Người thầy khiếm thị và giấc mơ về những con chữ
Cậu bé khiếm thị và giấc mơ giảng đường Đại học
Thầy giáo Lê Trung Cường, sinh năm 1977, trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Bắc Sơn, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng. Cường là con thứ hai và bình thường như những đứa trẻ khác. Lớn lên, đi học lớp 1, cậu bé Cường hồn nhiên như bao bạn bè cùng trang lứa khác. Rồi khi vào đầu năm học lớp 2, anh bắt đầu thấy ánh sáng cứ mờ dần trước mắt.
Cường kể: Nhà anh gần cánh đồng nhìn thẳng ra xa là đồi Thiên Văn - Kiến An, rồi đến gần hơn là núi Ông Voi - An Lão. Trước kia, anh nhìn rất rõ từng lớp đồi núi nhưng tự nhiên khoảng cách nhìn ấy ngày một thu hẹp dần, anh không nhìn thấy đồi Thiên Văn nữa mà chỉ nhìn thấy xa nhất là núi Ông Voi, nhưng chẳng bao lâu anh cũng không nhìn thấy cả núi Ông Voi nữa mà chỉ nhìn thấy cánh đồng trước nhà.
Cứ như vậy, ánh sáng rời xa dần dần và cuối cùng Cường không còn nhìn thấy gì nữa. Bố mẹ anh đã lo chạy chữa hết bệnh viện này đến bệnh viện khác nhưng kết quả là vô vọng. Cậu bé Cường 7 tuổi khi đó thì hoàn toàn hoảng sợ và tuyệt vọng, trước mắt anh là cả một màu tối đen đầy bi quan của cuộc sống.
Hồi đó, tại xã Bắc Sơn chưa có trường dành trẻ khiếm thị, nên cho Cường ở nhà và bắt đầu quen dần với bóng đêm trước mắt mình đến năm 12 tuổi. Rồi có một ngày, may mắn đã đến khi anh được trở lại trường học, ngôi trường dành cho người khuyết tật, trường Khiếm thị Hải Phòng (Lê Chân - Hải Phòng). Tại đây, Cường đã học lại toàn bộ chương trình tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5 bằng chữ braille (chữ nổi). Sau đó, anh về Trường THCS Bắc Sơn học tiếp chương trình THCS từ lớp 6 đến lớp 9.
Thầy giáo Lê Trung Cường bên bàn làm việc. |
Đồng cảm và chia sẻ với cậu trò nghèo ham học, nhà trường đã cử 2 giáo viên tới trường khiếm thị học chữ braille về làm nhiệm vụ dịch bài cho các giáo viên khác kiểm tra. Tốt nghiệp THCS, vì quá tuổi nên Cường phải học THPT hệ giáo dục thường xuyên tại Trung tâm giáo dục thường xuyên An Dương. Để chủ động trong việc trả bài cho giáo viên, người thầy giáo mù từ Thái Lan đã tặng Cường chiếc máy chữ, một tổ chức quốc tế đã tặng anh chiếc xe đạp để gia đình chở Cường đi học. Trường Khiếm thị Hải Phòng biết gia đình Cường khó khăn nên đã tặng sách giáo khoa bằng chữ braille.
Có chiếc xe đạp, buổi sáng em gái Cường đạp xe chở anh trai đi học, trưa tan học thì bố Cường đến đón về, suốt 2 năm trời. Thấy gia đình Cường vất vả quá nên lên lớp 12 thì các bạn cùng lớp đã giúp đỡ đến đón Cường đi học và chở cậu về nhà. Nhà nghèo, vất vả với bóng tối triền miên, tuy nhiên, sự nỗ lực đã đưa Cường trong suốt nhiều năm học luôn là học sinh đứng top đầu của lớp, đã tham gia thi học sinh giỏi thành phố và 2 năm liền đoạt giải nhì, giải ba môn Ngữ văn.
Cường bảo, thực ra cậu chẳng có ước mơ gì nhiều, chỉ mong sau này được trở thành một giáo viên vì cậu vốn yêu quý và ngưỡng mộ tấm lòng của các thầy cô giáo đã dạy dỗ mình bấy lâu nay.
Với sự giúp đỡ của thầy Ngô Đăng Duyên (Hiệu trưởng Đại học Hải Phòng), cậu được Bộ Giáo dục đặc cách cho học lớp Cao đẳng Giáo dục công dân, khóa 2002-2005 tại trường Đại học Hải Phòng. Động viên, khuyến khích cậu học tập, trường Đại học Hải Phòng kết hợp với trường Khiếm thị Hải Phòng vận động một nhà hảo tâm đến từ nước Anh, hỗ trợ Cường máy tính và nhiều đồ dùng học tập khác. Lê Trung Cường học tập, nỗ lực vượt qua những khó khăn của bản thân, hoàn thành tốt chương trình học.
