Người nâng đỡ những khát vọng hoàn lương

Thứ Tư, 26/11/2014, 07:25

Tính đến ngày 1/10/2014, việc triển khai thực hiện tổ chức cho phạm nhân, trại viên ở cơ sở giáo dục, học sinh ở trường giáo dưỡng viết thư với chủ đề “Gửi lời xin lỗi” đã nhận được 83.954 bức thư từ 52 trại giam, 5 cơ sở giáo dục bắt buộc và 4 trường giáo dưỡng…

Trước đó, cuộc thi “Sự hối hận và niềm tin hướng thiện” (năm 2011) và cuộc thi vẽ tranh “Khát vọng hoàn lương” dành cho các phạm nhân, trại viên và học sinh cũng đã thu được những kết quả tốt đẹp.

Đặc biệt những bức thư trong cuộc thi “Sự hối hận và niềm tin hướng thiện” đã được in thành sách “Sự hồi sinh từ trong tuyệt vọng” (NXB Công an nhân dân - 2013) đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục đông phạm nhân tham gia nhất, và nhiều bài viết của phạm nhân nhất.

Nhân dịp này, chúng tôi đã gặp "cha đẻ" của những cuộc thi, cuộc phát động, Thiếu tướng Đỗ Tá Hảo (Cục trưởng Cục Giáo dục cải tạo và hòa nhập cộng đồng - Tổng cục VIII, Bộ Công an), để hiểu rõ hơn “nguồn cơn” để ông đưa ra những ý tưởng đầy tính nhân văn này.

Phóng viên (PV): Thưa Thiếu tướng Đỗ Tá Hảo, cuộc phát động triển khai tổ chức cho phạm nhân, trại viên học sinh viết thư "Gửi lời xin lỗi" đã thu được những kết quả tốt đẹp. Đây rõ ràng là  một cuộc thi mang đậm tính nhân văn, nhân đạo và cũng là cơ hội để những phạm nhân có dịp bày tỏ được sự ăn năn, hối lỗi của mình với người thân, với nạn nhân… Nguồn cơn nào giúp Thiếu tướng nghĩ ra được những cuộc thi, cuộc phát động rất nhân văn này?

Thiếu tướng Đỗ Tá Hảo.

Thiếu tướng Đỗ Tá Hảo: Tôi vốn trưởng thành từ một người lính hình sự của Công an Hà Bắc (ngày xưa), sau đó làm Trưởng phòng Hình sự và khi tách tỉnh thì về làm Phó giám đốc và thời gian này tôi đã trực tiếp phụ trách trại giam của tỉnh, trong đó có giáo dục cải tạo trại giam và ban đầu cũng đã tổ chức các hoạt động của trại. Tôi nhận thấy đây là một vấn đề cần được quan tâm, nhưng một thời gian sau đó tôi được bổ nhiệm lên làm Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh, vì quá bận rộn và chưa có dịp triển khai sâu vấn đề này.

Khi được điều chuyển về làm Cục trưởng Cục Giáo dục cải tạo và hòa nhập cộng đồng (Tổng cục VIII - Bộ Công an), được phân công phụ trách mảng giáo dục cải tạo phạm nhân, trong quá trình tìm hiểu tôi thấy rằng trong lòng họ đều có nỗi niềm ân hận giãi bày và có một sự hướng tới lương thiện. Đây là một thuận lợi trong công tác giáo dục cải tạo phạm nhân và làm thế nào để khơi dậy được những điều thầm kín trong lòng họ.

Lúc đầu chúng tôi tổ chức cuộc thi viết chủ đề "Sự hối hận và niềm tin hướng thiện" giúp nạn nhân có một diễn đàn và có cơ hội để giãi bày, bộc lộ sự ăn năn, hối hận, khơi dậy lòng tự trọng, tình yêu cuộc sống và khát vọng tìm về nẻo thiện trong những người tưởng như đã bị lãng quên, thui chột trong những biến cố cuộc đời, giúp họ nhận thức được về sự trả giá trước những lỗi lầm, sa ngã trong quá khứ.

Tôi không ngờ rằng, ngay bước đầu phát động thì số phạm nhân viết về chủ đề này rất đông (chưa đầy 5 tháng đã có tới 23.079 phạm nhân, trại viên hưởng ứng, tự nguyện tham gia với hơn 150 nghìn trang viết). Sau khi phát động và đánh giá thì tôi biết rằng, mình đã làm đúng vì như vậy là một cách giúp mình thông qua những câu chuyện, những suy nghĩ, hành động của phạm nhân hiểu thêm nguyên nhân, điều kiện và hoàn cảnh phạm tội và diễn biến tâm lý tội phạm để góp phần đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục và hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân, trại viên. Bởi vì thế, cuộc thi vẽ tranh và cuộc thi viết "Gửi lời xin lỗi" mà chúng tôi phát động trong năm nay cũng đã đi theo hướng đó.

