Người tất tả với những liệt sĩ vô danh

Thứ Năm, 10/05/2007, 09:18

Tính từ thời điểm tìm ra địa chỉ của liệt sĩ Bùi Danh Hương, công việc "đường âm" nối với đường dương ấy đã đeo bám Kim Tiến (Bảo tàng Quân khu 4) suốt từ bấy đến nay. Nhiều lần, Tiến sang cả mấy tỉnh bên nước bạn Lào, nơi trước kia là những chiến trường ác liệt.

Thi thoảng qua Vinh,  tôi đều đáo qua chỗ Chiến "trắng". Lăng lắc những năm Khoa Văn, lớp tôi có ba Chiến. Chiến "tây" người Đoan Hùng có cái mũi lõ nên mang hỗn danh ấy. Chiến Quảng Bình ở chiến trường ra Bắc học tiếp. Và Chiến người Nghệ An, Trương Đình Chiến, người Khu Tư nắng nôi khói lửa, chẳng hiểu ra mần răng mà trắng như cái ngó cần, nằm tầng một giường sắt mà tôi tầng hai, hiện là một yếu nhân của Đài Truyền hình Vinh. Cũng chả có chi đáng nói nếu tôi không kể đến Kim Tiến, vợ Chiến...

Bây chừ thì tôi tin cái câu ai đó đã nói là nghề chọn người chứ chả phải người chọn nghề. Xinh xẻo, nhanh nhẹn và có nước da như ... Chiến "trắng", tốt nghiệp Đại học Sư phạm, Kim Tiến, vợ Chiến từng làm cô giáo dạy ở miệt Đồng Tháp, Đà Lạt cả Nha Trang nữa... Đùng cái, Kim Tiến lại ra Hà Nội học thêm Khoa Bảo tàng, Đại học Văn hóa. Rồi đùng cái nữa, cô vào bộ đội về nhận việc ở Bảo tàng Quân khu 4  (QK4) giữa những năm tám mươi. Và bây chừ, Bảo tàng QK4 trở nên sống động, trở nên hồn cốt, trở thành một cõi tâm linh bởi có sự góp mình của Kim Tiến.

Đó là việc dằng dặc những ngày đêm cô tất tả với phần âm nhưng mà tất tả một cách có lý và là tự nguyện. Điều chi đã khiến cô nhân viên hướng dẫn ở Bảo tàng QK4 trở thành, nói như thế nào nhỉ, là cầu nối giữa phần âm với phần dương, giữa thế giới âm của những liệt sĩ đã bỏ mình vì trận mạc với những người đang sống, với thân nhân của họ?

Không ít người cho rằng cô có cái "căn" như thế! Nhưng nếu bây giờ ta vẫn trọng cái cõi tâm linh, thế giới tâm linh, rằng vong linh của những người hy sinh vì Tổ quốc luôn dõi theo, luôn chứng giám sự nghiệp dựng xây của chúng ta thì tôi đồ rằng Nguyễn Kim Tiến đã được hồn thiêng các liệt sĩ chọn làm cái cầu nối như thế?

Tôi chả mấy tin là  từ nụ cười pha chút bẽn lẽn ấy, công việc của cô chỉ nhõn mỗi việc sưu tầm xác minh khớp nối thông tin để tìm tên cho liệt sĩ vô danh. Nghe chuyện cứ phảng phất một cảm giác rằng, dường như công việc của Kim Tiến luôn được chi phối bởi một thứ hữu hình lẫn vô hình thiêng liêng? Như là thứ việc của một cõi khác mất rồi?

Làn khói hương  mà Kim Tiến thắp lên trong gian trưng bày của bảo tàng, thông lệ mở đầu những buổi khách tham quan đang lẩn quất lên hàng ngàn di vật nằm trong mộ của các liệt sĩ từ nhiều chiến trường trong đó nhiều nhất là chiến trường Lào (lính QK4 qua mấy cuộc kháng chiến dự trận mạc ở chiến trường K - Lào là chính). Qua làn khói hương, tôi lấm lét ngó sang khuôn mặt của Tiến... Tất nhiên vẫn  thường trực những nét cởi mở nhiệt thành vốn có nhưng vẫn chập chờn những nét u ẩn dài dại thế nào?

