Người thầy thuốc và món nợ "tình nguyện viên"

Thứ Năm, 11/06/2015, 16:00
Tự nhận là một người vô danh hết sức bình thường trong hàng vạn tấm lòng thiện nguyện của Thành phố nghĩa tình, nhưng câu chuyện nghề của lương y Nguyễn Lê Đông, thông qua số phận bi kịch của T., một trẻ em đường phố, hay của một bệnh nhân tai biến bị bỏ rơi… lại ám ảnh đến kỳ lạ. Có lẽ, khi chứng kiến những số phận chìm trong tận cùng nỗi đau, cũng là một động lực, để những người hết sức bình dị, sẵn sàng hy sinh cả những hạnh phúc thường nhật, sẵn lòng mở rộng vòng tay nhân ái…

Nguyễn Lê Đông chỉ là một nhân vật trong loạt phóng sự "Thành phố những tấm lòng thơm thảo" mà Chuyên đề ANTG sẽ đề cập.

1. Hai giờ chiều, TP HCM nắng như đổ lửa. Trong một ngôi chùa trên địa bàn quận 3, hơn chục người lớn tuổi nhẫn nại ngồi chờ trên ghế. Hôm nào họ cũng có mặt ở đây để được hưởng dịch vụ châm cứu, bấm huyệt và vật lý trị liệu miễn phí.

Ông Ngà, nhà ở đường Cách Mạng Tháng 8, đã có mặt ở đây từ hơn 1 giờ. Căn bệnh thoái hóa cột sống khiến người đàn ông gần 50 tuổi này đi lại rất khó khăn, nhiều khi cất chân không nổi. Đã gần một năm nay, khi biết được thông tin có đội ngũ bác sĩ và lương y khám chữa bệnh miễn phí, ông tìm đến, và cố định ở địa chỉ này. Đều đặn 2 ngày một lần, nắng cũng như mưa, ông Ngà nhờ người đưa tới đây, để được trị liệu.

Đối với những người kinh tế không khá giả như ông Ngà, và giống như gần 20 người bệnh khác đang ngồi đây, việc được chữa bệnh miễn phí, tựa như một giấc mơ. Những căn bệnh mãn tính liên quan đến cột sống, liên quan đến di chứng của những cơn tai biến mạch máu não, liên quan đến tuổi già… đều đòi hỏi một quá trình trị liệu kéo dài. Nếu buộc phải bỏ tiền túi ra để chữa bệnh, chắc chắn họ sẽ tuyệt vọng mà buông xuôi.

Huống chi, lịch khám chữa bệnh đều đặn, cũng đem lại cho những người bạn già một sân chơi mới. Họ làm quen với nhau, giao lưu  rồi tạo thành những tổ, nhóm. Những tập thể mới này, ngoài chuyện sẻ chia với nhau những câu chuyện đời, còn tích cực thực hiện các hoạt động thiện nguyện, tùy tâm, tùy sức khỏe.

2. Căn phòng khám chữa bệnh bên chái ngôi chùa chỉ rộng chừng 20m2, đủ kê khéo 3 chiếc giường chữa bệnh và một bàn khám. Mấy chiếc quạt xoay vù vù cũng không thể xua đi được cái nóng đến ngột ngạt của Sài thành đầu mùa mưa. Hai lương y và một y tá, mặc blouse trắng, liên tục xoay quanh các giường bệnh, liên tục thực hiện các thao tác châm kim, chạy điện, day bấm huyệt, vật lý trị liệu cho các bệnh nhân.

Là một trong hai thầy thuốc chính của đợt chữa bệnh hôm nay, lương y Nguyễn Lê Đông hoạt động không ngừng nghỉ. Kỹ thuật viên châm cứu không phải là một công việc nhàn nhã, anh Đông liên tục phải thăm khám, day bấm huyệt, châm cứu cho các bệnh nhân cứ luân phiên kế tiếp.

Công việc tốn nhiều sức nhất vẫn là thực hiện các thao tác vật lý trị liệu như xoa bóp chân tay, day bấm huyệt các bộ phận trên cơ thể bệnh nhân. Mồ hôi trên gương mặt thầy Đông lúc nào cũng túa ra đầm đìa, trong suốt cả 2 tiếng làm việc.

… Con đường đưa chàng trai nguyên là thành viên của Đội Tình nguyện chăm sóc trẻ em đường phố có tên "Thảo Đàn" đến với nghề đông y cũng là một câu chuyện dài. Năm 2009, bố của Nguyễn Lê Đông bị tai biến mạch máu não. Hai năm miệt mài đưa bố đi chữa trị, qua biết bao cơ sở y tế, qua biết bao thầy thuốc, đã khiến anh chứng kiến rõ ràng nhất cảnh cơ cực của những người bệnh. Chống chọi với bệnh tật được 2 năm, bố anh qua đời. Và đây cũng là thời điểm anh đưa ra một quyết định lớn trong đời: gác lại tất cả, đi học nghề châm cứu.

