Sống trong vùng phong tỏa

Thứ Năm, 03/06/2021, 13:47
Theo quyết định của UBND TP Hồ Chí Minh, Quận Gò Vấp và Phường Thạnh Lộc (Quận 12) phải thực hiện giãn cách theo chỉ thị số 16 trong vòng 15 ngày, từ 0h ngày 31-5. Những cảm xúc hỗn độn đan xen, người bình tĩnh, kẻ lo lắng, hồi hộp... Âu cũng là lẽ thường trước nhịp sống thay đổi khi lần đầu ở trong vùng phong tỏa.

Những ngày khó quên

Bà Đặng Thị Kim Thuận (56 tuổi, ngụ đường Phan Huy Ích, P.12, Q. Gò Vấp) chia sẻ, trong cuộc đời của bà, dù đã trải qua thời kỳ chiến tranh cùng vô vàn biến cố, cũng chưa bao giờ có cảm giác đặc biệt như ngày đầu tiên sống trong vùng phong tỏa bởi dịch bệnh COVID -19.

Ngay từ sáng sớm, con hẻm 208 đường Phan Huy Ích không một bóng người. Toàn bộ nhà dân đều đóng kín các cửa, cả cửa ban công lẫn trên sân thượng. Bà Thuận bảo, mặc dù chính quyền không yêu cầu phải cách ly nghiêm ngặt như thế nhưng vì sự an nguy của gia đình và những người xung quanh, không ai bảo ai, mọi người dân trong con hẻm 208 vẫn tự nguyện thực hiện phòng dịch một cách rất nghiêm túc.

Chốt kiểm soát gần cầu Trường Đai, nơi giáp ranh quận Gò Vấp và quận 12, sáng 31-5.

Từ vài ngày trước, cảm nhận được tình hình dịch bệnh sẽ có chiều hướng xấu đi, bà con khu phố đã rục rịch đi mua sắm đồ dùng sinh hoạt. Hiện, trong gian bếp nhà bà Thuận, đồ ăn thức uống có thể dùng đủ trong vòng 1 tháng. Con gái bà Thuận làm việc tại Bệnh viện Bình Dân (Q.3) từ 2 tuần nay không về nhà do phải trực tuyến đầu chống dịch. Lệnh phong tỏa được ban bố, cô con gái đành trở về căn nhà khác của gia đình ở Q.7 sống một mình. Gần một tháng này, hai mẹ con bà Thuận chỉ có thể nói chuyện với nhau qua điện thoại.

Liên quan đến ổ dịch Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, sáng 29-5, Q. Gò Vấp tạm thời phong tỏa một phần hẻm 80/59 đường Dương Quảng Hàm vì có ca nghi nhiễm COVID-19. Các ban, ngành, đoàn thể phường 5 vận động người dân trong khu vực phong tỏa không ra khỏi nhà, đeo khẩu trang và thực hiện theo hướng dẫn của ngành y tế. Ngoài ra, Hội Liên hiệp phụ nữ phường cũng tích cực vận động các mạnh thường quân chung tay hỗ trợ nhu yếu phẩm cho các hộ dân tại đây trong thời gian phong tỏa.

Nghe tin hẻm nhà bị phong tỏa, chị Lê Thị Tâm đang đi chợ đầu mối Thủ Đức lấy hàng về bán đã phải bỏ dở phiên chợ để trở về nhà lo cho hai đứa con và cha mẹ già. 2 sọt rau quả gần 30 kg, chị Lan mang về chất đầy tủ lạnh, số còn lại chị phân phát cho bà con láng giềng. Cha mẹ chị Lan năm nay ngoài 70 tuổi, vừa từ Đắk Lắk xuống chơi với hai cháu được 1 tuần. Dự định của ông bà chỉ chơi 2 tuần là về để chăm sóc vườn cà phê, ai ngờ người tính không bằng trời tính.

Mẹ chị Lan rầu rĩ cả ngày, cứ ngồi bó gối mà than trách con virus gì mà ác thế, lây lan gì mà ghê quá. Bà không ngủ được vì lo cho đàn gà không ai chăm sóc, lo vườn cà phê héo hon vì không được tưới tắm. Chị Lan phải gọi điện cho bà chị dâu ở Đắk Nông xuống trông nhà giùm để làm an lòng cha mẹ. “Bố mẹ tôi lần đầu tiên vào thành phố chơi, tính đi thăm thú vài nơi mà chưa thực hiện được thì bị phong tỏa. Bây giờ, thằng con út của ông bà ở Tp. Thủ Đức muốn lên thăm bố mẹ cũng chịu”, chị Lan cho biết. 