Không, gia cảnh Chiến "trắng" an bình. Con cái thành đạt. Nhà cửa sân sướng nghiêm ngắn. Công việc hanh thông. Không có chi là triệu chứng của sự lụn bại thất tán mà thiên hạ hay đồn đãi để chỉ những trường hợp người âm hành!

Cho đến bây giờ ông bạn Chiến "trắng" của chúng tôi vẫn chưa hiểu được vợ mình vốn rất nhát, vốn sợ ma giờ lại có thể ngồi trên xe hằng đêm bên cạnh là hàng trăm bộ hài cốt liệt sĩ gập ghềnh từ bên Lào về. Lại có thể đăm đắm dõi theo nhát xẻng của đội quy tập khơi lộ dần những tấm tăng bọc thi hài các liệt sĩ. Lại có thể bình thản ngồi bên những bộ hài cốt mà ghi ghi chép chép.

Trong hành trang của vợ mình để có thể bất kỳ lúc nào cũng sẵn sàng lên đường cho những chuyến công tác đột xuất, thoắt một ngày nào đó lại lỉnh kỉnh với những máy ảnh máy ghi âm, máy tính xách tay, kính lúp. Một chiếc thùng sắt tây đựng di vật, vải đỏ để bọc di vật!...

Khói hương vẫn lẩn quất trên những tăng, những võng những cái bát  sắt ăn cơm có tên là B.52 đã xám sạm thời gian vì bị vùi lâu trong đất. Những chiếc bi đông bợt bạt. Những vỏ bao thuốc Trường Sơn, Hòn Mê, Thu Bồn. Những mảnh vỏ pháo sáng quăn queo nguệch ngoạc những nhát khắc vội vã mơ hồ. Một trang viết cuối cùng của cuốn  nhật ký có dòng nguệch ngoạc lem nhem dấu máu khô "Mẹ ơi, anh ơi". "Không thể sống được nữa rồi"... Tấm bưu thiếp Xuân Mậu Thân có những chữ  tròn như hạt mít "Em sẽ đợi anh về" v.v và vv... Tất thảy đều từ âm phần phát lộ hơn 2.000 hiện vật như thế.

Từ những thông tin chứng cớ mơ hồ, Tiến đã chắp nối tìm ra 69 liệt sĩ từ vô danh trở thành có tên. 3.000 lá thư từ khắp mọi miền đất nước gửi cho Kim Tiến. Vợ ông bạn Chiến "trắng" của chúng tôi đã thành người của công chúng, đã thành sứ giả của "đường âm" với cuộc đời trần thế này vậy?

Hơn 2.000 hiện vật lấy từ phần mộ của các liệt sĩ hiện đang trưng ở đây trước khi Kim Tiến về bảo tàng này chưa có. Hàng chục rồi hàng trăm đợt quy tập hài cốt liệt sĩ ở QK4 hàng ngàn liệt sĩ như thế mà đa phần vô danh. Xót xa cho cái nỗi trận mạc hồi ấy, cho cái cung cách hậu cần thời ấy. Làm chi mà có thẻ bài như bên đối phương luôn kè kè trong túi áo ngực? Đành rằng là hoàn cảnh nó phải thế phải giành cho trạng huống như rứa một sự cảm thông. Mà hàng trăm ngàn bà mẹ ấy nào có thở than trách cứ điều gì? Nhưng thử đo đếm những giọt nước mắt của những bà mẹ, những người thân không có phần mộ không có xương cốt con em mình, nếu quy ra được năng lượng những khổ đau những mất mát ấy thì phải ngút ngàn lắm lắm.

Chứng kiến nhiều, rất nhiều những đợt quy tập như thế ở các nghĩa trang, mọi việc của Kim Tiến hình như bắt đầu từ một cái giật mình rằng không, không thể chôn theo các di vật, những địa chỉ mơ hồ, những con số vô nghĩa tìm thấy ở mộ liệt sĩ sau khi cải táng! Không thể tìm thấy địa chỉ của các liệt sĩ vô danh này bằng những con số những tiêu chí mơ hồ như thế này được đâu cô ơi... Với lại cô biết, tục nước mình kiêng lắm thiêng lắm là không được lấy chi ở mộ người chết cả! Nếu không tùy táng những thứ này thì liệt sĩ sẽ về đòi lại v.v... Người ta an ủi lẫn răn Kim Tiến như thế.