Nhưng thực sự thông qua cuộc phát động này, chúng tôi thấy rằng, mình đã đúng đắn khi mỗi đợt sơ kết ở các trại phạm nhân, người bị hại, người thân có cơ hội gặp gỡ nhau và đã có rất nhiều sự hối hận, sự tha thứ và những giọt nước mắt xót thương, khiến không chỉ người trong cuộc mà chúng tôi cũng như hàng trăm người chứng kiến không cầm nổi lòng mình.

PV: Cuộc phát động "Gửi lời xin lỗi" đã đi được một chặng hành trình khá dài, điều gì khiến ông tâm đắc nhất, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Đỗ Tá Hảo: Như tôi đã nói, đó là những cuộc hội tụ đẫm nước mắt, đầy tình người. Tôi xin nói thêm là cuộc thi này tổ chức cho phạm nhân, trại viên và học sinh đăng ký tham gia viết thư với nội dung như viết thư cho ai? Quan hệ như thế nào? Nội dung xin lỗi về vấn đề gì? Địa chỉ gửi thư? Đối với những phạm nhân, trại viên, học sinh không nhớ chính xác địa chỉ người nhận thư cán bộ quản giáo, giáo viên chủ nhiệm sẽ hỗ trợ tra cứu, xác minh giúp để họ có địa chỉ chính xác gửi thư xin lỗi đến người nhận thư. Có nhiều người đã gửi thư xin lỗi người bị hại, bố mẹ, vợ, chồng, con, thân nhân người bị hại, các cơ quan đoàn thể…

Và trong số 83.954 bức thư chúng tôi đã nhận được thì có nhiều bức thư mà bản thân chúng tôi đọc cũng rơi nước mắt. Phạm nhân, trại viên, học sinh ở mọi thành phần khác nhau. Vi phạm pháp luật ở mọi mức độ khác nhau, từ trộm cắp, cướp giật, lừa đảo, giết người, hiếp dâm, ma túy… Nhiều phạm nhân chưa biết chữ nhưng vẫn tham gia bằng hình thức nhờ các phạm nhân, trại viên, học sinh khác viết hộ. Hiện lên trên mỗi trang viết là sự ăn năn, hối lỗi, dằn vặt lương tâm họ với hành vi phạm tội mà mình đã gây ra và sự suy tư, trăn trở liệu lời xin lỗi của mình có được mọi người tha thứ, chấp nhận hay không. Họ cũng thể hiện sự phấn đấu của mình để bù đắp lại những gì họ đã gây ra.

Điều cảm động nhất là khi chúng tôi tổ chức tiếp xúc người nhận thư là người bị hại, thân nhân người bị hại, đại diện các tổ chức xã hội, cơ quan, chính quyền địa phương, gia đình phạm nhân, trại viên, học sinh đến gặp mặt những người viết thư và người nhận thư thì có những tiếng khóc nghẹn ngào giữa cha mẹ, con cái, người bị hại đã nức nở đến xé lòng. Có người là cha mẹ, có người là người bị hại, thân nhân của người bị hại… đã nói những lời tha thứ cho phạm nhân với những lời lẽ đầy ắp tình người.

Phạm nhân Lâm Thị Ký giết chồng gặp lại hai con.

Chẳng hạn như thư của phạm nhân Đỗ Trọng Sơn, ở Phân trại số 3 (trại Ngọc Lý - Bắc Giang) có hành vi giết người cướp tài sản, bị phạt tù 16 năm. Phạm nhân này đã viết thư gửi người bị hại là bà Nguyễn Thị Tác ở Xuân Dục, Tân Minh, Sóc Sơn, Hà Nội. Trong thư nạn nhân viết về nỗi ân hận của mình 10 năm qua vì đã gây ra tội lỗi tày trời và mong được người bị hại tha lỗi. Bà Tác bị thương tật hơn 76%, là lao động chính trong gia đình nhưng giờ ngay cả đi lại vẫn còn khó khăn.

Nhận được bức thư, bà đã phản hồi: "Phạm nhân Sơn, dù đã gây ra tội ác cho tôi, đưa gia đình tôi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn nhưng thông qua những gì phạm nhân Sơn tâm sự trong thư, ân hận và hứa quyết tâm sửa chữa, vả lại gia đình Sơn cũng đau khổ không kém gì tôi. Từ những thông cảm đó, tôi sẵn sàng tha thứ cho tội lỗi mà Sơn đã gây ra cho mình, tôi mong Sơn hãy cải tạo tiến bộ để sớm trở về với gia đình và xã hội". Trong đợt tiếp xúc phạm nhân, bà Tác cũng đã đến Trại giam Ngọc Lý để gặp Sơn và họ đã khóc khi gặp lại nhau.

