Chuyện về một bệnh nhân ung thư có tấm lòng nhân hậu:

Sáng mãi nụ cười của Liêm!

Thứ Sáu, 03/11/2017, 07:31
Hơn mười năm công tác tại Báo An ninh thế giới, tôi đã có cơ hội được gặp nhiều nhân vật đặc biệt. Trong số đó, Chử Đức Liêm - một bệnh nhân bị ung thư xương - đã để lại cho tôi rất nhiều ấn tượng. 


Liêm không những có thái độ lạc quan, vui sống, hơn thế, em còn quên đi nỗi đau căn bệnh đang thường trực gặm nhấm cơ thể mình để gây dựng nên một câu lạc bộ chuyên giúp đỡ các bệnh nhi ung thư. Và, mặc dù Liêm đã không thắng được số mệnh, song những ước mơ, dự định tốt đẹp của em đã và đang được người thân, bạn bè tiếp nối...

1. Đầu năm 2014, tôi có mặt trong đoàn thiện nguyện của Báo Công an nhân dân, đến thăm và tặng quà cho các bệnh nhi ung thư tại Bệnh viện K cơ sở 2 (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội). Tình cờ tôi gặp Chử Đức Liêm mà cứ ngỡ em là một “hot boy” nào đó. Lúc đó Liêm khoảng 20 tuổi, da trắng, khuôn mặt chữ điền, đầu cắt "3 phân", đôi môi mọng cùng hàm răng đều tăm tắp. Khi đó Liêm đang vui đùa với các em thiếu nhi với vẻ thân thiện lạ lùng.

Chử Đức Liêm thời điểm đang chuẩn bị ra mắt chương trình “Sáng mãi nụ cười em”

Bắt chuyện, tôi mới vỡ lẽ Liêm cũng là một bệnh nhân ung thư đang được điều trị tại đây. Trong câu chuyện, Liêm không nhắc nhiều về hoàn cảnh của mình, mà chủ yếu cậu chia sẻ những tâm sự, day dứt khi phải chứng kiến các em thiếu nhi còn rất nhỏ tuổi mà đã phải chiến đấu với căn bệnh nan y. Liêm khao khát có một sức mạnh thần kỳ nào đó khiến em có thể chữa lành bệnh cho các em.

“Là bệnh nhân đã có đến 7 năm điều trị căn bệnh ung thư xương, em nhận thức rất rõ nỗi buồn, sự đau đớn, những khó khăn của người bệnh. Và với các bệnh nhi ung thư thì nỗi buồn ấy lại càng lớn hơn nhiều lần. Bởi để điều trị bệnh, các bé không được cắp sách đến trường với bạn bè đồng trang lứa mà hằng ngày phải đối mặt với những đợt hóa trị, xạ trị vô cùng đau đớn và mệt mỏi.

Không những thế, nhiều bé sức khỏe yếu, sau các đợt truyền hóa chất còn phải cấp cứu, ít khi được về nhà nghỉ ngơi. Vì vậy, có thể nói, cuộc sống của các em thường gắn liền với giường bệnh. Và là một người bệnh, trong quá trình điều trị tại Khoa Nhi, Bệnh viện K, khi được chứng kiến các bé như vậy, em rất thương và muốn làm một điều gì đó nhằm xoa dịu nỗi đau cho các bệnh nhi ung thư..." - Liêm chia sẻ.

2. Bẵng đi một thời gian, một buổi sáng tôi nhận được tin nhắn từ Liêm. Liêm bày tỏ ý định sẽ thành lập một câu lạc bộ nhằm kết nối những tấm lòng hảo tâm để chung tay giúp đỡ trẻ em đang điều trị tại Bệnh viện K 2. Liêm hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ từ truyền thông cũng như các cá nhân tổ chức và cả cộng đồng.

Ngay hôm sau tôi đã có mặt tại nhà của Liêm ở xóm Đề (Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội). Tại đây, tôi mới hiểu rõ hơn về hoàn cảnh, về cuộc sống của Liêm. Liêm đã có một tuổi thơ đẹp, với những ngày đi học ở ngôi trường xanh rợp lá. Những buổi đi câu cá, tắm sông, trộm quả xanh... cùng bạn bè. Nhưng, căn bệnh ung thư quái ác bất ngờ ập đến khiến cho bao ước mơ của chàng trai trẻ này phải tạm dừng.

