Từ vụ thoát nạn kỳ diệu của cháu bé rơi từ tầng 12: Nhìn lại vấn đề an toàn ở chung cư

Thứ Năm, 04/03/2021, 14:08
Suốt buổi chiều 28-2 cho đến ngày đầu tháng 3, cái tên Nguyễn Ngọc Mạnh trở thành "từ khóa" trên không gian mạng. Tràn ngập trên các tài khoản cá nhân là những lời chia sẻ từ bàng hoàng, đến xúc động, cảm kích của cộng đồng, trước việc anh giơ tay đón bắt cú rơi tự do từ tầng 12, tòa chung cư số 60B Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân, Hà Nội) của bé gái 3 tuổi.

Bi kịch đã không xảy ra bởi lòng nhân ái và ý thức trách nhiệm công dân của chàng trai ấy, nhưng cũng đặt lại câu hỏi cần làm gì để không còn những tai nạn bất thình lình của trẻ nhỏ trên những cao ốc, chung cư. Bởi vì tai nạn đã xảy ra quá nhiều và sự may mắn thì quá hiếm hoi.

Hành động quyết đoán

Tôi đã xem đi, xem lại đoạn clip được trích xuất ra từ camera của tòa nhà ghi lại toàn bộ diễn biến vụ cứu nạn có một không hai này. Chỉ có thể đánh giá hành động của Nguyễn Ngọc Mạnh là phi thường, quyết đoán, dũng cảm và quan trọng hơn cả, đó là vô cùng đúng lúc. Trên mạng xã hội, người ta tính toán để đỡ được bé gái 3 tuổi với gia tốc rơi tự do từ độ cao khoảng 36-40 mét xuống đất, đôi tay của Mạnh đã phải chịu một khối lượng khoảng 300 kg, tương đương với một chiếc xe máy. 

Có thể vào thời điểm quyết định đón cú rơi của cháu bé để chặn đứng bàn tay thần chết, Mạnh chỉ kịp nghĩ nhanh về đứa con gái bé bỏng của mình đang ở nhà. Lòng nhân ái, tình thương yêu con trẻ, trách nhiệm công dân đã kích hoạt bản năng bảo vệ có trong người đàn ông trưởng thành, đã khiến anh thực hiện việc cứu nạn một cách vô cùng chính xác, bất chấp nguy hiểm đối với mình. 

Anh Nguyễn Ngọc Mạnh - người cứu cháu bé 3 tuổi rơi từ tầng 12, tòa chung cư số 60B Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân, Hà Nội) ngày 28-2-2021.

Hành động hiệp nghĩa, quả cảm của anh đã trao quyền được sống lại cho cháu bé và nhận về vô vàn lời biểu dương, khen ngợi của cộng đồng. Một Facebooker đã viết trên trang của mình: “Thời gian cũng như dòng sông cứ mải miết trôi. Nhưng, những phút giây huyền diệu thì sẽ luôn ngưng đọng mãi, làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn và khiến chúng ta không thể nào quên”.

Bé gái ở chung cư số 60B Nguyễn Huy Tưởng đã thoát chết trong gang tấc một cách hy hữu và lạ lùng, trong khi nhiều cháu bé khác đã không được may mắn như thế sau những cú rơi tự do từ những tòa cao ốc, chung cư tại các đô thị, để lại trên tầng cao tiếng gào khóc thảm thiết của bố mẹ, người thân. 

Cho tới tận bây giờ, D - cô bạn tôi chưa thể nguôi ngoai nỗi đau xé lòng khi đứa con gái 4 tuổi của cô rơi từ ban công tầng 25 của tòa chung cư Star Tower (số 283 phố Khương Trung xuống đất và tử vong tại chỗ. Tháng 11-2020, một bé trai 6 tuổi đã rơi từ tầng 8 của chung cư Hiệp Thành City - The ParkLand, trên đường Hoa Cúc (phường Hiệp Thành, quận 12, TP Hồ Chí Minh) xuống và tử vong tại chỗ. Trước đó, vào tháng 8-2020, tại tòa chung cư trong ngõ 246 phố Hoàng Ngân (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội), một bé gái 6 tuổi đã rơi từ tầng 12 của tòa nhà xuống và tử vong.