Năm 2013, Nguyễn Lê Đông tốt nghiệp lớp trung cấp kỹ thuật viên châm cứu. Ngoài việc hành nghề để nuôi sống gia đình một vợ và hai con, Đông vẫn không thể nào dứt được cái "duyên" làm từ thiện: sau những giờ làm nghề kiếm sống, anh vẫn đều đặn làm công việc thăm khám miễn phí cho người nghèo tại 2 ngôi chùa trên địa bàn quận Phú Nhuận và quận 3.

Lịch làm việc từ thiện của anh cũng dày đặc: Sáng 2-4-6 ở quận Phú Nhuận, chiều 3-4-5 ở quận 3. Đó là chưa kể những trường hợp đến tận nhà chữa bệnh cho bệnh nhân, thấy hoàn cảnh quá khó khăn, Nguyễn Lê Đông lại thường không lấy tiền, hoặc lấy một con số tượng trưng cho khách khỏi mang cảm giác mắc nợ.

3. "Bà nội chính là người định hướng cho tôi bước vào con đường thiện nguyện. Từ bé, tôi đã theo bà lên chùa. Pháp danh Phúc Sinh của tôi, có cũng từ khi đi theo bà, rồi trở thành phật tử. Từ năm 1996, khi bắt đầu làm công tác xã hội bằng việc gia nhập Đội Tình nguyện chăm sóc trẻ em đường phố, tôi luôn đi theo những lời khuyên của bà", anh Đông nhớ lại.

Khi Nguyễn Lê Đông gia nhập "Thảo Đàn", nhóm này đã được 4 tuổi. Thành lập năm 1992, chương trình chăm sóc trẻ em đường phố Thảo Đàn ban đầu chỉ là một nhóm nhỏ sinh hoạt ở Thảo Cầm Viên và công viên Tao Đàn, tổ chức vui chơi cho trẻ em đường phố. Về sau, chương trình phát triển lên thành một cơ sở bảo trợ trẻ em quy tụ đông đảo thành viên tham gia, và nhận được sự quan tâm, giúp đỡ nhiệt tình của xã hội để chăm lo  về mọi mặt cho trẻ em.

Trong đó, có ý nghĩa nhất là Nhà An toàn Thảo Đàn, được tổ chức tại Gò Vấp từ đầu năm 2000, nhằm cung cấp hỗ trợ khẩn cấp cho trẻ em và nuôi dưỡng các em không có gia đình, phải lang thang kiếm sống trên đường phố hoặc có nguy cơ trở thành trẻ em đường phố.

… Ba năm ròng rã "ba cùng" với trẻ em đường phố tại quận 1, đã để lại trong lòng Nguyễn Lê Đông nhiều nỗi ám ảnh. Hồi đó, để thực sự được đám trẻ đường phố thừa nhận là "bạn", nhóm của anh phải dành thời gian cả ngày lang thang cùng các em, làm quen, nói chuyện, rồi mời về trụ sở của Dự án xem phim, ăn cơm, đi chơi. Khi đã vượt qua được ngưỡng tâm lý, các em mới dần trải lòng, qua đó mới biết được nhiều câu chuyện thương tâm.

Thời điểm những năm 1996-1999, có cả một hệ thống "ma cô" tỏa ra trên địa bàn các tụ điểm trung tâm quận 1, chuyên chăn dắt những trẻ em đường phố. Từ các tay trùm giấu mặt, hệ thống tai mắt của chúng, qua sự phân phó của đám giang hồ, lẫn vào trong đội ngũ xe ôm, bán hàng rong, và trong cả chính những trẻ em đường phố. Bất cứ một gương mặt lạ nào, "dạt nhà" đặt chân vào địa bàn quận 1, sẽ được các "zích" thông báo với ông trùm, để thực hiện việc chèo kéo.

Nếu dụ dỗ thành công, những "con gà ngơ ngác" đặt chân đến Sài Gòn tìm đất sống sẽ bị các ông trùm phân loại. Nếu là nữ sẽ đẩy vào các nhà chứa ở TP HCM, thậm chí bị đưa sang cả Campuchia. Nếu là nam, sẽ bị bán cho các công xưởng ở quận vùng ven làm công nhân, hoặc đưa lên bán cho các trang trại ở các tỉnh, thành khác. Nếu nạn nhân có "tố chất", chúng sẽ được "biên chế" vào các đường dây tội phạm chuyên nghiệp như đá giỏ, đá xế, hoặc "cắm chốt" tại các khu công cộng để dụ những trẻ em lang thang khác.

Nếu may mắn không rơi vào tay những băng đảng ma cô, các em còn phải đối mặt với nguy cơ bị lạm dụng tình dục. Không chỉ các em gái, ngay cả các em trai cũng là "con mồi" của những kẻ bệnh hoạn với sở thích "ấu dâm". Không có việc làm, không có tiền để tồn tại, không có người bên cạnh bảo lãnh để kiếm được một việc làm tử tế, các em luôn là những người dễ bị tổn thương đầu tiên.

