sắc về ông - “linh hồn của phong trào “giữ đất” nơi chiến trường máu lửa.

Kết thúc chiến tranh, từ Cục II Bộ Quốc phòng, tôi nhận quyết định sang công tác tại Cơ quan An ninh thuộc Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Thực tình phải tới khi ông Sáu Nam được bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, tôi mới biết tên thật của ông là Lê Đức Anh và cũng chỉ được gặp ông qua hình ảnh trên báo chí. Điều may mắn cho tôi là sau 5 năm ông trở thành Chủ tịch nước, tôi được tháp tùng đoàn cán bộ Tổng cục An ninh tới thăm ông tại nhà công vụ trong khu vực Trạm 66 của quân đội trong thành Hoàng Diệu. Đó là một căn nhà đơn sơ với đồ dùng giản dị như chính cuộc đời binh nghiệp của ông.

Lại thêm một hình ảnh ghi vào ký ức tôi về Tư lệnh Sáu Nam thuở nào với chiến công giữ đất ở chiến trường và vị Chủ tịch nước với cuộc sống giản dị ngày nay. Hôm ấy ông vừa khỏi ốm, một bên chân còn đau nên phải ngồi ghế. Tôi nắm chặt tay ông, chỉ nói được mấy lời “Báo cáo thủ trưởng, tôi là lính B2, hoạt động ở miền Đông 5 năm và 5 năm ở Đồng bằng sông Cửu Long”. Ông siết chặt tay tôi, nở nụ cười đôn hậu.

Thế là từ lúc biết tên ông (dẫu chỉ là bí danh) tới lúc biết tên thật, rồi được gặp gỡ ông cũng phải ngót nghét một phần tư thế kỷ và cũng gần chừng ấy thời gian chưa có ngày tái ngộ thì nhận được tin buồn ông đã từ giã cõi nhân gian.

Tôi viết vội bài này thay cho nén tâm hương vái vọng hương hồn ông, cầu mong ông an lành giấc ngủ ngàn thu nơi chín suối.

* Hồi ức chiến trường của Thiếu tướng, nhà văn Khổng Minh Dụ.

Nhớ lần chết hụt

Ngày 30-4 và 1-5, chúng tôi ở sở chỉ huy cánh Tây-Tây Nam tại một địa điểm phía Nam huyện Đức Hòa, Long An. Khi nghe các nơi báo cáo: "Xong rồi!", trong cơ thể có một cảm giác nhẹ nhõm, thoải mái biết bao! Và, lúc bấy giờ mới thấy thấm mệt, có thể nói mệt rã rời sau bao ngày đêm toàn bộ cơ thể luôn căng ra như dây đàn.

Tối hôm đó, khi anh Phạm Hùng và anh Văn Tiến Dũng cho người xuống gọi tôi lên họp, tôi nói, giờ cho tôi ngủ chút đã mệt quá! Và tôi đã ngủ một giấc tới 9 giờ sáng. Trên đời này, ai vừa trải qua những thử thách nghiệt ngã, những ngày tháng căng thẳng, thì hẳn sẽ hiểu và cảm thông cho giấc ngủ ngon lành, không gì cưỡng nổi của những người lính chúng tôi ngay khi vừa kết thúc cuộc chiến tranh.

Trung tướng Lê Đức Anh - Tư lệnh Quân khu 9 thăm và động viên các chiến sĩ của Tiểu đoàn tăng - thiết giáp, Quân khu 9, tháng 5-1976. Ảnh: tư liệu.

Đời tôi đã đi suốt hai cuộc chiến tranh giải phóng đất nước. Biết bao kỷ niệm sâu sắc tưởng chừng không thể quên. Chiến tranh là thử thách cao nhất, nghiệt ngã nhất đối với con người. Nhiều lúc bom đạn ác liệt quá, tôi từng nói vui với anh em: “Bom đạn đầy trời thế này, chết là chuyện thường, còn sống thì mới kỳ lạ!”. Bởi vậy, cú chết hụt ở giờ phút cuối cùng, khi mà chiến tranh sắp kết thúc thì tôi không thể nào quên được.

Sở chỉ huy của cánh quân hướng Tây-Tây Nam nằm ngay bên bờ sông Vàm Cỏ thuộc huyện Đức Hòa. Suốt ngày đêm, tôi vẫn trụ trong cái chòi nhỏ sát mép sông. Sáng hôm đó, tôi vào ăn cơm, chỗ ăn là nhà họp của địa phương, làm nửa chìm nửa nổi, Chính ủy Hai Tưởng đặt vị trí ở đây; vừa ăn xong tự nhiên anh Tưởng bảo tôi: "Anh hãy nán lại, nằm trên võng của tôi mà thở, nghỉ mươi phút rồi hẵng ra đó!".

Tôi nghe anh, vừa ngả lưng, thì ở ngoài chòi của tôi một quả bom từ máy bay địch ném trúng, cái chòi bay mất, cậu lái xe của tôi hy sinh, cậu Thái bảo vệ bị thương. Nếu hôm đó ăn xong, tôi ra liền thì nhất định "cái chuyện thường" đã xảy ra với tôi và hôm nay, chẳng còn ngồi để mà viết ra những dòng chữ này! Chiến tranh có chừa ai, cái ngẫu nhiên và cái tất nhiên nhiều khi không thể mang "tính quy luật ra mà giải thích"!

Từ chiến thắng vĩ đại mùa Xuân 1975 đến nay đã hơn một phần ba thế kỷ. Thời gian trôi qua cho phép chúng ta có điều kiện nhìn lại mọi sự vật, hiện tượng đã diễn ra ngày càng rõ ràng, đầy đủ, chính xác hơn. Nếu nói tới chiến thắng 30-4-1975 mà chỉ nói về năm cánh quân trên năm hướng tiến công, tức là chỉ nói về các "quả đấm chủ lực" thì không đủ mà phải thấy đây thực sự là một cuộc "Tổng tiến công và nổi dậy" toàn thắng.

"Quả đấm chủ lực" - những binh đoàn cơ động là lực lượng nòng cốt của đấu tranh quân sự, với những đòn "điểm huyệt" đã đánh trúng, đánh hiểm ở những trận then chốt và then chốt quyết định. Nhưng để giải quyết đồng loạt, rộng khắp, kịp thời làm cho cả bộ máy chính quyền và đội ngũ quân địch tan rã thì phải thấy rõ vai trò tiến công và nổi dậy của lực lượng tại chỗ, của lực lượng chính trị quần chúng, trong đó có lực lượng của những người bị bắt buộc ở trong hàng ngũ của địch.

Lực lượng tại chỗ tạo điều kiện cho các mũi tiến công của chủ lực cơ động. Ngược lại, "quả đấm chủ lực" tạo điều kiện cho lực lượng tại chỗ nhất loạt tiến công có hiệu quả. Phải thấy rõ vai trò lãnh đạo nhạy bén, kịp thời, thống nhất của khu ủy, tỉnh ủy và đảng ủy các cấp cơ sở trong những ngày Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975...

Đối với dân tộc ta, đây là một thắng lợi có ý nghĩa lịch sử. Nó kết thúc vẻ vang quá trình 30 năm kháng chiến, cứu nước, giải phóng miền Nam, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Nó trực tiếp góp phần to lớn với cách mạng Lào và Campuchia cùng hoàn thành thắng lợi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ trong năm 1975.

* Trích hồi ký “Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng” của Đại tướng Lê Đức Anh.

Khổng Minh Dụ
.
.