PGS.TS, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành: Nhà khoa học vươn tầm ảnh hưởng quốc tế

Chủ Nhật, 26/01/2020, 12:54
Ngày 14-10-2019, tại thành phố Antofagasta của Chile, Tổ chức Nền tảng chia sẻ kiến thức sáng kiến cộng đồng về năng lượng thông minh thuộc Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), viết tắt là ESCI-KSP, đã tổ chức lễ trao tặng Giải thưởng Thực tiễn tốt nhất năm 2019.

PGS.TS, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an (nguyên Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng) với bài dự thi về thực tiễn xây dựng thành phố xanh, sử dụng năng lượng thông minh đã được trao Giải thưởng Thực tiễn tốt nhất ESCI lần thứ 42. Đây không chỉ là vinh dự của tác giả Nguyễn Văn Thành, nó còn là niềm tự hào của Việt Nam.

1. Sáng kiến Cộng đồng năng lượng thông minh (ESCI) được ra mắt vào tháng 11 năm 2010 bởi Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). ESCI bao gồm 4 trụ cột chính: Giao thông thông minh, Tòa nhà thông minh, Mạng lưới thông minh và Công việc thông minh cùng với các mô hình thực tiễn “Mô hình đô thị carbon thấp”.

Một trong những thành phần của ESCI là Nền tảng chia sẻ kiến thức (KSP), công cụ thu thập và chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn tốt trong việc xây dựng các thành phố để tạo ra các cộng đồng năng lượng thông minh. KSP, được thành lập tại Hội nghị Nhóm công tác năng lượng APEC lần thứ 41 (EWG-41) tại Canada tháng 5 năm 2011, nhằm hỗ trợ lập danh mục các mô hình thực tiễn tốt nhất của APEC, được phát triển cho các lĩnh vực trọng tâm của ESCI nhằm chia sẻ thông tin rộng rãi tới các thành viên APEC. KSP mang cơ hội học hỏi, tham gia và chia sẻ những gì mới nhất về hiệu quả và tính bền vững của việc sử dụng năng lượng đến các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và công chúng.

Giải thưởng Thực tiễn tốt nhất ESCI được ban giám khảo với các thành viên đề cử từ các nền kinh tế thành viên của Nhóm Công tác năng lượng APEC công nhận. Giải thưởng được xét chọn từ các bài viết về kinh nghiệm thực tiễn tăng trưởng xanh, năng lượng thông minh.

Năm 2019, Giải thưởng được tổ chức lần thứ tư, có 63 tác giả từ 17 nền kinh tế APEC gửi bài viết, dự án tham gia. 25 tác giả đã vượt qua vòng đánh giá khắt khe để vào vòng chung kết. Vòng chấm chung khảo diễn ra rất căng thẳng để kết cục, 11 tác giả giành cúp chiến thắng cuối cùng. Bài dự thi của tác giả Nguyễn Văn Thành đã đoạt Giải thưởng Thực tiễn tốt nhất ESCI lần thứ tư - phân ban trụ cột về các mô hình đô thị carbon thấp của các nền kinh tế APEC.

Lễ trao giải được tổ chức từ ngày 14 đến 18-10-2019, trong khuôn khổ Hội nghị EWG lần thứ 58 được tổ chức tại Chile. EWG là một diễn đàn tự nguyện của APEC, hoạt động dưới sự bảo trợ của các nền kinh tế APEC, với sự tham gia của 21 nền kinh tế APEC. Ra đời năm 1990, EWG chính thức họp thường niên hai lần để thảo luận về sự tiến triển trong các vấn đề năng lượng, giúp xây dựng các mục tiêu APEC tiếp theo để tạo thuận lợi thương mại và đầu tư liên quan đến năng lượng, tối đa hóa sự đóng góp của ngành năng lượng vào phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, giảm thiểu các tác động môi trường tiêu cực của việc cung cấp và sử dụng năng lượng.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành (thứ 2, từ trái sang) và đại diện tác giả tại lễ trao giải của Tổ chức Sáng kiến Cộng đồng Năng lượng Thông minh.

