Người nông dân bỏ tiền túi xây nghĩa trang liệt sĩ

Thứ Ba, 04/08/2015, 11:15
Ông đã bỏ gần 700 triệu đồng cải tạo lại nghĩa trang này với tâm niệm: "Các liệt sĩ hy sinh cả tính mạng khi tuổi xuân phơi phới cho đất nước, cho hòa bình, sẽ rất áy náy nếu ngay cả nấm mồ, là nơi thờ cúng, thắp hương cho họ cũng nhếch nhác".

Tấm lòng người cựu chiến binh

Không như chúng tôi hình dung, ngôi nhà ông Đinh Văn Đình - người thương binh bỏ gần 700 triệu đồng xây nghĩa trang liệt sĩ cho 4 xã tại Kiến Xương (Thái Bình) không có vẻ gì là hoành tráng, giàu có. Dù đã quen với việc tiếp những vị khách lạ nhưng người thương binh 82 tuổi này chưa bao giờ nghĩ mình làm việc trên vì danh, để được lên báo hay này khác.

Mặc vội tấm áo, vừa gạt mồ hôi ông vừa cho biết, việc làm của ông xuất phát từ tâm nguyện, từ truyền thống quân ngũ của gia đình. Bởi chiến tranh khốc liệt đã cướp đi của ông người em trai tại chiến trường Quảng Bình, lấy đi của ông nửa bàn chân phải. Bom đạn chiến tranh cũng làm ông suy giảm thính lực, phải nói thật to ông mới nghe rõ. Hơn ai hết, ông hiểu rất rõ cái giá của xương máu của đồng đội, anh em. Nên ông muốn làm một điều gì đó.

Nghĩa trang liệt sĩ của xã, một nơi linh thiêng vốn ra phải đàng hoàng, khang trang nhưng lúc đó lại đang trong tình trạng xói lở, ao nước ăn sát tường, cây cỏ dại mọc um tùm, ngày mưa nước ngập lút mộ, phải lội bì bõm rất vất vả nên việc hương khói cũng không được chu đáo. Không đành lòng để em trai cũng như các liệt sĩ phải lạnh lẽo nơi chín suối, ông và con trai bàn nhau cải tạo lại nghĩa trang và với việc này, con trai ông cũng như chính quyền, họ hàng đều ủng hộ.

Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hòa Bình, Kiến Xương, Thái Bình sau khi được ông Đinh Văn Đình bỏ tiền ra cải tạo lại.

Để mục sở thị tận công trình, ông Đình dẫn chúng tôi ra tận nghĩa trang rộng 1.000m2 vừa mới hoàn thành sau gần 4 năm gom góp xây dựng. Vừa tự lấy xe gắn máy chở chúng tôi đi, ông Đình không quên giới thiệu sơ qua cảnh vật quê hương. Tuổi già ai cũng vậy, thường sống nhiều với kỷ niệm, thích ôn lại chuyện xưa, nhất là những huy hoàng thời trẻ.

Thời thanh niên, ba anh em trai của ông Đình đều xung phong vào quân ngũ trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Là anh lớn, ông Đình nhập ngũ trước vào năm 1961, khi nhập ngũ còn phải khai gian 1 tuổi. Người em trai Đinh Văn Đĩnh vào sau, chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên. Người em trai kế tiếp là Đinh Đăng Định, chuyên lái xe vận tải Trường Sơn của một trong những "Tiểu đội xe không kính".

Tiếp tục dòng ký ức, ông Đinh Văn Đình kể về những lần chiến đấu ác liệt, những lần sang tận chiến trường Lào cùng đoàn quân chí nguyện. Ông Đình nhớ lại, thời kỳ đó ông là một trong 71 người ưu tú di chuyển bằng máy bay, làm nhiệm vụ cố vấn. Với sự nhanh nhạy sẵn có, khi ở Lào, ông Đình nhanh chóng học ngôn ngữ địa phương và giao tiếp thuần thục. Như chứng minh lời mình vừa nói, ông hát lại một bài hát Lào từ thời chiến tranh mà ông vẫn nhớ.

Chiến đấu tại chiến trường Lào 2 năm, ông trở về chỉ huy một đội thanh niên xung phong làm tuyến đường Trường Sơn tại Xuân Mai (Hà Nội). Trong một trận bom Mỹ năm 1966, ông bị trúng bom phát quang, mảnh bom đã lấy đi của ông nửa bàn chân phải, và từ đó ông phải từ bỏ niềm đam mê bóng đá…

Dù thuộc dạng thấp bé nhẹ cân nhưng bên cạnh tài lẻ đàn hát, văn nghệ, những bộ môn bắn súng, điều lệnh, tháo lắp súng, thể lực… ông Đình đều thuộc tốp đầu. Ngoài ra, ông còn tham gia đội bóng của tiểu đoàn, được tuyển chọn nhiều lần, qua từ tiểu đội, trung đội, đại đội, tiểu đoàn… Tại Hội thi toàn quân năm 1962 của Tiểu đoàn 64, ông giành giải nhất và ngày 26/3/1962, ông có được vinh dự là một trong 12 người đi đón Bác Hồ khi Bác đến Đông Lâm - Tiền Hải - Thái Bình thăm công trình quai đê lấn biển tại đây.