Hình như mọi việc được bắt đầu bằng giấc mơ của một đêm xuân năm 2000. Ngày mai Kim Tiến dự định sẽ có mặt tại một cuộc quy tập ở nghĩa trang liệt sĩ Quảng Bình.  Đang say ngủ, Chiến "trắng" giật mình thấy vợ ú ớ chi đó. Anh ngó đồng hồ mới 3h sáng. Cứ để vợ ngủ tiếp. Nhưng vợ lại vẫn ú ớ tiếp. Rồi Kim Tiến thoắt tỉnh, toát mồ hôi kể cho chồng nghe có một anh bộ đội rất trẻ mặc bộ Tô Châu đến đầu giường nói với Tiến rằng nên dậy sớm để đi không nhỡ việc. Có nhiều thứ hay lắm đó! Chiến "trắng" ngẫm nghĩ chi đó rồi động viên vợ sửa soạn ra tàu kẻo ngủ quên sẽ muộn.

Tất tả đến được nơi cần đến thì công việc bàn giao hài cốt may mới tiến hành được một lúc. Vẫn như những lần khác, người ta thông báo cho Kim Tiến 82 bộ hài cốt được quy tập lần này đều không có tên và địa chỉ. Tất thảy vô danh! Mấy chiến sĩ trong đội quy tập cho cô hay, trong phần mộ số 18, anh em  có tìm thấy trong hài cốt liệt sĩ có một tấm gương, trong có lồng tấm ảnh đen trắng bé xíu có hình một bà mẹ vấn khăn tròn. Và ở Khăm Muộn, nơi có phần mộ liệt sĩ số 18 ấy, người dân Lào cho đội quy tập biết người nằm dưới mộ có tên là Hương. Tất tật chỉ có vậy.--PageBreak--

Thấy Tiến cầm tấm gương đã loang lổ vì bao nhiêu năm nằm dưới đất cứ săm soi ngắm nghía mãi, người của đội quy tập giục Tiến bỏ vào tiểu hài cốt để chôn nhưng cô cứ chần chừ... Cô ơi chúng cháu tìm trong hài cốt liệt sĩ chỉ còn có vậy. Chúng cháu nghĩ mẹ đã theo anh đi khắp chiến trường cứ để mẹ nằm với anh trong mộ, cô đừng lấy đi kẻo tội anh ấy lắm...

Rồi cô xin bằng được tấm gương loang lổ sứt sẹo kích thước 5 x 8cm (thứ gương rất thông dụng trong những năm 60, 70 của thế kỷ trước) có lồng tấm ảnh 3 x 4cm hình một bà mẹ cỡ trên 50 tuổi đem về. Về đến Vinh, Kim Tiến háo hức gọi chồng con đến lấy cồn thơm lau sạch đất rồi bóc tấm gương ra. Hỡi ôi, khi vỏ gương là một tấm kính khác khi tách rời nhau thì đột nhiên tấm ảnh đột ngột biến mất. Trên mặt gương chỉ còn lại những vệt loang lổ! Kim Tiến bật khóc trước sự hốt hoảng của cả nhà.

Khi thẫn thờ chắp gương với kính lại thì lại kỳ diệu làm sao, hình bà mẹ cỡ 50 tuổi vấn khăn tròn lại hiện lên. Phấn khởi quá, Kim Tiến đem ra hiệu truyền thần để truyền lại hình ảnh bà với hy vọng đăng tấm hình này lên báo, may ra... Khi đó kỹ thuật chụp lại bằng máy kỹ thuật số chưa thông dụng ở Vinh nên không có hiệu truyền thần nào ở Vinh nhận. Có thể hình bà mẹ này đã quá mờ? Khi Kim Tiến nói về cái gương đã nằm bao năm dưới mộ rồi thì họ lại càng ngại! Đúng khi ấy anh bạn học hơn ba mươi năm trước của chúng tôi là Nguyễn Sĩ Đại xuất hiện.