Và nhiệm vụ của những thành viên nhóm "Thảo Đàn" khi đó là bằng những phương pháp an toàn và ôn hòa nhất, chặn đứng những vòi bạch tuộc đó lại. Bằng tình thương và sự kiên trì, nhẫn nại, họ cảm hóa chính những "chốt" của các ông trùm cắm trong đội ngũ trẻ em đường phố đó, để các em kịp thời thông báo cho "Thảo Đàn" khi có thêm những trẻ em lang thang cơ nhỡ, trẻ em giận gia đình bỏ nhà đi… xuất hiện trên địa bàn. Khi có thông tin, với tốc độ nhanh nhất, nhóm "Thảo Đàn" sẽ xuất hiện, đưa các em về nhà an toàn.

4. "Tôi sẽ không bao giờ quên được T., một cậu bé ở khu vực quận 1, người đã cung cấp thông tin, giúp chúng tôi cứu được rất nhiều trẻ em lang thang khác khỏi bàn tay của các nhóm chuyên chăn dắt trẻ em. Những tháng ngày "kè sát" T. để bảo vệ và ngăn chặn em khỏi ma túy, cờ bạc, đã khiến chúng tôi trở thành anh em. Điều ân hận nhất của tôi, là chứng kiến T. chết, mà không giúp gì được em", anh Đông nhớ lại.

Năm 2000, sau khi rời nhóm "Thảo Đàn" để hoàn thành khóa nghĩa vụ quân sự, Nguyễn Lê Đông trở về, tìm lại T. nhưng không thấy. Qua các kênh từ trẻ em đường phố, anh mới biết T. đang ở trường giáo dưỡng, và đang nghiện nặng, sức khỏe rất yếu.

Bảo lãnh và xin được T. về nhà, Nguyễn Lê Đông không còn nhận ra cậu bé láu lỉnh, nhanh nhẹn ngày nào. T. cũng không nhận ra anh nữa. Ma túy đã tàn phá trí não cậu bé. Một thời gian sau, T. qua đời.

…Cảm giác bất lực khi đó tràn ngập tâm trí Nguyễn Lê Đông. Nó còn đau buồn hơn rất nhiều lần khác, khi những người bạn gái của anh, lần lượt, người này đến người khác, nói lời chia tay, vì không chịu đựng được cảnh bạn trai mình suốt ngày lê la với đám trẻ đường phố, không quan tâm đến kinh tế lẫn sự nghiệp.

"Thời điểm đó, tôi cảm thấy thực sự bị hẫng hụt. Dường như những tháng ngày chúng tôi lăn lộn cùng các em, xin từng cuốn tập, từng quyển sách để các em học hành, đi xin từng cơ sở dạy nghề dạy các em miễn phí… đã không cứu được những số phận như T. Phải chăng, guồng máy công tác xã hội của chúng ta vẫn còn những khoảng trống, hoặc không đủ sự quyết liệt, khiến cho những số phận thực sự muốn có cơ hội thay đổi, mà không thực hiện nổi", anh Đông trăn trở.

5. Gần 3 năm làm từ thiện, với vai trò kỹ thuật viên châm cứu, đã khiến cho phật tử có pháp danh Phúc Sinh cảm thấy nhẹ nhõm hơn nhiều. Ba năm, với lịch làm việc liên tục, hàng ngàn người đã được lương y Nguyễn Lê Đông chăm sóc chữa bệnh miễn phí, trong đó có rất nhiều người mắc các chứng bệnh mãn tính, phải điều trị kéo dài hàng năm trời.

"Khi làm công việc thiện nguyện này, tôi cũng chứng kiến rất nhiều số phận bi kịch. Có người quá nghèo, không có tiền chữa bệnh ngay từ đầu, khiến bệnh kéo dài, gây nên di chứng vĩnh viễn. Có người thì khi thành đạt, ham ăn chơi nhậu nhẹt, về già bệnh tật kéo đến thì phá sản, không có cả tiền ăn.

Lại cũng có người khi lâm bệnh, đặc biệt là tai biến mạch máu não, gia đình thấy thế bán sạnh nhà cửa, chia cho ít tiền rồi để mặc tự sinh tự diệt. Có một bác bên Phú Nhuận, chỉ có 2 cha con, bị tai biến, phải đi ở nhà thuê, hàng ngày tự đến chùa trị liệu vì con còn quá nhỏ, chỉ có thể giúp cha nấu cơm hàng ngày. Có đến 2/3 số bệnh nhân, khi trò truyện với phóng viên, cho biết, trong quá trình chữa bệnh, họ phải tự lo cho bản thân, người thân gia đình không hề quan tâm tới", anh Đông chia sẻ.

… Không chỉ dừng ở việc khám chữa trị bệnh miễn phí, lương y Nguyễn Lê Đông còn thực hiện thêm việc đào tạo, hướng dẫn và nâng cao tay nghề cho những bạn trẻ mới bước chân vào nghề kỹ thuật viên châm cứu. Ước mơ của anh, là sau này, khi tích lũy đủ, sẽ mở một lớp đào tạo và dạy nghề miễn phí, cho những trẻ em lang thang cơ nhỡ muốn kiếm công việc liên quan đến ngành vật lý trị liệu. "Rất may, là vợ tôi luôn ủng hộ công việc cũng như các kế hoạch thiện nguyện, ít kêu ca về chuyện kinh tế", anh cười.

Việt Đông
.
.