2. Bài dự thi của PGS.TS Nguyễn Văn Thành gắn với thành phố Hải Phòng, nơi nuôi dưỡng ông trưởng thành, đã trở thành một phần máu thịt của ông. Ông đã luôn trăn trở, không ngừng tìm tòi, nghiên cứu để xây dựng Hải Phòng trở thành một thành phố đáng sống.

Từ năm 2000, khi còn là lãnh đạo thành phố Hải Phòng, ông Thành đã nghiên cứu, triển khai hàng loạt sáng kiến phát triển bền vững, xây dựng Hải Phòng thành thành phố đáng sống. Ông chỉ đạo xây dựng quy hoạch tổng thể, tổ chức các hội thảo chuyên đề, xây dựng cơ chế chính sách, triển khai các dự án, thí điểm mô hình phát triển bền vững (tại Cát Bà).

Ông trực tiếp lãnh đạo triển khai hàng loạt mô hình, trong đó có Chiến lược phát triển đô thị (CDS - City Development Strategy, 2000-2004) với sự hỗ trợ của chuyên gia Ngân hàng Thế giới; Mô hình đô thi sinh thái - kinh tế (Eco2 - Ecological Cities as Economic Cities) năm 2004-2008 với sự hợp tác của chính tác giả mô hình Eco2, giáo sư Hiroaki Suzuki, chuyên gia Ngân hàng Thế giới; Các tiêu chuẩn đô thị toàn cầu (GCIF - Global City Indicators Facility) năm 2008-2012; Xây dựng thành phố Cảng xanh theo tiêu chuẩn tăng trưởng xanh và thành phố carbon thấp năm 2012-2014; Quy hoạch tăng trưởng xanh năm 2014 với sự giúp đỡ của chuyên gia thành phố Kitakyushu, Nhật Bản; Cải thiện chất lượng không khí (Better Air Quality) năm 2015; Thành phố đa dạng sinh học (Biodiversify City),...

Năm 2014, Hải Phòng được công nhận là Thành phố quốc tế đạt tiêu chuẩn ISO 37120:2014: Phát triển cộng đồng bền vững - Các chỉ số cho dịch vụ thành phố và chất lượng cuộc sống. Được vinh danh tại London, thủ đô nước Anh, Hải Phòng sánh vai với 20 thành phố đầu tiên trên thế giới bắt kịp tiêu chuẩn phát triển mới này. Kết quả đáng tự hào ấy có phần đóng góp của PGS.TS. Nguyễn Văn Thành và các cộng sự.

Với trọng trách mới - Thứ trưởng Bộ Công an (từ tháng 12-2015), ông Thành tiếp tục dành công sức cho việc phát triển Hải Phòng lên một tầm cấp mới. Ông chỉ đạo xây dựng Mô hình khu công nghiệp sinh thái ven biển thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng (2018-2019) và Thành phố thông minh (Smart City) từ năm 2017. Định nghĩa và Mô hình Smart City của ông được trình bày tại Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu các thành phố tại Dubai ngày 8-3-2017.

Trên nền tảng được hoạch định, thu hút đầu tư và phát triển chuyển hướng và tăng tốc, Hải Phòng tiếp tục khẳng định vai trò trọng điểm kinh tế của tam giác tăng trưởng vùng Đồng bằng sông Hồng. GDP liên tục tăng với tốc độ trên 2 lần bình quân chung cả nước, thu hút đầu tư đứng tốp đầu, nhiều công trình dự án trọng điểm phục vụ cả vùng và quốc gia như đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cảng hàng không quốc tế Cát Bi, cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng... được triển khai và đi vào hoạt động hiệu quả. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa; mô hình tăng trưởng chuyển mạnh từ chiều rộng sang chiều sâu; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.

Thành tích phát triển đáng khích lệ đó đã được khẳng định tại Nghị quyết số 45/NQ-TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

3. Là Thượng tướng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, bận trăm công nghìn việc, song, PGS.TS. Nguyễn Văn Thành luôn dành - và biết dành - một phần thời gian thích đáng cho nghiên cứu khoa học. Điều này, không phải ai cũng thu xếp được. Thực tế, rất ít người làm được điều đó. Bí quyết để ông đạt được điều đó - như tôi biết - rất đơn giản: nghiên cứu những vấn đề của đời sống đặt ra, trong dòng chảy phát triển, đối với ông, là lẽ tự nhiên, không có gì phải câu nệ, câu thúc, không phải để trưng diện hay ra vẻ.

