Nửa khuôn mặt, một cuộc đời

Thứ Tư, 07/10/2020, 10:14
Tôi lặng ngắm nửa gương mặt lành lặn của Hà Bích Hảo, điệu đà với chiếc khuyên tai xinh xinh. Nửa còn lại chằng chịt những vết sẹo, lan rộng sau đầu và loang xuống cổ, một bên tai không còn, một bên mắt gần như hỏng hẳn, miệng bị kéo lệch không thể ngậm kín. Sự tròn trĩnh, không khiếm khuyết có lẽ chỉ ở cái tên Bích Hảo và niềm tin, nghị lực sống mỗi ngày thêm mạnh mẽ.

Khi Hảo đọc tặng tôi bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” bằng giọng Huế, tôi không thể ngờ em lại có một giọng đọc hay đến vậy, dù rằng chuỗi âm thanh truyền cảm ấy phát ra từ một khuôn miệng không tròn...

Cô gái quê Nam Định truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ nhờ tinh thần lạc quan, vượt nghịch cảnh để vươn lên.

Vết bỏng định mệnh

Hảo có giọng nói nhỏ nhẹ và trong trẻo. Tôi thích nghe em nói về những phũ phàng, tồi tệ mà em phải chịu với chất giọng nhẹ nhàng như không. Đứa trẻ nào cũng có quyền được yêu thương và che chở. Nhưng với Hảo, phần yêu thương cô bé nhận được ít ỏi vô cùng. Sự ghét bỏ, kỳ thị, xa lánh choán ngợp tâm trí em từ tấm bé.

Một ngày tháng 12 năm 1994, mẹ sinh em, đặt tên con gái là Bích Hảo, những mong mọi điều tốt đẹp sẽ luôn đến với con mình. Nhưng, cuộc sống thật trớ trêu khi vừa sinh ra gương mặt em đã xuất hiện một cục u máu. 6 tháng tuổi, bố mẹ đưa Hảo đi phẫu thuật. Mọi thứ trở nên tồi tệ vì trong quá trình phẫu thuật cô bé bị bỏng laser rất nặng, vô cùng đau đớn và sau đó một nửa gương mặt biến dạng hoàn toàn.

Sau tai nạn, Hảo không thể bú mẹ được nữa. Bà nội kiên trì đổ từng thìa nước cơm cho cháu gái. Thìa nước cơm vừa đổ vào miệng lại trào ra trong tiếng khóc méo xẹo, bà lại đổ thìa khác, mong cháu sống sót và nên người.

“Mầm” là tên mình. Mầm là mầm sống, mầm yêu hương, mầm hy vọng, mầm hạnh phúc. “Mầm” nghe lành hiền nhưng cũng không kém phần bền bỉ, mạnh mẽ. Mỗi tháng, mình đều trích tiền lương để gây dựng quỹ từ thiện Mầm và những người bạn để hỗ trợ những trẻ tàn tật, trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, quỹ đã nhận bảo trợ dài lâu cho một số trẻ khó khăn để các con được đến trường” - Hà Bích Hảo.
Hảo dồn tâm huyết cho việc dạy trẻ tự kỷ.

Vết bỏng quá nặng đã ảnh hưởng lớn đến thể chất của Hảo. Cho đến khi 3 tuổi rưỡi, Hảo chỉ nằm, không thể nói. Bố mẹ và bà nội bỏ ngoài tai những lời lẽ độc địa của người làng, vẫn kiên trì chăm Hảo. Rồi Hảo cũng chập chững những bước đi đầu tiên. Bỗng một buổi sáng ngủ dậy, Hảo đột nhiên cất tiếng gọi. Người mẹ nghèo khổ không tin và tai mình, khóc nấc lên khi nghe thấy tiếng gọi “mẹ” từ đứa con gái bé bỏng đáng thương. Từ khi nói được, Hảo học nói nhanh không ngờ.

Tai phải bị hỏng, mắt phải không còn nhìn thấy nữa, nên đến tuổi đi học lớp 1, ai cũng nghĩ Hảo sẽ không thể tiếp thu nổi kiến thức. Hảo được đưa đến lớp chỉ để dự thính. Hảo thèm một lần được ngồi gần các bạn, gần cô giáo, một lần được xung phong giơ tay phát biểu mà chẳng được. Trong tâm trí Hảo vẫn in hằn cảm giác tủi thân khi bị bạn ném dép và sách vở vào người, thậm chí xua đuổi, hắt hủi. Bố mẹ thương Hảo lắm mà không biết phải làm gì tốt hơn cho con.

Năm lớp 4, khi đi học về, một bạn lớn hơn Hảo 2 tuổi đã đánh chửi và đẩy em xuống sông. “Đồ con ma”, “đồ yêu tinh” - những lời lẽ tàn tệ đó khiến Hảo nghĩ rằng mình xấu hơn những người xấu. Và đó là lần đầu tiên Hảo ý thức rõ nhất về sự khác biệt của mình.