Sĩ Đại là PV Báo Nhân Dân thường trú ở Nghệ An, thường đến chơi nhà Chiến "trắng" nghe Kim Tiến phàn nàn đầu đuôi bật reo lên: "Chiến ơi vợ mày đang làm một việc thật tuyệt vời!". Reo thì reo vậy nhưng Sĩ Đại chưa biết xoay xở với tấm hình mờ ảo này ra sao nói là cứ mang ra Hà Nội cái đã! Một thời gian sau Sĩ Đại quay lại Vinh phấn khởi cho cả nhà Kim Tiến biết đã khôi phục phần nào tấm ảnh và những thông tin về liệt sĩ có tên Hương nào đó cùng tấm ảnh được đăng trên một tờ báo.

Mười tháng sau, Kim Tiến nhận được hồi âm là nhắn cô ra Hà Nội tìm đến  địa chỉ này sẽ có người gặp. Hồi hộp Kim Tiến bươn bả đi ngay. Tìm đến địa chỉ, thật bất ngờ, một người đàn ông tên là Bùi Danh Khuê đã đưa cho Tiến coi các giấy tờ như giấy báo tử, giấy chứng nhận của UB xã liên quan đến một liệt sĩ có tên là Bùi Danh Hương.

Đặc biệt trong số giấy tờ có tấm chứng minh thư nhân dân mang tên Dương Thị Diệp sinh năm 1909, nguyên quán và nơi thường trú đều ở Trai Trang, Văn Yên, Hải Hưng (nay là TX Hưng Yên). Tiến bàng hoàng cầm tấm chứng minh thư so với tấm ảnh thì thấy rất giống với  hình bà cụ  trên chứng minh thư!

Ông Khuê cũng cho Kim Tiến hay mẹ Diệp đang còn sống nay 94 tuổi! Khi ấy, Tiến mới biết tấm gương nằm cùng liệt sĩ Hương đã 33 năm. 82 liệt sĩ vô danh mai táng ở nghĩa trang Ba Dốc, Quảng Bình ngày 16/1/2000 bây giờ đã có một người có tên! Tin lành ấy loang nhanh.

Ngày Tiến về thăm mẹ Diệp, có cả tướng Trần Sâm nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Trung tướng Lê Văn Hân, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đi cùng...

Giữ lại những di vật nằm cùng hài cốt liệt sĩ. Gắng tìm trong đó những thông tin dù mơ hồ. Tính từ thời điểm tìm ra địa chỉ của liệt sĩ Bùi Danh Hương, công việc "đường âm" nối với đường dương ấy đã đeo bám Kim Tiến suốt từ bấy đến nay. Kể sao hết những lần Kim Tiến bươn bả đây đó khắp hang cùng ngõ hẻm. Rồi nhiều lần sang cả mấy tỉnh bên nước bạn Lào, nơi trước kia là những chiến trường ác liệt. Nhiều nhất là đi cùng với các đội quy tập.

Tất tả với việc đường âm, Kim Tiến không đơn độc lạnh lẽo mà có biết bao sự ấm lòng bởi nhiều người xúm tay cùng Tiến. Đầu tiên phải nói đến sự sẻ chia của chồng con.

Cái đêm một mình Tiến mang hài cốt liệt sĩ Phạm Văn Duyệt quê ở Lệ Chi, Gia Lâm (tình cờ Tiến tìm thấy tấm ảnh chị Phạm Thị Tâm là chị gái liệt sĩ Duyệt trong bộ hài cốt tưởng như vô danh). Chiến "trắng" đứng ở ga Vinh giữa đêm rét như cắt. Tàu chỉ dừng ở ga 5 phút. Chiến chỉ kịp ném lên toa cho vợ bộ quần áo ấm và mấy liều thuốc cảm. Chiến biết chuyến đi ấy vợ mình phải cắt phép vì sợ chị Tâm gia cảnh rất neo đơn lại khó khăn đang tính phải bán đi chiếc tivi đen trắng để vào Quảng Bình cất bốc mộ em trai mang về.