Còn rất nhiều vụ tai nạn thảm thương khác đã xảy ra với con trẻ ở các đô thị lớn. Hiện tượng đáng sợ này đã đặt ra câu hỏi ai phải chịu trách nhiệm trước những vụ tai nạn của trẻ nhỏ và làm thế nào để giữ trẻ an toàn trong các căn hộ chung cư.

Trẻ bị tai nạn, lỗi tại người lớn

“Ngoài nguy cơ ngã từ tầng cao, trẻ ở tại các khu chung cư còn đối diện với hàng loạt những rủi ro khác từ thang máy, hệ thống ống lấy rác, cửa thoát hiểm một chiều, cầu thang bộ cho đến việc cháy nổ, rò rỉ khí. Truy tìm nguyên nhân, theo tôi lỗi đầu tiên thuộc về bố mẹ và những người lớn trong gia đình đã chủ quan, chưa cẩn trọng trong việc bảo vệ sự an toàn của con em mình, không đánh giá được hết hoặc coi thường những nguy cơ tiềm ẩn có thể dẫn đến tai nạn đối với trẻ nhỏ, dẫn đến sự lơ là, thiếu cảnh giác, sâu sát trong việc trông coi trẻ hoặc không chủ động triển khai các biện pháp cần thiết để loại trừ từ trước những nguy cơ tiềm ẩn đe dọa sự an toàn của trẻ” - Đại úy Nguyễn Văn Thành - cán bộ Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhận định.

Tòa chung cư số 60B Nguyễn Huy Tưởng.

Vẫn theo Đại úy Thành, cửa sổ và lan can ban công trong các căn hộ chung cư thường là những cái bẫy chết người đối với trẻ nhỏ. Một số gia đình mặc dù thấy các kết cấu này không bảo đảm an toàn, như lan can ban công thấp, độ hở giữa các thanh chắn dọc khá lớn, không có kính hay lưới che chắn hoặc lan can cấu tạo thanh ngang cách nhau 20 cm, cửa sổ kính không có khung sắt bảo vệ... nhưng không nghĩ đến khả năng xảy ra tai nạn, nên không triển khai các biện pháp như lắp thêm lưới, khung sắt bảo vệ, gia cố sự chắc chắn của các mối hàn, đinh ốc kết nối các cấu kiện với nhau. 

Thậm chí nhiều gia đình tận dụng ban công để đồ vật như máy giặt, làm bàn bếp nấu ăn... Đặc điểm con trẻ là sự tò mò, hiếu động, nghịch ngợm, thậm chí là bắt chước các nhân vật hoạt hình, các con hoàn toàn có thể leo trèo lên các đồ vật đó và ngã ra phía ngoài lan can bảo vệ. Bên cạnh đó là sự thiếu sâu sát trong việc trông nom trẻ nhỏ.

Qua các vụ tai nạn đã xảy ra, có nhiều trường hợp bố mẹ để cho trẻ con trong nhà tự trông nhau để đi làm việc riêng hoặc bố mẹ đóng cửa đi ngủ trưa, hay dán mắt vào máy tính, điện thoại để trẻ chơi một mình. Bên cạnh đó, cũng xảy ra những vụ tai nạn khi trẻ từ nơi khác đến chung cư chơi. Trẻ nhỏ chưa ý thức được tình huống nguy hiểm, đôi khi lại bất chợt có những hành vi mà người lớn khó có thể đoán trước. Trong lúc đùa nghịch, các con có thể làm những việc nguy hiểm, như trèo leo lan can ban công hay đu cửa sổ. 

