Chuyện về những người vớt xác

Thứ Ba, 09/06/2015, 07:00
Sài thành có những con người kỳ lạ, chẳng từ nan trong việc vớt xác trôi sông. Với những con người ấy, vớt xác không phải nghề của họ, càng không phải là công việc để họ đánh bóng tên tuổi, hay kiếm thêm thu nhập. Họ chấp nhận làm cái việc chẳng đặng đừng mà trăm người khi đề cập thì cả thảy đều lắc đầu, vì những tâm niệm bình dị mà cao quý: Cứ nghĩ người chết là người thân của mình, ai có người thân chết trong cái cảnh trôi lập lờ theo dòng chảy mà không xót không đau! Có ai gặp người thân của mình chết trong cái cảnh lạnh lẽo ấy mà đành lòng bỏ mặc!

Một ngày tháng 5, tôi có dịp gặp hai người như thế. Một người đàn ông và một phụ nữ. Người đàn ông không nhớ xuể mình đã đưa lên bờ bao nhiêu xác chết trôi sông. Người phụ nữ thì trước sau đều nhất quán câu trả lời: "Bất cứ lúc nào thấy xác chết trôi sông, nếu người ta không vớt, chị vớt".

1. Sáng tháng 5 chưa đến 6 giờ mà trời oi bức, nóng nực. Sáng hôm nay cũng như hàng ngàn buổi sáng của hơn 30 năm qua, ông Nguyễn Văn Chúc (thường gọi Ba Chúc), "người hùng" của hàng trăm xác chết trôi sông ngồi trên mạn con thuyền nhỏ là nơi tá túc của gia đình, để mình trần, mắt hướng về những dềnh lục bình trôi lập lờ theo dòng chảy.

Vợ chồng ông Chúc với sinh hoạt thường ngày trên sông nước.

Chúng tôi hỏi chuyện vớt xác trên sông, ông Chúc hắng giọng trải lòng rằng khúc sông này là nơi giao nhau của nhiều dòng chảy, nên xác chết từ các nơi thường tấp về đây, trôi dập dềnh theo những cụm lục bình. Gần 40 năm sống trên sông nước nơi này, ông Chúc bộc bạch rằng ông không nhớ mình đã nhìn thấy và trục vớt bao nhiêu xác chết trôi sông như thế. 

Chiếc ghe cũ mèm từng là nơi trú ngụ của đại gia đình 7 người của ông Chúc, gồm vợ chồng ông, 5 người con gái, nằm ven cầu Bình Lợi (quận Bình Thạnh), nơi mà theo tâm tình của ông Chúc có rất nhiều xác chết trôi sông tấp vào và cũng có rất nhiều người chán đời thường tìm ra đây gieo mình xuống dòng chảy tìm cái chết: "Họ gồm đủ thành phần, có người giận chồng, có kẻ thua độ đá banh, có người thua lỗ trong chuyện làm ăn, có người tìm đến cái chết khi biết mình bị bệnh nan y hay nhiễm căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS".

Ông Chúc sinh năm 1957, tính đến nay, ông có thâm niên sống trên sông nước đã 40 năm. Ông kể chuyện đời mình với chất giọng dung dị rằng nhà nghèo quá, đông anh em nên mỗi người tự tìm phương kế mà sống. Năm 18 tuổi, ông xây dựng gia đình với bà Nguyễn Thị Hinh thua ông một tuổi cũng dân sông nước, được cha mẹ hai bên cho cái ghe làm nhà, rồi 7 đứa con (5 gái,  2 trai) lần lượt ra đời. Chỉ với nghề chài lưới vậy mà vợ chồng ông nuôi được 5 đứa con: "Sống trên sông nước vầy khổ lắm chú ơi, lo đủ đường. Lo mưa to gió lớn “quýnh” nát ghe, lo mấy đứa nhỏ té sông chết đuối, lo bữa đói bữa no, lo lúc đau lúc bệnh".

Xóm ghe nơi vợ chồng ông Chúc neo đậu.

Bà Hinh tiếp lời chồng với câu nói trĩu nặng ưu tư. Hỏi ra mới biết cuộc sống trên ghe thiếu thốn, nay đau mai bệnh với những cơn gió độc, đã cướp đi của ông bà 2 người con trai đầu lòng. Bản thân ông Chúc cũng nhiều lần chết hụt với đủ thứ bất trắc nhưng rồi mọi chuyện cũng qua. Ông nói rằng, có lẽ nhờ vong linh của những người chết trôi được vợ chồng ông vớt, phù hộ.

Căn cứ vào số bằng khen, giấy khen, thư cảm ơn, ghi chép và các thông tin báo chí, tính đến nay ông Chúc đã cứu và vớt xác gần 400 người. Hẳn nhiên, con số người chết trôi sông vượt xa con số người tự tử được ông cứu sống. Hỏi chuyện thù lao, ông cười khùng khục bảo nếu ông ra giá, nếu ông nhận tiền, nếu vợ chồng ông có chút sân si thì cuộc sống đã không quá khó ngặt, không có chuyện đau bệnh phải cắn răng chịu đựng (bà Hinh bị nhiều chứng bệnh, nặng nhất là tiểu đường, huyết áp): "Thấy người bị nạn, dù còn sống hay đã chết, lẽ nào mình làm ngơ. Mình sống trên sông nước, người ta gặp nạn trên sông nước, bỏ mặc sao đặng".

