Rượu, bia và nỗi ám ảnh tai nạn giao thông
"Ba say chưa chai" và 3 tỉ lít bia/năm
Làm nghề ăn cơm thiên hạ, nhưng nỗi ám ảnh nhất với tôi mỗi lần đi công tác là… phải uống rượu. Vẫn biết "tục lệ" đã ngồi vào mâm là phải có tí rượu bia để mời nhau, nhưng đến chỗ nào chỉ "trăm phần trăm" ly đầu tiên thì còn nhắm mắt nhắm mũi mà nuốt chứ đã đi miền núi thì dứt khoát không có chuyện chỉ một chén là xong bởi có rất nhiều lý do để phải uống liên tục. Nếu gặp lại người quen thì khỏi nói, hãy cứ ngồi "trật tự" mà uống để cùng ôn lại kỷ niệm.
Thay vì ngậm vòi, với thiết bị mới, lái xe có thể thổi cách xa máy vài cm và chỉ vài giây sau, máy đã cho kết quả. |
Còn nếu lần đầu gặp ư? Thì phải có chén làm quen, giới thiệu tên tuổi, quê quán; nếu cùng quê thì sẽ có một ly nhận đồng hương, nếu bằng tuổi thì thêm một ly đồng niên, rồi thì nếu đã có gia đình và có cả con trai con gái thì được "thưởng" một ly vì… đẻ khéo, nhưng nếu sinh con một bề thì cũng phải uống vì thế nào trong mâm cũng có người… cùng hội. Uống, uống và uống vì sẽ có tới 1.001 lý do để nâng ly.
Mà đã nâng lên là phải "bắc cạn" theo đúng quy định "dốc ngược, lắc mông, sờ một cái" nghĩa là uống cạn, cầm chén dốc ngược lắc để chứng tỏ mình không để lại "long đen" rồi mới bắt tay nhau... cứ thế ly này nối ly khác cho đến khi nào chịu không nổi thì vào toilet… móc họng, mà nhiều khi chẳng còn đủ sức đi móc họng nữa mà là "chết tại trận". Thành ra, mỗi lần ngồi vào mâm là một lần hành xác, nhưng không ngồi không được vì thế mới vui, thế mới là... chân tình để chủ nhà vui lòng.
Nhưng đâu có phải một bữa là xong, đến cơ sở bao nhiêu ngày thì cái lịch uống cũng cứ như vậy mà thực hiện; bữa trước còn chưa hết say thì bữa sau vừa ngồi xuống đã thấy rượu đặt quanh mâm. Vì thế mà cứ đi công tác miền núi một tuần về là rã rời vì rượu, không ốm là may. Có lần, khi tất cả đã cùng "ngà ngà" và được coi như người nhà, ông thủ trưởng đơn vị tôi đến mới tiết lộ rằng nhiều lần phải tiếp nhà báo, từ chối thì không được nên ông có chủ trương thay vì làm việc ngay, ông mời đi ăn cơm và "quây" cho phóng viên say bí tỉ "để khỏi phỏng vấn phỏng veo gì nữa. Đa phần là chúng nó say trước; cũng có lần gặp cao thủ, mình say trước, nhưng mà nó say hay mình say thì cũng như nhau thôi, nhậu xong là giải tán vì đã say là không làm việc".
Nhưng chẳng phải riêng tôi mới bị ám ảnh vì những trận rượu kiểu "lên bờ xuống ruộng" như vậy. Anh bạn tôi, giám đốc một doanh nghiệp xây dựng sau lần đi cấp cứu vì uống rượu đã "thề từ nay không uống rượu kiểu ấy nữa". Bữa ấy anh lên một huyện miền núi để "săn" dự án. Sợ uống phải rượu rởm nên thủ sẵn trong xe vài chai Chivas để mời mấy ông lãnh đạo địa phương đi ăn cơm. Đã quen uống rượu triền miên nên bữa ấy cả chủ lẫn khách có chục người, sẵn có 5 chai, anh mang ra tất; khi chai thứ 5 sắp cạn thì mọi người phải đưa anh vào bệnh viện huyện cấp cứu.
Rượu bia bây giờ dù là "một phần tất yếu của cuộc sống" nhưng ngày càng phát triển thành một thứ nạn. Dù ở các thành phố lớn hay tỉnh lẻ, vào các buổi trưa, chiều từ quán bia cỏ vỉa hè tới nhà hàng sang trọng hầu hết đều đầy khách. Theo thống kê, năm 2014, sản lượng sản xuất và tiêu thụ bia ở Việt Nam tăng khoảng 3% và đạt 3,1 tỉ lít; trung bình mỗi người Việt tiêu thụ 30 lít bia/ năm, đứng thứ 50 thế giới. Số lượng bia này tương đương với 3 tỉ USD.