Chính vì thế, ông làm được nhiều điều có ý nghĩa, luôn tiếp cận đến cái mới, đặc biệt là trong vấn đề phát triển đô thị - lĩnh vực luôn có sức hút mạnh mẽ với ông. Cũng nhờ đó, PGS.TS. Nguyễn Văn Thành xác lập được uy tín chuyên môn trong cộng đồng khoa học quốc tế. Ông là thành viên Liên đoàn Khoa học hệ thống thế giới (IFSR - International Federation for Systems Research), là Cộng tác viên Cao cấp của Viện Malik, Thụy Sĩ, là thành viên Hội đồng Thế giới về dữ liệu các thành phố WCCD và là Cố vấn Cao cấp của Hội đồng Cố vấn WCCD.

PGS.TS. Nguyễn Văn Thành là chuyên gia hàng đầu về Tư duy hệ thống, Khoa học hệ thống, Phát triển bền vững, Thành phố thông minh. Ông là giảng viên thỉnh giảng của các trường Đại học Quốc tế: Đại học Jerusalem - Israel, Đại học Fukuoka - Nhật Bản, Đại học George Washington - Hoa Kỳ và nhiều trường đại học tại Việt Nam. Sử dụng thành thạo tiếng Anh, ông đã tham dự và trình bày tham luận khoa học, sáng kiến mới tại nhiều hội thảo khoa học quốc tế.

Ông là đồng chủ trì Hội nghị Thế giới ISSS thường niên lần thứ 57 tại Hải Phòng, Việt Nam (7-2013); Hội nghị Quy hoạch thành phố Hải Phòng trở thành thành phố kinh tế và sinh thái (2011); Diễn đàn Tăng trưởng xanh của Ngân hàng Thế giới tại Đại học George Washington, Hoa Kỳ (2012); Hội nghị Quản lý dự trữ sinh quyển để phát triển bền vững - UNESCO, Madrid (2008); Hội nghị về Phát triển bền vững, New York (2007); v.v...

PGS.TS. Nguyễn Văn Thành là tác giả của một số sách học thuật và ấn phẩm như: “Tư duy hệ thống cho mọi người” (2015, tái bản lần thứ 3 năm 2017); “Tác động của các chính sách công nghiệp đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp công nghiệp” (2015, tái bản lần 3 năm 2017); “Xây dựng và phát triển thành phố thông minh” (2018 tại Việt Nam, 2019 tại Hoa Kỳ); “Xây dựng và quản lý thành phố thông minh” (Australia tháng 7-2019, phát hành trên Amazon). Ông là tác giả nhiều bài báo đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành và kỷ yếu hội thảo.

Về PGS.TS. Nguyễn Văn Thành, GS.TS. Luchens, Viện Nghiên cứu công nghệ Flemish, Bỉ, viết: “PGS.TS. Nguyễn Văn Thành là một nhà khoa học có ảnh hưởng quốc tế về khoa học hệ thống và khoa học tư duy hệ thống, là chuyên gia về quản lý và phát triển đô thị. Bên cạnh đó, ông cũng là chuyên gia cao cấp về các lĩnh vực nghiên cứu khoa học về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, chính sách công nghiệp, quy hoạch và quản lý không gian biển, vùng bờ và đại dương, đó cũng là lĩnh vực mà ông thường là chủ tọa của các hội nghị khoa học...”.  

Còn riêng tôi, để thay cho lời kết, chỉ xin một câu: Có thể không hẳn là mới mẻ, song những điều PGS.TS. Nguyễn Văn Thành viết ra luôn hướng tới một tương lai đáng sống, vượt thoát khỏi cái cũ và đầy kích động. Chúng luôn khuyến khích hành động, trong không gian mở ra thế giới.

Bản thân ông là một tấm gương như vậy.

PGS.TS. Trần Đình Thiên
.
.