Không đành lòng bỏ mặc người ta, vậy là chẳng biết từ bao giờ, ông Chúc cùng vợ dính với "nghiệp" vớt xác trên sông, cứu người tự tử. Ông không nhớ vụ cứu người đầu tiên, hay vớt xác người đầu tiên, trong trường hợp nào. Ông cũng chẳng nhớ đã có biết bao người cảm tạ cái ơn vớt xác người thân trôi sông hay tự tử đến nhận ông làm anh em hay xin được gọi ông là cha.

Chỉ biết rằng bất kể ngày đêm, bất kể nắng mưa, hễ hay tin có người gặp nạn là ông và vợ chẳng ngại khó khăn xả thân làm chuyện đại nghĩa. Xác chết gần đây nhất mà ông vớt vào chiều 28/3/2015, đó là tử thi của một phụ nữ khoảng 30 tuổi, mặc áo sơ mi màu hồng, quần tây đen, được những người câu cá phát hiện tri hô. Nhận được tin, ông Chúc chạy xe máy đến kéo xác chết vào bờ cố định để Cơ quan Công an đến khám nghiệm hiện trường, thu thập thông tin phục vụ cho công tác điều tra phá án!

Sáng tháng 5, đến thăm ông Chúc - "đại hiệp vớt xác" trên sông Sài Gòn, dù cuộc sống còn quá nhiều khó khăn với ước mơ được lên bờ cháy bỏng, cùng với đó là mong ước có được thẻ bảo hiểm y tế để khi đau bệnh không phải cắn răng chịu trận cho bệnh tật tự lướt qua, nhưng tôi thấy ông cùng vợ chẳng than vãn, kêu ca gì.

Thật bất ngờ khi tôi hỏi ước mong điều gì, ông Chúc bảo chỉ mong mọi người biết quý sinh mạng của mình, đừng vì chút buồn giận, khổ đau, túng thiếu, nợ nần là đi tìm cái chết: "Tôi thấy có nhiều người rất nông nổi, giận chồng, vậy là ôm con nhảy xuống sông. Có cô lỡ làng với người khác mang bầu, báo tin cho người tình không được thừa nhận, vậy là gieo mình xuống sông cho hai mẹ con cùng chết. Mỗi khi vớt phải những xác chết như thế, dù quá quen với cảnh chết chóc nhưng bao giờ tôi cũng thấy bần thần, đau xót, nhất là cho đứa trẻ".

2. Tiếng tăm không “nổi như cồn” như ông Ba Chúc nhưng với chị Nguyễn Thị Mỹ (42 tuổi, ngụ khu vực rạch Ruột Ngựa, quận 8) cũng khiến nhiều người nể phục vì dám làm cái việc chẳng mấy ai dám làm. Người ta gặp xác chết, nhất là xác chết bị biến dạng, phân hủy ai cũng sợ, nhưng với chị, đó là chuyện thường ngày.

Chị Nguyễn Thị Mỹ.

Lý do như chị Mỹ tâm sự, từ hồi 6-7 tuổi chị đã gặp xác chết trôi sông. Rồi khi lớn lên, lấy chồng, sinh con, năm nào chị cũng gặp xác chết trôi nổi lềnh bềnh nên chuyện tử khí không khiến chị sợ hãi, ám ảnh, mà trái lại, chị thấy thương: "Chẳng biết lúc còn sống họ là ai, là người tốt hay kẻ xấu nhưng khi phải lâm vào cái cảnh chết trôi chìm trong lạnh lẽo tôi thấy thương lắm!".

Nói về “duyên nợ” với những xác chết trôi sông của mình, chị Mỹ tâm sự rằng từ nhỏ, gia đình chị sống trong khu ổ chuột dọc kênh Tàu Hủ. Nhà nghèo, anh em đông nên lúc nhỏ chị cũng như nhiều đứa trẻ sống trên kênh rạch hồi đó đã biết phụ mẹ cha cải thiện cuộc sống bằng việc chèo xuồng cắt rau muống mang ra chợ bán: "Từ cái hồi bảy tám tuổi mình đã theo má chèo dọc chèo xuôi khắp con kênh Tàu Hủ cùng những ngã rẽ của nó. Cũng từ đó má con mình bắt gặp nhiều xác chết trôi sông. Những lúc gặp xác, má không bao giờ bỏ lánh mà tận tình, tìm cách đưa người ta lên bờ, rồi đắp chiếu, thắp nhang an ủi vong linh họ chờ người thân tìm nhận".