Ông Đình bên cổng nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Bình.

Tập tễnh đôi chân giữa trưa nắng gắt, đến từng ngôi mộ, lau lại bảng tên, cắm lại chân hương, ông Đình nuối tiếc nói về những liệt sĩ vô danh, hy sinh không tên không tuổi. Nhân chuyện nhờ con trai mua thêm cây về trồng, ông cho biết, nghĩa trang này được như ngày nay có sự góp sức không nhỏ của con trai út của ông. Anh Đinh Bùi Quốc Vương cũng từng là  lính Trường Sa.

Giống như bố, anh Vương có niềm tôn kính đặc biệt đối với các liệt sĩ. Những năm tháng đóng quân tại Lữ đoàn 146, Vùng IV Hải quân trên đảo Tiên Nữ (quần đảo Trường Sa) anh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và là một trong 12 chiến sĩ xuất sắc được đón Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đoàn Khuê. Đó là vào tháng 10/1995, khi Bộ trưởng Đoàn Khuê đến thăm Trung tâm 47 và Vùng I, Vùng IV Hải quân, làm việc với các đảo, tại quần đảo Trường Sa. Nay đã chuyển qua làm kinh doanh nhưng năm nào anh Vương cũng đưa gia đình đi tới các miền đất nước thăm các nghĩa trang và thăm chiến trường xưa…

Năm năm về trước, ông Đình tìm hiểu và biết được em trai mình hy sinh tại đèo Đá Đẽo, xã Hòa Tiến, Minh Hóa, Quảng Bình. Mộ phần em trai ông được chôn cất qua quýt, tuy nhiên cũng dễ nhận diện nhờ được đánh dấu. Mừng mừng tủi tủi, gia đình ông phải trải qua nhiều gian nan và thủ tục hành chính mới đưa được người em về quy tập tại nghĩa trang địa phương.

Lại nói câu chuyện về nghĩa trang xã mà ông cải tạo. Nơi đây trong kháng chiến chống Pháp đã xảy ra nhiều cuộc giao tranh ác liệt. ông Đình còn nhớ sau một trận chiến kéo dài, Việt Minh và Pháp giành nhau từng tấc đất, đã có hơn 30 chiến sĩ hy sinh. Người dân sau đó đã chôn cất các anh qua quýt ngay nơi chiến địa ấy. Sau này người chết cứ đem ra đây chôn, rồi thành nghĩa trang lúc nào không hay.

Tuy nhiên, gọi là nghĩa trang nhưng qua thời gian, thiếu sự chăm nom nên xuống cấp, xập xệ. Ông Đình bàn bạc cùng con trai quyết định cải tạo lại. Vấn đề lớn nhất chính là tiền bạc, thủ tục và việc thỏa thuận với thân nhân các gia đình… Sau nhiều nỗ lực thuyết phục, gia đình ông đã nhận được sự ủng hộ và bắt tay vào làm, và phải tận 4 năm sau nghĩa trang mới cơ bản hoàn thành. Nguồn vốn một phần từ tiền tiết kiệm của gia đình ông, phần lớn từ công việc kinh doanh nhà hàng của anh.

"Nghĩa trang du lịch"

Đó là cụm từ nhiều người vẫn gọi khi nhắc đến nghĩa trang liệt sĩ mà gia đình ông Đình đã xây, bởi sự sạch sẽ, tinh tươm, có dàn bóng điện hết sức lung linh khi đêm xuống. Năm 2011, gia đình ông quyết tâm bắt tay vào việc, xem ngày tốt dâng lễ xin với anh linh các liệt sĩ cho khởi công.

Trong buổi lễ đó, với quan niệm trần sao âm vậy, hai cha con ông đã sắm cho mỗi liệt sĩ 3 bộ quân phục giấy, có đầy đủ thiết bị của người lính. Riêng 3 nữ liệt sĩ, mỗi người còn có thêm 3 bộ quần áo thường. Với 108 liệt sĩ nằm tại nghĩa trang, gia đình ông tin rằng tấm lòng thành và việc làm của mình sẽ khiến các liệt sĩ cảm thấy ấm áp và phù hộ cho việc cải tạo nghĩa trang được suôn sẻ và nhanh chóng. Buổi lễ đó cũng đã thu hút đông đảo người dân địa phương vì chưa bao giờ ở thôn quê thuần nông lại có việc làm lạ lùng như vậy.