Kết thúc khóa học, nhờ sự tạo điều kiện giúp đỡ của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng; Ban giám hiệu trường Khiếm thị Hải Phòng, Cường được nhận về trường Khiếm thị Hải Phòng công tác và được cử đi học lớp tin học (Tạo nguồn giáo viên máy tính cho người mù) trên Hà Nội do Tổ chức SIDA Thụy Điển tài trợ cho Hội Người mù Việt Nam. Sau 1 năm học, Lê Trung Cường trở lại trường Khiếm thị Hải Phòng và trở thành một thầy giáo dạy bộ môn Tin học từ năm 2006 đến nay.
Nhiệt huyết
Lê Trung Cường có giọng nói vang và ấm. Người ta vẫn bảo rằng, ông trời không lấy đi của ai tất cả. Khi ước mơ đứng trên giảng đường đại học trở thành hiện thực, Lê Trung Cường đã trở thành một người thầy giáo mẫu mực. Anh chia sẻ, được đứng trên bục giảng, dạy cho các em những kiến thức mình được học, được giúp các học sinh không nhìn thấy như mình tìm thấy niềm tin trong cuộc sống là điều tuyệt vời nhất. Hơn ai hết, Cường là người trong cuộc nên anh hiểu được tâm lý của các em học sinh.
Khó khăn nhất khi giảng dạy cho học sinh khiếm thị chính là các em ở nhiều độ tuổi khác nhau, nhận thức không đồng đều nên không dễ truyền đạt bài giảng để các em hiểu ngay. Dạy học sinh khiếm thị đòi hỏi người dạy phải kiên trì, nhẫn nại, phải cảm thông, yêu thương, thấu hiểu, đặt mình vào hoàn cảnh, suy nghĩ của các em để lựa chọn những cách giảng giải dễ hiểu nhất với mục tiêu truyền tải kiến thức. Điều quan trong nhất là người thầy phải trao đến các em tình yêu, niềm đam mê với môn học, giúp các em thấy được mục đích, ý nghĩa của việc học tập... để tạo hứng thú trong từng bài học.
Điều may mắn nhất cho những học trò thầy Cường, đó là kiến thức thầy mang đến không chỉ là những kiến thức trong sách vở. Ngoài giờ dạy trên lớp, thầy Cường thường xuyên kể chuyện cho các em nghe, thường là những câu chuyện cổ tích, mang đến cho các em thế giới tốt đẹp của bà tiên, ông bụt, mang đến cho các em niềm tin vào cuộc sống, tin vào những điều kì diệu có thể đến với những người bất hạnh mà biết sống lương thiện, biết yêu thương, sẻ chia giúp đỡ người khó khăn... Thầy còn dành nhiều thời gian để tâm sự với các em và các em cũng đã coi thầy như một người bạn tri âm tri kỷ, gửi gắm những suy nghĩ, những tâm tư nguyện vọng nhỏ to của các em.
Lê Trung Cường bảo, anh sinh ra trong một gia đình đã nghèo và khó khăn, tưởng mình đã tận cùng nỗi khổ rồi nhưng khi gần gũi với các em học sinh, mới thấy rằng, nhiều em còn có hoàn cảnh bi đát và buồn thảm hơn. Có em Tú, bố mẹ li hôn, em sống với mẹ, sau em bị tai nạn mù cả hai mắt, trí tuệ bị ảnh hưởng. Hai mươi tuổi mà chỉ mang tư duy của đứa trẻ lên mười với ước mơ trở thành một nhà văn nổi tiếng; em Linh Đan mang theo người bạn suốt đời là “Thuốc”; em Sáng bố nghiện rượu thường xuyên đánh đập mẹ, hai mẹ con em phải về ở với bà ngoại... Ngoài chia sẻ cảm thông, Cường lấy câu chuyện của mình để khuyên răn các em.
Bìa tập sách “Trong mắt trái tim” của Lê Trung Cường. |
Thực ra không phải các câu chuyện cổ tích đều có hậu. Và thật ra, không phải người khuyết tật nào cũng tìm được hạnh phúc. Lê Trung Cường nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, làm chủ cuộc đời mình, song có những điều anh không thể cầm giữ nổi.
Năm 2012, Cường đã kết hôn với một người con gái bình thường. Tưởng rằng sẽ có một cái kết đẹp như cổ tích nhưng rồi, cô gái ấy đã rời bỏ anh mà đi vì cần một bờ vai khác vững chãi hơn. Cường có buồn, có thất vọng và đau đớn. Song, đó lại là một trong những lý do để anh đứng dậy thêm một lần nữa, sống với đam mê và khát vọng của mình, đó là trở thành một người viết văn, ngoài công việc của người thầy giáo trên bục giảng.
Văn chương để cứu rỗi
Cường tâm sự: “Tôi đến với văn học từ biến cố của gia đình. Mặc dù thuận tình cho người bạn đời li hôn nhưng tôi vẫn rơi vào khủng hoảng tâm lí. Giúp tôi vơi đi nỗi buồn, gia đình và nhà trường dẫn tôi ra du lịch ở đảo Cô Tô - Quảng Ninh. Tác phẩm đầu tay của tôi ra đời trong những ngày đó.