Một bức thư khác, của một người con gái gửi mẹ mình (ở Hà Nội) sau khi bị đi tù 7 năm không một lần người mẹ đến thăm vì đã lừa dối mẹ mang toàn bộ gia sản, sổ đỏ của gia đình đi cầm cố. Trong thư, phạm nhân không mong mẹ tha thứ, cũng không mong mẹ sẽ một lần đến thăm, chỉ mong mẹ yên tâm về con ở trại, yên tâm rằng cô sẽ cải tạo tốt để hoàn lương, trở thành một con người mới sống tốt đẹp và có ích hơn. Khi nhận được thư xin lỗi của con, người mẹ đã đến Trại giam Thanh Xuân để thăm con sau 7 năm đằng đẵng, mẹ tha thứ cho con, tình mẹ con được nối lại bằng những giọt nước mắt.

Một trường hợp khác cảm động hơn, là người mẹ đã bị phạm nhân Thiên (hiện đang cải tạo tại Trại giam Ninh Khánh) giết chết con đẻ duy nhất của mình, nhưng với bức thư xin lỗi và những tình cảm thật lòng trong bức thư, người mẹ của nạn nhân đã đồng ý tha thứ, và trong bức thư phản hồi bà còn nhân ái hơn là sẽ coi Thiên như con ruột của mình nếu Thiên thực sự ăn năn hối cải, cải tạo tốt để hy vọng có một ngày trở về xã hội có ích cho cộng đồng.

Tôi cho rằng, thành công ban đầu của cuộc phát động viết thư có thể nhìn thấy rõ là chúng tôi đã kéo được người thân, chính quyền địa phương, người bị hại phối hợp cùng công an để tác động trở lại đối với phạm nhân giúp họ giáo dục, cải tạo tốt, bản thân phạm nhân vượt ra khỏi mặc cảm, tự ti của bản thân, xóa đi ngăn cách giữa đối tượng nhận thư và người viết thư, nhất là xóa bỏ được sự thù hận giữa nạn nhân, người thân và phạm nhân…

PV: Không chỉ thành công với những cuộc thi, cuộc phát động viết thư mà Thiếu tướng còn tổ chức cuộc thi vẽ tranh độc đáo dành cho phạm nhân, trại viên và học sinh. Khi tổ chức cuộc thi này, ông nghĩ tới điều gì?

Người bị hại gặp lại phạm nhân.

Thiếu tướng Đỗ Tá Hảo: Cuộc thi dành cho phạm nhân vẽ tranh với "Khát vọng hoàn lương" thu hút được hơn 200 bức tranh. Chúng tôi phân ra làm các chủ đề: đạo đức, học tập, kỹ năng sống, lao động, nghị lực, phòng chống ma túy, HIV/AIDS, sinh hoạt, vui chơi, giải trí…

Bản thân các chủ đề cũng đã nói lên được tính chất của cuộc thi. Tôi cho rằng, mỗi một phạm nhân, trại viên, học sinh đều có những khả năng thiên bẩm, chỉ có điều họ đã bị cái đen tối che lấp những khoảng sáng đó. Khơi dậy trong họ những nguồn sáng để giúp họ cải tạo tốt hơn, nâng cao khát vọng hoàn lương để trở về hòa nhập với cộng đồng.

Bởi vì như họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, Ban giám khảo cuộc thi đã khẳng định: "Cuộc thi mỹ thuật dành cho các phạm nhân, trại viên, học sinh trong các trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng đã tạo được sân chơi mới không những chỉ thể hiện khát vọng hoàn lương mà còn phát hiện những khả năng mỹ thuật của các phạm nhân, trại viên, học sinh, giúp họ hướng tới một nghề mà sau này, khi trở lại cuộc sống đời thường, họ có thể phát huy và đóng góp cho xã hội".

Thông qua cuộc thi này, chúng tôi cũng đã soạn thành những bài giảng chuyên đề và giáo dục lại phạm nhân. Chúng tôi cũng đã tổ chức xuất bản thành sách và in toàn bộ tranh của phạm nhân, sau đó đưa trở lại các thư viện trại giam để các phạm nhân đọc. Theo thống kê thì phạm nhân mượn đọc rất nhiều, họ sẽ liên hệ bản thân và xác định cho mình hướng cải tạo. Quan điểm của tôi là: Lấy sản phẩm cải tạo tốt của đối tượng quản lý quay trở lại giáo dục các phạm nhân.

PV: Được biết, đồng chí Thượng tướng, Thứ trưởng Lê Quý Vương đã hoan nghênh việc tổ chức cuộc phát động "Gửi lời xin lỗi" và chỉ đạo Cục tiếp tục vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để qua đó tuyên truyền làm tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng. Vậy, trong thời gian tới, Cục Giáo dục cải tạo và hòa nhập cộng đồng đã có phương hướng cụ thể cho hoạt động này?

Thiếu tướng Đỗ Tá Hảo: Chúng tôi vẫn đang tiếp tục sơ kết cuộc thi viết thư "Gửi lời xin lỗi" ở lần lượt các trại giam. Thực hiện tốt chỉ đạo của đồng chí Thượng tướng Lê Quý Vương. Tới đây chúng tôi cũng sẽ tiếp tục xin giấy phép in thành sách những bức thư đạt yêu cầu để làm tư liệu giáo dục, cảm hóa đưa vào các thư viện trại giam…

PV: Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
.
.