Trong quá trình cải tạo, nhiều khó khăn đã xảy ra,  đột nhiên, một người con trai khác của ông Đình, phát bệnh u não, phải phẫu thuật gấp. Ngoài việc phải lo liệu chạy chữa cho con trai, ông Đình và anh Vương còn phải tiếp tục tôn tạo nghĩa trang. Có lẽ nhờ vong linh các liệt sĩ phù hộ con trai ông đã tai qua nạn khỏi. Đến giờ, mỗi khi nhìn vết sẹo dài như ngón tay trên phần trán lõm sau ca phẫu thuật của con trai, ông lại bồi hồi nhớ đến ngày xoay sở vật vã với công việc ấy.

Những phần mộ liệt sĩ được chăm chút chu đáo hơn.

Nguồn vốn ít ỏi, nhiều chuyện toan lo nên hai cha con bàn nhau chia công trình thành nhiều giai đoạn. Giai đoạn một gồm cắt cỏ, nâng cốt và đổ bê tông bề mặt nghĩa trang, xây dựng bệ tượng đài liệt sĩ, đặt lọ hoa tất cả 108 mộ liệt sĩ. Đến cuối năm 2011 thì giai đoạn này hoàn thành. Năm 2012, hai cha con bắt tay vào giai đoạn 2 , đó là tát ao, kè ao ngăn xói lở, bơm cát làm con đường rộng 4 m chạy dài trước mặt nghĩa trang, bắc cầu qua ao trước nghĩa trang. Mọi việc xong xuôi nơi đây trở thành nơi bà con trong xóm thả hoa đăng mỗi khi có dịp lễ.

Tháng 3 - 2014, hai cha con ông mới thực hiện tiếp các hạng mục công trình chính như lát gạch đỏ toàn bộ mặt sân quanh các phần mộ liệt sĩ, đổ bê tông con đường phía trước nghĩa trang. Sau đó xây cổng và gần 250 m tường bao cùng 32 cột đèn, dựng cột cờ, đặt lư hương, bàn thờ đá. Công đoạn cuối cùng là lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng cũng như điện trang trí. Công trình hoàn thành đúng ngày Thương binh liệt sĩ 27/7/2014. Tổng chi phí lên đến 670 triệu đồng, chưa tính các buổi lễ, cầu siêu và tổ chức khánh thành rất trang trọng và thiêng liêng.

Cổng nghĩa trang là phần thiêng liêng, là bộ mặt của nghĩa trang nên ông  Đình phải cực kỳ cân nhắc. Lúc đầu con trai xây thấp, ông Đình không đồng ý. Ông yêu cầu nâng cao thêm và trang trí theo kiểu khác và cho đắp hai bên là cờ Tổ quốc, trên là Quốc huy. Ông bảo: "Người lính nằm xuống là chiến sĩ, đã là chiến sĩ phải có đơn vị, tổ chức nên phải luôn có hình ảnh Tổ quốc bên cạnh".

Trong buổi lễ khánh thành nghĩa trang và cầu siêu cho liệt sĩ, ông Đình nhờ 108 học sinh trong trường địa phương đến thắp nến, dâng hương. Nhiều thân nhân liệt sĩ, đại diện chính quyền, đoàn thể của huyện, xã, các tăng ni phật tử và nhân dân trong vùng tới dự đông đảo. Nhiều người không kìm nén nổi cảm xúc trước không khí thiêng liêng ấy. Anh Vương cho hay, trong quá trình xây nghĩa trang, nhiều chuyện kỳ lạ đến khó giải thích, như đêm cầu siêu, trong thời điểm thời tiết âm u, 4 xã xung quanh mưa lớn nhưng khu vực diễn ra lễ cầu siêu hoàn toàn tạnh ráo. Nhiều người mặc áo mưa đến tham dự buổi lễ, đến nơi ngạc nhiên vì trời không mưa.

Nghĩa trang làm xong, nhiều người biết tin và nhiều thân nhân liệt sĩ đến thăm gia đình ông thường xuyên và chỉ có chủ đề người lính đã nói không hết chuyện. Ông Đình cho rằng, đây là nghĩa cử nên làm của người còn sống đối với những người đã hy sinh cho hòa bình, độc lập dân tộc, chứ không phải ông muốn chơi trội hay trục lợi gì ở chuyện này. Với nghĩa cử đó của mình, ông Đình đã nhận được nhiều lời động viên và bằng khen của xã, huyện.

Trao đổi với phóng viên về việc làm của ông Đinh Văn Đình, Chủ tịch xã Hòa Bình, ông Nguyễn Ngọc Doanh cho hay, chính quyền xã hoàn toàn nhất trí và hoan nghênh cống hiến của gia đình ông Đình đối với cộng đồng. Khi chưa xây lại, khuôn viên nghĩa trang đang dần xuống cấp và trông hoang sơ. Tấm lòng của gia đình ông Đinh Văn Đình chính quyền hết sức ghi nhận, cấp huyện, xã đều có bằng khen và tấm bia ghi công đức cho gia đình ông. Hôm khánh thành nghĩa trang, cán bộ huyện, xã và nhiều cơ quan ban ngành, đoàn thể trên địa bàn cũng đã đến dự và gửi lời cảm ơn nghĩa cử của gia đình người cựu chiến binh này.


Hoàng Long
.
.