Sao vẫn còn "trái đắng" lan đột biến?
Lan thường "thổi" thành lan đột biến
Đầu tháng 7-2021, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Quách Văn Hải (SN 1992) và Trịnh Hải Nam (SN 2002), cùng trú tại thị trấn Hàng Trạm, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cùng với một đối tượng khác tên Trần Hữu Sỹ (hiện đang bỏ trốn), bộ ba này đã tung hứng, diễn những màn kịch tinh vi để bán hàng loạt "kie" lan đột biến giả, chiếm đoạt hàng tỷ đồng của các bị hại.
Trước đó, Đội Chống tội phạm xâm phạm sở hữu Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội tiếp nhận đơn trình báo của anh N.D.L (sinh năm 1980, trú tại TP Tuyên Quang, Tuyên Quang) về việc bị một nhóm đối tượng lừa mua hàng chục cây lan đột biến không đúng với những lời quảng cáo, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng. Tổ chức điều tra, cơ quan công an phát hiện ra rất nhiều bị hại cùng bị nhóm đối tượng có nickname facebook "Nguyễn Duy Mạnh" tổ chức lừa đảo một cách tinh vi.
Nhóm đối tượng Hải, Nam vừa bị Công an TP Hà Nội bắt giữ về hành vi lừa đảo bán lan đột biến. |
Cả ba đối tượng Hải, Nam và Sỹ đều sinh ra và lớn lên tại huyện Yên Thủy (Hòa Bình) - là địa phương có nhiều người trồng và buôn bán các loại cây hoa lan. Do đó các đối tượng đều có kiến thức và am hiểu về một số loại cây hoa lan. Biết Nam có nhiều kiến thức về mạng xã hội nên Sỹ đã rủ Nam và Hải cùng lừa bán cây lan bằng cách chụp ảnh, quay video clip cây Lan Phi Điệp bình thường rồi đăng tải lên các tài khoản Facebook và nói là cây lan đột biến để lừa bán cho "gà". Hải và Nam đồng ý.
Tiếp đó Nam sử dụng địa chỉ email ảo để tạo tài khoản Facebook rồi tham gia vào các hội nhóm về cây lan đột biến như: Hội hoa lan 5 cánh trắng Phú Thọ, Hội hồng Yên Thủy, Hiển Oanh, Hội chơi lan quý, lan đột biến... với hàng trăm nghìn thành viên theo dõi để từ đó quảng cáo các hình ảnh, clip, video giới thiệu về các cây hoa lan đột biến với những người sưu tầm, chơi và đầu tư kinh doanh. Nhóm này cũng liên hệ, gặp gỡ, kết bạn với những người chơi lan đột biến khác.
Sau đó Nam sử dụng tài khoản này đăng bài viết mua, bán cây lan đột biến để tạo "cầu" ảo. Đồng thời, Nam tìm kiếm trên mạng Internet rồi tải xuống những hình ảnh các loại cây lan đột biến sau đó sử dụng những hình ảnh đó để đăng tải lên trang cá nhân Facebook khác mang tên "Nguyễn Duy Mạnh" nhằm tạo lòng tin với người mua.
Khi có người nhắn tin qua ứng dụng Messenger hỏi mua lan thì Nam sẽ báo lại với Sỹ để cung cấp các số điện thoại, sau đó Sỹ sẽ lừa bán cây lan qua điện thoại với người mua. Các đối tượng còn sử dụng các tài khoản ngân hàng đi mượn của người khác để nhận tiền mua bán cây lan của khách. Để có thể khiến người mua nhanh chóng xuống tiền, các đối tượng cùng nhau tung hứng, tạo tình huống "đấu giá" những cây lan "hiếm, độc". Bị hại không thể biết rằng, đồng bọn đóng vai "chim mồi", giả làm khách mua, liên tục trả giá cao tăng dần để "thổi giá" sản phẩm với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.
Do thiếu kiến thức, anh Sự đã bị các đối tượng lừa gạt nhiều tỷ đồng khi mua lan đột biến. |
Khi bị hại cắn câu, các đối tượng sẽ cho số tài khoản để bị hại chuyển tiền vào. Các đối tượng sau đó cũng chuyển lan cho bị hại song đều là những loại lan bình thường, không phải là đột biến.
Ngoài ra, các đối tượng còn thuê nhà dựng giàn, vườn trồng cây hoa lan để những khách muốn xem và mua trực tiếp thì đến. Sau khi giao dịch thành công, nhận được tiền, các đối tượng khóa tài khoản, chặn liên lạc và bỏ đi khỏi địa điểm nhà thuê.
