Những người con của thành đồng Tổ quốc
Hàng vạn tấn bom cùng chất độc dioxin mà quân đội Mỹ, Ngụy thả xuống hòng đè bẹp ý chí tấn công của quân và dân ta. Nhưng, cứ lớp người này ngã xuống là lớp người khác lại đứng lên. Máu của các anh đã chảy, hòa vào đất mẹ bao dung. Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, một trong hai nghĩa trang liệt sĩ lớn nhất nước, nơi yên nghỉ những người con ưu tú của đất nước trên cung đường tuyến lửa.
Mãi mãi tuổi hai mươi
Nằm trên đồi Bến Tắt, tỉnh Quảng Trị, nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn nhìn từ trên cao xuống như bông hoa trắng với 5 cánh xòe, nơi yên nghỉ của 10.263 liệt sĩ. Có những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi đã anh dũng hi sinh trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tháng 7, mùa tri ân những anh hùng liệt sĩ, từng dòng người đổ về nghĩa trang, hoa, nến và hương lung linh giữa bao la đất trời.
Nghĩa trang được chia ra 5 khu, gồm 3 quả đồi trên tổng diện tích 39,6 hecta. Con đường nhựa dẫn đến các khu rộng thoáng dưới hàng cây xà cừ cao vút tỏa bóng mát. Những cây xà cừ này được tướng Đồng Sĩ Nguyên cho lính của mình là bộ đội Trường Sơn trồng từ ngày mở tuyến đường mòn Hồ Chí Minh và cả sau này, khi xây khu nghĩa trang vào năm 1975 và khánh thành vào năm 1977.
Xen lẫn những hàng cây xà cừ xanh rì râm mát xào xạc lá là những cây phượng vĩ già. Kì lạ thay, cứ đến dịp tháng 7, mùa tri ân những anh hùng liệt sĩ cũng là mùa mà từng chùm phượng vĩ nở đỏ thay nhau cháy sáng rực lung linh cả vùng đồi.
Tượng đài chính khu trung tâm Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn. |
Người ta bảo: Nhiều chàng trai, cô gái nằm lại đây tuổi đời còn rất trẻ, nhiều người đang là sinh viên đại học nhưng xếp bút nghiên lên đường chiến đấu, mới mười chín, đôi mươi ngã xuống mảnh đất này, nên những người quản trang đã trồng cây phượng vĩ xung quanh đây như làm dịu mát tâm hồn người lính trẻ.
Cũng chính vì các anh, các chị lứa tuổi hai mươi vĩnh viễn nằm lại mảnh đất thấm đẫm máu và nước mắt này mà mới đây, Hiệp hội Mãi mãi tuổi hai mươi xây tháp tri ân các anh hùng liệt sĩ ở nghĩa trang Trường Sơn. Công trình này sẽ được khánh thành trong nay mai. Tháp có nhiều tầng, điểm nhấn là 2 quả chuông đồng rất to. Quả chuông phía dưới nặng 1 tấn, chuông treo trên gác nặng 2,4 tấn, cao 2,1m sẽ dùng bằng nút điện điều khiển từ xa.
Đơn vị thi công công trình tháp tri ân còn cho biết thêm: Sau khi xây dựng xong tháp, họ sẽ thi công 42 phòng ngủ nằm trong khuôn viên khu nghĩa trang để phục vụ miễn phí cho thân nhân những anh hùng liệt sĩ đến thăm. Có nhiều khi, các mẹ lưng còng, tóc bạc đi đoạn đường hàng trăm, cả nghìn cây số đến thắp nén hương, muốn ở bên mộ con thật lâu nhưng khu nghĩa trang không có chỗ ăn ngủ nên các mẹ có khi ngồi cả buổi bên mộ con rồi lại ra về hoặc đi tìm thuê trọ, để sáng mai đến thăm con lần nữa. Việc đi lại rất vất vả, tốn kém.
Nhiều đoàn vào đây cầu siêu cho những anh hùng liệt sĩ, họ làm lễ xong cũng là lúc đêm khuya nhưng cả khu nghĩa trang rộng lớn không có chỗ ngủ khiến các đoàn khách phải quay ra thành phố Đông Hà (cách đấy 38km) hoặc đi khá xa để tìm chỗ ngủ. Nhưng nếu xây xong khu nhà, mọi người sẽ thuận tiện hơn khi đến thăm khu nghĩa trang. Đáp ứng nhu cầu này, Hiệp hội Mãi mãi tuổi hai mươi dùng tiền quỹ để bày tỏ tấm lòng tri ân với thân nhân các anh hùng liệt sĩ.