Được chị Tâm đồng ý, Tiến đã đứng ra tự lo... Con tàu hộc tốc lao về hướng bắc, Chiến biết trong toa tàu lạnh lẽo kia, vợ mình sức đang rất yếu bởi chưa khỏi hẳn sau lần bị cảm. Hành trang quý nhất mà Kim Tiến mang theo là bộ hài cốt của liệt sĩ Phạm Văn Duyệt.

Rồi cô con gái lớn xinh đẹp Minh Hiền bao lần thay mẹ chả nề hà chi chuyện mang di vật của liệt sĩ đến những cơ quan  trách nhiệm. Lần ấy Minh Hiền còn thay mẹ mang răng của liệt sĩ ra một cơ quan khoa học ở Hà Nội để xét nghiệm ADN qua phương pháp gien. (Liệt sĩ Nguyễn Hữu Vu là liệt sĩ đầu tiên ở Việt Nam được giám định bằng công nghệ gien có sự góp sức rất nhiều của mẹ con Kim Tiến).

Ngoài việc chủ trì và bảo vệ thành công đề tài khoa học cấp Tổng cục Chính trị -  Bộ Quốc phòng "Xác minh lý lịch liệt sĩ chưa biết tên qua di vật nằm cùng phần mộ" Kim Tiến còn có tên trong danh sách của Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường thực hiện đề tài "Sử dụng công nghệ mới vào việc giám định hài cốt liệt sĩ".

26 tờ báo trung ương và địa phương trợ giúp với Kim Tiến nhiều lần chuyển tải thông tin di vật nằm cùng hài cốt liệt sĩ.  Đặc biệt chương trình Người đương thời và hộp thư của Đài Truyền hình TƯ đã thực hiện nhiều buổi phát hình trực tiếp để Tiến thông tin về các di vật của các liệt sĩ.

Các đội quy tập ở QK4 hầu như ai cũng biết cô, hễ có di vật hay vài hàng chữ dù nói lên thứ thông tin mơ hồ chi đó người ta đều tin ngay cho Kim Tiến. Đã có mấy bộ phim về đề tài này và công việc của Kim Tiến.

Không hiểu sao nghe chuyện Kim Tiến, tôi cứ lẩn thẩn nghĩ rằng có một dịp nào đấy sẽ viết về những giấc mơ của cô. Những giấc mơ bất chợt. Không đầu không cuối. Những giấc mơ khi thì ở nhà, khi thì giữa rừng cùng với anh em trong các đội quy tập liệt sĩ. Không hề là những thứ mộng mị quái đản mà là na ná như người ta vẫn nói là mơ lành là báo mộng vậy! Những giấc mơ trợ giúp khá đắc lực cho công việc tìm kiếm tên cho các liệt sĩ vô danh. Rồi còn cái chuyện cô sưu tập được 50 cái bình vôi các loại. Trong Khu Tư không hiểu sao kêu rất trang trọng bằng ông bình vôi. Thế còn bà? Nghe nói trong số đó có một ông nằm cùng mộ một liệt sĩ!

Bất giác tôi nghĩ đến cái cối giã trầu bằng vỏ đạn một người lính nào đấy đã ki cút làm hàng bao ngày đêm như thế đợi ngày chiến thắng mang về cho mẹ. Nhưng ngày ấy đã không đến. Người ta tìm thấy cái cối giã trầu trong một ngôi mộ liệt sĩ vô danh bên rừng Lào hiện đang bày ở gian trưng bày kia của bảo tàng.

Có bận cô bạn học Trần Thị Sánh của chúng tôi ái ngại nói với Chiến "trắng" về sắc da xàm sạm của Kim Tiến. Chiến cho hay có lẽ do bươn bải nhiều với công việc Kim Tiến vừa phải điều trị một đợt cật lực. Nhưng Kim Tiến nghe được cười cười: "Không can chi mô chị ạ. Em nghĩ các liệt sĩ thương em phù hộ em nhiều...".

Đận sau, qua Vinh gặp Nguyễn Kim Tiến đã lại thấp thoáng sắc hồng trên gương mặt quen thuộc thuở nào...

Thanh minh năm Hợi
.
.