Những người chết trôi sông ấy, chị Mỹ nào có nhớ họ là ai? Đàn ông có, đàn bà có, có cụ già, em nhỏ, có con trai, con gái... Lúc sống họ khác nhau về giới tính, tính tình, gia cảnh nhưng lúc thân xác chìm giữa sóng nước thì như nhau cả, nhìn thê lương, tội nghiệp lắm!

Chị Mỹ kể rằng từ cái thuở biết theo má chèo xuồng đi cắt rau muống đến khi 10 tuổi, đã không dưới chục lần chứng kiến má làm chuyện nghĩa tử nghĩa tận với các xác chết trôi sông. Chị kể có những xác chết trôi đã nhiều ngày ai cũng tránh xa, nhưng má chị thì làm điều ngược lại: "Má được sinh ra và lớn lên trên sông nước, một chữ bẻ đôi cũng không biết nhưng lòng nhân nghĩa, sự hiếu từ thì má có thừa. Hồi nhỏ, 6 anh chị em mình luôn được má dặn ra đường gặp đám tang thì nhường đường, ngả mũ tiễn biệt người ta lần cuối. Chứ không như thời bây giờ, đám tang thì mặc đám tang, người ta cứ ùn ùn chắn đường, bóp còi inh ỏi như muốn giành luôn đường về cõi âm ty của người quá cố".

Lần đầu tiên với chị vẫn còn như mới hôm qua. Lần đó không phải là xác mà là một cái chân người. Chuyện đã qua lâu rồi nên chị không rõ đó là chân trái hay chân phải, của đàn ông hay đàn bà.

Chị kể: “Hồi đó mình 12 tuổi, khi đó mình chèo xuồng đi cắt rau muống ở kênh Tàu Hủ. Lúc đó trời tờ mờ sáng, dù đã từng gặp nhiều xác chết trôi sông nhưng mình sững sờ, khi phát hiện trước mặt là chiếc chân người dập dềnh, lấp ló giữa bè rau muống và bèo lục bình. Dù sợ nhưng nhớ lời má dặn nên mình mạnh dạn dùng lưới bao kéo vào bờ rồi tự tay đào hố chôn".

Từ cái thuở gặp chân người bị trôi sông đến năm 30 tuổi, chị Mỹ cho biết hầu như năm nào chị cũng gặp xác người chết trôi, có năm chị tự tay vớt đến 3 xác chết. Chị nhớ cái xác người trôi sông mà chị tự tay vớt năm chị 14 tuổi, năm đó chị và cậu em trai lúc chèo xuồng đi chở nước thì phát hiện thi thể là một người đàn ông chìm trong lạnh lẽo. 

Lần vớt xác gần đây nhất của chị Mỹ cách đây chưa đầy năm, bận ấy nghe tin ở khu vực cầu Rạch Cây 2 nổi lên xác một người đàn ông, chị tìm đến xem sao. Thấy nhiều người chỉ đứng chỉ trỏ, nhìn ngó, vậy là chị lẳng lặng mượn ghe chèo ra tròng dây vào xác kéo vào bờ... Chị đánh vật gần 2 giờ đồng hồ mới đưa được xác cập mép bờ.

Chị Mỹ có 2 con trai, nguồn sống của gia đình chị là quầy tạp hóa bé xíu trong con hẻm cũng bé xíu trên đường Âu Dương Lân, quận 8. Ngày ngày gắn mình với xóm nhỏ cơ hàn, tất bật với chuyện bán buôn nhưng không vì thế mà chị quên đi những phận người trôi sông lạnh lẽo. Chị Mỹ tâm sự đến nay chị đã vớt được hơn chục xác người chết trôi. Ngần ấy xác chết là ngần ấy lần chị bước qua nỗi sợ hãi, đàn ông nhìn thấy cảnh ấy lắm người kinh sợ, huống gì một phụ nữ chân yếu tay mềm như chị.

Như ông Chúc, chị Mỹ bộc bạch, kinh nghiệm giúp chị vượt qua nỗi sợ hãi đến ám ảnh ấy là nghĩ người chết trôi là người thân của mình. Vì nghĩ như thế nên hễ nghe có xác người trôi sông thì chị sẵn sàng lao ra làm cái việc chẳng đặng đừng. Và vì nghĩ người chết trôi là thân nhân của mình, chẳng ai nỡ đành để người thân của mình chết trong lạnh lẽo với cơ thể không lành lặn, nên trong quá trình đưa xác vào bờ, nếu xác bị rớt tay rớt chân, chị quay lại kiếm tìm cho bằng được...

Hai "đại hiệp" vớt xác trên sông nước kia, họ khác nhau về giới tính, hoàn cảnh, tuổi tác nhưng cả hai đều có điểm chung, là những người bình thường nhưng có lòng hiệp nghĩa vượt xa cái xuất thân bình thường của họ. Họ thực sự là những tấm gương người Sài Gòn bình dị mà cao quý giữa đời thường. Họ thật đáng trân trọng, nhất là khi những việc hiệp nghĩa ấy của họ không phải để được vinh danh, mà xuất phát từ mệnh lệnh trái tim nhân ái!

N.Thành Dũng
.
.