Khoảng đầu năm 2008 khi Liêm đang học dở lớp 10A5 Trường THPT Ngọc Hồi (Thanh Trì, Hà Nội) thì đột nhiên thấy đau ở các khớp xương. Đoán chừng chỉ bị đau do căng cơ, Liêm mua cao về dán. Và những cơn đau cũng dịu bớt.

2 tháng sau, những cơn đau đột ngột bùng lên dữ dội. Bố mẹ đưa Liêm đến Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Trì khám, rồi chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai. Ban đầu Liêm được chẩn đoán là do cơ xương đang trong giai đoạn phát triển mạnh nên được ra về với một túi thuốc để điều trị.

Cho đến khoảng tháng 6-2008, lần này những cơn đau còn dữ dội hơn, và Liêm được đưa đi chụp cắt lớp, rồi đưa đi sinh thiết... Kết quả chẩn đoán như một gáo nước lạnh dội vào cậu bí thư chi đoàn lớp 10A5. Liêm buộc phải tạm biệt bạn bè, thầy cô để làm quen với những đợt truyền hóa chất liên miên. Mẹ Liêm, bà Mai lúc đó phải bỏ cả việc để sớm hôm chăm sóc con trai út nơi giường bệnh.

“Thời điểm ấy, liên tục những cơn đau buốt từ tận xương tủy cứ dội lên, lắm lúc em phải nghiến răng để chặn những tiếc nấc chực òa lên. Cả đêm em không thể chợp mắt lấy một phút. Sau đó thì các cơn đau giảm dần, tóc em bắt đầu rụng từng mảng” - Liêm kể.

Sau vài đợt xạ trị, các bác sĩ tiến hành khám lại. Liêm có thể nhận ra cái cau mày, lắc đầu của vị bác sĩ trưởng khoa. Ông gọi Liêm ra một chỗ rồi lựa lời khuyên giải: “Bác rất buồn phải thông báo với cháu rằng, một bên chân trái của cháu đã bị khối u lan sang. Và để duy trì sự sống, cần phải cắt bỏ nó đi”.

Nghe bác sĩ nói đến đây, dường như tai Liêm ù đi, đất trời chao đảo. Liêm không biết rồi đây mình sẽ sống thế nào, khi chỉ còn một chân. Sẽ chẳng còn những buổi đá bóng, tắm sông, chạy nhảy đùa vui... cùng chúng bạn. Và liệu sau đó Liêm có thể học tiếp, có thể kiếm được công việc tốt để đỡ đần bố mẹ? Những câu hỏi ấy cứ xoáy vào đầu óc còn non nớt của cậu học trò mới lớn...

Cuộc phẫu thuật diễn ra nhanh hơn Liêm tưởng. Chân trái của Liêm phải tháo khớp đến tận bẹn.

May mắn là Liêm có một người mẹ rất tâm lý. Bà Mai thường xuyên ở bên khuyên nhủ, động viên Liêm. Bà bảo rằng, cái chân trái của con cũng như một cành cây bị sâu mục trên một thân cây. Để cho cây có thể phát triển khỏe mạnh thì cần phải cưa cái cành đó đi...". Nghe mẹ, Liêm cũng dần nguôi ngoai, và thích nghi dần với việc sinh hoạt chỉ bằng một chân.

Và, người mẹ tảo tần cách đây nhiều năm đã cùng Liêm lẫm chẫm những bước đi đầu tiên, nay lại là chỗ dựa cho Liêm tập bước nơi hành lang bệnh viện khi cậu chỉ còn một chân. Liêm được một người bạn tặng cho chiếc nạng bằng hợp kim, và rất nhanh cậu đã có thể tự di chuyển bằng chiếc nạng này.

Dù Liêm không còn nữa, song Câu lạc bộ Nụ Cười do em sáng lập đã và đang giúp cho bệnh nhi ung thư cùng gia đình có những giây phút vui vẻ, hạnh phúc.

Sau khi bỏ chiếc chân trái, tình trạng sức khỏe của Liêm tiến triển tốt. Đến đầu năm 2009 Liêm được xuất viện, và Liêm tiếp tục theo học lớp 11, lớp 12. Rồi Liêm đăng ký thi vào Khoa Lịch sử Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Liêm bảo từ bé đã yêu thích và muốn tìm hiểu về bộ môn này.