Thắp hương trên mộ những chiến sĩ trẻ. |
Để có khoảng đất trống xây dựng tháp chuông, đơn vị thi công bứng 2 cây xà cừ vài chục năm tuổi, thân to chắc khỏe ra mảnh đất gần đấy. Chỉ thời gian ngắn sau, cây vươn chồi xanh tốt như thể đã bám sâu vào lòng đất từ muôn đời nay. Cây chứng kiến trong cuộc chiến dữ dội, vô cùng khốc liệt, những người chiến sĩ trẻ đã ngã xuống, rồi cùng với thời gian cây lại tỏa bóng mát cho các anh đi vào giấc ngủ ngàn thu.
Mỗi tấc đất ở đây thấm đẫm máu và xương của các anh. Mới đây nhất, ngay gần tháp tri ân là mảnh đất bằng, người ta đào xuống độ sâu 2m và thấy trong cùng một chỗ là hài cốt của 3 chiến sĩ. Thân nhân các liệt sĩ đã đến và có nguyện vọng đưa các anh về quê nhà.
Nhiều người lính tuổi hai mươi đã nằm lại chiến trường nên những người đến đây thường chọn con số 20. 20 bông hồng trắng, 20 bông cúc vàng, 20 ngọn nến, 20 gói bánh, 20 gói kẹo, 20 quả các loại... Hoặc những dòng khách đến thăm viếng nghĩa trang, người ta cũng thường bỏ 20.000 đồng vào hòm công đức. Con số 20 ở nghĩa trang sao linh thiêng đến thế. Ngay kể cả giờ đây, từ bốn mặt của tháp ta cũng nhìn thấy dòng chữ nổi màu vàng sáng bóng, rực rỡ đầy kiêu hãnh: “Mãi mãi tuổi hai mươi”.
Câu chuyện của người canh giấc ngủ cho các liệt sĩ
Ngoài cổng nghĩa trang là nơi có đền thờ vọng các anh hùng liệt sĩ, nơi đây khi xưa cất bốc hài cốt của các liệt sĩ, người ta quy tập ở ven suối của dòng sông Bến Hải để gột rửa những hài cốt còn chưa sạch sẽ rồi mới đưa vào tiểu và đem về nghĩa trang.
Chị Nguyễn Thị Huyền Thương, người chăm sóc mộ phần khu 5 kể: Trước đây mẹ chị ở trong quân ngũ, công tác ở khu nghĩa trang này từ rất lâu, mẹ thường kể chuyện cảm động ấm áp tình người ở đây. Sau đó, chị đến thấy gắn bó với khu nghĩa trang này, rồi học xong, chị có nguyện vọng chăm sóc mộ phần của các chú, các bác. Trên tay chị là một xô vữa, chị bảo, tháng 7 mùa này gió to, lọ hoa thường đổ, nên mang xi măng lên để trát xung quanh lọ hoa, chôn trực tiếp xuống từng ngôi mộ.
Liệt sĩ của từng tỉnh được quy tập thành một khu. Suốt từ những ngày cuối tháng 6 cho đến hết tháng 7, tất cả các tỉnh thành khắp cả nước đều hướng về khu nghĩa trang, tỉnh nào cũng có người đến viếng. Ban Quản lý nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn cũng tạo điều kiện cho các tỉnh chăm lo mộ phần và thể hiện nghĩa cử cao đẹp với các liệt sĩ của quê hương.
Chị Nguyễn Thị Huyền Thương trông coi khu 5 Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn. |
Mỗi tỉnh được xây dựng tượng đài, nhà tưởng niệm, nhà hành lễ theo kiến trúc và kinh phí riêng của từng tỉnh. Nhiều tỉnh có điều kiện tri ân với anh hùng liệt sĩ xây đài tưởng niệm rất đẹp, cũng có tỉnh tự bỏ kinh phí như tỉnh Hải Dương ốp tất cả mộ phần cho các liệt sĩ của tỉnh bằng đá kim sa đen và bia bằng đá trắng, sẽ hoàn thành trước 27-7 này.
Chị Thương cũng cho biết: Với nghĩa trang từ ngày khánh thành, con số 10.263 mộ liệt sĩ từ năm 1977 không thay đổi. Sau ngày khánh thành, những hài cốt quy tập được sẽ không đem vào nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn mà mang về Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9. Có nhiều gia đình đi tìm mộ của người nhà hơn 30 năm khắp các nghĩa trang liệt sĩ nhưng không thấy, vậy mà vào đây đi thắp hương lại vô tình tìm ra.