“Chỉ cần lơ là, xao nhãng, không để ý giám sát hoạt động của trẻ một chút thôi là tai nạn đã có thể xảy ra với con em mình. Trẻ bị tai nạn, lỗi đầu tiên thuộc về người lớn” - Đại úy Thành nói.

Một nguyên nhân khác cũng được nhìn nhận, đó là việc thực hiện các quy chuẩn xây dựng chưa đầy đủ. Kỹ sư Ngô Chí Sáng cho rằng mặc dù theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về nhà ở và công trình công cộng được Bộ Xây dựng ban hành năm 2008 thì các công trình xây dựng dù cao hay thấp tầng đều phải được thiết kế bảo đảm an toàn về kết cấu, an toàn cháy nổ, môi trường cho người sử dụng. 

Tuy nhiên, hiện nay dường như việc thiết kế chung cư chỉ chú trọng tới không gian lớn như phòng khách, phòng ngủ, phòng bếp... mà xem nhẹ phần lan can, ban công - lô gia, cửa sổ. Trong khi chính những hạng mục này là yếu tố làm phát sinh những vụ tai nạn đối với trẻ em. Do vậy, vấn đề an toàn cần được kiểm soát chặt chẽ hơn nữa. 

Chẳng hạn như chiều cao tối thiểu của lan can nhà ở, cơ quan, trường học, công sở và các công trình công cộng lô gia và sân thượng ở các vị trí cao từ 9 tầng trở lên, chiều cao tối thiểu là 1,4m; vế thang đường dốc, tối thiểu 0,9m; các vị trí khác tối thiểu 1,1m. Với công trình có trẻ em dưới 5 tuổi sử dụng thì lan can phải cấu tạo không cho trẻ em dễ trèo qua và không có lỗ hổng đút lọt quả cầu đường kính 100mm. Với lan can hoặc lô gia được sử dụng bằng vật liệu kính thì kính được bảo vệ bởi vật cố định, đảm bảo chắc chắn, không có khe hở nào nhét lọt quả cầu đường kính 75mm, khó trèo qua để ngăn ngừa chống rơi ngã; không nên làm lan can bằng các thanh chắn ngang, dễ tạo thành bậc thang để trẻ em trèo, leo...

Cấu tạo lan can tiềm ẩn nguy cơ tai nạn với trẻ em.

Vẫn theo ông Sáng, trên thực tế qua khảo sát ở một số công trình chung cư, chiều cao lan can của các lô gia không đảm bảo mức tiêu chuẩn là 1,4m. Độ cao lan can ở các khu đô thị lớn hiện nay không đồng nhất và không tuân thủ nghiêm ngặt theo quy chuẩn xây dựng. Chẳng hạn, lan can tại tòa chung cư Sài Đồng có chiều cao 1,25m, trong khi lan can tại chung cư Rice City là 1,3 m (tính cả gờ bê tông mới đủ 1,4m); chung cư An Lạc, Mỹ Đình chiều cao lan can là 70cm, tính cả bục bê tông phía dưới thì tổng chiều cao là 1,2m. 

Nhiều công trình cao tầng cũ ở Hà Nội như chung cư Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng), khu tập thể Núi Trúc (quận Ba Đình), chung cư Lê Phụng Hiểu (quận Hoàn Kiếm) có lan can xây kín bằng bê tông hoặc làm bằng sắt đã hoen gỉ và có chiều cao chưa tới 1m...; chung cư Dịch Vọng, Linh Đàm có ban công xây cao trên 1m nhưng thiết kế kiểu phía dưới là tường xây, phía trên gắn 3 thanh sắt nằm ngang, mỗi thanh cách nhau 10 cm... Thiết kế như vậy tạo điều kiện cho trẻ em leo trèo, dễ dàng chui qua khoảng trống giữa các thanh sắt và ngã xuống.