“Học lịch sử giúp em rút ra được nhiều bài học trong cuộc sống. Ví dụ như lịch sử dạy cho ta biết cách đứng dậy, vươn lên từ những nỗi đau, mất mát cũng như dân tộc ta đã đứng lên xây dựng lại đất nước từ những tổn thất, đau thương mà chiến tranh gây ra” - Liêm lý giải về lựa chọn của mình.

Mặc dù những cơn đau vẫn âm ỉ trong cơ thể, nhưng Liêm quyết tâm phải thực hiện bằng được mong ước của mình. Cũng do việc di chuyển bị hạn chế nên Liêm chỉ tự học ở nhà, rồi mượn sách của bạn bè để tham khảo thêm. Trời không phụ công người, tháng 8-2011 Liêm nhận được kết quả đỗ đại học với số điểm khá cao.

Tháng 6-2012, Liêm đang trong kỳ thi hết môn của kỳ 2 năm học thứ nhất thì những cơn đau tái phát. Liêm đành phải bảo lưu kết quả học và trở lại bệnh viện...

“Em dự định thành lập câu lạc bộ mang tên: “Sáng mãi nụ cười em” đồng thời gây quỹ để xây dựng một chuỗi chương trình văn nghệ nhằm giúp các bệnh nhi có được niềm vui sống, có thể tạm quên đi nỗi đau bệnh tật. Mỗi chương trình, các em sẽ được hát những bài ca, tham gia những trò chơi vui nhộn, phần thưởng là quà bánh, đồ chơi - anh thấy như vậy có được không?” - Liêm rụt rè hỏi tôi, trước khi bắt đầu “khởi động” cho chương trình.

3. Sau cuộc gặp gỡ thứ hai và biết được dự định tốt đẹp mà cảm động của Liêm, tôi đã viết ““Chú lính chì” ở Bệnh viện K” đăng trên Chuyên đề An ninh thế giới và chia sẻ cho nhiều người. Rất bất ngờ là sau khi bài viết được đăng tải, khá nhiều độc giả đã liên hệ đến tòa soạn bày tỏ ý định muốn được chung tay đóng góp cả về vật chất lẫn công sức để chương trình thành công. Bản thân Liêm cũng liên lạc cho tôi, kể rằng sau khi bài viết được đăng đã có nhiều cá nhân tổ chức liên hệ bày tỏ ủng hộ với dự định của em. Đặc biệt, từ đó trở đi ai cũng gọi Liêm là “Chú lính chì”.

Và ngày 14-6-2014, số đầu tiên của chuỗi sự kiện “Sáng mãi nụ cười em” đã được tổ chức trong khuôn viên Bệnh viện K2. Ngay sau khi chương trình kết thúc, Liêm đã nhắn tin cho tôi bày tỏ niềm vui vì chương trình đã thành công tốt đẹp. Và Liêm cũng muốn nhờ tôi nói lời cảm ơn với nhiều nhà hảo tâm đã chuyển tiền ủng hộ chương trình mà không ghi danh. Nối tiếp nhau, hầu như tháng nào các bệnh nhi ở Bệnh viện K2 cũng được hưởng những giây phút ngọt ngào khi tham gia chương trình.

Và cho dù “chú lính chì” Chử Đức Liêm đã không thắng được căn bệnh hiểm nghèo (Liêm mất ngày 15-8-2015), thì những việc làm, dự định tốt đẹp của Liêm vẫn được người thân, bạn bè tiếp nối. Câu lạc bộ do Liêm thành lập nay được đổi tên thành câu lạc bộ “Nụ cười”, và ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ từ cộng đồng hơn. Hiện tại, câu lạc bộ đã hoạt động một cách khá chuyên nghiệp. Hằng tháng, hằng quý, ngoài chương trình “Sáng mãi nụ cười em”, câu lạc bộ còn có những buổi vui Tết thiếu nhi 1-6, vui Trung thu... cho các em.

Một phụ huynh có con bị ung thư đang điều trị tại Bệnh viện K2 từng chia sẻ với chúng tôi, nhìn thấy nụ cười của các con khi xem phim, rồi hát múa, vui đùa... chị đã ngây người đi trong nhiều phút. Có một cảm giác nhẹ nhàng, ấm áp khi nhìn thấy những nụ cười ấy, nó cũng như cảm giác khi nhìn đứa con thân yêu chạy quanh nhà ngoẹo đầu trêu nghịch đùa giỡn vậy. Và chị không bao giờ quên Chử Đức Liêm - người khởi xướng chương trình có nụ cười tươi như hoa hướng dương...

Minh Tiến
.
.