Đó là mùa hè năm 2017, chị giáo viên quê Vĩnh Phúc cùng nhà trường vào đây thắp hương, chị đang cắm hương cho từng ngôi mộ thì nhìn thấy 2 ngôi mộ của bác và của chú ở rất gần nhau, cùng tỉnh Phú Thọ. Chị vội chụp ảnh bằng điện thoại rồi gửi về quê nhà. Sau đấy cả gia đình, họ hàng đã tìm về đây thăm viếng người thân trong sự xúc động nghẹn ngào.
Chị ngậm ngùi kể: Nhiều người đến khu nghĩa trang tìm thấy mộ của gia đình. Đó là cha, là bác, là chú, là anh... những trường hợp đó thì nhiều lắm. Tìm được rồi nhưng gia đình nào có điều kiện mỗi năm vào 1-2 lần, còn gia đình nào không có điều kiện 2-3 năm mới vào một lần. Đến đây, họ khóc ngất. Nhà nước mình từ nhiều năm nay có chính sách hỗ trợ cho thân nhân những anh hùng liệt sĩ.
Trước khi đi thăm viếng mộ liệt sĩ, các thân nhân liệt sĩ làm thủ tục ở xã, rồi khi đến đây gặp Ban Quản lý nghĩa trang lấy giấy xác nhận và trở về xã nhận hỗ trợ kinh phí đi lại. Hay những gia đình nào muốn đưa hài cốt các anh về quê thì Ban Quản lý nghĩa trang cũng tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí tàu xe. Nhiều năm nay, một số gia đình đưa hài cốt các anh về quê nhưng mộ phần phía trên vẫn để lại giữ nguyên tên tuổi, quê quán của các liệt sĩ.
Những người con thành đồng của tổ quốc
10.263 mộ liệt sĩ yên nghỉ trên đồi Bến Tắt, trong đó có 86 mộ liệt sĩ chưa biết tên gần đài tưởng niệm ban hành lễ khu trung tâm, cùng vài mộ liệt sĩ chưa biết tên nằm rải rác ở các khu. Các anh mất đi không để lại tên tuổi, quê quán, nằm yên lặng trên ngọn đồi lộng gió dưới cội bồ đề. Tôi lân la đến gần một bác mặc bộ quân phục bộ đội qua năm tháng đã bạc màu đang thắp hương cho các liệt sĩ chưa biết tên. Bác là Lê Văn Sửu, thuộc Tiểu đoàn 228, Sư đoàn 330 và nay là hội viên Hội Cựu chiến binh thị trấn Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa.
Bác Sửu rơm rớm nước mắt kể: Nhiều năm nay bác đi tìm mộ em trai nhưng chưa thấy. Em trai nhập ngũ năm 1967, thuộc Binh chủng Thông tin. Sau ngày thống nhất đất nước, gia đình nhận được giấy báo tử ghi hy sinh ngày 3-11-1971 tại mặt trận phía Nam nhưng không rõ địa chỉ nào.
Tháp tri ân các anh hùng Liệt sĩ sẽ khánh thành vào ngày 26-7. |
Bác bảo: Giờ thì bố mẹ đã mất cả rồi, giấy báo tử khi xưa cũng không còn. Bố mất năm 1990, mẹ mất năm 2005 khi đã 91 tuổi. Trước khi nhắm mắt xuôi tay, bà còn trăng trối lại: “Bây giờ con phải đi tìm hài cốt em con xem đang nằm ở đâu...”. Mỗi dịp tháng 7, đi cùng với đoàn cựu chiến binh vào thắp hương cho các anh hùng liệt sĩ là bác lại đau đáu về người em trai.
Hòa bình lập lại trên quê hương, mấy chục năm ròng rã, bao nhiêu người vẫn đi tìm người thân đã hy sinh thân mình vì Tổ quốc. Mất mát chiến tranh vẫn còn đó. Những người mẹ mất con, những người vợ mất chồng, những người lính ra đi và không bao giờ trở về. Những hàng mộ trắng cả một vùng trời. Còn biết bao nhiêu hài cốt nằm lại ở rìa đồi, hay thất lạc ở bờ sông, con suối, hay rừng lau, đám sậy.
Hiện nay, công tác tìm kiếm mộ liệt sĩ vẫn đang được tiến hành, Đội Quy tập mộ tỉnh Quảng Trị vẫn trên mọi nẻo đường tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ. Các anh nằm lại trên mảnh đất đau thương và đầy bi tráng, đất nước này khắc ghi tên các anh, mãi mãi lưu giữ sử xanh, những người con thành đồng Tổ quốc.