Bút kí “Cô Tô trong mắt người khiếm thị” đã được Tạp chí Cửa biển của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng trao giải thưởng tác phẩm ấn tượng. Từ đó, tôi viết về những học trò yêu quý và những bạn đồng đẳng trong hội người mù cùng những gì cảm nhận được qua những chuyến đi gửi đăng báo.
Năm 2017 cuốn sách đầu tiên của tôi viết cho thiếu nhi có tên “Trong mắt trái tim” - NXB Kim Đồng. Nhiều bạn đọc khuyên tôi nên lựa chọn một số truyện ngắn đã đăng trên các báo văn nghệ, tạp chí Trung ương và địa phương, in thành một tuyển tập để bạn đọc hiểu thêm về những người khiếm khuyết. Những truyện trong tuyển tập này có nội dung về những người khuyết tật hoặc có bóng dáng của người khuyết tật. Nó như là một bức tranh đa sắc màu có đầy đủ các dạng tật: Khiếm thị, khuyết tật vận động, khiếm thính và khuyết tật trí tuệ”.
Ngoài viết văn, Cường làm thơ, những bài thơ được đọc trong chương trình Văn nghệ thiếu nhi Kênh VOV2 của Đài Tiếng nói Việt Nam như: “Mái trường của em”; “Mẹ”; “Nhớ bà”; “Mặt biển trong mắt em”... Anh cũng đã đoạt một số giải thưởng văn học: Giải Tác phẩm ấn tượng nhất: “Cô Tô trong mắt người khiếm thị” của Tạp chí Cửa biển năm 2013; Giải khuyến khích trong cuộc thi Truyện ngắn và ký của Tạp chí Cửa biển năm 2015 với tác phẩm “Sương thu”; Giải nhì kí (không có giải nhất) trong cuộc thi Truyện ngắn và kí Báo Văn nghệ Thái Nguyên với tác phẩm “Cơn mưa bất ngờ”.
Hiện tại, Lê Trung Cường đã gửi bản thảo mới đến NXB Công an nhân dân và đang mong muốn tập truyện với 16 truyện ngắn sẽ được xuất bản trong thời gian tới. Trong tập truyện, có những truyện ngắn mà anh tâm đắc như “Đứa trẻ vô tội”. Một câu chuyện liên quan đến người khuyết tật. Truyện ngắn này đã được in trên tuần báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. Nội dung truyện nói về một người phụ nữ nhạy bén với thương trường. Bà là người giàu lòng nhân ái hết lòng với gia đình và những đứa con.
Về mặt xã hội, bà là người chăm làm từ thiện giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng người phụ nữ này không hiểu được là: Với những người khuyết tật, tạo cho họ việc làm tốt hơn là cho họ miếng ăn. Làm việc thiện phải xuất phát từ cái tâm trong sáng của mình mới nhận được điềm lành. Đó cũng là châm ngôn sống mà Cường bảo, cả đời này anh sẽ theo đuổi.
Tôi vẫn nghĩ rằng, ở mảnh đất văn chương, thứ làm cho tâm hồn con người ta thánh thiện chính là người ta được bay lên cùng cảm xúc của mình. Lê Trung Cường đã và đang bay lên và giúp những học sinh trong trường khiếm thị của mình cùng cất cao đôi cánh ước mơ, giúp các em có niềm tin và nghị lực trong cuộc sống. Cường bảo, có người khuyên anh nên lấy một bút danh phù hợp để vào trong trang viết nhưng anh vẫn thích cái tên Lê Trung Cường hơn vì đó là tên do mẹ anh đặt với nhiều ý nghĩa.
Anh cũng yêu kính mẹ và muốn trả ơn sinh thành dưỡng dục dù con đường phía trước của anh còn nhiều gian nan. Cường sẽ hạnh phúc trong thế giới của mình để mẹ anh vui, để giảm bớt những gánh nặng lo toan mà cho đến bây giờ, tuổi cao, tóc bạc, da mồi, mẹ anh vẫn đang phải chịu nhiều nỗi vất vả, như trong một bài thơ anh đã viết về mẹ: “Con đi về đường gió cát bụi bay/ Mỗi buổi chiều ngày nào cũng thế/ Thời gian đi gầy thêm đôi vai mẹ/ Con cũng già đi mỗi độ xuân sang/ Mỗi một năm và mỗi một năm/ Vẫn mẹ nấu cơm con ăn mỗi tối/ Con vẫn lo một ngày trời bão nổi/... Ruộng vườn nắng mưa gió bão nhiều rồi/ Cây xanh lá giọt mồ hôi thấm đất/ Các con đến trường mẹ bao cực nhọc/ Gánh hàng rong đi khắp phố phường/ Sáng mùa đông gió lạnh mù sương/ Chiều mùa đông trời heo hút gió/ Trưa ngày hè nắng trời rực lửa/ Con phố nào chẳng thiếu bước chân qua...”.