Lên cấp 2, trước sự ruồng rẫy, trêu trọc của bạn bè, Hảo uất ức và tổn thương, như con nhím xù lông để phản ứng lại tất cả. Năm nào bố mẹ Hảo cũng phải lên gặp ban giám hiệu nhà trường vì Hảo đánh nhau với bạn. Bởi thế, Hảo có thêm biệt danh “sói hoang” và bị coi là học sinh cá biệt.

Vượt lên nghịch cảnh

Bỏ qua tất cả sự kỳ thị, ruồng rẫy, lòng Hảo vẫn ấm lại khi nghĩ đến những người đã mở lòng đón nhận hình hài méo mó và coi Hảo như một học sinh bình thường. Đó là cô hiệu phó trường tiểu học - người đã cho Hảo được đến lớp công bằng như các bạn. Đó là cô giáo chủ nhiệm cấp 3, người đã giao cho Hảo làm cán bộ lớp suốt 3 năm và nói với cả lớp rằng “Hãy tôn trọng bạn ấy”. Sự lựa chọn của cô tuy mạo hiểm nhưng lại là giải pháp tốt cho cả Hảo và cho cả lớp.

Được giao nhiệm vụ, Hảo trở nên tự tin hơn, năng nổ nhiệt tình trong mọi công việc của lớp. Các bạn trong lớp cảm mến dần, không còn những đợt tẩy chay hội đồng, không còn cảnh ném giày dép, giẻ lau bảng vào Hảo nữa. Hảo học tốt dần lên, 2 năm liền được chọn đi thi học sinh giỏi môn lịch sử cấp tỉnh.

Với ước mơ cháy bỏng được đặt chân tới giảng đường đại học, bỏ ngoài tai những ì xèo, bàn tán của người xung quanh, Hảo quyết tâm thi đại học. Ngày Hảo nhận được thông báo đỗ đại học, rất nhiều người đã không tin vào điều đó. Chính vì thế, Hảo càng quyết tâm học tập để khẳng định rằng một người tật nguyền vẫn có thể học tốt và làm nhiều việc tốt. Sức nghe kém, thị lực cũng kém, Hảo xin ngồi bàn đầu, chăm chú nhìn khẩu hình của thầy cô để có thể nắm được bài.

Suốt 4 năm học tại Khoa Giáo dục đặc biệt - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Hảo luôn tích cực tham gia các câu lạc bộ, các chiến dịch vì cộng đồng. Với vai trò là Phó Chủ tịch Hội Sinh viên khuyết tật thành phố Hà Nội, Hảo hoạt động năng nổ để hỗ trợ các bạn sinh viên cùng cảnh ngộ.

Cách đây 5 năm, Hảo từng nghĩ đến cái chết. Còn giờ đây cô gái 26 tuổi này lại trở thành điểm tựa cho nhiều người khác. Mỗi tối, sau giờ làm việc, Hảo dành thời gian để tư vấn tâm lý cho những người biết và tìm đến em. Hảo kiên nhẫn lắng nghe, đưa ra lời khuyên cho những người gặp trở ngại về tâm lý do tự ti về ngoại hình, người khuyết tật và cả trường hợp bế tắc trong cuộc sống. Em không ngần ngại chụp ảnh chính diện gương mặt mình gửi cho họ để họ thấy rằng, có thể họ không bất hạnh bằng em và sẽ chẳng có lí do gì khiến họ đầu hàng số phận.

Hảo tham gia chương trình thiện nguyện tại các bệnh viện để động viên, giúp đỡ các bệnh nhân ung thư.

Mất mát và đắp bù

Hảo bảo với tôi rằng, dù cuộc sống có khắc nghiệt thế nào thì điều quan trọng là phải nỗ lực vươn lên để trở thành người có tri thức. Khi đó, con người ta sẽ tự tin hơn, cơ hội được sống đúng nghĩa, được thể hiện bản thân ngày càng nhiều. Và như thế thì phần ghét bỏ ít dần đi, phần yêu thương nhận được nhiều hơn và sẽ có cơ hội trao yêu thương. Sẽ luôn có những mất mát và đắp bù cùng kéo đến, hãy cứ bình tâm để đón nhận nó.

Trước kia, Hảo luôn tự ti với ngoại hình của mình và căm hận cuộc phẫu thuật đã khiến cô mất đi hình hài bình thường nhất. Hảo luôn cố bấu víu vào câu chuyện của bà nội hay kể về gương mặt xinh xắn của Hảo ngày bé. Rằng Hảo có khuôn mày đẹp, lông mi dài hơn của người chị gái. Suốt một thời gian Hảo luôn để tóc dài để che đi một bên mặt tật nguyền. Nhưng, giờ đây, khi bình tâm hơn, Hảo buông bỏ những uất hận và tự tin với kiểu tóc ngắn cá tính và năng động. Em chủ động nói về câu chuyện của mình, không né tránh.