Một chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự chia sẻ với chúng tôi, lợi dụng việc đầu tư kinh doanh, chơi hoa lan đột biến gen đang trở thành trào lưu trong xã hội và đánh vào tâm lý hám lợi của một bộ phận người dân, các đối tượng lừa đảo đã thuê nhà, dựng giàn, làm vườn trồng lan. Thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube, Tiktok... các đối tượng lập ra các hội, nhóm như: Hội hoa lan 5 cánh trắng, Hội chơi lan quý, Hội lan đột biến... công khai, quảng bá, giới thiệu, quay clip trực tuyến các sản phẩm hoa lan đột biến và tổ chức trao đổi, mua bán trực tiếp hoặc đấu giá trực tuyến.
Đối với giao dịch trực tiếp, các đối tượng hẹn người mua đến địa chỉ nhà thuê để giao dịch, sau khi giao dịch thành công, nhận được tiền, các đối tượng khóa tài khoản, chặn liên lạc và bỏ đi khỏi địa điểm nhà thuê.
Đối với đấu giá trực tuyến, các đối tượng bố trí đồng bọn đóng vai "chim mồi", giả làm khách mua, liên tục trả giá cao tăng dần để "thổi giá" sản phẩm.
Hầu hết người chơi hoa lan đều mong kiếm lời dễ dàng, đổi đời trong chớp mắt; không ít người trong số đó bất chấp rủi ro, cầm cố tài sản, vay mượn ngân hàng, người thân, thậm chí huy động cả nguồn "tín dụng đen" để đầu tư. Đây là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ vỡ nợ dây chuyền, phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời cũng nảy sinh những đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người chơi lan để giở những màn kịch lừa đảo.
Ôm hận vì mua lan đột biến qua mạng
Ổ nhóm do các đối tượng Hải, Nam, Sỹ mà cơ quan công an vừa triệt phá là một điển hình. Còn trong số những nạn nhân của trò lừa đảo lan đột biến, trường hợp của anh Nguyễn Văn Sự (SN 1979, trú tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) bị dính nhiều vố lừa hơn cả.
Vốn là một người chơi nghiệp dư, song thấy thiên hạ kéo nhau đi buôn lan đột biến, anh Sự lập tức tham gia. Anh Sự biết facebook Trần Văn Hiếu chào bán giống hoa lan phi điệp 5 cánh trắng Bạch tuyết. Hiếu giới thiệu là chủ vườn lan Hiếu Còi (tại cụm 6, Phúc Thịnh, Hoài Đức, Hà Nội). Anh Sự trực tiếp tới xem cây, hỏi nguồn gốc thì được Hiếu cho biết nguồn gốc giò lan này mua từ nhà vườn Bảo Nam, cây đã có hoa. Tin tưởng Hiếu, anh Sự mua 1 kie lan 5CT Bạch Tuyết dài 8,5cm với giá 245 triệu đồng.
Tiếp đó, Hiếu giới thiệu cho anh Sự 2 kie lan đột biến Hồng Á Hậu dài 10cm bán với giá 500 triệu đồng. Sau đó, Hiếu trực tiếp mang lan xuống nhà anh Sự để bán, quay video làm bằng chứng giao dịch.
Qua Trần Văn Hiếu giới thiệu, anh Sự mua của Trần Văn Tuyến, Trần Văn Đạt (huyện Yên Thủy, Hòa Bình) 15 kie lan đột biến các loại Bạch Tuyết, Hồng Á Hậu, Hồng Yên Thủy, Hồng Minh Châu với tổng số tiền gần 2,5 tỷ đồng. Các đối tượng cam kết nếu không đúng chủng loại lan sẽ hoàn trả lại số tiền gốc và chi phí cho anh Sự. Nhưng sau khi giao dịch, khổ chủ về kiểm tra lại nguồn gốc, thấy không đúng như thỏa thuận đã gọi điện thoại cho người bán để hoàn trả lại cây, nhận lại tiền nhưng đều không liên lạc được.
Dù bị lừa mấy vố đau nhưng anh Sự vẫn chưa tỉnh. Cuối năm 2020, anh Sự mua 26 kie lan đột biến của Lê Bích Du (trú tại huyện Long Thành, Đồng Nai) với tổng số tiền hơn 3,3 tỷ đồng. Ngoài ra anh Sự còn mua lan đột biến của nhiều nhà vườn khác, tổng số tiền anh này bỏ ra lên đến gần 10 tỷ đồng.
Khi phát hiện ra mình bị lừa mua lan đểu, anh Sự đã tìm đến các nhà vườn để trả cây, đòi tiền nhưng các đối tượng đều đã cao chạy xa bay, khóa tài khoản facebook, tắt điện thoại liên lạc… Tìm hiểu kỹ anh mới biết, hầu hết các đối tượng đều đi thuê vườn để giao dịch lan, đến khi đã chiếm đoạt được tiền của nạn nhân, các đối tượng đều bỏ trốn, chỉ còn lại "vườn không giàn trống".