Khuyến cáo an toàn

Trẻ nhỏ vốn hiếu động, để giữ các con tránh xa các nguồn nguy hiểm tại các chung cư, theo Đại úy Nguyễn Văn Thành thì yếu tố dự phòng trong các gia đình phải đặt lên hàng đầu. Bố mẹ, người lớn trong nhà cần phải luôn cảnh giác, dự đoán những thứ có thể gây hại cho trẻ để loại trừ khả năng đó từ trước, chứ đừng “mất bò mới lo làm chuồng”. 

Chung cư cũ tại Hà Nội có lan can rất thấp

Cần phổ biến những thông tin này đến tất cả mọi người trong nhà để cả gia đình cùng nhau bảo vệ trẻ. Chẳng hạn, cần để phích nước sôi, cốc nước nóng, thức ăn mới nấu, bàn là đang nóng, bật lửa... ở nơi trẻ không sờ hoặc với tới. Khi nấu ăn luôn quay cán xoong, chảo vào phía trong; không để trẻ nhỏ tự tắm vòi nước nóng lạnh, nếu tắm chậu cho trẻ thì cần đổ nước lạnh vào trước và hòa nước nóng sau, luôn kiểm tra nhiệt độ nước trước khi tắm; khi bê nước nóng, thức ăn mới nấu, cần tránh xa trẻ để không va đụng; kiểm tra nhiệt độ của thức ăn, đồ uống trước khi cho trẻ ăn, uống; không nên ăn thức ăn, uống nước nóng khi bế trẻ nhỏ. Bên cạnh đó phải huấn luyện trẻ em về nhận biết nguy hiểm, như không được leo trèo ngoài ban công, lan can cầu thang, lô gia...

Một việc vô cùng quan trọng khác, đó là chủ động gia cố, lắp đặt thêm các thiết bị an toàn như lưới chắn cho ban công, cửa sổ, cầu thang. Vì trẻ thường ra ban công chơi và dễ chui đầu lọt qua khe hở thanh chắn, nên rất cần tấm lưới bảo vệ với cấu tạo sợi kim loại chạy song song theo chiều dọc, có độ hở hẹp, sẽ triệt tiêu được nguy cơ trẻ lọt qua. Cũng không để các đồ vật gần lan can vì trẻ có thể leo trèo lên rồi ngã ra bên ngoài. 

Tương tự, cầu thang bộ tại các nhà cao tầng cũng là một khu vực nguy hiểm có thể rơi ngã khi lên xuống, đặc biệt là cho người già và trẻ nhỏ. Vậy nên, các tấm lưới chặn cầu thang cũng chính là một trong những điều cần thiết đối với các gia đình sống tại các nhà cao tầng. Với cấu tạo gồm các sợi lưới inox được lắp dọc hành lang cầu thang, từ trên xuống dưới để bảo lan can dây lưới tránh cho trẻ đi bị ngã ra ngoài cầu thang. 

Khu vực cửa sổ cũng cần được lắp tấm lưới phòng vệ cẩn thận vì đa số trẻ nhỏ đều tò mò và thường thích thò đầu ra khỏi cửa sổ để nhìn ngắm xung quanh. Trong khi đó, nhiều cửa sổ của các căn hộ chung cư lại thấp, không có song sắt bảo vệ nên trẻ nhỏ có thể trèo lên, với ra ngoài rồi ngã xuống rất nguy hiểm. Không nên đặt bất cứ đồ đạc nào lớn như giường, bàn, ghế, tủ ở xung quanh khu vực cửa sổ để trẻ không thể trèo ra bên ngoài. Cần thường xuyên đóng chặt cửa sổ hoặc lối đi ra ban công khi vắng nhà hoặc khi không có mặt để giám sát con.

Ngày 1-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có thư khen và quyết định tặng bằng khen cho anh Nguyễn Ngọc Mạnh trú tại xóm 4, thôn Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội vì hành động dũng cảm cứu cháu bé tại tòa nhà 60B Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội). Cũng trong ngày 1-3, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ có thư khen, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ký quyết định tặng bằng khen cho anh Mạnh.
Đào Trung Hiếu
.
.