Trước đây, Hảo sống với thuốc kháng sinh, với việc tiêm thuốc cho đến khi lên lớp 4 nên chiếc kim tiêm trở thành nỗi ám ảnh đầy sợ hãi. Nhưng, trong đợt dịch COVID-19 vừa qua khi nhận được tin một bà mẹ mang thai bị bệnh tan máu bẩm sinh cần được truyền máu, Hảo đã quyết tâm đi hiến máu cứu hai mẹ con thai phụ kia. Vượt qua sự sợ hãi, Hảo không còn sợ kim tiêm nữa.

Chỉ vì ngoại hình khiếm khuyết, ước mong được dạy trẻ tự kỷ của Hảo nhiều lúc vấp phải sự phản đối của phụ huynh. Hết năm đầu đại học, Hảo đi phỏng vấn và trở thành tình nguyện viên của một trung tâm nuôi dạy trẻ tự kỷ. Sau 2 tháng, người quản lý nói với Hảo rằng từ mai em không cần phải đến làm nữa, các phụ huynh không thích sự có mặt của em vì sẽ làm con họ sợ. Câu nói ấy khiến Hảo chết lặng. Nhưng, ngược lại, những đứa trẻ không hề sợ hãi và xa lánh Hảo. Chúng yêu quý và gần gũi cô vì chúng cảm nhận được cô Hảo yêu thương chúng thật lòng. Đã có lúc Hảo bật khóc khi chúng nhìn em và gọi “Mẹ ơi”.

Hiện tại, Hảo đang dạy trẻ tự kỷ ở trung tâm giáo dục hòa nhập trong một trường mầm non ở Hà Nội. Ngày ngày, em cần mẫn dạy dỗ, uốn nắn để những đứa trẻ có thể tiến bộ từng chút một. Cuối tuần, Hảo đi học cao học, tiếp tục nghiên cứu về giáo dục hoà nhập cộng đồng cho trẻ tự kỷ. Hảo cũng đang học thêm tiếng Hàn Quốc để có thêm trải nghiệm về ngôn ngữ.

Hảo là người hướng ngoại, thích bay nhảy. Quê Hảo ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Nhà có 3 chị em, Hảo là người kém may mắn nhất nhưng lại ở xa quê nhất. Hảo đã từng đi tàu dọc Bắc - Nam tìm hiểu những vùng đất và tích lũy vốn sống. Dựa vào cộng đồng trẻ tự kỷ trong cả nước, đến tỉnh nào Hảo cũng tìm hiểu, đánh giá tham vấn cho các bậc phụ huynh có con mắc bệnh.

Hà Bích Hảo trong một buổi liên hoan văn nghệ.

Đã có nhiều người tốt thương cảm cho hoàn cảnh của Hảo, đề nghị được giúp em phẫu thuật thẩm mỹ để thay đổi gương mặt. Nhưng, cho đến hiện tại Hảo vẫn từ chối, bởi với em, ngoại hình không còn quá quan trọng nữa. Hảo tự cảm thấy còn rất nhiều việc quan trọng hơn để làm. Giờ đây, khi đã có thể tự lập cuộc sống, Hảo lập quỹ học bổng Mầm và những người bạn để giúp trẻ em khuyết tật, trẻ em nghèo. Hảo đang nỗ lực từng ngày để có thể mở một doanh nghiệp xã hội nhằm giáo dục hướng nghiệp cho trẻ tự kỉ. 

Tạm biệt tôi, Hảo đeo chiếc khẩu trang xanh, bàn tay em thoăn thoắt kéo hai dây khẩu trang vòng ra sau đầu, dùng một chiếc nịt chun buộc cố định lại. Hảo cười: “Em phải làm cách này, vì một bên tai của em không còn nữa do vết bỏng”. Cô nói rồi lên xe phóng vút đi...

“Ngày đầu nhận lớp chủ nhiệm, nhìn thấy Hà Bích Hảo, tôi đã thấy phải quan tâm, lắng nghe em nhiều hơn. Hảo đã không giấu giếm mà sẵn lòng chia sẻ câu chuyện của mình cho bạn bè và thầy cô. 4 năm học đại học và giờ đây, khi Hảo đang học thạc sĩ, em luôn là tấm gương của tinh thần vượt nghịch cảnh để vươn lên học tập tốt. Hảo chính là một người trẻ truyền cảm hứng nhờ tinh thần lạc quan và những hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng. Sự khiếm khuyết về ngoại hình đã không ít lần khiến Hảo trượt mất cơ hội công việc nhưng em luôn bền bỉ vươn lên. Tôi đồng cảm và hài lòng về cô học trò đặc biệt này” - thạc sĩ Hoàng Thị Lệ Quyên, giảng viên Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Huyền Châm
.
.