Cùng với số lượng 3 tỉ lít bia tiêu thụ mỗi năm ấy là nỗi ám ảnh về tai nạn giao thông, đặc biệt là mỗi dịp lễ tết. Với nồng độ cồn ở mức 0,05mg/1lít khí thở, người uống đã bị giảm sút suy nghĩ và bị kích động nhẹ, nói nhiều; 0,1mg/1lít khí thở, gặp khó khăn trong việc cầm nắm, đi lại vụng về; 0,2mg/1lít khí thở, dễ bị ức chế, dễ giận dữ, đi lại loạng choạng. Nếu cao hơn nữa, tùy mức độ, người uống có thể bị lú lẫn, không nhận thức được mọi việc diễn ra xung quanh…
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới khi tiến hành khảo sát trên hơn 18.000 nạn nhân nhập viện do tai nạn giao thông tại Việt Nam thì có 36% số người lái xe máy có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép, 66,8% số lái xe ôtô vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện. Trong những ngày nghỉ lễ, số nạn nhân cấp cứu tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia tăng hơn ngày thường.
Phần lớn nạn nhân là thanh niên lái xe trong tình trạng say rượu, không làm chủ được tốc độ nên tông người khác hoặc tự gây tai nạn. Nhiều trường hợp, dù được cấp cứu kịp thời, thoát khỏi tử vong nhưng lại bị di chứng suốt đời như mất khả năng nhận thức, khả năng diễn đạt, không còn khả năng lao động, cụt tay, cụt chân…
Sẽ xử lý kiên quyết người uống rượu bia vẫn tham giao thông
Từ ngày 15/12/2014 đến 28/2/2015, lực lượng CSGT cả nước đã tăng cường tuần tra, kiểm soát nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông bằng máy đo nồng độ cồn mới nhân dịp cuối năm. Thiết bị này có khả năng phát hiện và đo chính xác nồng độ cồn chỉ trong một hơi thở sâu.
CSGT sẽ lập các chốt kiểm tra nồng độ cồn trên quốc lộ. |
Người tham gia giao thông vẫn ngồi trên xe và thở qua một thiết bị phát hiện nồng độ cồn; chỉ sau khoảng 2 giây, thiết bị nhỉnh hơn chiếc điện thoại thông minh này sẽ cho kết quả về nồng độ cồn của tài xế, mà người này không cần phải rời xe. Nếu không vi phạm, người điều khiển phương tiện tiếp tục đi. Còn khi phát hiện vi phạm, CSGT sẽ yêu cầu xuống xe và xe được đưa về nơi xử lý, cùng lúc đó người vi phạm sẽ được đo cụ thể vi phạm đến mức độ nào.
Thực tế sau hơn 1 tháng triển khai đã cho kết quả tích cực. Đại tá Lưu Thanh Hiệp, Phó trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, Cục CSGT, cho biết, sau 1 tháng triển khai, lực lượng CSGT cả nước đã phát hiện, xử lý 18.686 trường hợp vi phạm. Trong đó nhiều nhất là Tây Ninh, xử lý 2.963 trường hợp, TP HCM 1.159 trường hợp…
Vì vậy, từ nay đến sau Tết Nguyên đán, lực lượng CSGT sẽ sử dụng triệt để việc áp dụng tính năng của các thiết bị, kỹ thuật vào trong công tác tuần tra kiểm soát, ngăn ngừa và xử lý vi phạm. Nhiều tuyến quốc lộ trọng điểm như: Quốc lộ 1, 3, 5, 18, 51... sẽ là trọng điểm tuần tra xử lý trong đợt này.
Tại địa bàn nông thôn, CSGT cấp huyện sẽ được cấp máy đo nồng độ cồn (dạng ngậm thổi) và sẽ tiến hành kiểm tra xử lý vi phạm nhằm hạn chế tối đa các vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân từ rượu, bia.
Theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP, với người điều khiển xe ôtô, vi phạm nồng độ cồn, cảnh sát căn cứ theo 3 mức để xử phạt: từ có đến 0,25mg/1lít khí thở sẽ phạt 2,5 triệu đồng và hình phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe 7 ngày; mức 0,25 đến 0,4mg/l sẽ phạt 7,5 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 30 ngày; mức 0,4 trở lên sẽ phạt tới 12,5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 30 ngày. Với người điều khiển môtô: Phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50- 80 mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25- 0,4 mg/1 lít khí thở. Phạt tiền từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở; ngoài ra còn áp dụng hình thức phạt bổ sung. |