Khi bắt đầu chơi lan, cứ chủ vườn này cho số điện thoại của vườn kia xác nhận với anh Sự là kie lan đột biến này chính xác được xuất ra từ nhà vườn đó. Hiện có cây mẹ đang ra hoa làm bằng chứng. Nhưng sau đó, tìm hiểu anh Sự mới "ngã ngửa", tất cả những người trên đều là một nhóm. Họ đã họp bàn, thống nhất với nhau từ trước, bị hại trở thành quả bóng bị chuyền hết chỗ này sang chỗ khác.
Bài học cho những ai muốn "giàu xổi"
Theo Thiếu tá Bùi Ngọc Ánh, Đội trưởng Đội cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy - Công an huyện Yên Thủy (Hòa Bình) thời gian gần đây, Công an huyện liên tiếp nhận được nhiều đơn trình báo lừa đảo bán giống lan đột biến.
Qua xác minh, cơ quan công an phát hiện các đối tượng sử dụng cùng thủ đoạn là thuê đất dựng nhà trồng lan, sau đó sử dụng mạng xã hội liên tục phát tin quảng bá, lôi kéo người đến mua bán giao dịch lan với giá cao. Sau khi nhận tiền, các đối tượng này bỏ vườn, đi khỏi địa phương, khiến công tác điều tra, xác minh gặp nhiều khó khăn.
Đánh vào lòng tham của người chơi lan, các đối tượng thổi lên hàng tỷ, hàng chục tỷ cho một kie lan. |
Một chỉ huy Đội điều tra tổng hợp (Công an huyện Hoài Đức) chia sẻ, thời gian gần đây, đơn vị này đang tiếp nhận nhiều đơn tố giác lừa đảo trong các giao dịch mua bán lan đột biến. Tổng số tiền các nạn nhân bị chiếm đoạt trên 6,3 tỉ đồng.
Qua xác minh, toàn bộ vườn lan nạn nhân đến giao dịch chỉ là nhà đi thuê. Những người tham gia trong các giao dịch chỉ quen biết qua Facebook nên không hề biết tên thật, địa chỉ thật của người bán để tố giác.
Đầu tháng 6-2021, UBND TP Hà Nội cũng đã đưa ra lời cảnh báo về nạn lừa đảo mua bán lan đột biến sau khi các đơn vị chức năng thuộc Công an TP Hà Nội đã phát hiện, tiếp nhận hàng chục đơn tố giác, tin báo của quần chúng nhân dân về các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua giao dịch, mua bán hoa lan đột biến gen.
Hầu hết các giao dịch mua bán, chuyển nhượng lan đột biến diễn ra tự phát, chủ yếu dựa vào cam kết, thỏa thuận miệng giữa các cá nhân (không có đăng ký kinh doanh, không kê khai thuế), không có hợp đồng, hóa đơn chứng từ, giấy tờ giao nhận… dẫn đến khó khăn trong việc xác minh bản chất giao dịch mua bán, chuyển nhượng lan đột biến trong công tác quản lý thuế, công tác quản lý đối với chủ vườn lan. Đặc biệt, giá trị hoa lan được định giá tự do, chưa có quy định pháp luật nào hướng dẫn định giá lan đột biến.
Theo đánh giá của UBND TP Hà Nội, việc giao dịch mua bán, chuyển nhượng lan đột biến diễn ra ngày càng phức tạp, số lượng gia tăng trong thời gian qua chủ yếu do sự thổi phồng về giá trị của lan đột biến, chưa có chứng minh nào về sự quý hiếm của lan đột biến. Tuy nhiên, giá trị ảo nhưng tiền thật, các nhà vườn "thổi giá" quá mức nhằm tạo ra sức hấp dẫn lớn, thu hút đầu tư kinh doanh hơn là để chơi lan chuyên nghiệp, tiềm ẩn nguy cơ bị các đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lừa dối khách hàng. Chính vì thế, người dân nên trang bị đủ kiến thức, kinh nghiệm khi tham gia thị trường lan đột biến, tránh trở thành miếng mồi cho bọn lừa đảo.
Thủ đoạn của các đối tượng là thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo… rao bán lan đột biến. Sau khi thỏa thuận (thường là thỏa thuận miệng hoặc nhắn tin trên Facebook, Zalo) về giá mua bán và địa điểm giao dịch, người mua mang cây lan (chưa nở) về tự chăm sóc hoặc gửi lại vườn lan của người bán để nhờ chăm sóc. Sau một thời gian chăm sóc, cây lan nở ra không đúng chủng loại đã giới thiệu, thỏa thuận ban đầu nên người mua liên hệ, tìm gặp người bán để đòi bồi thường thì không liên lạc được hoặc người bán không có khả năng trả lại tiền… |