Đường phố không một bóng người trong ngày đầu phong tỏa.

Dịch bệnh lần này phức tạp và nguy hiểm nhất từ trước đến nay, người dân khu vực phong tỏa nói riêng và toàn TP. Hồ Chí Minh nói chung đều ý thức rất rõ điều đó. Những ngày này, bà Nguyễn Thị Hàn (55 tuổi, quê Bình Định) không thể ra ngoài đi bán vé số được nhưng trong căn phòng trọ của bà, gạo và mì tôm không thiếu.

Đêm 30-5, trước khi Q. Gò Vấp phong tỏa, bà Hàn bất ngờ được nhóm thiện nguyện "Sài Gòn yêu thương" mang tới tận phòng trọ tặng một thùng mì tôm, 10kg gạo, dầu ăn, bột ngọt cùng 1 triệu đồng tiền mặt. Số lương thực đó, bà Hàn có thể ăn đủ cho 15 ngày phong tỏa. Gọi điện về nhà cho chồng, bà Hàn rưng rưng nước mắt: “Ông không phải lo cho tôi đâu, ở đây tôi vẫn sống tốt, người ta cho tôi nhiều thứ lắm”.

Hàng xóm và là đồng hương của bà Hàn là gia đình anh Nguyễn Tiến Long (45 tuổi). Anh Long làm nghề chạy xe ba gác, còn vợ đi buôn ve chai. Họ có hai đứa con nhỏ, chưa kịp gửi về quê thì dịch ập tới. Cái ăn cái mặc hằng ngày đều phụ thuộc vào công việc lao động của hai vợ chồng, nay phải ngừng lại, anh Long cứ thẫn thờ, ngơ ngác nhìn ra con hẻm vắng ngắt tiếng còi xe. Chị vợ thì rũ rượi, bơ phờ như vừa ốm dậy.

11h đêm ngày 30-5, có tiếng gõ cửa dồn dập, vợ chồng anh Long giật mình, không biết chuyện gì nữa đây. Những nụ cười thật tươi xuất hiện trước cánh cửa phòng trọ, 3 bạn tình nguyện viên của nhóm "Sài Gòn yêu thương" khệ nệ ôm mì tôm và gạo tới tặng. Món quà như liều thuốc an thần, đã xóa tan nỗi lo của anh Long và sự buồn khổ của chị vợ. Suốt đêm, anh Long không ngủ được, cứ nghĩ đến tấm lòng của con người giữa lúc hoạn nạn mà rưng rưng. Sáng sớm, anh gọi cho chúng tôi, vui mừng kể rằng, vừa được chủ nhà thông báo giảm cho một nửa tiền thuê phòng.

Lực lượng chức năng canh gác trước hàng rào chắn khu vực phong tỏa.

Mỗi người cùng nâng cao ý thức để sớm đẩy lùi dịch bệnh

Một điểm phong tỏa không kém phần nóng bỏng là phường Thạnh Lộc (Q.12). Chiều tối 30-5, dù chưa đến thời điểm phong tỏa nhưng nhiều tuyến đường ở Thạnh Lộc như Hà Huy Giáp, quốc lộ 1, đường Thạnh Lộc 18,... trở nên vắng vẻ khác thường. Trước thời điểm cùng với Q. Gò Vấp bị phong tỏa, nhiều người dân Thạnh Lộc cho biết đang hồi hộp, lo lắng. Không biết 15 ngày tới sẽ như thế nào. Tuy nhiên, nhiều người nói họ sẽ tuân thủ tốt quy định của chính quyền để sớm vượt qua đợt dịch COVID-19 này.

Ngay trong đêm, gia đình ông Hoàng Văn Quyền (65 tuổi) đã cấp tập dọn dẹp quán phở, đóng cửa nghỉ bán. Quán phở của ông Quyền mới khai trương được 3 tháng, khách hàng còn chưa quen thuộc thì gặp phải biến cố dịch bệnh.

Ông tâm sự: "15 ngày, chắc chắn sẽ có tổn thất nhưng bù lại, chúng tôi hỗ trợ thành phố dập tắt được dịch thì cũng xứng đáng chứ không có gì. Cứ coi như một kỳ nghỉ vậy, thời gian sẽ qua nhanh thôi". Xác định sẽ không ra khỏi nhà trong 2 tuần, vợ chồng ông Quyền đi siêu thị mua lương thực, thực phẩm và thuốc men. Hai người làm công cũng được ông Quyền cung cấp nhu yếu phẩm đầy đủ, đảm bảo sẽ không phải chịu đói một ngày nào.

Trong vùng phong tỏa, tâm lý của người dân rất hỗn độn. Có người bình tĩnh nhưng không ít người rối tắm, hoang mang, đứng trước nhiều ngã rẽ. Hai ngày trước, vợ chồng anh Nguyễn Tiến Nam (thợ sửa xe, ngụ P. Thạnh Lộc) dự định sẽ đưa hai con nhỏ về quê ở Bình Thuận. Vợ anh đã đặt vé sáng 31-5 lên đường. Công việc đã sắp xếp đâu vào đấy, chỉ chờ ngày giờ là đi. Khi có thông tin nơi ở của mình sẽ bị phong tỏa, vợ anh Nam một mực đòi cả nhà sẽ thuê một chiếc xe riêng để chạy dịch, chạy phong tỏa. Anh Nam lưỡng lự mãi, nên hay không? Khu vực này bị phong tỏa, có nghĩa mức độ lây lan của dịch bệnh cực kỳ cao. Liệu gia đình mình có an toàn? Lỡ mang mầm bệnh về quê, thì hậu quả không thể lường hết được, làm sao sống nổi với miệng lưỡi người đời. Anh Nam tâm sự hồi lâu cùng vợ. Gọi điện cho cha mẹ hai bên tham vấn và đều nhận được lời khuyên "ở lại là an toàn nhất". Vậy là, gia đình anh Nam quyết ở lại. Anh Nam nói vui rằng, biết đâu đây sẽ là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cả cuộc đời.

Người dân hối hả dọn hàng để kịp giờ phong tỏa.

Khác với tâm lý hồi hộp, lo lắng của người dân Gò Vấp, phường Thạnh Lộc (Q.12) lần đầu tiên sống trong cảnh bị phong tỏa, là sự bình tĩnh, vững vàng của cư dân khu Mả Lạng. Đây là lần thứ hai, khu vực này bị phong tỏa. Sáng 31-5, lực lượng chức năng Q.1 phối hợp với phường Nguyễn Cư Trinh tiến hành lập hàng rào chắn, phong tỏa một con hẻm khu Mả Lạng (phường Nguyễn Cư Trinh) vì liên quan đến ca mắc COVID-19. Theo Trung tâm Y tế Q. 1, ca mắc mới là nữ. Kết quả điều tra dịch tễ cho thấy ca nhiễm này là F1 (mẹ ruột) của một ca dương tính với COVID-19 ở Q. Tân Phú (F0) đã được công bố trước đó.

Như một phản xạ quen thuộc, vừa nghe tin bị phong tỏa, bà Lê Thị Băng Tâm đã nhanh chóng đẩy xe nước ép đang bán ở đầu hẻm trở về nhà để thực hiện cách ly. Bà Tâm vui vẻ và không có bất cứ nỗi buồn nào. Bà cho biết, đây là tình hình chung, cả thành phố phải chung sức đồng lòng chống dịch. "Chúng tôi đã từng sống trong vùng phong tỏa xuyên mùa tết, chỉ là không được ra ngoài, còn lại, mọi thứ đều bình thường. Ở đây, người có của vẫn thường cho người nghèo, lá rách ít đùm lá rách nhiều. Dìu nhau đi qua mùa dịch", bà Tâm chia sẻ.

Sáng 31-5, ông Nguyễn Trí Dũng - Chủ tịch UBND Q. Gò Vấp cho biết, nguyên tắc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 là bảo đảm giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng. Người dân được ra ngoài khi làm tại các nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm, xăng, dầu, điện, nước, nhiên liệu,...) Hoặc làm tại các cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ...

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND Q. Gò Vấp bày tỏ lo lắng, hiện nay tình hình dịch rất căng thẳng, có khả năng lây lan cao, do vậy khuyến cáo những người dân được ra ngoài đi làm cũng nên cân nhắc việc đi làm. Nếu có thể làm việc tại nhà thì nên làm như vậy, hạn chế ra ngoài.

Trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không tập trung quá 2 người trở lên tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2m.

Ngọc Thiện
.
.